Nghĩ về Đà Nẵng giai đoạn từ năm 1888-1945

12.08.2021
Bùi Văn Tiếng
Năm Mậu Tý 1888 là dấu mốc đáng kể trong lịch sử vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang. Với dấu mốc này, lần đầu tiên Đà Nẵng xuất hiện trên bản đồ quốc gia và quốc tế với tư cách một đơn vị hành chính chứ không chỉ một cửa biển - mặc dù đi kèm theo đó là vết nhơ rất đậm về chủ quyền - trở thành nhượng địa của Pháp hơn 6 thập niên.

Nghĩ về Đà Nẵng giai đoạn từ năm 1888-1945

Đường hầm tàu lửa Hải Vân Đà Nẵng - Huế được hoàn thành vào năm 1906 với sức người là chính. (Ảnh tư liệu)

1. Theo thứ tự thời gian, có 3 sự kiện ghi nhận dấu mốc Mậu Tý 1888: Một là theo yêu cầu của Khâm sứ Trung Kỳ Séraphin Hector, Chánh sứ Nha Hải phòng Quảng Nam Thái Văn Trung đại diện Nam triều đã ký vào bản đồ vẽ phần đất của Đà Nẵng dự định cắt ra làm nhượng địa của Pháp; hai là vua Đồng Khánh ký Dụ số 576 ngày thứ 26 tháng thứ tám niên hiệu Đồng Khánh thứ ba (ngày 1-10-1888) về việc lập thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Tourane thành nhượng địa Pháp; ba là Toàn quyền Đông Dương Étienne Antoine Guillaume Richaud ký Nghị định ngày 3-10-1888 chuẩn y Dụ số 576(1).

Về chủ quyền, căn cứ Dụ số 576 của vua Đồng Khánh và Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, Tourane năm 1888 bao gồm địa bàn 5 xã Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây thuộc tổng Bình Thái Hạ, huyện Hòa Vang bên tả ngạn sông Hàn với diện tích 10.000ha đã trở thành nhượng địa của Pháp, cùng thể chế trực trị như Nam Kỳ, không còn thuộc quyền quản lý của Nam triều, nhưng nhìn chung nhượng địa này vẫn đang trong giai đoạn bàn giao giữa Nam triều và Phủ Toàn quyền Đông Dương - thành phố Tourane vẫn chưa thực sự được khai sinh.

Đến ngày 24-5-1889, Toàn quyền Đông Dương Étienne Antoine Guillaume Richaud mới ký nghị định chính thức thành lập Tourane là thành phố cấp II/municipalité de deuxième classe (đương thời là thành phố cấp II thứ hai ở Việt Nam - sau Chợ Lớn được thành lập theo Nghị định ngày 20-10-1879 của Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Villiers).

Địa giới hành chính của Tourane năm 1889 tiếp tục được mở rộng lần thứ nhất với Dụ ngày 27-9-1897 của vua Thành Thái nhượng tiếp các xã An Hải, Cổ Mân và làng Vĩnh Yên/Vĩnh An của xã Mân Quang thuộc huyện Diên Phước bên hữu ngạn sông Hàn(2); lần thứ hai với Dụ ngày 15-1-1901 cũng của vua Thành Thái nhượng thêm 8 xã thuộc huyện Hòa Vang bên tả ngạn sông Hàn (Xuân Đán, Thạc Gián, Yên Khê, Liên Trì, Bình Thuận, Xuân Hòa, Thanh Khê, Đông Hà Khê) và 3 xã thuộc huyện Diên Phước bên hữu ngạn sông Hàn (Mỹ Khê, Tân Thái, Nại Hiên Đông) cùng với phần còn lại của xã Mân Quang (trừ Vĩnh Yên đã nhượng năm 1897) - 10 ngày sau, Toàn quyền Paul Doumer ban hành Sắc lệnh số 132 ngày 26-1-1901 phê chuẩn Dụ ngày 15-1-1901 của vua Thành Thái; đồng thời được nâng cấp với Nghị định ngày 19-9-1905 của Toàn quyền Đông Dương Jean-Baptiste-Paul Beau về việc tách thành phố Tourane khỏi tỉnh Quảng Nam, thành một đơn vị hành chính độc lập, gồm 19 xã. Điều đáng chú ý là trong tấm bản đồ Tourane phát hành vào tháng 11-1898 tại Hà Nội, Sở Địa dư Đông Dương/Service Géographique de l'Indochine đã đưa quần đảo Hoàng Sa vào địa phận thành phố Tourane(3).

So với huyện Diên Phước phía hữu ngạn sông Hàn, huyện Hòa Vang bên tả ngạn sông Hàn chịu tác động nhiều hơn trong quá trình diên cách Tourane. Ngoài Dụ của vua Đồng Khánh và Dụ của vua Thành Thái sáp nhập 13 xã của Hòa Vang để thành lập và mở rộng Tourane, còn có Nghị định ngày 16-1-1900 của Toàn quyền Paul Doumer tách Hòa Vang ra khỏi tỉnh Quảng Nam: “Năm 1900, tách thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang khỏi tỉnh Quảng Nam đặt dưới quyền Đốc lý thành phố Đà Nẵng” (AGIF, 1901, trang 453). Ngoài ra “năm 1901, Dụ của vua Thành Thái được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y về việc mở rộng ranh giới nhượng địa Pháp ở thành phố Đà Nẵng” (Dụ ngày 15-1-1901). Tuy nhiên, “năm 1905, trả lại huyện Hòa Vang về tỉnh Quảng Nam”(4).

2. Tổng quan tình hình Tourane khoảng hơn nửa thế kỷ kể từ ngày trở thành nhượng địa của Pháp, có thể thấy thành phố bên sông Hàn có nhiều thay đổi theo hai dạng: Dạng thứ nhất là những lĩnh vực trước đã có, sang giai đoạn này phát triển nhanh hơn, mạnh hơn; dạng thứ hai là những lĩnh vực trước chưa có, sang giai đoạn này mới bắt đầu xuất hiện và phát triển.

Về dạng thứ nhất, có thể đề cập trước tiên về đường phố và phương tiện đi lại trên đường phố. Tourane trước năm 1888 cũng có đường bộ nhưng chủ yếu là đường làng, và phương tiện đi lại chủ yếu là xe do ngựa hay bò kéo. Sau năm 1888 và nhất là sau khi trở thành thành phố cấp II vào năm 1889, Tourane dần hình thành một hệ thống đường phố lát đá dăm được quy hoạch thành các trục dọc/trục ngang. Bulletin administratif de l' Annam 1904, trang 892 đưa một thông tin liên quan: “Theo đề nghị của Khâm sứ Trung Kỳ, ngày 26-7-1904, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định trích trong ngân sách dự phòng của Trung Kỳ một khoản tiền 50.000$ cho việc xây dựng bến tàu và làm đường cho thành phố Tourane”.

Trong bài viết Tourane et le Centre Annam đăng trên Bulletin de la Société Géologique de France xuất bản ở Paris vào năm 1891, Công sứ Nam Định Antoine Jules Gouin mô tả sự thay đổi vượt bậc của Tourane: “Nhà từ đất mọc lên như nấm; một kè được xây dựng và các tàu vận chuyển hàng hóa từ vịnh vào cảng. Một đại lộ song song với dòng sông, hai bên có nhà xây bằng gạch” - như vậy muộn nhất là năm 1891, con đường sẽ mang tên Quai Courbet đã được xây dựng thành một avenue/đại lộ.

Điều trước kia chưa từng có nữa là tất cả các đường phố Tourane đều được đặt tên theo địa danh hoặc nhân danh. Phương tiện đi lại trên đường phố Tourane vẫn là xe kéo nhưng không chỉ xe do ngựa hay bò kéo mà chủ yếu là xe do… người kéo, đặc biệt là sự xuất hiện của ô-tô.

Từng là tiền cảng của đô thị cổ Hội An thông qua cửa Hàn và sông Cổ Cò, Tourane không hề xa lạ với tàu thuyền - kể cả tàu vỏ sắt, cũng như với giao thông đường thủy - kể cả vận tải hàng hải quốc tế. Nhưng ở một thành phố cảng biển đang phấn đấu thành trung tâm hàng hải hiện đại như Tourane, cần phải có chi nhánh của những công ty vận tải đường biển tầm cỡ như Công ty Vận tải Hàng hải (Messageries Maritimes) còn được gọi là Hãng Đầu Ngựa, Công ty chuyên chở tổng hợp (Chargeurs réunis), Công ty cho thuê tàu kéo Đông Dương (Affréteurs Indochinois), Công ty Vận tải Duyên hải Trung Kỳ (Compagnie Côtière de L’Annam)… Cảng Tourane cũng là nơi đón/trả hành khách trên tuyến vận tải biển xuyên Việt Hải Phòng - Tourane - Quy Nhơn - Sài Gòn. Do vậy, năm 1911, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Huế đã đi Tourane để đáp tàu thủy vào Sài Gòn, ngược lại năm 1932 vua Bảo Đại sau mười năm du học bên Pháp đã về tới Sài Gòn và đáp tàu thủy ra Tourane rồi đi Huế bằng xe lửa…

Dạng thứ hai là có những lĩnh vực trước chưa có, sang giai đoạn này mới bắt đầu xuất hiện và phát triển, chẳng hạn như vận tải đường sắt và đường hàng không; hay như ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại… Với cư dân bản địa Tourane đương thời, xe hơi rất lạ nhưng xe lửa còn lạ hơn nhiều. Từ đầu thế kỷ XX, Tourane sớm phát triển đường sắt theo hai hướng - một là kết nối vào hệ thống đường sắt xuyên Việt và hai là phục vụ giao thương với Hội An.

Về hướng thứ nhất, có thể ghi nhận Ga Lớn Tourane/Gare principale de Tourane được xây dựng vào năm 1905 trên đường Lagrie (nay là đường Hải Phòng), sau đó Ga Chợ Hàn/Gare de Tourane-Marché cũng được hình thành trên đường Quai Courbet (nay là đường Bạch Đằng) nối vào Ga Lớn.

Khi thông tuyến đường sắt Tourane - Huế vào năm 1906, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của cầu Nam Ô và đặc biệt là hệ thống hầm đường sắt xuyên núi Hải Vân; và tương tự là vai trò của cầu Đỏ khi thông tuyến đường sắt Tourane - Nha Trang vào năm 1936. Về hướng thứ hai, có thể kể đến tuyến đường sắt nối từ đảo Quan Sát/Observatoire ở Sơn Trà đến cầu Hội An do Công ty vô danh Bến tàu và Than Tourane/Société anonyme des Docks et Houillères Tourane xây dựng, hoàn thành năm 1907 nhưng mãi sau này mới được đưa vào khai thác và đến năm 1915 thì ngừng hoạt động hoàn toàn.

Đối với người dân bản địa Tourane, thời điểm đầu thế kỷ XX, xe lửa đã rất lạ nhưng dẫu sao vẫn là thứ chạy được trên mặt đất; còn máy bay mới thực sự là cổ lai chưa từng thấy. Lần đầu tiên người dân bản địa Tourane được tận mục sở thị máy bay cất cánh từ mặt đất và bay lên bầu trời là vào năm 1913, tại bãi cát chợ Lầu Đèn ở xã Thạch Thang (nay thuộc phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), khi phi công Marc Pourpe lái chiếc máy bay hiệu Blériot XI biểu diễn trên bầu trời Tourane (một năm sau, khi Đại chiến Thế giới lần thứ nhất vừa mới khởi đầu, phi công Marc Pourpe đã tử trận bên Pháp và được nhà cầm quyền Pháp vinh danh qua việc đặt tên Marc Pourpe cho một con đường lớn ở Tourane, nay là đường Phan Châu Trinh). Tuy nhiên, phải đến đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, sân bay Tourane mới được khởi công xây dựng và trở thành một sân bay dân sự “từ một phần đất thuộc làng Nghi An tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1935, ở đây đã có phòng liên lạc điện đài, kho xăng dầu cùng các phụ tùng cơ bản để sửa chữa, thay thế; năm 1939, có thêm các nhà kho, phòng làm việc, nhà ga, chỗ ở cho hành khách. Từ sân bay dân dụng, đến năm 1940, khi chiếm đóng Đông Dương, Nhật Bản sử dụng sân bay Tourane làm căn cứ quân sự của Tập đoàn Không quân 3 ở mặt trận khu vực Đông Nam Á”(5). Ngoài ra, Nhật Bản còn hình thành thêm một sân bay mới gọi là Trảng Nhật ở Điện Bàn - nay thuộc xã Điện Hòa và Điện Thắng Trung (Trảng Nhật giờ không còn nhưng tên gọi Trảng Nhật vẫn đang được dùng để đặt tên cho một khu công nghiệp lớn)…  

B.V.T

------------------------------
(1) Moniteur du Protectorat de l'Annam et du Tonkin, 1888, trang 604. 
(2) Nguyễn Quang Trung Tiến, 
Địa phận hành chính thành phố Đà Nẵng giai đoạn mới thành lập (1889-1900), Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng số 17, trang 12, 13.
(3) Dương Thanh Mừng, 
Hoàng Sa qua tấm bản đồ Đà Nẵng năm 1898, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 29-1-2020.
(4) Nguyễn Thu Hoài, 
Lịch sử hình thành tỉnh Quảng Nam qua tài liệu lưu trữ, Trang tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
(5) Nguyễn Quang Trung Tiến, 
Sân bay Đà Nẵng “cất cánh”, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 30-9-2010.