Hành trình “dệt gấm thêu hoa”

21.02.2024
Được phát triển từ năm 1988, tính đến nay, đã 35 năm trôi qua, Nghệ thuật múa đương đại ở Việt Nam kể từ những điệu múa sơ khai, đã có bước tiến nhanh và xa. Những chuyển động trong nội tại của múa đương đại đã đưa nghệ thuật múa lên tầm cao mới. Nhiều tác phẩm múa của nghệ sĩ Việt Nam đã được các đơn vị nghệ thuật nước ngoài đề nghị mua lại bản quyền, được nồng nhiệt đón nhận tại các kỳ liên hoan khu vực và quốc tế, cho thấy múa đương đại của Việt Nam đã tiệm cận với thế giới bằng ngôn ngữ cởi mở, không có giới hạn của nghệ thuật múa.

Hành trình “dệt gấm thêu hoa”

Tác phẩm “Lụa mây” của Nguyễn Trang Linh, giải B múa đương đại Cuộc thi tài năng múa toàn quốc 2023.

35 năm sau khi được du nhập vào Việt Nam và sau gần ba năm trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nghệ thuật múa đã sôi động trở lại trong năm 2023 với nhiều hoạt động quảng bá và tìm kiếm những tài năng múa trẻ. Có thể điểm qua hai sự kiện nổi bật của nghệ thuật Múa diễn ra trong năm 2023 là: Tuần lễ múa Việt Nam; Cuộc thi tài năng múa toàn quốc 2023. Không chỉ dừng lại ở sự kiện sinh hoạt chuyên môn, khuấy động đời sống múa vốn còn trầm lắng, hai sự kiện trên còn tạo dấu ấn và để lại nhiều cảm xúc không chỉ cho những người trong cuộc mà còn cho cả công chúng đã và đang dành tình cảm cho nghệ thuật múa. Việc chia độ tuổi, mở rộng biên độ về chủ đề đã giúp cho nghệ sĩ múa được tự do thể hiện tài năng, quan điểm sáng tạo và khả năng sử dụng các phương tiện hỗ trợ mang tính kỹ thuật như ánh sáng, âm thanh… nhằm tăng phần hấp dẫn cho tiết mục sáng tạo.

Thông thường, để có một tác phẩm nghệ thuật múa nói chung, múa đương đại nói riêng, người nghệ sĩ múa ngoài quá trình tập luyện nghiêm túc, phải hiểu rõ được ý tưởng tác phẩm hướng đến mới có thể cho ra mắt công chúng một sản phẩm múa hoàn hảo. Theo đánh giá của ban giám khảo và các nhà lý luận, phê bình, ngoài sự phô diễn về kỹ thuật, vẻ đẹp hình thể, ở hai cuộc thi nói trên những tiết mục sáng tạo đã tiệm cận gần hơn với hơi thở cuộc sống, khi có nhiều tác phẩm chứa đựng những trăn trở về thời cuộc.  

Không quá khi nói rằng, nghệ thuật múa nói chung, múa đương đại nói riêng là nền tảng để thể hiện và phản ánh những giá trị văn hóa, xã hội, và cá nhân người nghệ sĩ. Múa cũng chính là mảnh đất để người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo dựa trên những yếu tố truyền thống cho ra đời những tác phẩm mới, những trải nghiệm hết sức mới mẻ cho công chúng - người xem.

Ngoài Tuần lễ Múa Việt Nam, Cuộc thi tài năng múa toàn quốc 2023, sự trở lại của Lễ hội múa đương đại quốc tế cũng là một điểm nhấn ghi đậm dấu ấn của nghệ thuật múa trong năm 2023, với sự tham dự của hơn 40 công ty nghệ thuật quốc tế và 550 nghệ sĩ. Sự kiện đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các đại sứ quán, khán giả và các nghệ sĩ toàn cầu thông qua những chuyến lưu diễn và giao lưu văn hóa quốc tế tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam. Sự lan tỏa mạnh mẽ của Múa đương đại đã góp phần tạo ra những xu hướng thưởng thức nghệ thuật Múa hoàn toàn mới cho cả người nghệ sĩ, biên đạo và công chúng.

Theo TS. NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, khi công chúng không còn ở vị trí người xem mà còn là người nghệ sĩ, cùng hóa thân vào tác phẩm múa. Muốn làm được điều này, ngoài công tác đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa trong dàn dựng, tổ chức các hội thi, liên hoan nhằm tìm kiếm và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ kế cận, cần tập trung nhiều hơn nữa cho công tác lý luận phê bình các tác phẩm múa để từ đó khơi nguồn sáng tạo cho từng biên đạo, từng cán bộ giảng dạy và kể cả việc tạo chiều sâu cho mỗi nghệ sĩ biểu diễn vươn tới tầm cao.

Để đạt được điều này, cùng với hai sự kiện sinh hoạt chuyên môn đỉnh cao năm 2023 nói trên, theo ghi nhận từ các chuyên gia, thì hệ thống đào tạo múa nước ngoài tại Việt Nam hiện nay cũng đã đạt được những thành quả nhất định với hệ thống giáo trình tương đối đầy đủ phục vụ cho nhu cầu dạy và học, tạo ra nhiều thế hệ học sinh tài năng tiếp bước các thế hệ đi trước. Múa nước ngoài đã khẳng định được vị thế trên những nền tảng của nghệ thuật múa Việt Nam và cho đến nay tầm ảnh hưởng của múa nước ngoài là không thể phủ nhận, thu hút sự quan tâm lớn của giới trẻ, tác động mạnh mẽ đến các thể loại nhảy, múa đương đại khác.

Hiện Việt Nam có khoảng 16 cơ sở, khoa chuyên đào tạo Múa, đây chính là những cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, bổ sung lực lượng cho nghệ thuật Múa. Tuy nhiên, dù được đào tạo chính quy, bài bản thì không phải ai cũng có đam mê, nhiệt huyết để có thể vượt qua sức ép của công nghệ và các loại hình nghệ thuật khác để có thể gắn bó với nghề. Do vậy, trong đề án phát triển các loại hình nghệ thuật đặc thù có nghệ thuật Múa, để tạo động lực cho các nghệ sĩ, biên đạo múa gắn bó và sống được với nghề đã được chính phủ phê duyệt. Đây được xem là những điều kiện cần thiết, để Múa có thể tỏa sáng trong tương lai và tạo được sự liên kết giữa các môi trường, điều kiện biểu diễn thống nhất trong khu vực và quốc tế.

Tính đến thời điểm hiện tại, nghệ thuật Múa nói chung, Múa đương đại ở Việt Nam nói riêng đã và đang tạo ra những thành tựu nhất định, khi đạt được nhiều giải cao tại các kỳ liên hoan, cuộc thi Múa quốc tế, mở ra tiềm năng trở thành ngành công nghiệp không khói trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp Văn hóa tại Việt Nam. Hiện bằng tài năng, óc sáng tạo, các biên đạo, nghệ sĩ Múa cũng đã và đang kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong một tác phẩm múa nhằm tạo sự mới mẻ, ấn tượng mạnh cho người xem. Múa giờ không chỉ là những vũ đạo, khả năng thể hiện ngôn ngữ hình thể mà còn là kể một câu chuyện về nhân tình thế thái qua động tác, ngôn ngữ biểu cảm của gương mặt nghệ sĩ, chiều sâu nội tâm… nhằm kết nối và tạo cầu nối với cộng đồng. Từ đó, giúp nghệ thuật Múa nói chung, múa đương đại nói riêng trở nên gần gũi và thân thiện hơn với đông đảo người hâm mộ, góp phần tạo ra một môi trường nghệ thuật phong phú, trên hành trình dệt gấm thêu hoa của nghệ thuật Múa.

(Văn nghệ số 5+6+7/2024)