"Quảng Nam yêu thương" - Bản tình ca đất Quảng
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và tác giả bài viết tại Đại hội Đại biểu Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ VIII, ngày 9/7/2010 tại Hà Nội – ảnh Trầm Khương.
Vào những năm 2012, 2013 tác giả bài viết này may mắn nhiều lần được gặp nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Bởi ông là một trong những nhạc sĩ rất yêu mến và quan tâm đến Hội Âm nhạc Đà Nẵng, đặc biệt là trong khoảng thời gian Hội Âm nhạc Đà Nẵng phải trải qua những cung bậc thăng trầm. Cố nhạc sĩ Thái Nghĩa trong thời gian này là Chủ tịch Hội, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa và Trịnh Tuấn Khanh là Phó Chủ tịch.
Mỗi lần về quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, ông thường ghé thăm Hội Âm nhạc, Chủ tịch Hội Thái Nghĩa, các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành và nhiều nhạc sĩ yêu quí Phan Huỳnh Điểu thường mời cơm ông ở một nhà hàng cơm Việt Nam ở đường Lý Thường Kiệt Đà Nẵng. Ở đó có món canh nghêu nấu rau muống (món khoái khẩu của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu). Mỗi lần đến nhà hàng ông lại vẫy vẫy mấy cô nhân viên hỏi “hôm nay có canh nghêu rau muống không, nấu nhanh cho chú nhé!”, cũng có một vài lần ông không vui vì Hội Âm nhạc có lúc chưa thật đoàn kết, thật nhớ những cái vỗ vai của ông với nhạc sĩ Thái Nghĩa, với giọng nói nhỏ nhẹ, rất tình cảm, đôi lông mày dài bạc trắng rung rung mỗi khi ông khuyên nhủ một vài điều…
Tuy nhiên, mỗi khi được gặp ông, chuyện vui vẫn là chính, có lần ông nhắc lại tâm trạng của mình khi không có mặt trong đoàn nhạc sĩ Trung ương được Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) mời về địa phương sáng tác ca khúc[1], mong có những ca khúc “tỉnh ca” như Dáng đứng Bến Tre, Nha Trang mùa thu lại về, Thành phố Hoa phượng đỏ… Nhớ mãi những lời tâm tình của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: “Sau đó chú[2] có về thăm quê, rồi ngồi lỳ ở một phòng trọ khu vực Đống Đa gần bến cá Đà Nẵng, khoảng 3 ngày ca khúc Quảng Nam yêu thương hoàn thành… ”Không nhớ ngày nào của năm 1982 (ông nói) ca khúc Quảng Nam yêu thương được ca sĩ Thu Hiền[3] thể hiện trên đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, không ngờ được nhiều khán giả yêu thích đến thế!
Cho đến hôm nay, Quảng Nam Yêu thương tuổi đã ngoài 40 nhưng vẫn được vang lên trong các kỳ hội diễn, sự kiện, và phải nói ca khúc này mang một tâm hồn “rất Quảng”. Trong các ca khúc của Phan Huỳnh Điểu ít khi kể lể địa danh, nhưng trong ca khúc này, những địa danh của Quảng Nam được ông kể ra “ngọt như mía lùi, không hề gượng ép”. “Đất Quảng Nam đây là quê hương anh hùng, quê hương trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ… như đêm xưa trận Núi Thành từng vung sắc đường lê… quế Trà My thơm hương rừng man mác, chớ mía Điện Bàn thơm ngát mùi đường non… Duy Xuyên tiếng thoi dệt lụa nhớ chiều Hòa Vang nhìn lên Hải Vân Sơn Trà mây nhuộm nắng vàng… đêm đêm như dòng sông Hàn từng ngân tiếng hò khoan… đất Quảng Nam chưa đi mà đã nhớ!” .
Hóa biểu của ca khúc Quảng Nam yêu thương mang dấu Hb (si giáng) nhưng vào đầu khúc intro (nét nhạc dạo đầu), Phan Huỳnh Điểu đã dùng nốt si bình tạo nét giai điệu “vững chắc”, trong sáng, tự tin bằng những bước nhảy quãng 6 đúng - q6đ (mí - sòn) và quãng 7 thứ - q7t (đố - rề). Để bước vào câu nhạc đầu tiên với bước nhảy quãng 6 đúng – q6đ (sí - rề) nâng niu, hòa quyện hai câu ca dao trong một điệu hò khoan quen thuộc, “đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm, chứ rượu hồng đào chưa nhắm mà đã say”, văng vẳng đâu đây điệu ru Lý tang tít (dân ca Quảng Nam) “tàng, tít tang nòn nang tít tàng tàng…”
Hai câu hò quen thuộc hòa quyện với nét giai điệu được ông chọn làm âm hình chủ đạo cho ca khúc với những quãng nhảy gập gềnh nhưng khi hát thì rất ngọt ngào, êm dịu. “Thủ pháp xử lý quãng âm với những bước nhảy khá rộng theo phong cách nói năng như... cuốc đất, bửa củi của cư dân xứ Quảng, tác giả đã bày ngay ra một món “khai vị” vừa nghèn nghẹn vừa ngọt ngào như một... “tộ” khoai chà ngào đường. Hơn nữa, không rõ do ngẫu nhiên hay cố ý, giai điệu câu hát có phần mô phỏng đường nét của làn điệu Lý con ngựa (dân ca Nam Trung bộ)”[4], do chính nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sưu tầm, ghi âm.
Trích đoạn Lý Ngựa ô (Dân ca Nam Trung bộ, ghi âm Phan Huỳnh Điểu – Người hát Nguyễn Nho Túy)
Nét nhạc và lời ca (đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm, ‘chứ’ rượu hồng đào chưa nhắm ‘mà’ đã say) là âm hình chủ đạo của ca khúc Quảng Nam yêu thương.
Từ âm hình chủ đạo, với hình thức hai đoạn đơn vuông vắn, nét nhạc của nhạc sĩ cứ tụ nhiên bay bổng tuôn trào, các trọng âm hoặc phụ âm được nhấn nhá luân phiên do đảo phách và nghịch phách tạo thành, đan xen những dấu hóa bất thường tạo giai điệu chuyển màu sắc, gây ấn tượng, cảm như một làn điệu dân ca rất cuốn hút người nghe. Cuối lời một, ông đã khéo dùng một đoạn vocal chỉ có ba ô nhịp “ớ …ơ ơ hò” để nối tiếp cho lời hai thật tự nhiên. Ỏ đây chúng ta lại thấy phảng phất một làn điệu Hò chèo thuyền (trên sông Cái): “À ơ... Ngó lại quê mình...”. Theo nhạc sĩ Phan Văn Minh thì “giai điệu câu hò đi từ cao xuống thấp không gây hiệu ứng hướng ngoại giữa một không gian rộng lớn như vốn thường gặp trong các câu hò Nam bộ, trái lại nó lại tạo nên một cảm thức hướng nội như một lời tự sự.”
Về giai điệu chúng ta đã thấy sự biến hóa tài hoa của nhạc sĩ, vừa hiện đại, vừa dân gian, hình như trong lòng Phan Huỳnh Điểu đầy ắp những giai điệu dân ca, tự nó tuôn trào khi có cảm xúc. Chúng ta hãy để ý một chút về ca từ trong Quảng Nam yêu thương, sẽ thấy nét đặc biệt của Phan Huỳnh Điểu là: rất anh hùng ca nhưng đậm chất tình ca, không gượng ép, không gò bó "Ôi! Đất Quảng Nam, đây là quê hương anh hùng, quê hương trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ, còn bao thành tích lẫy lừng…”, cũng theo phân tích của nhạc sĩ Phan Văn Minh “cấu trúc lời ca trong ca khúc Quảng Nam Yêu thương theo phong cách Quảng Nam. Những cách diễn đạt như: sao nghe thắm đượm tình, xao xuyến trong tim mình, chân bước không đành, thơm hương rừng man mác, thơm ngát mùi đường non, chớ em nói đậm đà... vừa mộc mạc dung dị, vừa thấm đẫm nghĩa tình chân chất như con người quê Quảng”.
Câu Coda cuối bài ông lại nhắc đến tiếng Quảng “…đất Quảng Nam chưa đi mà đã nhớ, chứ em nói đậm đà, vừa gặp gỡ mà đã yêu…”. Chứ em nói đậm đà, giai điệu được lặp lại âm hình chủ đạo; tiết điệu chậm dần vừa có ý luyến tiếc, vừa có ý khẳng định về với Quảng Nam chưa gặp gỡ, chưa được làm quen, chỉ nghe tiếng nói của các cô gái đất Quảng thôi thì “vừa gặp gỡ mà đã yêu”. Có lẽ đất Điện Bàn - Quảng Nam là mảnh đất vàng đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước, trong đó có người con tài năng Âm nhạc Phan Huỳnh Điểu đặc biệt là đề tài tình ca. Với khuôn khổ bài viết này không thể liệt kê được những khúc tình ca của ông. Nhưng riêng với Quảng Nam – Đà Nẵng ông đã giành nhiều ưu ái với những ca khúc như: Đà Nẵng ơi chúng con đã về, Đà Nẵng là nỗi nhớ, Về với Sông Hàn, Hội An ai mà không nhớ, Lãng đãng chiều Phú Ninh, Hát trên sông Vu Gia, Có ai về Quảng Nam. Với Phan Huỳnh Điểu, chắc ông đã hài lòng với những khúc ca cho quê hương, dù đã mấy chục năm nhưng những bản tình ca về Đà Nẵng, Quảng Nam của ông vẫn nằm lòng trong khán giả mỗi khi đón chờ các kỳ hội diễn, sự kiện… Và nói về loại tác phẩm viết cho TỈNH CA thì ca khúc Quảng Nam Yêu thương của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không “thua kếm” gì đối với các TỈNH CA của nhiều địa phương khác. Quảng Nam yêu thương thực sự đã trở thành “Logo” của tỉnh Quảng Nam.
T.T.K
[1] Năm 1977-1978 (trong đoàn nhạc sĩ có Nguyễn Văn Tý với ca khúc Quảng Nam – Đà Nẵng nghĩa nặng ân tình, nhạc sĩ Doãn Nho với ca khúc Nhớ về anh, Dân quân tự vệ Đà Nẵng)…
[2] Khi gặp các văn nghệ sĩ Đà Đẵng, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thường xưng danh là Chú, rất thân mật.
[3] Ca sĩ Thu Hiền được phong NSƯT năm 1984, NSND năm 1993
[4] Theo NS Phan Văn Minh (báo Quảng Nam ngày 4/7/2015)