Thực trạng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật 50 năm qua

15.12.2023
Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật là hoạt động quan trọng mang tính nền tảng góp phần định hướng sự phát triển văn học, nghệ thuật, từ đó mở ra những góc nhìn, những hướng đi cần thiết cho văn học, nghệ thuật nói riêng, sự phát triển của con người Việt Nam, văn hoá Việt Nam nói chung.

Thực trạng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật 50 năm qua

"Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phải vừa bảo vệ, tôn vinh, vừa nâng tầm, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc", ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh. 

Sáng 12/12/2023, Hội thảo khoa học toàn quốc "Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo" diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, phê bình, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học.Theo ban tổ chức, hội thảo nhận được 103 bài tham luận của các nhà lý luận, phê bình văn học nghệ thuật công tác ở các cơ quan trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu; các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ; các văn nghệ sĩ, các hội văn học, nghệ thuật trung ương và địa phương. Tại hội thảo, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ đã trao đổi, thảo luận trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, khoa học, khách quan để đánh giá, khẳng định đường lối, chính sách văn hóa, văn nghệ đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước trong tiến trình xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước ta qua 50 năm đất nước thống nhất, hòa bình, đổi mới, phát triển.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính Trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương bày tỏ: Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cần sớm hoàn thành việc xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam vừa mang tính phổ cập nhân loại, vừa mang bản sắc dân tộc để phát huy vai trò của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong việc đề ra tiêu chí thẩm định là thước đo giá trị, để đồng hành cùng sáng tạo và tiếp nhận những giá trị nhân văn, tiến bộ; cổ vũ nỗ lực tìm tòi, sáng tạo nghiêm túc; đồng thời nghiêm khắc phê phán những biểu hiện thị hiếu tầm thường, dung tục, các quan điểm sai trái trong hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn nghệ.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, trong thời gian qua, đời sống văn nghệ chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Số lượng các tác phẩm lớn, có giá trị cao còn khiêm tốn; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng của đời sống tinh thần và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Những hạn chế, bất cập này cần phải được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, hiệu quả để khắc phục, điều chỉnh kịp thời.

Ông Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu: Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá khách quan 50 năm văn hóa, văn nghệ Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay, thêm một lần nữa chúng ta nhận thức rõ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước; sự đổi mới, kiên trì, linh hoạt của các cơ quan văn hóa, văn nghệ từ trung ương đến địa phương; sự nỗ lực của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ trong nước và cả ở nước ngoài. Đồng thời, từ việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, cũng đúc rút được những bài học quý giá về việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ; thái độ ứng xử đúng đắn, có lí, có tình đối với văn nghệ sĩ và tác phẩm của họ…

Tại hội thảo, các nhà văn hoá, văn nghệ sĩ, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã trao đổi thẳng thắn để làm rõ những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm về phát triển văn hoá, văn nghệ, về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật qua gần 50 năm thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện đường lối Đổi mới; phân tích, dự báo được bối cảnh mới, cơ chế tác động, yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển của văn hoá, văn nghệ và công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; từ đó, đề xuất tầm nhìn, định hướng, các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá để chấn hưng và phát triển văn hoá, văn nghệ; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà văn hoá, văn nghệ, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của đất nước trong giai đoạn mới.

GS Phong Lê nói về thực trạng phê bình văn học: Hiện tại, văn hóa phê bình theo nghĩa cổ điển đang thu hẹp lại. Giới phê bình không phải thiếu người tài. Tôi tìm thấy nhiều người tài trong các bạn trẻ, ở các báo, các trường và viện, và các cơ quan văn hóa, văn nghệ. Không phải vì sáng tác không có cái hay. Vẫn có, và ngày càng nhiều cái hay trong đội ngũ ngày càng đông các tên sách, tên người thuộc thế hệ 7X trở về sau. Với đội ngũ này, không cần đến giới phê bình họ vẫn có nhiều cách đến với người đọc khi công nghệ thông tin và văn hóa mạng làm được rất nhanh và rất rộng việc giới thiệu, quảng bá cho một tên tuổi nào đấy, không kể khi tác giả đã là một thương hiệu.

Giáo sư Trần Đình Sử phát biểu: từ năm 1975 đến nay lý luận phê bình văn học Việt Nam đã trải qua 50 năm phát triển. Nhìn lại, phân tích, tổng kết rất có ý nghĩa đối với sự phát triển tiếp theo của văn học. Quá trình đổi mới lý luận, phê bình văn học Việt Nam trong 50 năm qua có thể nhìn từ ba mặt: quan điểm chỉ đạo của Đảng; hoạt động nghiên cứu lý luận văn học của giới chuyên môn; và những vấn đề cần được quan tâm. Trong đó, giáo sư ghi nhận giới phê bình ngày càng trẻ hóa và có trình độ cao; được trang bị bởi nhiều lí thuyết mới, đem đến cho phê bình nhiều diện mạo mới; phát triển được cái mới, vứt bỏ cái lỗi thời, phát huy cái thích hợp; cởi mở tiếp nhận lý luận mới từ nước ngoài. Bên cạnh đó, giáo sư cũng nhấn mạnh, chúng ta cũng phải thừa nhận một điều, phê bình văn học hôm nay vẫn còn tình trạng chỉ để làm vui lòng nhau, ít có trình độ và chưa đưa ra được hướng đi tiếp theo.

Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng, phê bình văn học hôm nay vẫn còn tình trạng chỉ để làm vui lòng nhau, ít có trình độ và chưa đưa ra được hướng đi tiếp theo.

Ở lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến cho rằng, cần xây dựng và có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu lý luận, nhất là các công trình nghiên cứu về văn hóa, âm nhạc dân gian; cần có sự liên kết giữa Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương với các trường đại học để nghệ thuật và âm nhạc trở thành môn học giúp các nhà báo tương lai tiệm cận gần hơn với văn học, nghệ thuật, âm nhạc.

Ở lĩnh vực sân khấu, theo NSND Lê Tiến Thọ, công tác lý luận, phê bình còn đang đứng ngoài cuộc, có rất ít bài viết đánh giá chất lượng các liên hoan, cuộc thi sân khấu, rất ít ý kiến nhận xét về chất lượng giải thưởng, chất lượng công tác tổ chức,… Để giải quyết vấn đề này, theo NSND Lê Tiến Thọ, cần phải đưa ra nhận thức về sự cần thiết, phải nhận diện đánh giá, phải có tiếng nói khoa học, định hướng lại sáng tác, tổ chức lại liên hoan để hoạt động sân khấu đi vào nề nếp.

Ở lĩnh vực điện ảnh, tiến sĩ Ngô Phương Lan nhận định, sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, VHNT nói chung và điện ảnh nói riêng trải qua 3 giai đoạn là bao cấp, đổi mới và hội nhập quốc tế. Công tác lý luận, phê bình cũng gắn bó với từng giai đoạn đó và lực lượng này luôn theo sát hoạt động VHNT nước nhà; có những bài, công trình phê bình ngày càng sắc sảo, rộng khắp các diễn đàn, phương tiện đại chúng; thu hút được nhiều cây bút quan tâm, đóng góp. Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, hiện nay, VHNT phát triển theo hướng đa phương tiện nên hoạt động lý luận, phê bình cũng cần tiến tới mở rộng, nhiều góc nhìn, nhiều cách tiếp cận để truyền bá giá trị, quan điểm định hướng giá trị thẩm mỹ đến công chúng.

50 năm là khoảng thời gian cho phép để nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về những ưu điểm, kết quả, thành tựu và những hạn chế, bất cập, non kém của đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà, trong đó có công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Qua hội thảo bản thân mỗi văn nghệ sĩ, nhà phê bình, nhà khoa học và công chúng sẽ có những cái nhìn khách quan, thấu đáo hơn về thực trạng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; cũng từ đây mở ra những hướng đi mới, giải pháp mới và cả những suy ngẫm cần thiết.

(VNQĐ)