Dịch văn học - vài suy ngẫm

20.08.2024
Lê Bá Thự
Một số người nhận định dịch thuật là việc chuyển ngữ văn bản hay diễn ngôn từ ngôn ngữ gốc thành văn bản hay diễn ngôn có ý nghĩa tương đương...

Dịch văn học - vài suy ngẫm

1. Đúng và hay

Một số người nhận định dịch thuật là việc chuyển ngữ văn bản hay diễn ngôn từ ngôn ngữ gốc thành văn bản hay diễn ngôn có ý nghĩa tương đương trong ngôn ngữ dịch. Với cá nhân mình, tôi quan niệm dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên tác bằng ngôn ngữ khác. Để trở thành một dịch giả văn học, người dịch phải giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Việt và có phông văn hóa rộng.

Theo tôi, tiêu chí của dịch văn học gói gọn trong hai chữ đúng và hay. Đúng với nội dung, đúng với hình thức, đúng với văn phong của bản gốc (hoặc của tác giả). Hay là bản dịch tiếng Việt phải thuần Việt đến mức tạo cho người đọc cảm giác đây là bản gốc tiếng Việt chứ không phải là bản dịch. Đúng và hay là yêu cầu và cũng là thước đo thành công của một bản dịch. Người ta gọi người dịch hoàn hảo là người dịch “tàng hình” có lẽ là vì vậy. Tất nhiên, thông qua cách hành văn (giọng điệu), cách dùng từ, người dịch có thể lồng “cái tôi” của mình vào bản dịch. Theo tôi “Việt hóa” hoặc “bản địa hóa” phải trong tinh thần như vậy, nhưng không được đi chệch tiêu chí đúng (với bản gốc). Người dịch không được vượt khỏi cái “khung bản gốc”.

Trong dịch thuật, người dịch không thể tránh khỏi những khó khăn, vì ở vị thế thụ động. Tôi vẫn thường nói: “tác giả viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì tác giả viết”. Cho nên, người dịch phải am tường, tinh thông nhiều thứ trên đời, có như vậy thì mới mong chuyển tải đúng và hay tác phẩm mình dịch. Phông văn hóa rộng, biết nhiều, hiểu nhiều sẽ giúp người dịch tự tin trong công việc dịch thuật, tránh được những sai sót không đáng có.

2. Tôn trọng nguyên tác

Theo tôi “tôn trọng nguyên tác” là nguyên tắc bất di bất dịch trong dịch thuật. Như đã nói ở trên, bản dịch không được vượt ra khỏi cái khung bản gốc. Nếu không tôn trọng nguyên tác thì đừng gọi đó là bản dịch hay tác phẩm dịch nữa. Đây là lương tâm và trách nhiệm của người dịch, đây là yêu cầu của mỗi tác giả và đương nhiên là đòi hỏi của độc giả. Chẳng có độc giả nào lại thích đọc “bản dịch” không tôn trọng nguyên tác.

Nói chung người dịch phải trung thành với nguyên tác. Tác giả viết như thế nào mình dịch đúng như vậy, nhân vật của tác giả “nói hay” thì dịch “nói hay”, nhân vật của tác giả “nói dở” thì dịch “nói dở”… Tuy nhiên cũng có những trường hợp cần uyển chuyển trong dịch thuật miễn là vừa đảm bảo đúng tinh thần của nguyên tác vừa phù hợp với văn hóa của từng quốc gia, dân tộc. Ví như trong truyện ngắn Vườn bách thú (tập truyện Con voi, Phương Nam Book - NXB Hội Nhà văn, 2013) thay vì viết toạc móng heo như trong nguyên bản một từ tục tĩu tôi đã viết thế này: “- Đ. Mẹ ông!” Tất nhiên sử dụng từ nào, cụm từ nào còn tùy thuộc vào văn cảnh. Và việc tôn trọng nguyên tác không có nghĩa là dịch bám từng chữ một cách máy móc. Một dịch giả đã nhận xét rất chính xác rằng “dịch sát từng chữ là cách tốt nhất để dịch sai hoàn toàn”.

3. Chọn đúng và chọn trúng

Khi bắt tay vào dịch một tác phẩm người dịch phải nắm bắt được hồn cốt, văn phong của tác phẩm để có cách tiếp cận, chuyển ngữ hiệu quả nhất. Trong các tiểu thuyết và truyện ngắn Ba Lan tôi dịch có rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, phương ngữ thường chỉ người Ba Lan mới hiểu được. Vậy nên khi dịch sang tiếng Việt, tôi phải tìm cho được những câu thành ngữ, tục ngữ tương thích của Việt Nam để cho người Việt hiểu. Xin lưu ý, tương thích ở đây còn có nghĩa là phải phù hợp với văn cảnh. Trong bản dịch tiếng Việt không thể cho một nhân vật nào đó trong tiểu thuyết Ba Lan nói câu “vắng như chùa Bà Đanh” để thay thế cho một câu thành ngữ Ba Lan có ý nghĩa “vắng” tương tự. Vì việc Ba Lan có chùa Bà Đanh là hết sức vô lý. Ngoài ra, trong dịch thuật việc tra từ điển cũng phải hết sức thận trọng. Một từ trong từ điển thường có nhiều nghĩa, có khi cả chục nghĩa khác nhau, người dịch phải biết chọn nghĩa nào thích hợp nhất, đúng nhất, đắc địa nhất với văn cảnh để sử dụng, chứ không thể tra từ điển một cách máy móc, nghĩa là phải chọn từ thật đúng và thật trúng. Người dịch từng trải, hiểu nhiều, biết lắm, phông văn hóa rộng, thì càng tự tin, càng thuận lợi trong việc chọn đúng và chọn trúng như đã nói trên.

4. Sách sạch và tiêu chí chọn sách để dịch

Cụm từ “sách sạch” mới xuất hiện gần đây, thoạt nghe có vẻ lạ tai nhưng hoàn toàn có lý khi trên thị trường sách xuất hiện những cuốn sách không lành mạnh, độc hại với người đọc nhất là với các bạn đọc nhỏ tuổi. Đó là những cuốn sách có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy, không hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Tình trạng “sách bẩn” xuất hiện tràn lan, nghiêm trọng đến nỗi ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản - gần đây đã tuyên bố sẽ ráo riết kiểm duyệt các đầu sách để đảm bảo “sách sạch”, “thực phẩm sạch” cho độc giả. Có thể ví dịch giả như người nội trợ đi chợ, mua “thực phẩm” để chuẩn bị bữa “cơm sách” cho người đọc thưởng thức. Bữa “cơm sách” ấy có “ngon lành, an toàn, giàu dinh dưỡng” với độc giả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự “thông thái”, vào cái tâm, cái tầm của dịch giả. Tiêu chí chọn tác phẩm văn học để chuyển ngữ của tôi là tác phẩm hay, tôi thích và tôi cảm nhận bạn đọc của tôi cũng sẽ thích. Khi có người hỏi tại sao lại chọn dịch tiểu thuyết Quà của Chúa (Giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010) tôi đã trả lời thế này: “Vì đây là tác phẩm tôi thích, tôi thích vì tôi thấy nó độc đáo, nó độc đáo vì đề tài lạ và khó viết, khó viết mà viết rất hay, rất hay vì miêu tả nội tâm nhân vật và khai thác cái đẹp ẩn giấu bên trong cái xấu bề ngoài rất tài tình, tài tình đến độ làm chúng ta xúc động trào nước mắt, ngạc nhiên và khâm phục”. Tác phẩm hay là tác phẩm có giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật cao, để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc cho người đọc. Tất nhiên đó phải là “sách sạch”. Chọn được một cuốn sách ưng ý để dịch là người dịch đã thành công đến một nửa.

 

5. Về vấn đề dịch thơ nước ngoài

Theo dịch giả Ngu Yên, dịch truyện thường dễ hơn dịch triết học, dịch triết học thường dễ hơn dịch thơ. Dịch giả Hoàng Hưng cho rằng, thực sự thơ không có cách nào dịch nổi vì thơ là nghệ thuật ngôn từ, gắn chặt với đặc điểm của ngôn ngữ gốc nên nếu chuyển sang ngôn ngữ khác thì bài thơ coi như “chết” một nửa. Dịch giả Trần Thiện Đạo cho rằng về cơ bản dịch văn xuôi khác hẳn với dịch thơ. Dịch văn xuôi người dịch có thể không cần là nhà văn, nhưng người dịch thơ dứt khoát phải là nhà thơ. Những lời phát biểu nói trên cho thấy, dịch thơ vô cùng khó.

Tôi chia sẻ quan điểm của dịch giả Ngu Yên về dịch thơ: “Dịch thơ luôn luôn có sự đấu tranh giữa dịch theo văn hóa văn ngữ của bản gốc và dịch theo văn hóa văn ngữ của ngôn ngữ dịch. Người dịch theo tiêu chuẩn ngữ nghĩa và văn cảnh sẽ thấy bản dịch theo văn hóa có nhiều chỗ không đúng như ngôn ngữ tác giả. Ngược lại người dịch theo văn hóa dịch sẽ thấy bản dịch theo văn ngôn bản gốc là không thông suốt. Nhiều bài đọc lên cảm thấy khó cảm hoặc dở, rồi đâm ra nghi ngờ giá trị của bài thơ gốc hoặc khả năng của người dịch, trong khi chính xác hơn là nên nghi ngờ phương pháp dịch. Phương pháp dịch khác nhau đưa đến kết quả khác nhau. Chọn phương pháp dịch là quan điểm hệ trọng khi dịch một bài thơ. Có lẽ, mỗi bài thơ, mỗi thể loại thơ đòi hỏi mỗi cách dịch phù hợp. Ví dụ: Một bài thơ thuộc dạng biểu hiện, cần lối dịch nghiêng về cảm tính và thẩm mỹ. Trong khi một bài thơ trong dạng tượng trưng hoặc trừu tượng, cần lối dịch nghiêng về văn hóa. Dịch sát văn cảnh và ngữ nghĩa nếu đó là bài thơ hiện thực. Không thể nấu cơm và nấu cháo giống nhau. Dĩ nhiên, nấu xôi phải khác. Sử dụng một lề lối dịch phù hợp với bài thơ gốc, dịch giả không chỉ là người “chuyển ngữ”, họ là người biến hóa ngôn ngữ. Sẽ không có lối dịch thơ nào hoàn toàn đúng vì ngay từ đầu ai cũng biết dịch thơ là sai lầm. Nghĩa là, làm sao cho người đọc cảm nhận được cái hay, nét đẹp của bài thơ ngoại. Dịch thơ là tái tạo bài thơ gốc theo chiều hướng đó”.

Theo tôi, khi dịch thơ người dịch phải biết “liệu cơm gắp mắm”, phải nắm được hồn cốt, nội dung, bút pháp, phong cách, thể loại, nhịp điệu của bài thơ nguyên tác, để lựa chọn thể thơ hiệu quả nhất, đắc địa nhất cho bản dịch tiếng Việt của mình. Thực tế cho thấy, thể thơ tự do thường hay được các dịch giả lựa chọn cho bản dịch của mình. Tại sao lại như vậy? Chọn thể thơ tự do, người dịch có thuận lợi trong việc biểu đạt trung thành nguyên tác. Tuy nhiên, chọn thể thơ nào người dịch cũng phải tính tới việc trả cái giá “được” và “mất” cho thể thơ mình chọn. Vậy nên, như tôi vừa nói ở trên, người dịch phải “liệu cơm gắp mắm”, phải tinh tường trong việc chọn thể thơ thích hợp nhất, để bản dịch của mình được nhiều hơn mất,hiệu quả nhất, nói cách khác: đúng nhất và trúng nhất. Xin lấy một thí dụ về cái được và cái mất khi chọn thể thơ để dịch. Khi dịch Tình tuyệt vọng của Félix Arvers, Khái Hưng đã lựa chọn thể lục bát để tác phẩm dễ đi vào lòng người thay vì là một thể loại khác: Lòng ta chôn một khối tình/ Tình trong giây phút mà thành thiên thâu/ Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu/ Mà người gieo thảm như hầu không hay/ Hỡi ơi, người đó ta đây/ Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân/ Dẫu ta đi trọn đường trần/ Chuyện riêng đâu dám một lần hé môi/ Người dù ngọc nói hoa cười/ Nhìn ta như thể nhìn người không quen/ Đường đời lặng lẽ bước tiên/ Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình/ Một niềm tiết liệt đoan trinh/ Xem thơ nào biết có mình ở trong/ Lạnh lùng, lòng sẽ hỏi lòng:/ "Người đâu tả ở mấy giòng thơ đây".

Một ví dụ khác, theo dịch giả Đoàn Tử Huyến, bài thơ Đợi anh về của Tố Hữu và của Simonov là hai bài thơ khác nhau, thần thái khác nhau. Bài thơ Tố Hữu mượn ý của Simonov chứ tinh thần là khác với nguyên tác. Gọi là dịch là không đúng. Chỗ ấy nên nói lại là phỏng tác và khi phỏng tác anh có quyền đi xa nguyên tác. Về bài thơ Đợi anh về dịch giả Thúy Toàn cho rằng người đọc Việt Nam thừa nhận rằng có hàng chục bản dịch bài thơ Đợi anh về của Simonov, nhưng chẳng có bài nào khiến người ta nhớ ngoài bài của Tố Hữu, mặc dù nhiều người cho đấy là dịch khác xa với nguyên bản về tinh thần, câu chữ, nhịp điệu… Một chữ trong tiếng Nga chính xác nghĩa là “dứt khoát anh sẽ trở về” khác với Em ơi đợi anh về/ Đợi anh hoài em nhé. Thế nhưng bản dịch của Tố Hữu vẫn cứ đi vào lòng người, sống với văn học Việt Nam, với đời sống tinh thần Việt Nam. Dịch thơ khác với dịch văn xuôi chính là ở chỗ ấy. Ngay cái thể thơ mà Tố Hữu chọn là thơ năm chữ thì hình như cũng quá đạt rồi, nó thành Việt Nam rồi.

Phát biểu trên của dịch giả Thúy Toàn một lần nữa cho ta thấy, bài thơ dịch nào cũng có cái được và cái mất, rất khó toàn bích, tuỳ theo cái đích nhằm tới của mình mà người dịch chọn thể thơ tiếng Việt thích hợp nhất, hiệu quả nhất để chuyển ngữ.

(baovannghe.vn)