Vĩnh Huế gìn giữ động tác hình thể và múa hát bộ
NSƯT Vĩnh Huế ra đời, lớn lên trong gia đình làm sân khấu hát bộ. Cha là nghệ sĩ Nguyễn Vĩnh Trung, mẹ là NSND Ngô Thị Liễu, anh là NSƯT Vĩnh Phô.
Ở tuổi thiếu nhi, Vĩnh Huế đã là diễn viên trong đội hát bộ đồng ấu bên cạnh đoàn Tân Thành của NSND Nguyễn Lai. Được công chúng yêu quý trong các nhân vật Đổng Kim Lân, Đơn Hùng Tín, Châu Du, Lã Bố v.v....
Giữa những năm 50, chuyển ra miền Bắc, ở trong đội ca múa nhạc, Vĩnh Huế bắt đầu sáng tác múa, khai thác chất liệu từ múa dân tộc Việt và múa hát bộ. Đoàn nghệ thuật của vùng đất miền Nam Trung bộ được yêu cầu phải có chương trình biểu diễn gồm những thể loại ca múa nhạc, sân khấu, có nội dung yêu nước, vì hòa bình, độc lập dân tộc và nền cộng hòa dân chủ, đậm đà sắc màu dân tộc và tính chất địa phương. Vì thế hát bộ, nói vè Quảng, hát hò khoan, Sắc bùa, Bả trạo, múa bông, múa liễn, múa đèn, hát lý (thương nhau, vọng phu, năm canh, thiên thai v.v...)đã được Vĩnh Huế khai thác, nâng cao để trình diễn.
Lúc bấy giờ Vĩnh Huế sinh hoạt trong ban nghệ thuật của đoàn, gồm có Lâm Tô Lộc , Trương Đình Quang, Văn Cận, Võ Bài, Trần Hồng và trong tổ diễn viên múa với: Đặng Hùng, Tạ Minh Đức, Kim Anh, Quỳnh Hoa, Hoàng Vân, Lê Văn Phước, Phan Thị Dành.
Vĩnh Huế hiểu biết vững Sca nhạc dân tộc cổ truyền, học vững vàng âm nhạc hát bộ, câc điệu múa bông, bao gồm động tác hình thể cơ bản và múa; cách chuyển hóa, ứng dụng vào nhan vật sân khấu. Sau khi viết vài điệu múa ngắn: múa đèn hoa, múa liễn, múa soi đèn luyện kiếm, Vĩnh Huế chuyển sang sáng tác múa có tình tiết: Tuần đuốc, kịch múa Kén rể. Nhờ sự chỉ bảo của các nghệ sĩ NSND Nguyễn Nho Túy, NSND Ngô Thị Liễu, NSND Nguyễn Lai, NSND Phạm Chương, NSƯT Văn Phước Khôi, Vĩnh Huế bắt đầu viết lý luận, làm hệ thống động tác hình thể và múa hát bộ.
Năm 1957, vì sự phát triển từ kịch bài chòi lên kịch hát, những người làm nghệ thuật của ngành này thấy cần phải xây dựng phần động tác hình thể và múa cho kịch hát bài chòi.
Vĩnh Huế đã nhận trách nhiệm khai thác, sử dụng và kết hợp hài hòa múa từ hát bộ và múa dân gian vào thể loại sân khấu trẻ tuổi này.
Đầu năm 1968, tốt nghiệp đại học đạo diễn sân khấu, về đoàn ca kịch, trở thành đạo diễn chính. Vẫn còn duyên nợ với hát bộ, Vĩnh Huế tiếp tục đeo đuổi phần múa động tác hình thể và trong gần 50 năm ông đã dành cả trí tuệ, tâm hồn và thể lực cho việc khai thác và phát triển này
Trong việc dàn dựng, ông vừa nghiên cứu, vừa thực nghiệm các điệu múa, diễn xuất sân khấu ở các vở diễn về đề tài lịch sử, theo truyện cổ dân gian (Thoại Khanh – Châu Tuấn, Nguyễn Huệ, Thái Hậu Dương Vân Nga, Bà đô đốc áo đỏ, Trần Quốc Toản ra quân...). Sự đóng góp về nghệ thuật của Vĩnh Huế đáng trân trọng. Bấy giờ, dự các hội thảo và biểu diễn giới thiệu về động tác hình thể, múa hát bộ, kết hợp ca nhạc ứng dụng vào tác phẩm múa và diễn xuất, các nhà làm nghệ thuật xuất sắc như An Ba (chuyên gia Trung Quốc về hí khúc và dân ca) Giana (nhà chỉ đạo nghệ thuật múa balet Nga), Kim Tế Hoàn (nhà biên đạo múa Triều Tiên), Xlavixki (đạo diễn sân khấu Xlôvakia) v.v..., từ cách nhìn nhận đúng đắn, khách quan, đều đánh giá cao phần lý luận và cách đưa hệ thống múa này vào sân khấu. Vĩnh Huế theo dõi, biên soạn giáo trình, giáo án, dạy hệ thống động tác và múa hình thể này cho học sinh và diễn viên, ứng dụng cho phần động tác hình thể của diễn viên kịch hát bài chòi.
Từ hệ thống động tác hình thể và múa cổ điển đó, giảng viên khoa múa dân tộc Việt Trường múa Việt Nam khai thác, thực nghiệm giảng dạy và ứng dụng vào sáng tác. Từ đây, với các đoàn ca múa nhạc nhân dân và quân đội, múa cổ điển trong nghệ thuật hát bộ được phát huy trên miền Bắc. Nhiều nhà biên đạo múa sử dụng chất liệu ngôn ngữ múa hát bộ vào tác phẩm của mình, đặc biệt thích hợp với tính chất bi tráng, hào hùng.
Sau tháng 5-1975, trên đất miền Trung, có 4 đoàn kịch hát bài chòi. Nhưng, nhiều chỉ đạo nghệ thuật và đạo diễn (số đông là được mời từ nơi khác đến), đã lãng quên hoặc vì không có khả năng xử lý động tác hình thể và múa trong vở diễn (do đó, biến kịch hát bài chòi thành thể loại kịch nói pha ca bài chòi).
Nhận biết tình hình trên, Vĩnh Huế lo gìn giữ, chắt chiu vốn liếng nghệ thuật của người xưa, cứ chờ đến một lúc nào đấy, người ta sẽ phải cần đến.
Chú trọng tay nghề đạo diễn của mình, anh đã dàn dựng Nỗi đau hạnh phúc (đoàn kịch nói), Đôi mắt biên cương (đoàn ca kịch) Trưng Vương, Võ Ngụy Vương, Lộ Địch dâng gươm (đoàn hát bộ), Thái hậu Dương Vân Nga, Thủ Thiệm ở Chợ Được (Sân khấu nhỏ), vào miền Nam Trung Bộ, làm các vở diễn Dương Vân Nga (đoàn ca kịch Phú Khánh), Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga (đoàn ca kịch Thuận Hải); ra Huế, dạy và dựng cho đoàn hát múa truyền thống hai vở tuồng hát bộ: Cha con người hát rong, Tiếng hát trong phủ chúa.
Tiếp nhận di sản về lối hóa trang, kẻ mặt hát bộ của NSND Nguyễn Lai, Vĩnh Huế tiếp tục hoàn chỉnh công trình nghiên cứu về mặt nạ tuồng, tác phẩm MẶT TUỒNG HÁT BỘ được Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành năm 2008.
*
* *
Ở căn nhà mình, gọn gàng trong bộ quần áo tập diễn, Vĩnh Huế hướng dẫn diễn viên ôn tập từng động tác. Đôi tay uyển chuyển, nhịp nhàng roi trống chiến. Diễn viên thực hiện. Đầu, bàn tay, đôi chân, thân hình... đi, đứng, nhảy, nghiêng mình, lỉa, siến..., vay trả, cân đối, âm dương...
Hai nhóm diễn viên vào nhịp ba, rập ràng vung gươm lên, hào hùng, kiên nghị.
Lời hát: Đường thương đưa như rồng xanh giỡn nước
Lưỡi gươm rút như chim phụng cỡi mây
Vung song đao như đất trời rung chuyển
Chém trong quân như tả hữu giao tranh
Tuôn mây cuốn gió như rồng bay qua biển
Múa vuốt dương nanh như hổ phục lùm cây §
Tiếng trống chiến ròn tan, sôi nổi. Tiếng gươm khua vun vút, vun vút.
Đó là tiếng trống chiến cầm nhịp của NSƯT Vĩnh Huế, đạo diễn sân khấu, dạy hai nhóm diễn viên nam và nữ tập động tác hình thể và múa hát bộ, vang lên dòn giã, sôi nổi từ ngôi nhà số 9 đường Tô Hiến Thành, khu chung cư cạnh bờ biển Thanh Bình.
T.Đ.Q