Gìn giữ dấu xưa hồn cũ

12.11.2024
Hạo Lương
Đình làng là nơi thu hút người dân địa phương và du khách tìm về với cội nguồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc gìn giữ và bảo tồn các di tích đình làng càng trở nên bức thiết khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.

Gìn giữ dấu xưa hồn cũ

Gói bánh chưng tại Lễ hội đình làng Hải Châu. Ảnh: HẠO LƯƠNG

Hồn quê giữ phố

Trở lại đình Thạc Gián (phường Chính Gián, quận Thanh Khê), đúng lúc đình đang gấp rút trùng tu lại mái ngói và các hạng mục có liên quan để sớm hoàn thiện trước mùa lễ hội sắp đến. Với nhiều năm trông coi và tham gia lễ hội đình làng Thạc Gián, ông Nguyễn Ngọc Mạnh cho biết, lễ hội đình làng Thạc Gián tổ chức trong hai ngày 15 và 16-2 âm lịch; trong đó, ngày 15-2, đình tổ chức lễ tế cáo trời đất, lễ vọng, lễ tế âm linh và ngày 16-2, lễ hội mới chính thức diễn ra với nhiều hoạt động dân gian.

“Đình Thạc Gián được xếp hạng di tích cấp quốc gia về kiến trúc nghệ thuật vào năm 2007. Từ đó, đình được quan tâm tổ chức lễ hội theo truyền thống ngày xưa. Đây là dịp bà con gần xa kéo về dự lễ, thắp hương cho tổ tiên dòng tộc và các tiền nhân khai mở ấp làng. Mọi người được quay quần vui vẻ bên nhau trong không khí đầm ấm giữ tiết trời xuân sang, ôn lại truyền thống văn hóa của dân tộc”, ông Mạnh nói.

Nằm ngay giữa trung tâm thành phố, đình làng Hải Châu (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) không chỉ là nơi người dân đến thắp hương, dự lễ mà còn được nhiều du khách đến tham quan. Kể từ khi đình làng được trùng tu, nhiều phong tục văn hóa lễ hội xưa được lưu giữ và bảo tồn.

Cứ vào ngày 8, 9 - 3 âm lịch hằng năm, ông Nguyễn Duy Minh, cán bộ phụ trách văn hóa thông tin của UBND phường Hải Châu 1, cùng Hội Người cao tuổi của phường đứng ra đảm nhiệm việc giới thiệu cho ban tổ chức các cụ cao niên bảo đảm sức khỏe và có uy tín trong khu dân cư tham gia lễ chánh bái. Theo ông Nguyễn Duy Minh, chương trình lễ hội đình làng Hải Châu được thực hiện thuần túy theo dân gian, trong đó đáng chú ý là lễ thả chim bồ câu cầu quốc thái dân an và thả hoa đăng trên hồ sen đình làng. Tất cả các hoạt động đều được thực hiện xã hội hóa.

“Sau khi đình và nhà thờ chư phái tộc Hải Châu được công nhận di tích cấp quốc gia thì các lễ hội được phục dựng lại theo nghi thức truyền thống. Nghi lễ vẫn giữ như xưa, nhưng nội dung hoạt động của phần hội thay đổi luân phiên hằng năm cho mới mẻ để thu hút người dân tham gia, trong đó có các cuộc thi như làm bánh chưng, bánh tét, têm trầu cánh phượng, làm hoa quả dâng cúng tổ tiên, giúp thế hệ trẻ tưởng nhớ công ơn các vị tiền nhân khai hoang lập ấp”, ông Minh cho biết.

Chung tay gìn giữ “nếp làng”

Với ý nghĩa quan trọng của các di tích đình làng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của mảnh đất và con người Đà Nẵng, thời gian qua, thành phố đã tiến hành trùng tu, tôn tạo nhiều di tích đình làng. Một số di tích được trùng tu hoàn chỉnh, khang trang từ công trình ngoại vi đến công trình trung tâm làm nổi bật lên được giá trị và tạo cảnh quan hài hòa cho di tích, điển hình như các di tích đình Xuân Thiều, miếu Hàm Trung...

Cùng với các hoạt động trùng tu tôn tạo di tích, các hoạt động văn hóa lễ hội, văn hóa tâm linh cũng được quan tâm và người dân nhiệt tình hưởng ứng. Các lễ hội đình làng được tổ chức ngày càng quy mô, đi vào nền nếp, có nét mới nhưng vẫn bảo đảm nội dung ý nghĩa truyền thống, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, lễ hội đình làng Túy Loan, đình làng Bồ Bản, lễ kỵ tiền hiền làng An Hải, lễ hội cầu ngư tại các địa phương thờ cá Ông (Thần Nam Hải)…

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số di tích, công trình có giá trị chưa được kiểm kê, xếp hạng kịp thời. Việc khảo sát, đo đạc, điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc di tích triển khai còn chậm, chưa theo kịp thực tế đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý và bảo vệ di tích. Để bảo vệ, kế thừa và phát huy có chọn lọc giá trị di sản văn hóa dân tộc, UBND thành phố ban hành đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025”. Đề án xác định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ chiến lược mang tính lâu dài và là trách nhiệm của toàn xã hội, chính quyền các cấp, cùng sự phối hợp chặt chẽ với người dân, các đoàn thể, tổ chức xã hội. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn thành phố.

Đà Nẵng là thành phố có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, thể hiện qua việc còn lại nhiều di tích đình làng có giá trị lịch sử văn hóa gắn liền với bản sắc văn hóa địa phương. Các đình làng là nơi thờ các vị thần hoàng, tiền hiền, hậu hiền, các chư phái tộc và mang đậm phong tục tập quán tín ngưỡng của mỗi làng. “Hằng năm, các đình làng đều có lễ hội thể hiện đạo lý ‘uống nước nhớ nguồn’ đối với các tiền nhân đã có công khai hoang lập làng.

Nhờ làm tốt công tác trùng tu, bảo tồn mà thời gian gần đây, nhiều công trình được trùng tu như đình làng Nam Ô, đình làng Hải Châu, đình làng Bồ Bản... được cộng đồng và người dân địa phương đánh giá cao. Đặc biệt, việc coi trọng ý kiến cộng đồng không chỉ giúp làm tốt công tác trùng tu mà còn giúp người dân hiểu sâu hơn về những công trình họ đang thụ hưởng”, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nhấn mạnh.

Đến nay, thành phố có 47 di tích đình làng được xếp hạng, trong đó có 5 đình làng được xếp hạng cấp quốc gia, 42 đình làng được xếp hạng cấp thành phố. Hiện Bảo tàng Đà Nẵng đã lập danh sách 71 công trình kiến trúc có giá trị chưa được xếp hạng, trong đó có nhiều di tích như: đình làng Hòa Khê Đông, đình làng Phú Hạ, đình làng Phước Lý, đình Liên Chiểu, đình Tân Thái...

(baodanang.vn)