Bóng Tối Phận Người

26.10.2020
Yoshimoto Banana
Yoshimoto Banana sinh năm 1964, hiện là nhà văn đương đại nổi tếng nhất Nhật Bản, danh tiếng ngang hàng với nhà văn Murakami Haruki Và Murakami Ryu.

Bóng Tối Phận Người

Truyện Ngắn “Bóng Tối Phận Người” Của Yoshimoto Banana Được Chúng Tôi Dịch Từ Nguyên Tác Nhật Ngữ “Chiisa Na Yami” Trong Tập Truyện Ngắn Song Ngữ “New Penguin Parallel Text: Short Stories In Japanese” Do Michael Emmerich Biên Tập, Nxb. Peguin Books, Năm 2011.
Đây Là Một Kiệt Tác Của Tác Giả Banana Với Cách Diễn Giải Rất Hay Về Bóng Tối Của Thân Phận Con Người. Những Suy Tư Sâu Sắc Được Ẩn Chứa Trong Lời Văn Nhẹ Nhàng Trong Suốt Như Thủy Tinh Nhưng Lại Đâm Vào Tim Gan Ta Chảy Máu.

Tôi theo cha mình đến Buenos Aires, nơi ông có công việc liên quan đến xuất nhập khẩu chỉ để thấy mình hoang mang lạc lối vì chẳng biết gì về nơi này. Cả thành phố đầy người da trắng, cả những dãy phố kiến trúc giống hệt châu Âu, cả những cành cây phượng tím đang vươn ra dưới bầu trời xanh thẫm đến mức rầu buồn đặc trưng vùng Nam Mỹ đều cho tôi cảm giác lạ lẫm, tươi mới.

Những người con gái đi trên đường phố đều trông có vẻ gì già dặn, chắc họ nhìn tôi, một cô gái 21 tuổi chỉ như một học sinh cấp III mà thôi. Tôi đi một mình trên phố mà không bị tán tỉnh trêu ghẹo hay bị móc túi gì cả. Ngoài cái quần jean cũ kỹ khiến cho nhà hàng nơi khách sạn cũng phải phát chán lên thì mặc thêm cái áo thun Slam Dunk trúng thưởng còn cổ lỗ sĩ hơn nữa có lẽ cũng tốt thôi. Nếu khoác thêm vào một cái áo khoác jean lên người thì tôi đúng là một khách du lịch nghèo hèn không thể nào sai trật được. Thêm vào đó, cha tôi còn dặn là nếu đi ra ngoài một mình con phải cẩn thận lắm mới được. Vì thế tôi đi ra ngoài tay không, chẳng mang theo một thứ gì cả.

Ngày hôm đó, sau khi tạm biệt tôi, cha tôi vội vàng đi tìm mua một cây đàn guitar. Cha tôi có sở thích chơi đàn guitar cổ điển và trình độ biểu diễn cũng vào loại thượng thừa. Thực ra cha tôi đến đất nước này không phải để du lịch, cũng không phải đi công tác mà chủ yếu để tìm mua một cây đàn guitar thôi. Công việc giao dịch đã hoàn tất từ hôm qua, và từ sáng nay cha tôi đã nhấp nhổm không yên, trong buổi ăn sáng mà đầu óc toàn vương vấn mãi chuyện tiệm đàn guitar. Đầu tiên, tôi cùng ông bước vào một tiệm đàn nhỏ và nhìn thấy những cây guitar đẹp đẽ bày la liệt. Đúng là một thứ nhạc cụ được bàn tay con người nâng niu, dùng hết tâm cơ của mình ra để chế tạo, mài cho bóng loáng lên rồi làm cho phong phú sâu sắc hơn vẻ lấp lánh của sinh mệnh cây đàn qua việc diễn tấu. Đúng là một cái đẹp hữu dụng, mang tính mục đích. Mắt cha tôi sáng lên, tay lần lượt lướt trên phím đàn rồi cuối cùng thở dài ảo não vì không thể đưa ra quyết định. Tất cả chúng đều quá tuyệt vời, không thể nào lựa chọn được. Chắc hẳn cha sẽ ở đây suốt cả ngày thôi, tôi nghĩ như thế rồi quyết định hẹn gặp lại ông ở khách sạn và bước ra khỏi cửa tiệm.

 

Trước khi đến đây, tôi đã xem bộ phim “Evita” của Madonna để hình dung về đất nước này. Vì thế tôi quyết định mình nên đi viếng mộ Evita. Tôi bắt một chuyến xe buýt colectivo hướng đến Recoleta nơi Evita đang nằm yên nghỉ.

Nghĩa trang nhiều cây xanh đến mức tôi tưởng là công viên. Rất nhiều người dẫn chó đi dạo. Có người đến mấy mươi con chó nữa. Có cả nhà thờ với tháp chuông cao vút nữa. Tôi bước vào khuôn viên nghĩa trang. Đây là một nơi khác hoàn toàn theo hình dung của tôi về nghĩa trang với đầy những tòa kiến trúc lòe loẹt, dị dạng. Từng ngôi mộ là một tòa nhà cao vút. Đúng là một khu dân cư, tôi thầm nghĩ. Hai bên lối đi chính cơ man nào là những ngôi nhà xếp thành hàng dài. Những tượng Chúa, tượng Thiên sứ, tượng người, tượng Đức mẹ Maria tô điểm rải rác khắp nơi. Khu mộ của Evita quả thật đến ngày nay vẫn không ngớt người thăm viếng với những bó hoa tươi đẹp đẽ phủ đầy nhưng so sánh với toàn thể nghĩa trang trông như một bảo tàng mỹ thuật thì lại không mấy ấn tượng bằng. Những tòa kiến trúc xếp thẳng hàng trong khu phố của những ngôi mộ cái nào cái nấy đều có thể chứa được khoảng 50 ngôi mộ như của mẹ tôi. Đúng vậy, mộ của mẹ tôi nhỏ lắm, nhỏ bé tội nghiệp đến mức ngay cả trong nghĩa trang ở Nhật Bản cũng khó mà tìm thấy nữa. Rực rỡ quá. Nếu như tôi giàu có, chắc tôi sẽ làm cho mẹ một ngôi mộ đẹp đẽ như thế này nhưng ý nghĩ đó ngay lập tức vụt tắt đi. Bởi vì tôi nhớ ra rằng mẹ chắc hẳn sẽ rất khó chịu khi ở trong những ngôi nhà kiểu như thế này.

Mẹ tôi đã mất 3 năm trước vì bệnh ung thư. Vì tôi là con một và mẹ là người gần gũi tôi nhất nên tôi đã chìm vào cơn buồn bã suốt một thời gian dài, không thể nào tốt nghiệp được cấp III. Thành ra tôi trải qua thời trung học dài hơn thường lệ. Mấy em trong đội bóng rổ học cùng năm với tôi, và tôi trở thành “tiền bối”. Đến khi tôi tốt nghiệp cả bạn học cùng lớp lẫn đám đàn em đều tung hô “Chúc mừng tiền bối đã tốt nghiệp nhé!” làm tôi sung sướng làm sao! Lúc đó dấu vết dịu dàng nhạt mờ của người mẹ để lại trong nhà đã hoàn toàn biến mất và chỉ có tôi sống cuộc sống tùy ý của mình cùng với người cha vụng về mà thôi. Từ khi còn nhỏ không hiểu sao tôi đã nghĩ rằng mẹ tồn tại rất mờ nhạt và có lẽ sẽ không sống lâu được đâu. Mẹ không thể hiện mình ham muốn gì, không mấy khi cười lớn tiếng và dường như luôn cam chịu mọi thứ. Tôi nghĩ đó là do mẹ chịu ảnh hưởng tính cách điềm đạm, lặng lẽ của cha mình nhưng tất cả bạn bè cũ của mẹ trong đám tang đều nói là từ ngày xưa mẹ đã như thế rồi. Họ nói là mẹ là người ít ham muốn làm điều này điều khác, luôn luôn bị động cam chịu mà thôi.

Mẹ của mẹ, tức là bà tôi, vốn là người tình của một họa sĩ nổi tiếng ở Paris. Mẹ tôi là con ngoài giá thú. Ông tôi cứ một năm lại sống ở Nhật khoảng 3 tháng, trong thời gian đó bà là vợ ông tại nơi này. Vì cả hai đều đã mất nên tôi chưa có dịp gặp ông hay bà nhưng thỉnh thoảng đi xem triển lãm tôi lại trầm ngâm mơ màng. Tôi cảm giác kỳ lạ rằng có một dòng máu nối kết chúng tôi. Mỗi lần xem bức tranh có sử dụng nhiều vàng nhạt yêu thích đó tôi đều nghĩ như vậy. Có cả bức chân dung của bà tôi nữa. Vì đôi mắt vẽ rất giống mẹ nên tôi muốn mua bức tranh đó nhưng quả thật giá trên trời, không sao với tới nổi.

Ông tôi khi bước vào tuổi già chợt cuồng lên vì yêu, vứt bỏ cả vợ chính và bà tôi để kết hôn với một cô gái 20 tuổi. Bà vợ chính như thế nào thì tôi không biết nhưng bà tôi thì bị cuồng loạn thần kinh. Cảm giác của bà tôi khi ấy dường như ghê gớm lắm, như thể mình vừa bị mất đi tất cả vậy. Chỉ khi nhắc đến chuyện ấy mẹ tôi mới có vẻ nhiệt tình. Tôi lúc nào cũng cảm thấy bất an liệu rằng người mẹ có sự hiện hữu mờ nhạt này lúc nào đó sẽ biến mất đi chăng, nhưng khi nhắc đến chuyện đó, không hiểu sao bà lại có sức lực mạnh mẽ.

Tôi nhìn đồng hồ, đã 3 giờ chiều. Trong nghĩa trang ánh nắng rất gắt, tôi đi chầm chậm, vòng quanh ngôi mộ Evita ngắm những bài ca ngợi khắc trên đó và những phiến đá hoa cương đen bóng. Rồi tôi ngồi xuống một gốc cây to để nghỉ mệt một chút. Cơn gió thổi nhẹ nhàng làm ráo bớt mồ hôi. Tại sao nghĩa trang lại luôn có những cây to vươn cành thấp xuống như vậy nhỉ? Để an ủi người chết hay hút lấy năng lượng của người chết mà lớn lên chăng?

Chắc cha mình vẫn còn đang chọn đàn guitar đây. Người cha hiền lành yêu thích guitar cổ điển nhất trên đời. Cha mẹ tôi đã đến nơi đây hưởng tuần trăng mật. Khi đó cha tôi cũng đã mua một cây đàn guitar. Cha nói mẹ đã cùng cha đi mua đàn, lắng tai nghe cha thử đàn từng cây một. Rồi mẹ chỉ tay vào một chiếc đàn và nói “Đây chính là thanh âm của anh. Chiếc đàn này sẽ ở nhà mình đấy”. Nơi mẹ có chút gì huyền bí như vậy và điều đó đã chinh phục cha hoàn toàn. Cha nói với vẻ rất hạnh phúc mãn nguyện.

Về cơ bản thì cha mẹ tương đối hòa thuận nhưng cha cũng có chút gì kỳ lạ mà ngay cả tôi cũng nhận thấy được. Vì biết rõ về họ hàng bên nội và cái sự lạ lùng đó cũng chẳng có gì kỳ quái lắm nên tôi cứ cho đó là một thói tật mà chỉ riêng cha mới có mà thôi. Ngay từ nhỏ tôi đã thấy vậy rồi. Chẳng hạn như vào ngày sinh nhật của cha. Mẹ từ sáng sớm đã chuẩn bị món ăn mà cha yêu thích. Cha nói nhất định sẽ về nhà sớm, nếu về trễ sẽ liên lạc báo mọi người. Tôi biết vậy nên vội vàng chạy về nhà ngay sau khi kết thúc giờ học ngoại khóa. Nhưng khi đến một độ tuổi có chút ít hiểu biết, tôi nhận ra vấn đề. Những khi ấy cha luôn về trễ và say mèm. Cũng chẳng gọi điện báo cho hai mẹ con tôi gì cả. Nhưng nếu là sinh nhật của mẹ hay tôi thì khác. Ông lấy cớ xong công việc sớm hay cáo bệnh để luôn có mặt ở nhà. Tuy nhiên, khi cha tôi được thăng chức, khi bắt đầu công việc kinh doanh riêng hay thậm chí khi chúng tôi làm tiệc để an ủi cha vì mất đi người bạn trong vụ tai nạn… Nói chung, những khi có việc gì mà cha là trung tâm, chúng tôi sửa soạn món ăn để chờ cha về là y như rằng ông trốn biệt. Nếu mời thêm họ hàng thân thích hay khách khứa thì chuyện còn tệ hơn nữa. Cuối cùng chúng tôi phải dùng bữa mà vắng bóng cha và khi khách khứa đã ra về hết chúng tôi mới thấy cha được người khác dìu về nhà trong bộ dạng say mèm. Từ khi tôi còn nhỏ cho đến khi mẹ mất, hai mẹ con tôi thường oán trách cha về điều đó.

Cha nói với vẻ buồn rầu. “Không hiểu sao khi nghĩ đến việc có người đợi mình là cha cảm thấy sợ hãi. Cha cũng chẳng biết làm thế nào nữa. Và rồi chân cha nặng trĩu, luẩn quẩn không muốn đi nên về trễ. Rồi lại cảm thấy khó mà gọi điện báo cho nhà mình nên cha mới uống say. Và rồi khi nhận thấy mình không thể đáp ứng được kỳ vọng của mọi người thì cha lầy luôn, uống không còn biết trời đất gì nữa”. Tôi nghĩ đây là một dạng tâm bệnh của cha tôi và hai mẹ con tôi dần dần thôi không làm những bữa chúc mừng công khai nữa. Chắc hẳn điều đó đã đụng chạm đến vết thương nơi sâu kín nhất trong tâm hồn cha tôi chăng? Tôi nghĩ sao cha vẫn có thể bắt đầu công việc kinh doanh riêng dù bị thói tật như thế, nhưng phải chăng càng gắng sức phía bên ngoài nhiều bao nhiêu thì mối u uẩn trong lòng ông mới có thể phần nào được gỡ bỏ?

Và tôi với mẹ đã tìm ra sáng kiến để tổ chức tiệc chúc mừng cho cha theo cách của mình. Vào đêm trước ngày sinh nhật cha, khi cha đang còn yên lặng ngủ, hai mẹ con tôi âm thầm trở dậy, đặt quà tặng lên bàn, chuẩn bị bữa tiệc thật khẽ khàng không gây tiếng động. Khoảng 2 giờ sáng, chúng tôi đánh thức cha dậy rồi cả nhà cứ mặc piyama như thế mà tổ chức tiệc mừng. Những lúc như thế, tôi nghĩ cha thực sự được cứu vớt bằng sáng kiến ấy. Rồi vào ngày sinh nhật, cha dậy đi làm mơ màng, về nhà bình thường, ăn tối như thường lệ. Tôi không nghĩ hai mẹ con đã làm gì quá sức. Đó là chỉ là một cách thức biểu hiện lòng thương yêu và là nhược điểm của con người.

Chỉ có hai lần tôi hỏi mẹ về chuyện đó. Một lần, khi tôi còn học tiểu học. Khi đó hai mẹ con tôi còn có ý định sẽ sửa lại thói tật đó của cha mình. Nhưng chúc mừng chuyện gì đây nhỉ? Vì cha nói là kỳ nghỉ hè này cả nhà mình sẽ đi du lịch nước ngoài nên mẹ sẽ tổ chức tiệc mừng cho sự kiện này. Mẹ chọn làm món tempura và đợi cha suốt. Tôi chịu không nổi, biết rằng cha sẽ về trễ như mấy lần trước nên đã tự mình làm một cốc mỳ ly ăn trước. Tôi cũng mời mẹ một ít. Mẹ húp mì sột soạt rồi nói một câu: “Nếu cha mà có nhân tình nữa thì còn tệ hơn đúng không?”. “Đúng đấy. Vì cha là người rất nghiêm túc nên những tiệc tùng đặc biệt như thế này ở nhà cha không chịu nổi đâu”, tôi nói.

“Nhưng mà như thế này, chuẩn bị sẵn sàng, đổ dầu vào chảo chiên tempura, đợi bữa tối mà chắc chắn là cha vắng mặt, mẹ thấy mình như ở trong một cái hộp ấy”. “Sao cơ?”. Tôi ngạc nhiên. Mẹ đưa là một so sánh mà tôi không hiểu.

“Mẹ nghĩ cảm giác này rất giống cảm giác của cha con đang ở ngoài bây giờ. Khi nghĩ rằng chính điều này đưa cha mẹ lại gần nhau mẹ không chịu nổi. Mẹ có cảm giác hai điều khó chịu đựng nổi này đang đối diện nhau. Như thế, những thứ tươi sáng mà mình gắng sức xây dựng lên được đặt chân dưới mặt đất toàn là ảo tưởng, cảm giác mình trong hộp mãi mãi. Đó là cảm giác vì yêu thích, vì quan trọng nên bị nhét vào trong hộp mãi mãi vậy. Cái tâm tư của cha sợ phải bị trở thành người cha hoàn hảo là vì đâu mà có? Mẹ nghĩ ai cũng có nỗi sợ ấy cả thôi”. “Không sao đâu mà. Mẹ còn có con đó thôi. Cho dù cha mẹ ở trong hộp đi nữa thì con cũng không chui vào đó đâu. Vô ích lắm. Cái việc đợi chờ người sẽ không đến ấy. Sao mẹ không làm tempura cho con rồi để mặc cha ăn tempura lạnh. Mình cứ đi ngủ trước có sao đâu. Con nghĩ làm như vậy cha còn cảm thấy thoải mái hơn đấy”. Nghe tôi nói vậy, mẹ mỉm cười rồi đi chiên tempura cho tôi ăn.

Từ sau đêm đó, mẹ không còn cố gắng đợi chờ nữa. Dĩ nhiên là cũng đợi nhưng dần dần mẹ con tôi nấu nướng rồi ăn trước. Tôi cứ hình dung cha mẹ bức bối như thế nào trước khi sinh tôi ra. Tôi cảm thấy mình nhận thấy được dáng vẻ của hai người nam nữ khổ sở vì cơn cuồng nhiệt của ái tình.

Tôi hiểu được về chuyện cái hộp là vào một lần khác. Lần đó tôi cùng mẹ đi mua sắm ở Aoyama và ước muốn của tôi là ghé tòa cao ốc Spiral Building xem triển lãm. Những nghệ sĩ nước ngoài làm nhiều căn nhà nhỏ để trưng bày. Khách tham quan có thể thu mình vào trong những tòa nhà nhỏ với nhiều cửa sổ đủ màu sắc khác nhau rồi từ đó mà ngắm nghía bên ngoài. Tôi rủ mẹ cùng vào nhưng mẹ nói sẽ đợi bên ngoài. Sao vậy, nội thất bên trong đáng xem lắm chứ, mẹ vào đi. Tôi nài nỉ như vậy nhưng mẹ vẫn nói mình sẽ đợi bên ngoài. Kỳ lạ thật. Tôi thầm nghĩ. Mẹ tôi lúc đó có ánh mắt hệt như cha tôi khi nói chuyện mình không thể quay về nhà. Thực sự vết thương của hai người có lẽ được nối kết rất sâu, khó mà chia tách được.

Tôi bước vào những kiến trúc nhỏ đó, độ lớn vừa bằng những ngôi mộ ở nghĩa trang này và rồi ngắm nghía bên ngoài từ những cửa sổ khác nhau, vui thích ngắm những bức tranh trang trí và vật dụng nhỏ xíu trong nhà. Và rồi tôi bước ra ngoài. Mẹ tôi đã trở lại như cũ, mỉm cười đứng đợi chờ tôi bên ngoài.

“Vì cũng mệt rồi nên hai mẹ con mình đi uống cà phê đi”. Tôi nói vậy và rủ mẹ đến quán cà phê sang trọng đắt tiền nơi tòa cao ốc Spiral Building. Sau khi uống cạn ly cà phê với vẻ ngon lành và vui sướng trân trọng như thể một thứ gì quý giá lắm, mẹ bắt đầu nói. Mẹ tôi là kiểu người như vậy. Không thích những gì mập mờ. Và khi mẹ bắt đầu nói điều gì đó thì lúc nào cũng có điệu bộ như vậy. Vui thích như thể đã uống cạn chén cuối cùng của cuộc đời này. Điều đó luôn làm tim tôi đau nhói.

“Lúc nãy con nghĩ mẹ kỳ lạ lắm nhỉ?”. “Ngày xưa mẹ từng nói là rất sợ ở trong hộp mà đúng không?”, tôi hỏi. “Cho đến bây giờ mẹ vẫn chưa nói ra đâu nhưng con đã biết bà của con bị suy nhược thần kinh phải nhập viện nhỉ! Bà con đã tự sát đấy. Vì trong bệnh viện tâm thần không có dao nhưng bà đã lấy con dao của đồ gọt bút chì ra mà cắt cổ tay đấy. Bà con thật là biết cách xoay xở nhỉ!”.

Tôi đã không biết chuyện đó. Tôi chỉ biết bà mất trong lúc tuyệt vọng nhưng chuyện này thì chưa nghe ai trong họ hàng thân thích nói với tôi bao giờ.

“Khi đó mẹ bao nhiêu tuổi ạ?”, tôi hỏi. “Tám tuổi”, mẹ điềm đạm trả lời.

“Khi bà tâm tính trở nên bất thường thì chỉ có mẹ và bà, hai người sống cùng nhau thôi. Vì ông con không ghé đến nữa nên dường như bà sợ cả việc mẹ đi học. Một ngày khi mẹ từ trường trở về nhà thì thấy bà đã làm sẵn một ngôi nhà bằng giấy bìa các- tông lớn khoảng bằng căn nhà lúc nãy con chui vào đấy và đợi mẹ về. Bà cũng khoét một cái cửa sổ nơi căn nhà bằng giấy, trong nhà có để một cái bàn đồ chơi trên đó thắp cả nến nữa đấy. Bốn bức tường giấy cũng được sơn phết cẩn thận với những họa tiết hoa văn. Vì bà có khiếu nghệ thuật nên đó là một căn nhà bằng giấy vô cùng đẹp đẽ dễ thương. Bà vừa khóc vừa nói với mẹ là “ta đã làm căn nhà này cho con đấy, con hãy vào sống trong đây đi” và thế là mẹ quyết định mình sẽ làm như vậy”. “Sao cơ?”.

“Mẹ sống suốt khoảng 2 tuần trong căn nhà giấy đó. Chỉ ru rú trong đó mà thôi. Không rời ra ngoài nửa bước. Bà mang cả một cái bô vệ sinh vào tận nơi, giữ gìn căn nhà sạch sẽ và chăm sóc mẹ chu đáo, thức ăn đầy đủ. Ánh mặt trời từ cửa sổ căn nhà lớn có thể chiếu vào cửa sổ căn nhà nhỏ bằng giấy đấy con ạ”. “Mẹ cũng ghê gớm quá nhỉ!”.

“Bởi mẹ chỉ có thể làm được cho bà đến thế mà thôi. Khi chăm sóc mẹ, dường như bà thật sự hạnh phúc. Bà mỉm cười luôn. Thần thái tươi tắn. Từ sau khi ông đi khỏi, bà chỉ khóc suốt ngày nên điều làm bà vui chỉ có thế thôi. Như đã nói với con là ông rất ít ghé nhà mình nên mẹ không biết nhiều về ông, bởi vậy đối với mẹ bà là tất cả”. “Vậy sao?”.

“Bởi vì mẹ không đi học nên thầy giáo phải đến tận nhà xem tình hình rồi mẹ thì được bảo hộ còn bà thì phải vào bệnh viện tâm thần. Sau đó thì như con biết rồi đấy, mẹ được đưa đến nuôi ở nhà dì con”. “Đó đúng là một trải nghiệm không thể nói hết bằng lời mẹ nhỉ”, tôi nói.

Mẹ gật đầu. “Ngay cả đến bây giờ, đôi lúc mẹ vẫn nằm mơ thấy mình thức dậy trong căn nhà giấy đó. Mẹ nằm co ro, cảm giác tiếp xúc với lớp tường giấy thô nhám, những tia nắng nhỏ xuyên qua từ cánh cửa sổ nhỏ xíu, chiếu sáng những hoa văn màu tím mà bà đã vẽ trên bức tường giấy, mùi của lớp sơn, cả mùi súp canh miso nữa. Và mẹ cứ nằm im đó, muốn bước ra nhưng không thể nào ra được. Chỉ cần bước ra thôi là mẹ sợ bà sẽ gào khóc lên bằng cái giọng the thé. Suốt ngày mẹ chỉ ru rú trong đó hết thời gian.

Mẹ cứ co ro thu mình lại, cứ như thế mãi… Khi nghĩ rằng không biết liệu hôm nay mình có ra được khỏi chỗ này không thì mẹ thức giấc, và mẹ biết rằng chỉ cần mình bước ra khỏi đây thì sẽ chia biệt với bà mãi mãi. Đó là một tâm thế tiến thoái lưỡng nan. Có lần mẹ đã nghĩ hay mình bước ra rồi gọi điện cho ông ở Paris, nhưng mẹ nghĩ làm như thế là tự mình chia lìa với bà. Thế là cuối cùng mẹ quyết định dù có chết mình cũng cứ phải ở lại nơi này”. “Ra là vậy…”.

Lúc đó tôi đã biết được điều bí mật sâu kín nơi tính cách của mẹ. Một phần con người mẹ cho đến bây giờ vẫn còn nằm lại trong căn nhà bằng giấy đó.

“Vì thế, mỗi khi cha con không về, mẹ lại quay trở về thế giới riêng của mình. Mẹ cảm giác khoảng thời gian đó kéo dài vĩnh viễn. Mặc dù mẹ hiểu rằng là vì mình được yêu thương nên mới bị đóng khung vào khoảng thời gian đó, nhưng mẹ vẫn khổ sở không tài nào chịu đựng nổi”. “Mẹ đã nói với cha chuyện này chưa?”. Tôi hỏi thăm.

“Mẹ không nói”, mẹ cười trả lời. “Mẹ không muốn nói”. “Tại sao vậy ạ?”.

“Vì mẹ không muốn cha con biết được điểm yếu của mình”. Mẹ nói thế và mẹ là người đã quyết cái gì thì làm cho bằng được. Tôi nghĩ rằng mẹ đã quyết ý như thế từ trước khi kết hôn. Và mẹ đã không nói với cha cho đến khi chết.

Trong khi tôi suy nghĩ những điều đó, nắng buổi chiều đã dần chuyển sang hoàng hôn, nắng chín dần sang màu vàng sẩm. Tôi ngồi dưới gốc cây ngước nhìn tán lá phía trên. Ánh nắng xuyên qua tán cây chiếu xuống chân tôi tạo thành những đốm sáng đẹp mắt. Mấy đôi tình nhân đan tay nhau dạo qua chỗ tôi ngồi, vài con chó chạy đến chỗ tôi rồi đi mất. Thời gian trôi êm đềm đến mức tôi quên mình đang ở một đất nước phương xa. Cây thánh giá trên tháp nhà thờ sáng lấp lánh. Lát nữa thôi mình sẽ về khách sạn, khen cây đàn guitar mà cha đã mua, rồi nghe cha diễn tấu. Rồi thì… Trong bữa ăn tối nay mình có nên kể quá khứ của mẹ cho cha nghe không nhỉ? Tôi đã suy nghĩ như thế.

Thôi, bỏ đi. Nói ra chỉ làm cha thêm buồn và hối tiếc mà thôi. Tôi nghĩ vậy. Cha sẽ hối tiếc vì thấy mảng bóng tối trong con người mình đã kêu gọi cái mảng bóng tối trong con người mẹ tôi để rồi khiến hai người chịu đựng và yêu thương nhau thôi.

Còn đối với tôi thì sao nhỉ? Tôi không có tật không thể về nhà khi mọi người mong đợi như cha, hay sợ hãi chiếc hộp như mẹ. Nhưng tôi nghĩ đến một lúc nào đó cái mảng bóng tối ấy sẽ xuất hiện thôi. Nó sẽ lớn dần lên mãi. Tôi sẽ đối mặt với nó như thế nào đây? Sẽ xử trí ra sao nhỉ? Tôi còn trẻ và chưa biết sợ là gì. Tôi thậm chí còn có thể mong chờ điều đó nữa. Tôi muốn thấy cái bóng tối đó xem thử như thế nào? Trong gia đình của tôi mà ai nhìn vào cũng thấy là rất mực hòa thuận yêu thương nhau lại có một cái bóng tối sâu thẳm. Bóng tối đó cũng như sự tĩnh lặng nơi nghĩa trang này rất mực phong nhiêu và che giấu đi bao bí mật của lịch sử. Đó chẳng phải là điều gì đáng hổ thẹn cả.

Được che chở bởi tàng lá cây lấp lánh nắng, tôi cứ mãi suy nghĩ vẩn vơ về những điều đó.


Hoàng Long (dịch)
(Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 617)