Phía Cổng Trời có hoa

15.12.2023
Sơn Trần
Trong một lần tác nghiệp ở vùng biên, Chinh phải lưu lại mấy ngày vì đợt mưa bão bất ngờ làm sạt lở mấy quả đồi, nhiều đoạn đường bị đất đá vùi lấp khiến giao thông chia cắt. Chợt nhớ ra, có người bạn dạy học gần đấy, anh xắn quần, khoác ba lô lội bộ vào bản Hiên, nằm sát khu vực Cổng Trời.

Phía Cổng Trời có hoa

Một chiều đông đầy sương gió. Bầy chim hối hả bay về cánh rừng xa. Mây xám giăng ngang, vấn quanh đồi núi. Hoa cúc dại hai bên đường nở trắng run rẩy, chìm dần trong hơi lạnh. Chinh cứ lầm lũi đi về phía khu nội trú của trường. Người bạn lại về xuôi trước bão vì có đợt tập huấn ở sở. Chinh chỉ gặp mấy cô giáo đang nướng bắp bên đống lửa đã tắt ngọn nhưng than đỏ còn nồng.

Hình như ít khi có người ghé thăm nên ai nấy đều vui vẻ. Chinh là người hòa đồng, sôi nổi nên chẳng mấy chốc đã làm cho không khí cuộc gặp gỡ tình cờ trở nên tự nhiên.

Duy chỉ người phụ nữ trông luống tuổi, ngồi một mình bên bậc thềm ánh nhìn hút vào dãy núi xa tít bị tách ra, vô tình tạo thành vòm mà người dân địa phương hay gọi là Cổng Trời. Phía bên kia Cổng Trời điệp trùng gió và mây.

Chị tên là Miên, về trường dạy ngót nghét ba mươi năm. Một ý nghĩ bất chợt lướt qua Chinh rằng giáo viên vùng cao thường là người mới vào nghề, còn trẻ, công tác chừng vài ba năm là tìm cách chuyển về xuôi bởi họ không thể trụ lại nơi khó khăn này mãi được. Nhưng tại sao...

Có thể chị ấy là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này? Cũng có thể chị kết hôn và cùng chồng lập nghiệp nơi đây? Nhưng sao cảm giác ánh mắt của người phụ nữ dành cả tuổi thanh xuân đời mình cho giáo dục vùng cao cứ thăm thẳm một nỗi buồn?

Trường Tiểu học bản Hiên nằm bên triền đồi cao. Ngày chị Miên mang quyết định phân công giảng dạy lặn lội từ dưới xuôi lên, ngôi trường chỉ có vài phòng tạm bợ, lại mái tranh vách gỗ, mùa đông gió tứ bề, hun hút thổi.

Mấy năm sau mới cơi nới dần thành dãy mười phòng, kể cả phòng ở của giáo viên. Đứng dưới dốc nhìn lên, ngôi trường chẳng khác gì những toa tàu bỏ quên, trơ trọi nằm vắt ngang lưng núi. Mãi sau này, để có được hai dãy phòng kiên cố là cả quá trình dài nỗ lực, cộng với sự quan tâm của các cấp chính quyền ở địa phương...

Ngày biết tin có cô giáo rời bỏ phố phường đến ngôi trường xa xôi nhất huyện miền núi công tác, hầu như cả bản Hiên kéo đến “xem mặt”. Bởi với họ, giáo viên chịu lên cái rẻo đất vùng biên này dạy học là sự hy sinh lớn.

Vào được bản khi ấy lại chưa có đường, cứ lần theo lối mòn ven triền núi, có khi phải băng rừng, cắt đồi mà bước. Cây cối um tùm, chặp tối muỗi vờn trước mặt và vắt thì bám lấy hai bắp chân.

Chị Miên khe khẽ ngâm hai câu thơ từng học ở cấp ba “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn…”. Giọng chị trầm khàn nhưng da diết. Chinh đùa:

- Chị cũng yêu thơ ca nhỉ?

 Chị Miên nghiêng vai, trìu mến nhìn cậu nhà báo mới quen mà cảm giác rất thân tình:

- Phải tìm cho mình một niềm vui làm chỗ dựa để mơ ước, để có thêm động lực bước tiếp chứ!

Lúc này, các cô giáo trẻ đã vào phòng. Người bật ti vi xem tin tức, thời sự. Người lấy gạo nấu cơm, nói vọng ra, chị Miên, anh Chinh hôm nay ăn cùng tụi em nhé. Chinh nhìn đống lửa sắp tàn, khói từng sợi yếu ớt hòa vào màn sương đêm dần bao phủ.

Chuyện chị Miên kể như mới hôm qua, vậy mà đã đến lúc chị rời xa bục giảng. Năm tháng gieo chữ nơi núi đồi, bao biến cố tưởng rằng làm chị gục ngã nhưng rồi chính mảnh đất này, nơi có những con người chân chất, giàu lòng yêu thương đã vực chị dậy, dắt chị băng qua bóng tối cuộc đời.

Ngày chồng chị, một cán bộ kiểm lâm bị nạn khi nhảy xuống suối cứu mấy em học sinh bị lũ cuốn trôi, chị từng nghĩ rằng mình không thể vượt qua được buồn đau. Thế nhưng nhìn lũ học trò tan học lần lượt xuống dốc, rẽ vào các con đường để về nhà lòng chị dần dịu lại. May mắn chị còn có hai đứa con đang học ở phố, sắp ra trường là nguồn an ủi. Thỉnh thoảng cuối tuần, nửa tháng chị lại về thăm mẹ.

Cũng phải mất gần một năm chị Miên mới ổn định lại tinh thần. Nơi Cổng Trời xa xôi này, đêm xuống rất nhanh và ngày lên lại sớm. Những ngày vừa chân ướt chân ráo lên đây, vào mùa đông mưa gió, thời tiết lạnh căm, chị Miên nấu cơm bằng bếp củi, dọn mâm cơm ngay cạnh bếp, vừa ăn vừa sưởi ấm.

Có những đêm mưa, kèm theo sấm cứ dội xuống suốt đêm. Núi lở, lũ về. Con suối trước trường tuôn phá, đục ngầu. Có lẽ thời tiết bất thường lâu dần thành quen nên người dân sống ở đây thấy cũng bình thường. Ngay cả chị Miên và các cô giáo cũng thế. Họ hiểu và nắm bắt được quy luật của thiên nhiên để đón nhận trong tâm thế sẵn sàng.

Chị Miên gắn bó với vùng đất cách quê nhà gần trăm cây số suốt cả đời nhà giáo không phải chưa tìm được cơ hội thay đổi mà vì nợ ân tình. Đối với chị đấy là cái ơn lớn, có lẽ trả hết đời vẫn không đủ. Chị tâm sự với Chinh vào buổi sáng hôm sau, khi tiết trời đột ngột biến đổi, trở nên dịu dàng và trong mát lạ kỳ.

  Hai chị em đi dọc con đường dẫn đến Cổng Trời. Không gian bao la, cỏ cây mơn mởn sắc xanh. Chợt chị Miên dừng lại nhìn quanh như vừa nhớ ra điều gì đấy. Chinh nhìn theo hướng mắt của chị, thấp thoáng xa xa là những mái nhà lúp xúp hiện trong nắng sớm.

Chị Miên kể lại chuyện mình chuyển bụng khi đi rừng hái nấm. Hai người dân vội vàng chặt nứa làm cáng băng rừng khiêng chị lên trạm y tế xã. Mẹ tròn con vuông, ân tình ấy thêm gắn chị với mảnh đất này.

Chinh lắng nghe trong sự xúc động, tiếng chị Miên hòa vào tiếng gió trải khắp đồi. Bỗng Chinh reo lên, đầy ngạc nhiên khi nhìn lên mé đồi, sát Cổng Trời những đóa hoa phơn phớt tím khẽ khàng bung cánh. Chị Miên mỉm cười:

- Hoa này đẹp, nở quanh năm nhưng có nhiều cách gọi tên khác nhau.

- Vì sao ạ? - Chinh hỏi.

- Vì sức chịu đựng của loài hoa này, nắng gió, mưa bão đều không khiến nó lụi tàn.

Mấy hôm sau, đoạn đường bị sạt lở do mưa lớn đã được sửa chữa và thông xe. Chinh cũng kịp gửi bài cho số báo cuối tuần và trở về xuôi. Nắng ấm đã kịp xua tan giá lạnh của mùa đông. Chinh quay lại trước khi khuất sau ngã rẽ. Trên đồi cao, chị Miên và mấy cô giáo trẻ còn đứng trông theo...

 (baoquangnam.vn)