Bộ phim Cậu Vàng dưới góc nhìn nghề nghiệp

14.10.2021
Nguyễn Thị Huệ Minh
Bộ phim điện ảnh Cậu Vàng của đạo diễn Trần Vũ Thủy ra rạp vào ngày 8 tháng 1 năm 2021 đã gây nhiều tranh cãi. Người thì khen “đạo diễn tài năng”(1), bộ phim là món quà xuân “tuyệt vời, thú vị chưa từng có của điện ảnh Việt Nam”(2), là “tác phẩm nghệ thuật đích thực”(3)... Người thì chê đây là “bộ phim phỉ nhổ vào trăm năm điện ảnh”(4), “bộ phim gây nuối tiếc trong tấm áo kiệt tác văn học Việt”(5)… “Khen dè dặt, chê sấp mặt”, phim “bị tẩy chay”(6), lỗ nặng, phải rời rạp trong ảm đạm. Việc khen chê trên báo chí đa phần được thực hiện ở nhiều góc nhìn, đôi khi cảm tính, chủ quan hoặc cực đoan: khen thì khen lấy được, chê thì phủ nhận sạch trơn.

Bộ phim Cậu Vàng dưới góc nhìn nghề nghiệp

1. Nhan đề và cốt truyện

Bộ phim được đặt tên là Cậu Vàng. Trong phim có nhiều pha trình diễn xuất sắc của một chú chó. Một số trường đoạn nhân vật chó này tham gia tích cực, gây được ấn tượng cho khán giả. Có nhà bình luận ca ngợi đây là bộ phim đầu tiên của Việt Nam đưa loài vật vào diễn xuất một cách chuyên nghiệp: “Động vật trong phim Việt không phải chưa từng có, nhưng dùng một chú chó với đòi hỏi diễn xuất cao độ và khiến người xem thỏa mãn thì chưa ai làm được.”(7) Thế nhưng, câu chuyện phim lại chẳng hề nói về Cậu Vàng, số phận cậu, hay hành trình đặc biệt nào của cậu. “Cậu” cũng chẳng là cơn cớ để nảy sinh hay giải quyết mâu thuẫn gì. Nhân vật Cậu Vàng chỉ chiếm khoảng một phần tư thời lượng của bộ phim. Cậu Vàng chỉ là chất xúc tác, thể hiện một vài đường dây chứ không tham gia trực tiếp vào câu chuyện chính, không thông nối mọi tình huống, biến cố của phim; phim cũng không hề mượn nhãn quan của con chó để nói về con người. Hàng loạt đường dây, phân đoạn lớn chẳng liên quan gì đến Cậu Vàng.

Vậy truyện phim nói về nhân vật nào, cuộc đời ai? Lão Hạc - chủ của Cậu Vàng ư? Hoàn toàn không. Lão Hạc cũng chỉ chiếm một thời lượng gần bằng thời lượng về Cậu Vàng. Thời lượng ấy thật hạn chế nếu dành để khắc họa một nhân vật trung tâm. Hay truyện phim kể về người con trai của lão? Càng không phải, khi mà cậu Cò (tên con lão Hạc trong phim) chỉ xuất hiện mờ nhạt ở đầu và cuối phim. Người xem lại thấy hình như phim nói về gia đình Bá Kiến với nhiều mối quan hệ chằng chịt: mâu thuẫn ngầm giữa ba bà vợ; đam mê ẩn giữa Lý Cường với người vợ ba của cha; chuyện tình éo le, số phận đa đoan của bà Ba... Nhưng ngẫm kĩ thì lại thấy cũng không hẳn. Càng không phải phim thuần đề cập đến Binh Tư, Lý Cường hay giáo Thứ. Là tất cả những con người ấy. Ai cũng có số phận riêng, đều ấn tượng như nhau. Có thể nói tác giả kịch bản đã phối đều sự kiện lên mọi tuyến nhân vật và không xây dựng được trục chính chi phối đủ mạnh để hút các mâu thuẫn, các mối quan hệ vào đó. Có thể nói, phim không hình thành được một câu chuyện rõ ràng, mạch lạc, thông suốt. Nói cách khác, phim không có mâu thuẫn kịch chính. Càng không phải là loại phim không có cốt truyện nhằm đề cập đến một thông điệp cụ thể. Tất cả đều có chuyện, nhưng là những chuyện khác nhau, có phần ảnh hưởng đến nhau, liên quan tới nhau mà lại chẳng hề vun đắp cho một cái lõi truyện cụ thể nào. Ví như mảnh đời của bà Ba với người tình cũ chẳng hề liên quan gì đến Cậu Vàng hay gia đình lão Hạc. Sự thèm khát dì Ba của Lý Cường cũng thế, chẳng ảnh hưởng mảy may đến mảnh đất nhà lão Hạc hay Cậu Vàng. Và còn nhiều đường dây, tình tiết kiểu thế. Nếu coi bộ phim như một bức tranh thì ở đây các mảng màu được phối đều ở mọi đường nét, chi tiết, hình họa, thành ra tất cả đều là trọng tâm mà lại không có trọng tâm nào. Bởi vậy, câu chuyện phim khó xác định, màu sắc nhân vật bị loãng, vừa thừa vừa thiếu. Lúc là chuyện về mảnh đất, lúc khác là chuyện bà Ba, lúc sau lại là chuyện về lão Hạc với con Vàng, sau nữa lại là chuyện Binh Tư… Thông điệp của phim vì thế cũng trở nên lỏng lẻo, không thống nhất. Thiết nghĩ, nếu thay nhan đề Cậu Vàng bằng Chuyện làng Vũ Đại chẳng hạn thì có lẽ hợp lí hơn.

2. Hình ảnh, chi tiết với công việc chuyển thể

Bộ phim được miêu tả bằng những hình ảnh đẹp. Từng khuôn hình đều được trau chuốt kĩ lưỡng, công phu khiến phim hiện lên bắt mắt, nhiều chỗ giàu chất biểu tượng. Như việc thể hiện những cây cà chua sai quả chín mọng trong vườn nhà lão Hạc bị giày xéo nát bươm. Màu đỏ cà chua bắn tung tóe dễ khiến khán giả liên tưởng tới màu máu - một sự áp bức đẫm máu. Những cánh đồng hoa cải thơ mộng trải dài. Tạo hình diễn viên đẹp. Chi tiết cái móng tay dài ngoằng, nhọn hoắt, cong khoằm của Lý Cường được chăm chút kĩ lưỡng; khi tung hoành, rạch mặt con lão Hạc gây cảm giác ớn người, nói lên phần nào sự kì công của đạo diễn. Hình ảnh dòng sông loang máu khi Binh Tư ngã xuống cũng góp phần hình thành xúc cảm mạnh cho khán giả. Đặc biệt là sự tấn công bất ngờ, hung tợn của đàn chó khi Lý Cường đào mộ lão Hạc cũng để lại ấn tượng khó quên, đem đến niềm hả hê cho những thân phận cùng đinh bị áp bức. Cùng với sự tham gia của dàn diễn viên đẹp, chuyên nghiệp, diễn xuất nhập tâm, tròn vai cũng là điểm cộng không thể phủ nhận được của bộ phim.

Tuy nhiên, điều tâm huyết kì công trên của đạo diễn lại phần nào cho kết quả ngược với mong muốn. Bởi vì cảnh làng quê quá đẹp với cánh đồng hoa cải mướt mát như tranh vẽ, những nếp nhà Bắc Bộ sáng sủa, khang trang không nhằm khắc họa sự nghèo đói, thê lương hay ảm đạm khiến bộ phim cho người xem cảm giác lãng mạn. Nhiều trường cảnh mang hơi hướm một vài phim duy mĩ do đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Với phim Victor Vũ thì điều này hoàn toàn được tán dương. Nhưng ở đây hiệu quả hình ảnh đẹp lại phản tác dụng. Nó khiến sức ám ảnh của câu chuyện bị giảm khi mà nội dung không phải là chuyện yêu đương lãng mạn. Dù với nhãn quan nào, loạt mâu thuẫn, tình tiết về Cậu Vàng, lão Hạc, gia đình Bá Kiến… vẫn là để nhằm khắc họa sự dữ dội của thân phận người cùng khổ với những bi đát của hoàn cảnh sống - một thời đại đói nghèo trong lịch sử Việt Nam, cùng sự mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp cao độ.

Đạo diễn Trần Vũ Thủy từng phát biểu trước công luận rằng: “Chúng tôi không tái hiện cuộc sống nghèo khổ trước năm 1945 mà hướng đến một tác phẩm về luật nhân quả, bài học đối nhân xử thế.”(8) Chuyển thể một tác phẩm văn học sang điện ảnh thường có ba cấp độ là chuyển thể toàn phần, cải biên và phóng tác. Thế nên có nhà phê bình nói phim Cậu Vàng không phải là sự chuyển thể thông thường, bám sát nguyên tác mà là sự phóng tác. Nghĩa là đạo diễn hoàn toàn có quyền hư cấu câu chuyện, nhân vật theo ý mình, không cần quá phụ thuộc vào truyện của Nam Cao. Đây là một dạng sáng tác ngoại truyện, nó có quyền phát triển tự do của nó. Tuy nhiên, theo tôi, tự do, phóng túng không có nghĩa là hình thành nên một câu chuyện vô lí, không thuyết phục, bất chấp mọi logic, quy tắc sáng tác, hay hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Ở trường hợp này, sự phóng tác không hề thuyết phục khi truyện phim vẫn lấy bối cảnh chính là làng Vũ Đại, với những nhân vật, chi tiết, lời nói từ nguyên tác. Nguyên tác ấy đã trở thành giá trị lừng lững, bất biến trong lòng bao thế hệ độc giả, trở thành một thứ di sản văn hóa của dân tộc. Việc phóng tác phải thuyết phục hơn, có lí hơn nguyên tác thì mới có thể đạt được thành công. Còn nếu nhà điện ảnh cứ hồn nhiên chuyển sang một ý khác mà không thoát khỏi cái gốc văn bản văn hóa ấy, vẫn bám rễ vào nó để sản sinh một thứ hoa trái lạ lùng, theo chủ quan của riêng mình thì chẳng khác gì việc chiết cành na ra cành ổi.

Thực hành văn hóa Việt hiện lên trong phim ở màn múa rối nước, hát giao duyên, đối thoại văn vẻ của các thôn nữ Bắc Bộ, sự ăn mặc, cảnh trí… với liều lượng tiết tấu hợp lí, nhân vật tham gia vào các tình huống này đủ độ, gây được sự hấp dẫn nhất định. Thế nhưng nó vẫn hoàn toàn phục vụ cho nhãn quan duy mĩ. Hình thành trong tư duy người xem ấn tượng về một làng quê trù phú, no đủ, xa rời yếu tố hiện thực - là giá trị lớn nhất của các tác phẩm Nam Cao. Cùng với hàng loạt chi tiết phóng tác khác như: bà Ba là người tử tế, biết điều, bị hoàn cảnh xô đẩy, trái ngược với bà Ba nham hiểm, dâm đãng trong truyện của Nam Cao; vợ giáo Thứ ở truyện là người khắt khe, không có sự thông cảm với chồng, thì ở đây là người có tính cách ngược lại, cảm thông với lão Hạc, nhằm khắc họa sự tương thân tương ái, thể hiện tình làng nghĩa xóm... Những điều này không cho thấy sự khắc nghiệt của hoàn cảnh sống tạo nên tính cách đặc biệt, cần quan tâm như ở nguyên tác.

Đặc biệt chi tiết lão Hạc ăn bả chó, trong truyện ám ảnh bao nhiêu thì ở phim nhẹ hều bấy nhiêu. Trong tác phẩm văn học, lão Hạc ăn bả chó với cảm thức đau đớn vì trước đấy đã lừa Cậu Vàng để bán đi. Lão mặc cảm việc mình đi lừa một con chó - con chó mà mình vốn coi như con - thì không bằng con chó, không đáng làm người nữa. Đó là góc độ tình người, là sự tự trừng phạt bản thân. Trong khi ở phim, con Vàng đã tự giải thoát. Lão có thể biết hoặc không biết, nhưng dù sao con Vàng cũng vẫn sống. Người xem thấy việc ăn năn đến mức tự tử bằng bả chó của lão Hạc không còn thuyết phục và ám ảnh như ở truyện nữa. Nhất là trước khi chết lão sắp đặt xong xuôi việc để lại mảnh đất cho con, chuẩn bị một bữa thịnh soạn, nói với hương hồn vợ... càng khiến khán giả cảm nhận một tâm thế nhẹ nhàng, thanh thản chứ không phải là sự day dứt, hận mình như ở truyện.

Nếu một số nhà làm phim chuyên nghiệp tìm đến diễn viên không chuyên nhằm gây xúc cảm chân thật cho khán giả thì ở đây đạo diễn sử dụng dàn diễn viên đẹp, có uy tín, tạo hình lung linh như trên video clip ca nhạc... làm cho điện ảnh bị sân khấu hóa. Cách diễn của nhân vật thầy địa lí (diễn viên hài Chiến Thắng đóng) chẳng hạn, nhiều đoạn thoại nói hết ra như trên sân khấu kể cả nhiều lời nội tâm khiến phim mất đi sức nặng hình ảnh.

Có thể kể thêm nhiều chi tiết xa rời hiện thực, vô lí hoặc khiên cưỡng khác của phim như: Binh Tư mặc quần bò, đi giày da, hoàn toàn xa lạ với bối cảnh văn hóa xã hội đương thời. Cái cớ lão Hạc giữ bằng được ngôi nhà cũng gây băn khoăn. Bá Kiến tìm cách thỏa thuận mua lại chứ đâu có cướp trắng? Nếu nó có giá thì làm sao lão phải nhất quyết giữ khư khư như vậy? Mục đích của lão chỉ là để lại mảnh đất cắm dùi cho con, nếu thế thì hoàn toàn có thể thương lượng để mua mảnh đất khác. Vậy nên, mâu thuẫn cao độ đến mức lão phải bán chó (tình thân duy nhất), rồi tự tử… chưa đủ thuyết phục. Phân đoạn lão Hạc và Bá Kiến tranh luận dẫn đến đẩy nhau trên bờ đê thể hiện sự bố trí rất “kịch” của đạo diễn. Điều này cho thấy sự không thống nhất trong tính cách của hai nhân vật. Bá Kiến nham hiểm không dễ gì lộ mặt với người cùng đinh như vậy. Còn lão Hạc, dù căm phẫn thế nào cũng khó mà trực diện phản kháng manh động kiểu ấy - dù phim thể hiện nỗ lực tinh thần phản kháng của các nhân vật cùng đinh (Binh Tư, lão Hạc, bà Ba, Cậu Vàng…), khác hẳn ở truyện - rất hiếm hoi có sự phản kháng (chỉ nổi lên sự phản kháng của Chí Phèo). Với cái nhìn bề ngoài, ai đó dễ ca ngợi nhà làm phim có cái nhìn hiện đại. Nhưng sâu trong bản chất, đặt phim ở bối cảnh lịch sử cụ thể thì sự phản kháng này thiếu thực tế. Bên cạnh đó, chi tiết con trai lão Hạc đi phu cao su, cuối phim trở về càng minh chứng cho sự dễ dãi, thiếu kiến thức lịch sử của tác giả điện ảnh. Với hoàn cảnh phu phen đi làm cao su trước Cách mạng tháng Tám thì chẳng hề có chuyện dễ dàng trở về như thế...

Việc khen chê, bình giá một tác phẩm nghệ thuật mới ra đời cần cẩn trọng, khách quan, nếu không sẽ vô tình hay cố ý quảng bá cho một sản phẩm kém chất lượng, hoặc tát nước theo mưa vùi dập những nỗ lực cống hiến của nghệ thuật chân chính. Một bộ phim hình thành tiêu tốn sức người sức của không hề nhỏ, chẳng phải để dư luận hoặc dễ dãi khen bốc giời hoặc cực đoan phủ định sạch trơn.

N.T.H.N

------

1. Xem: Từ Khôi, “Làng điện ảnh thêm một đạo diễn tài năng”, http://daidoanket.vn.

2. Xem: Lê Thiếu Nhơn, “Cậu Vàng kể tiếp câu chuyện làng Vũ Đại”, http:/www.lethieunhon.vn.

3, 7. Xem: Trịnh Thanh Nhã, “Phim Cậu Vàng - một cách nhìn khác vào thế giới của Nam Cao”, https://thethaovanhoa.vn.

4. Xem: Thiên Dương, “Cậu Vàng - một cái phim phỉ nhổ vào trăm năm điện ảnh”, https://travelmag.vn.

5. Xem: Mai Anh, “Cậu Vàng - bộ phim gây nuối tiếc trong tấm áo kiệt tác văn học Việt”, https://thanhnien.vn.

6. Xem: Phong Kiều, “Phim Cậu Vàng bị tẩy chay”, https://ngoisao.net.

8. Xem: Mai Nhật, “Đạo diễn Cậu Vàng: Tôi mất ngủ khi phim bị tẩy chay”, https://vnexpress.net.

(vannghequandoi.com.vn)