Văn hóa dân gian trên nền tảng số

16.03.2022
Bảo Linh
Chuyển đổi số là một xu hướng phát triển tất yếu của xã hội trên mọi lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Văn hóa dân gian - những giá trị văn hóa vốn được lưu truyền qua hình thức truyền khẩu cũng đã có những bước chuyển đổi số mạnh mẽ để sống trong đời sống đương đại. Điều đáng nói là hành trình đó đang được các bạn trẻ tiếp sức và sáng tạo để mang đến diện mạo mới cho văn hóa dân gian.

Văn hóa dân gian trên nền tảng số

Dự án Trường ca kịch viện giới thiệu về nghệ thuật ca  trù

Chúng ta luôn lo lắng rằng, làm thế nào để bảo tồn văn hóa dân gian khi văn hóa dân gian đang biến mất trong đời sống hiện đại. Nhưng thực tế, có những bạn trẻ, hiểu và yêu văn hóa dân gian, đang nỗ lực làm sống lại văn hóa dân gian trong những diện mạo mới. Với thế mạnh của công nghệ và thời đại số, họ đã khoác áo mới cho văn hóa dân gian, với quan niệm, văn hóa dân gian không phải là thứ bất biến, nó liên tục được sáng tạo, làm mới để vận hành trong dòng chảy của đời sống đương đại.  Và vì thế, văn hóa dân gian mới tồn tại.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu và những con giống bột.

Số hóa là một vấn đề quan trọng trong bảo tồn, phát triển văn hóa dân gian. Khi được số hóa, văn hóa dân gian sẽ được bảo tồn lâu dài hơn và truyền bá dễ dàng hơn, có thể kết nối với nhiều ngành khác nhau như thống kê, công nghệ... Nhiều bạn trẻ đã sử dụng công nghệ số để phát triển văn hóa dân gian, mang lại sức sống mới cho những giá trị xưa cũ.

Dự án "Trường ca kịch viện" của một nhóm bạn trẻ đang thu hút sự chú ý của mọi người. Đây là dự án của hai học sinh Việt đang du học ở Mỹ, với tâm huyết muốn lưu giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Fanpage "Trường ca kịch viện" đã có gần 5000 người theo dõi, gồm những bài viết, nghiên cứu về các loại hình nghệ thuật truyền thống dưới nhiều hình thức khác nhau, các video, các postcard... để tiếp cận giới trẻ. Tháng 3 này, các bạn dự kiến làm một triển lãm ứng dụng công nghệ thực tế ảo tôn vinh sự trường tồn của nghệ thuật biểu diễn truyền thống, gồm 50 tác phẩm với các loại hình âm nhạc khác nhau như "tài tử giai nhân", "ả đào", "chèo", "tuồng'.... để đưa nghệ thuật diễn xướng đến gần với công chúng.

Càng ngày, càng nhiều bạn trẻ có những lợi thế về sự sáng tạo, công nghệ say mê tìm hiểu văn hóa dân gian và đưa văn hóa dân gian sống lại bằng một hình thức mới. Nguyễn Quốc Hoàng Anh - Giám đốc sáng tạo dự án "Lên ngàn" là một câu chuyện thú vị. Anh ấp ủ dự án này từ năm 2014, quy tụ nhiều nghệ sĩ thực hành trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau để kể câu chuyện mới về nghệ thuật dân gian. Hoàng Anh làm việc trực tiếp với các nghệ sĩ tuồng và phát triển kịch bản gốc tuồng "Sơn hậu" để tạo ra câu chuyện mới, kết nối quá khứ và tương lai. Tuồng nếu chỉ biểu diễn trên sân khấu hộp rất khó tiếp cận khán giả, vì thế, Hoàng Anh đã làm một cú "đột phá", đưa tuồng ra biểu diễn ở sân khấu ngoài trời.

Buổi đầu tiên trình diễn ở khu tập thể Văn Chương đã tạo ra không gian mới cho nghệ thuật truyền thống. Ở đó, mọi người có cơ hội tiếp cận với nghệ thuật tuồng và có những trải nghiệm mới mẻ về âm nhạc, với sự xuất hiện của hiphop, nhạc đương đại, các nghệ sĩ tuồng đi ra từ nhiều hướng, tương tác với khán giả. Sau khi chương trình diễn ra, có nhiều bạn trẻ rất ấn tượng và tò mò tìm hiểu về tuồng. Sau dự án đó, Hoàng Anh cùng đồng nghiệp thực hiện dự án "Âm thanh sắc màu", lấy cảm hứng từ chèo kết hợp âm nhạc, kỹ thuật số và tương tác với cộng đồng rất mạnh.

Nguyễn Quốc Hoàng Anh chia sẻ: "Tôi muốn làm gì đó để mang di sản tiếp cận mạnh mẽ hơn với công chúng, tạo ra môi trường, cơ hội cho nghệ sĩ trẻ làm việc cùng nhau và sáng tạo để nối dài quá khứ vì tương lai của truyền thống nằm trong tay công chúng và những người trẻ đang thực hành nghệ thuật đương đại. Thực tế, giới trẻ không quay lưng với truyền thống mà chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận để phù hợp với thị hiếu của công chúng trẻ. Chúng tôi hoạt động theo mô hình hệ sinh thái, có các page và hội nhóm về văn hóa, mỗi không gian văn hóa sẽ lựa chọn những dòng sản phẩm ra mắt trên các nền tảng khác nhau. Với các lượt tương tác trên các nền tảng có 2 triệu người theo dõi, đó là con số đáng mừng, cho thấy sự lan tỏa của văn hóa truyền thống. Rõ ràng, thời đại số và công nghệ là một lợi thế giúp chúng ta tiếp cận và truyền bá văn hóa. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức những buổi nói chuyện, tương tác với các nghệ sĩ, các bạn trẻ đang thực hành nghệ thuật, các nghệ nhân, nghệ sĩ mở ra cầu nối để phát triển nghệ thuật dân gian hấp dẫn hơn với công chúng. Chúng tôi còn làm phim tài liệu, tổ chức những buổi nói chuyện, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau cùng kể một câu chuyện về văn hóa đa ngôn ngữ để tương tác với công chúng".

 

Nếu Nguyễn Quốc Hoàng Anh phát triển văn hóa dân gian trên nhiều hình thức khác nhau thì Đinh Việt Phương với dự án 3D Art đã có những dự án số hóa các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Anh chia sẻ: "Tôi theo đuổi lĩnh vực này từ năm 2004, đi sâu vào giá trị di sản, chiến đấu liên tục không mệt mỏi trong lĩnh vực này. Tôi sử dụng các phương pháp về mặt số hóa liên quan đến dữ liệu văn bản, hình ảnh, chụp ảnh 3D, đưa ảnh chụp dựng thành khối 3D, ngoài ra tôi còn sử dụng phương pháp lưu trữ không gian, chụp ảnh 360 độ và quay phim 360 độ kết hợp các phương pháp số hóa truyền thống". Đinh Việt Phương có tham vọng tạo ra vũ trụ của văn hóa dân gian Việt Nam để tất cả chúng ta được sống và chiêm ngưỡng vũ trụ đó, sống cùng lịch sử và văn hóa Việt Nam. "Phải hiểu và yêu để chúng ta tôn vinh và cùng gìn giữ, đây cũng chính là cách chúng ta có được cái riêng với thế giới và con cháu chúng ta hiểu được gạch nối giữa quá khứ với tương lai". Đinh Việt Phương chia sẻ.

Bằng nhiều cách khác nhau nhưng cùng đi trên con đường đưa văn hóa dân gian sống trong đời sống đương đại, anh Đặng Văn Hậu - một nghệ nhân nặn con giống bột (thôn Xuân La, xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã có gần 20 năm gắn bó với nghề. Điều đáng nói là sau khi phục hồi được những con giống tưởng như đã thất truyền, anh Hậu đã sử dụng công nghệ số, đẩy mạnh truyền thông cho sản phẩm, sử dụng fanpage, các video hình ảnh để kể câu chuyện con giống, kết nối đưa khách du lịch trong và ngoài nước về tham quan cùng trải nghiệm nặn con giống, mang những nét đẹp văn hóa truyền thống đến với người dân và du khách. Cách tiếp cận mới mẻ, sáng tạo của anh đã góp phần làm sống lại một trong những vẻ đẹp truyền thống tưởng như đã thất truyền.

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra khi phát triển văn hóa dân gian trong thời đại số, đó là vấn đề bản quyền. Làm thế nào để không bị sao chép và làm thế nào để không nhận những gì không phải của mình thành của mình. Đinh Việt Phương chia sẻ câu chuyện thương hiệu Ỷ Vân Hiên định đăng ký sở hữu trí tuệ cho kiểu mẫu gối xếp nhưng không được. Bảo tàng Phụ nữ khi thực hiện số hóa các hiện vật liên quan đến trầu cau, họ chủ động đính kèm logo của bảo tàng vào trong từng hình ảnh. Đó là cách họ khẳng định sở hữu.

Rõ ràng, văn hóa dân gian đã được khoác áo mới  trên nền tảng số và công nghệ. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - người có nhiều dự án nghệ thuật đương đại lấy cảm hứng từ chất liệu truyền thống chia sẻ rằng: "Tất cả những sáng tạo đó đều rất hấp dẫn và thú vị, nó minh chứng một điều rằng, truyền thống là thứ chúng ta có thể tạo ra và chỉ có con người tạo ra văn hóa, tạo ra truyền thống. Chúng ta phải biết trân trọng sự sáng tạo và con người sáng tạo thì mới có văn hóa và truyền thống".

(vnca.cand.com.vn)