Phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống Đà Nẵng

14.03.2025
Trần Ngọc Tuấn
Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Đà Nẵng là tổ chức xã hội nghề nghiệp, trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng(1). Những năm qua, Hội tích cực tổ chức và thực hiện tốt những nhiệm vụ được thành phố và Liên hiệp Hội giao trên cả 02 lĩnh vực hoạt động (sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên), góp phần trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống của địa phương.

Phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống Đà Nẵng

Chương trình Hồn Việt biểu diễn tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Điển hình như “Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015; và “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam” (trong đó có Quảng Nam - Đà Nẵng) đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được UNESCO công nhận ngày 07/12/2017.

1. Nghệ thuật Tuồng“xứ Quảng”

Quá trình hình thành và phát triển

Tuồng xứ Quảng (Quảng Nam, Đà Nẵng), ngay từ trong lịch sử xa xưa, đã có những dấu ấn sâu sắc với nghệ thuật Tuồng cổ, đã cho thấy một hành trình phát triển chứa đựng nhiều giá trị và trải qua nhiều biến đổi, thách thức. Có thể đã xuất hiện và phát triển từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII, Quảng Nam đã có phong trào tuồng sôi nổi để đến đầu thế kỷ XIX, dòng tuồng“đàng bộ” gắn với cái nôi của Tuồng Quảng Nam là gánh hát tuồng làng Đức Giáo (nay thuộc xã Quế Châu, huyện Quế Sơn) và Khánh Thọ (nay thuộc thành phố Tam Kỳ) ra đời. Đây là thời kỳ hoạt động tuồng sân, người nghệ sĩ không diễn cố định ở một địa điểm mà lưu diễn khắp nơi, từ sân đình, sân nhà cho tới bãi làng. Từ hai gánh hát này, nghệ thuật Tuồng phát  triển  rộng ra các vùng khác trong tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng… Sau này, Quảng Nam còn hình thành thêm một dòng tuồng nữa là dòng tuồng “đàng nước” tập trung ở Hội An, Vĩnh Điện, Bàu Toa với những cải cách trong biểu diễn. Đến khoảng những năm 70 của thế kỷ XIX, ở Đà Nẵng đã hình thành nên một số vùng tuồng khá tiêu biểu như Túy Loan, Miếu Bông, Chợ Mới... được tổ chức, quản lý tương đối nề nếp, có quy mô, lực lượng diễn viên có trình độ đồng đều. Đến những năm 20 của thế kỷ XX, xuất hiện thêm dòng tuồng thứ ba là dòng Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh gắn với rạp hát Vĩnh Điện do Nguyễn Hiển Dĩnh thành lập. Nhà nghiên cứu, cố giáo sư Hoàng Châu Ký từng khái quát rằng, dòng Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tiếp thu đầy đủ tinh hoa của dòng tuồng“đàng bộ” kết hợp những cải cách của dòng tuồng“đàng nước”, từ đó dần dần nâng cao và phát triển lên thành nghệ thuật Tuồng “xứ Quảng” mang sắc thái riêng biệt là thực và đẹp.

Quảng Nam - Đà Nẵng ngay từ hàng trăm năm trước đã là vùng đất đầu tiên hình thành hai hướng hoạt động riêng biệt của tuồng cổ là chuyên nghiệp và không chuyên (nghiệp dư). Theo các nhà nghiên cứu có lẽ khởi nguyên từ việc di dân trong lịch sử, khi nhà Nguyễn xây dựng kinh thành, lấy làng Đức Giáo (tại Phú Xuân) vốn là vùng đất nổi tiếng với nghề hát tuồng tại kinh đô, khiến dân cư tại đây phải di chuyển vào Quảng Nam và định cư tại làng Khánh Đức. Vì là dân ngụ cư, nên dân Đức Giáo không có ruộng nương nên đành lấy hát tuồng làm nghề chính để làm kế sinh nhai. Trong khi gánh tuồng Khánh Thọ thường diễn vào dịp tế lễ thì ngược lại, gánh tuồng Khánh Đức lại thường xuyên đi diễn khắp nơi. Chính vì mang tính chuyên nghiệp sớm, nên tuồng xứ Quảng có điều kiện phát triển mạnh. Cùng với nhiều tài năng lớn của ngành tuồng, Quảng Nam - Đà Nẵng cũng là nơi đầu tiên xuất hiện mô hình hoạt động nghệ thuật khép kín gồm rạp hát - đoàn biểu diễn - trường dạy nghề dưới hình thức dân lập đó là gánh hát của cụ Nguyễn Hiển Dĩnh. Điều này, có lẽ còn nguyên giá trị khi nhìn vào công tác đào tạo diễn viên, vận hành đơn vị nghệ thuật truyền thống của hiện tại... Tuồng xứ Quảng vừa thừa hưởng của nghệ thuật Tuồng cung đình Huế, vừa có sự giao thoa với tuồng Bình Định, ngoài ra, tuồng cổ Quảng Nam còn sở hữu dòng tuồng văn, tức là thiên về hát và biểu diễn nội tâm. Trong chiều dài lịch sử phát triển, tuồng xứ Quảng cũng hội tụ được rất nhiều nhân tài; Nhiều vai diễn độc đáo của các nghệ sĩ bậc thầy đất Quảng trở thành hình mẫu cho bao nghệ sĩ cả nước; Các kịch bản tuồng của Nguyễn Hiển Dĩnh, Tống Phước Phổ trở thành những kịch bản kinh điển, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tuồng thầy, tuồng đồ, tuồng cách mạng; được nhiều nơi dàn dựng, biểu diễn và vẫn sống bền bỉ trên sân khấu hôm nay…

Công tác bảo tồn di sản

Theo thống kê của ngành văn hóa, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (trong giai đoạn 1975 - 1997) có 24 đơn vị tuồng không chuyên hoạt động khá thường xuyên gồm: Đoàn tuồng bán chuyên nghiệp thành phố Đà Nẵng và Đoàn tuồng Sông Thu, huyện Duy Xuyên và 22 câu lạc bộ tuồng không chuyên, trong đó  có 04 câu lạc bộ ở Đà Nẵng (Tân Chính, Xuân Hà, Thọ Quang, Thanh Bình) 07 câu lạc bộ ở huyện Duy Xuyên, 06 câu lạc bộ ở huyện Quế Sơn, 05 câu lạc bộ ở huyện Nông Sơn, 01 câu lạc bộ ở thành phố Hội An… Hiện tại ở Quảng Nam vẫn còn khoảng 19 câu lạc bộ vẫn đang hoạt động; ở Quảng Nam vẫn còn khá đông người mê tuồng, ở một số địa phương vẫn tổ chức các Liên hoan nghệ thuật Tuồng - Dân ca hằng năm như Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc (huyện Quế Sơn cứ 02 năm lại tổ chức Liên hoan Nghệ thuật không chuyên 01 lần với sự tham gia của các xã, các đơn vị ban ngành, các trường  học với quy chế chặt chẽ là nếu không có tuồng và dân ca thì sẽ không chấm giải). Tuy nhiên, nhìn chung thì nghệ thuật tuồng vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một, từ việc thiếu vắng lực lượng biểu diễn kế cận đến các không gian diễn xướng...

Tại thành phố Đà Nẵng hiện nay không còn đơn vị tuồng không chuyên nào hoạt động, một số câu lạc bộ trước đây bây giờ cũng không duy trì được vì thiếu nhân lực và điều kiện để duy trì hoạt động. Hiện tại ở thành phố Đà Nẵng chỉ có 01 đơn vị tuồng chuyên nghiệp đó là Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Trong những năm qua công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng xứ Quảng đã có những tiến triển tích cực, phần nào lấy lại được vị trí trong lòng khán giả, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân địa phương.

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh

Ra đời trong những năm  tháng vô cùng gian khổ và ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc và của quê hương Quảng Nam - Ðà Nẵng, Ðoàn Tuồng giải phóng Quảng Nam được thành lập năm 1967 tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Sau năm 1975, sáp nhập với Đoàn Tuồng Phương Nam và đổi tên thành Ðoàn Tuồng tỉnh Quảng Nam - Ðà Nẵng, nay là Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - thành phố Đà Nẵng; đã có chặng đường gần 60 năm hoạt động và trưởng thành. Ðối với đội ngũ nghệ sĩ diễn viên của Nhà hát hôm nay, đây vừa là ngôi nhà chung đầy nghĩa tình, vừa là môi trường hoạt động nghệ thuật thực sự để các nghệ sĩ đem hết khả năng, tâm huyết của mình cống hiến cho nghệ thuật. Họ đã được các bậc thầy truyền dạy, đã kế thừa, bảo lưu tinh hoa nghệ thuật dân tộc, mang đến cho đông đảo người  xem  hàng  trăm  vở  diễn và các trích đoạn tuồng cổ mẫu mực, tuồng đồ, tuồng lịch sử, tuồng hiện đại chọn lọc… Nhà hát đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba...; 08 nghệ sĩ được phong tặng nghệ sĩ nhân dân, 27 nghệ sĩ được phong tặng nghệ sĩ ưu tú, Nhà hát hiện có 50 diễn viên và nhạc công, có 01 nghệ sĩ nhân dân và 04 nghệ sĩ ưu tú đang tham gia biểu diễn. Phần lớn lực lượng biểu diễn của Nhà hát hiện nay là trẻ, được đào tạo bồi dưỡng tốt, có trình độ nghề nghiệp vững vàng. Việc đào tạo con người  vẫn  là  tiêu  chí  được  đặt  lên hàng đầu để bổ sung kịp thời một đội ngũ diễn viên trẻ, có niềm đam mê, say nghề, tiếp tục kế thừa và trao truyền những giá trị cốt lõi của tuồng.

Những năm trở lại đây, thành phố Đà Nẵng đã có những quan tâm đặc biệt, vào cuộc quyết liệt để vực lại những giá trị đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật tuồng. Phấn đấu đưa nghệ thuật tuồng vào cuộc sống, trở thành một phần phổ biến trong hưởng thụ văn hóa của người dân, của du khách trong và ngoài nước đến với Ðà Nẵng. Nhằm tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục những hiểu biết về văn hóa xã hội, về các loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc cho các em học sinh, sinh viên trong các trường THCS, THPT, các trường đại học, tạo ra đội ngũ khán giả trẻ và nguồn cung ứng nghệ sĩ diễn viên cho nghệ thuật dân tộc trong tương lai. Chương trình “Đưa tuồng xuống phố” chương trình “Sân khấu học đường” tạo được nhiều hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Từ tháng 7 năm 2015, để nghệ thuật tuồng gần gũi hơn với công chúng đồng thời để sinh động các hoạt động nghệ thuật về đêm thúc đẩy sự phát triển du  lịch,  nhà  hát đã xây dựng kế hoạch đưa “Tuồng xuống phố” với 24 buổi diễn/01 năm và mỗi năm tổ chức được 30 buổi nói chuyện, giới thiệu về Nghệ thuật Tuồng và biểu diễn các trích đoạn, tiết mục tuồng đặc sắc tại các trường đại học, THCS và tiểu học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhằm giúp các em học sinh hiểu và yêu hơn nghệ thuật tuồng của dân tộc và quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Ở đây vai trò của các hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Đà Nẵng (gồm hơn 50% là nghệ sĩ diễn viên của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) là hết sức quan trọng, đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng xứ Quảng trên quê hương Đà Nẵng.

2. Nghệ thuật Bài chòi

Quá trình hình thành và phát triển

Nghệ thuật Bài chòi có từ bao giờ đến nay vẫn còn là ẩn số. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, nhiều thú dữ trên rừng thường về phá hoại mùa màng, quấy nhiễu cuộc sống của dân lành. Để chống lại thú dữ, người dân trong làng đã dựng những chiếc chòi rất cao ở ven rừng. Trên mỗi chiếc chòi cắt cử một thanh niên trai tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về phá hoa màu thì đánh trống, hô to để đuổi chúng… Trong quá trình ấy, để đỡ buồn chán, người ta đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò. Để phù hợp với hoàn cảnh khi đó, người trên các chòi đã ngồi trên chòi để hát - hô đối đáp nhau giữa chòi này với chòi khác. Rồi không chỉ có vậy, người dân còn sáng tạo ra cách ngồi chơi bài tứ sắc (tương tự như chơi tam cúc ở ngoài Bắc). Hình thức vừa chơi bài, vừa hô (hát) giữa các chòi với nhau để giải trí này đã được dân gian gọi là hô Bài chòi, khởi nguồn của nghệ thuật Bài chòi sau này. Qua thời gian, để nhiều người có thể biết cách chơi hát - hô này, những cuộc giải trí dần dần được nâng lên thành hội Bài chòi….

Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng, kết  hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài chòi có hai hình thức chính: “Chơi Bài chòi” và “Trình diễn Bài chòi”. Chơi Bài chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán. Những  người lưu giữ và thực hành nghệ thuật Bài chòi là các anh chị Hiệu, những nghệ nhân biểu diễn Bài chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài. Người trình diễn và gia đình họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hình thức thực hành bằng cách giảng dạy các bài bản, kỹ năng ca hát, kỹ thuật trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho các thế hệ trẻ. Hầu hết, nghệ nhân đều được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát Bài chòi trong gia đình, chủ yếu thông qua phương pháp truyền miệng. Tuy nhiên, một số nghệ nhân Bài chòi ngày nay cũng truyền dạy kiến thức và kỹ năng trong các hội, các câu lạc bộ và trường học.

CLB bài chòi Sông Hàn biểu diễn tại sân khấu phía đông cầu Rồng.

 Nghệ thuật Bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã. Các thành tố văn hóa nghệ thuật: thơ ca, âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ, tập tục… trong nghệ thuật Bài chòi được chuyển tải một cách giản dị, tự nhiên, tạo sức hấp dẫn với công chúng, trở thành sinh hoạt văn hóa  thiết  yếu và phổ biến khắp miền Trung. Vì thế mà sinh hoạt Bài chòi trở thành môi trường thực hành và sáng tạo nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi bảo tồn vốn văn nghệ dân gian, phong cách trình diễn và các giá trị văn hóa vùng miền.

Công tác bảo tồn di sản

Những năm trước, khi chưa chia tách địa giới hành chính tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng (ngày 6/11/1996) hoạt động hô, hát Bài chòi có thể nói là hết sức sinh động, có nhiều địa phương còn có cả phong trào dạy hát lan tỏa trong cộng đồng. Trong các ngày lễ, Tết, lễ hội… đi đâu cũng nghe hô, hát và chơi Bài chòi.

Một số địa phương thành lập được nhiều các nhóm, câu lạc bộ để đi trình diễn nghệ thuật Bài chòi rất bài bản và thu hút rất nhiều người tham gia. Trước năm 1997 tại Đà Nẵng cũng còn có Đoàn Dân ca Kịch Quảng Nam - Đà Nẵng và thường xuyên đi biểu diễn phục vụ nhân dân và cũng là cầu nối để phong trào hô hát Bài chòi, Dân ca phát triển. Bên cạnh đó hàng năm thành phố còn thường xuyên tổ chức các cuộc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng nên phong trào hát Dân ca, Bài chòi, Hò khoan đối đáp… phát triển mạnh mẽ.

Đến năm 1997, sau khi tách tỉnh, Đoàn Dân ca kịch chuyển vào Quảng Nam, bên cạnh đó là sự sắp xếp về địa bàn dân số có nhiều thay đổi, tính cộng cư bền vững có những thay đổi, việc sắp xếp  qui hoạch thành phố cũng gây nhiều ảnh hưởng đến các sinh hoạt cộng đồng làng xóm, làng nghề, các lễ hội truyền thống, các cuộc liên hoan nghệ thuật không chuyên trên địa bàn thành phố cũng ngày giảm dần, chính vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động và phong trào Hô hát Bài chòi…(chỉ còn huyện Hòa Vang vẫn duy trì tốt). Đến khoảng năm 2005 phong trào Hô hát Bài chòi bắt đầu có sự trỗi dậy... Đến năm 2017, sau khi UNESCO công nhận nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam là di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại thì Bài chòi đã có cuộc hồi sinh mạnh mẽ; phong trào Hô hát Bài chòi, đàn hát Dân ca được nhiều địa phương có những quan tâm nhất định, nhiều câu lạc bộ Bài chòi ra đời và thường xuyên phục vụ nhân dân và cả việc tham gia quảng bá nghệ thuật Bài chòi với du khách.

Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố Đà Nẵng luôn chú trọng đến việc tuyên truyền, bảo tồn và phát huy những giá trị của nghệ thuật Hô hát Bài chòi. Những năm qua, với sự nỗ lực của anh chị em nghệ sĩ, nghệ nhân đã góp phần tích cực làm sống lại phong trào Hô hát Bài chòi, hát Dân ca trong nhân dân, trong các trường học; nhiều nghệ sĩ diễn viên là những cá nhân tham gia tích cực trong công tác mở lớp hướng dẫn chuyên môn, làm sống lại phong trào hát Dân ca - Bài chòi tại Đà Nẵng, nhiều hội viên hết sức tích cực trong việc tổ chức các lớp học hát Dân ca, Bài chòi; tổ chức nói chuyện, biểu diễn minh họa và giảng dạy tại các trường THCS, THPT và các trường cao đẳng, đại học. Nhiều tác giả - đạo diễn sáng tác và dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật Dân ca có chất lượng nghệ thuật tốt để tham gia các cuộc hội thi; hội diễn không chuyên của các đơn vị, ban, ngành trong và ngoài thành phố.

Hiện nay nghệ thuật Bài chòi ở Đà Nẵng cũng được chính quyền thành phố hết sức quan tâm. Các hình thức hoạt động được đầu tư khá bài bản “Bài chòi xuống phố”, “Bài chòi vào học đường” dạy hát Dân ca, Bài chòi trên sóng Phát thanh - Truyền hình, các cuộc Liên hoan “Đàn hát Dân ca, Hò khoan đối đáp, hát ru”,… Các nghệ nhân Bài chòi cũng đã được phong tặng danh hiệu cao quý, có 01 Nghệ nhân nhân dân, 06 Nghệ nhân ưu tú... Tuy nhiên việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi ở Đà Nẵng hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn thách thức, và khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu trầm trọng nhân lực hạt nhân phong trào tại địa phương và lực lượng nhạc công để làm nòng cốt cho phong trào và làm tốt công tác bảo tồn, phát triển.

Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Đà Nẵng, với phương châm đóng góp tích cực và hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống của địa phương, luôn duy trì sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Trung tâm Văn hóa Thông tin thành phố, các trung tâm Văn hóa Thể thao các quận, huyện… Hội sẵn sàng tham mưu, phối hợp mở các lớp học, cuộc thi, liên hoan nghệ thuật các cấp và xây dựng giáo án, chương trình giới thiệu các loại hình nghệ thuật đến học sinh, sinh viên. Đồng thời, giới thiệu các nghệ sĩ, diễn viên có trình độ chuyên môn cao để tham gia công tác giảng dạy, đào tạo, hỗ trợ các câu lạc bộ và địa phương trong việc xây dựng phong trào nghệ thuật ở cơ sở.

(Tạp chí Non Nước số 325)

(1) Hội hiện có 83 hội viên: trong đó có 28 nữ; có 28 đảng viên; 05 nghệ sĩ nhân dân, 21 nghệ sĩ ưu tú, 05 Nghệ nhân ưu tú và 01 Nghệ nhân nhân dân (trong đó có 59 hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam).