50 năm xây dựng và phát triển âm nhạc Đà Nẵng
Tiết mục Đà Nẵng bản tình ca do ca sĩ Thúy Hạnh và Hữu Đức thể hiện tại Chương trình nghệ thuật Giai điệu tháng Ba do Hội Âm nhạc Đà Nẵng tổ chức.
Từ sau năm 1975, đội ngũ hoạt động âm nhạc tại Đà Nẵng đã được kết hợp từ nhiều thành phần khác nhau, bao gồm những người trở về từ chiến khu, những cựu sinh viên tốt nghiệp từ các nhạc viện Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và các nghệ sĩ đã hoạt động tại Đà Nẵng trước năm 1975. Chính sự đa dạng về xuất thân đã tạo nên một đời sống âm nhạc phong phú, phản ánh chân thực mọi mặt của cuộc sống đương đại, thấm đẫm tinh thần xây dựng quê hương đất nước.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sáng tác ca khúc thì đây là thời kỳ đầy sinh khí và năng động của âm nhạc Đà Nẵng. Những sáng tác mới không chỉ hòa mình vào nhịp sống mới mà còn tạo ra dấu ấn riêng biệt, không chạy theo xu hướng tầm thường. Qua thời gian, các tác phẩm đã được công chúng và giới chuyên môn kiểm nghiệm, góp phần khẳng định tài năng sáng tạo của các nhạc sĩ Đà Nẵng không hề thua kém so với các tác giả trong cả nước. Ngoài ca khúc, một số nhạc sĩ còn thử nghiệm với các thể loại âm nhạc mới như: romance, concerto, acapella, hay symphony poem… làm phong phú thêm màu sắc của âm nhạc thành phố.
Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhạc sĩ và giáo viên âm nhạc, giúp nâng cao trình độ chuyên môn và khơi dậy nguồn lực sáng tạo cho âm nhạc Đà Nẵng. Sau khi Quảng Nam và Đà Nẵng được tách thành hai đơn vị hành chính vào năm 1997, hoạt động âm nhạc tại Đà Nẵng càng mạnh mẽ hơn. Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng đã tích cực kết nạp hội viên mới, tạo ra một nguồn lực nội tại mạnh mẽ cho phong trào âm nhạc của thành phố. Đến nay, Hội đã có hơn 100 hội viên, với gần 50 hội viên là thành viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao đã ra đời và được công nhận bởi các tổ chức, đoàn thể cả ở Trung ương và địa phương.
Trong suốt chặng đường này, những nhạc sĩ cao niên tiêu biểu của Đà Nẵng như: Thái Nghĩa (đã mất), Trần Ái Nghĩa, Nguyễn Đình Thậm, Trần Ngọc Sanh, Nguyễn Hoàng, Trịnh Tuấn Khanh, Nguyễn Duy Khoái... Trẻ hơn như: Trương Duy Huyến (đã mất), Quang Trung, Hoàng Dũng (đã mất), Xuân Minh, Minh Sơn, Ngọc Dũng, Trúc Lam, Hoàng Huy, Thu Thủy, Nguyễn Đức, Quang Khánh, Phan Thanh Trường, Trương Kim Hùng, Hướng Dương, Quang Thành, Bá Sĩ, Văn Nhi Phan, Mai Danh... và lớp tác giả trẻ tuổi sinh ra trong thập niên 70, 80 của thế kỷ trước như: Nguyễn Nhẫn, Trương Sỹ Linh, Thái Phú, Nam An, Cao Tâm, Trương Quang Đức, Trần Lành, Lê Văn Thanh, Võ Đình Nam... Về chuyên ngành lý luận có: Trương Đình Quang (đã mất), Trần Hồng, Văn Thu Bích, Lê Hưng Tiến, Lê Thị Quyên, Tịnh Uyên; về chuyên ngành biểu diễn như các ca sĩ: Kim Oanh, Thanh Trà, Quang Hào, Minh Chính, Xuân Đề, Ngọc Lê, Thu Huyền, Ngọc Diệp, Bích Hợp, Phi Thúy Hạnh, Đăng Giang, Lê Vân, Trung Dũng, Tuấn Phương..., và nhiều tác giả khác đã cống hiến không ngừng nghỉ.
Các nhạc sĩ cũng tích cực tham gia các cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố phát động, đồng thời tham gia các hoạt động như dàn dựng chương trình nghệ thuật, ban giám khảo các liên hoan âm nhạc, hội thảo, tọa đàm về âm nhạc. Họ không chỉ sáng tác phục vụ phong trào mà còn tham gia các hoạt động cộng đồng, làm phong phú thêm đời sống âm nhạc của thành phố. Những tác phẩm, công trình nghệ thuật đa dạng, thể hiện qua nhiều độ tuổi và thế hệ đã góp phần làm đẹp thêm bức tranh âm nhạc Đà Nẵng.
Những giải thưởng dành cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ Đà Nẵng thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau là minh chứng sống động về sự lớn mạnh của phong trào âm nhạc thành phố Đà Nẵng trong suốt nhiều năm qua. Tất cả những khởi sắc ấy đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống âm nhạc của Đà Nẵng, đặc biệt trong bối cảnh thành phố đang thay đổi từng ngày và đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Cùng với sự bùng nổ thông tin và sự ra đời của các phương tiện kỹ thuật nghe nhìn hiện đại, nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng ngày càng đa dạng, đòi hỏi nghệ thuật âm nhạc phải thích ứng và đáp ứng được thị hiếu mới, đặc biệt là của giới trẻ.
Với số lượng hội viên chuyên ngành sáng tác đông đảo, các hoạt động âm nhạc tại Đà Nẵng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng luôn chú trọng đến việc tổ chức các chương trình tôn vinh nhạc sĩ lão thành, giới thiệu tác phẩm của nhạc sĩ trẻ, cũng như tổ chức các đợt sáng tác thực tế dành cho tất cả các đối tượng, không phân biệt độ tuổi. Các hoạt động này không chỉ mang lại cơ hội cho các nhạc sĩ giao lưu, học hỏi, mà còn là động lực để họ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
Trong bối cảnh đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, các nhạc sĩ, dù ở độ tuổi nào, vẫn giữ được sự nhiệt huyết và chuyên tâm trong sáng tác. Những giai điệu từ các giọng hát, tiếng đàn vẫn ngân vang, chỉ có một số nhạc sĩ cao niên vì sức khỏe yếu, đành tạm gác bút, nhường lại sân chơi cho thế hệ trẻ. Tuy vậy, phần lớn trong số họ vẫn kiên trì vượt qua những lo toan thường nhật, âm thầm gửi gắm đam mê vào từng nốt nhạc, sống một cuộc đời giản dị, trong sáng, không bị dao động trước khó khăn. Họ vẫn vững vàng và có định hướng rõ ràng trong từng giai đoạn sáng tác, luôn tìm cách hòa với nhu cầu thưởng thức của công chúng.
Nhìn vào những giải thưởng uy tín, danh giá được trao tặng hàng năm, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng những thành tựu đó không chỉ dành cho các nhạc sĩ cao niên mà còn ghi nhận sự đóng góp của các tác giả trẻ Đà Nẵng, khẳng định tài năng của họ không hề thua kém thế hệ đàn anh. Các nhạc sĩ trẻ thường xuyên đưa hơi thở đương đại vào các tác phẩm của mình, tạo nên những dấu ấn mới mẻ trong âm nhạc. Hội cũng đã chú trọng phát triển các câu lạc bộ sáng tác - biểu diễn dành cho giới trẻ, tạo cơ hội để các hội viên kết nối, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp. Đồng thời, Hội cũng không ngừng bồi dưỡng kiến thức về nhạc lý, hòa âm, phức điệu… cho đội ngũ kế cận, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và tạo điều kiện cho họ đi thực tế để sáng tác những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Thậm chí, một số nhạc sĩ thâm niên không ngần ngại trực tiếp hướng dẫn các tác giả trẻ về thủ pháp sáng tác, giúp họ hoàn thiện các tác phẩm. Ngược lại, các nhạc sĩ trẻ luôn tôn trọng, chăm chỉ học hỏi và mong muốn tiếp thu kinh nghiệm từ các bậc tiền bối trong nghề.
Khi nhắc đến chuyên ngành sáng tác, không thể không nhắc đến sáng tác khí nhạc, một lĩnh vực mà Đà Nẵng tự hào có nhạc sĩ Phan Ngọc - một tài năng xuất sắc. Sau khi ông qua đời, sự chuyển giao trong sáng tác khí nhạc gặp không ít khó khăn. Các thể loại như concerto, symphony poem, hòa tấu nhạc cụ gần như vắng bóng, khi các nhạc sĩ trẻ chưa kịp tiếp nối. Hiện nay, tại Đà Nẵng, những tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ trẻ tốt nghiệp từ các Học viện Âm nhạc quốc gia hoặc được sáng tác trong các trại sáng tác khí nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam vẫn còn hiếm hoi. Tuy vậy, nhạc sĩ Xuân Minh với tác phẩm Giao hưởng Tây Nguyên rực rỡ sắc màu trong cuộc phát động sáng tác“Sống mãi với thời gian” là một tín hiệu đáng mừng, đánh dấu nỗ lực và sự phát triển của khí nhạc Đà Nẵng.
Về lĩnh vực lý luận âm nhạc có nhạc sĩ Trần Hồng và Trương Đình Quang (đã mất), là cây đa cây đề cho lớp sau noi theo. Dù tuổi cao sức yếu, nhạc sĩ Trần Hồng vẫn miệt mài nghiên cứu và đã xuất bản nhiều công trình giá trị về âm nhạc dân gian, được trao giải thưởng chuyên ngành hàng năm. Trong 50 năm qua, nhiều thế hệ nhạc sĩ được đào tạo chính quy chuyên ngành lý luận tại Đại học Sư phạm và Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng, nhưng phần lớn họ tập trung vào giảng dạy. Hiện nay, ngoài các nhạc sĩ kỳ cựu như Văn Thu Bích, còn có một đội ngũ trẻ đang dần kế cận như Lê Hưng Tiến, Nguyễn Đình Dũng, Trần Văn Hào...
Trong lĩnh vực biểu diễn, các thế hệ nghệ sĩ kỳ cựu như: Kim Oanh, Quang Trung, Minh Chính, Thanh Trà, Thu Huyền, Ngọc Diệp, Bích Hợp, cùng các nhạc sĩ biểu diễn nhạc cụ như Trịnh Mạnh Hùng, Danh Thắng, Lưu Học, Nguyễn Đình San, Vĩnh Thuận, Nguyễn Văn Hiếu đã và đang chuyển giao cho thế hệ kế cận. Họ dần lui về vai trò giám khảo, dàn dựng, giảng dạy hoặc biểu diễn riêng lẻ, nhường sân chơi cho các giọng ca và tay đàn trẻ như Quang Hào, Thanh Yên, Lê Vân, Tịnh Uyên, Tuấn Phương, Lê Giang, Phạm Duy, những người đã và đang có những đóng góp đáng kể cho hoạt động văn hóa nghệ thuật của thành phố.
Những khởi sắc trong âm nhạc Đà Nẵng đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống văn hóa thành phố, đặc biệt trong bối cảnh thành phố đang thay đổi từng ngày. Sự bùng nổ công nghệ thông tin và các phương tiện kỹ thuật hiện đại đã làm phong phú nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng, đòi hỏi nghệ thuật âm nhạc phải đáp ứng được thị hiếu mới, đặc biệt là giới trẻ.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, âm nhạc Đà Nẵng vẫn đứng trước những cơ hội đầy hứa hẹn và những thách thức không nhỏ, đòi hỏi chúng ta phải biết tận dụng những cơ hội này đồng thời vượt qua các khó khăn đang đặt ra.
Về cơ hội, với quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, Đà Nẵng đang trở thành một điểm đến du lịch nổi tiếng, tạo điều kiện thuận lợi để âm nhạc của thành phố giao lưu và học hỏi từ các nền văn hóa khác. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và tổ chức các sự kiện văn hóa lớn như Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, các lễ hội giao lưu văn hóa, nghệ thuật… Đây chính là những cơ hội tuyệt vời để âm nhạc Đà Nẵng tỏa sáng và vươn xa.
Về thách thức, trong một thị trường âm nhạc ngày càng rộng lớn và cạnh tranh gay gắt, lực lượng sáng tác và biểu diễn tại Đà Nẵng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình. Việc thiếu hụt kỹ năng chuyên môn sâu, sự sáng tạo đột phá và khả năng thích ứng với xu hướng toàn cầu hóa đang là một yếu tố cản trở trong việc tạo ra những sản phẩm âm nhạc có ảnh hưởng rộng rãi. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng hiện tại vẫn chưa đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển âm nhạc chuyên nghiệp, trong khi sự cạnh tranh từ các trào lưu âm nhạc quốc tế cũng tạo ra áp lực lớn đối với các nghệ sĩ.
Để phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo, âm nhạc Đà Nẵng cần được hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn và môi trường phát triển. Để đưa âm nhạc thành phố Đà Nẵng lên tầm cao mới, chúng ta cần thực hiện một số định hướng và giải pháp sau:
Trước hết, thành phố và các cơ quan văn hóa nghệ thuật cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ phát triển. Các chương trình đào tạo, hội thảo chuyên môn và khóa học ngắn hạn về sáng tác và biểu diễn sẽ giúp nâng cao kỹ năng và mở rộng tầm hiểu biết của các nghệ sĩ.
Bên cạnh đó, cần tổ chức thêm nhiều sân chơi, cuộc thi âm nhạc và sự kiện nghệ thuật, tạo cơ hội để các nhạc sĩ, ca sĩ thể hiện tài năng và giao lưu, học hỏi. Các sự kiện như liên hoan âm nhạc, cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng hay các chương trình biểu diễn lớn sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và động lực cho nghệ sĩ.
Các nghệ sĩ cũng cần luôn cập nhật xu hướng âm nhạc quốc tế, đồng thời giữ vững bản sắc âm nhạc dân tộc. Việc kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và truyền thống sẽ tạo ra những tác phẩm có chiều sâu, vừa thu hút khán giả, vừa thể hiện được dấu ấn riêng biệt của Đà Nẵng.
Hợp tác và giao lưu quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng, giúp âm nhạc Đà Nẵng vươn ra thế giới. Kết nối với các tổ chức và nghệ sĩ quốc tế sẽ mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi và đưa âm nhạc của thành phố tham gia vào các sự kiện lớn như Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, các lễ hội giao lưu văn hóa, nghệ thuật.
Cuối cùng là phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa, trong tương lai cần xây dựng thêm các trung tâm nghệ thuật, nhà hát hiện đại phục vụ nhu cầu biểu diễn và phát triển âm nhạc, tạo không gian cho các nghệ sĩ và công chúng gặp gỡ, giao lưu.
Với những định hướng và giải pháp phù hợp, cùng sự chung tay của chính quyền, nghệ sĩ và cộng đồng, hy vọng âm nhạc Đà Nẵng sẽ ngày càng phát triển và tỏa sáng, không chỉ trên bản đồ văn hóa nghệ thuật Việt Nam mà còn vươn xa ra thế giới.
(Tạp chí Non Nước số 325)