Nhiếp ảnh Đà Nẵng - 50 năm một chặng đường

24.03.2025
Ông Văn Sinh
Năm 2025 đánh dấu một cột mốc đặc biệt, không chỉ là dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, mà còn là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại hành trình phát triển đầy ấn tượng của văn học nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật thị giác. Nhân dịp này, tôi xin chia sẻ về quá trình phát triển nhiếp ảnh nghệ thuật tại thành phố Đà Nẵng - từ những bước đi đầu tiên cho đến khi trở thành một trong những điểm sáng trong phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật trên cả nước.

Nhiếp ảnh Đà Nẵng - 50 năm một chặng đường

Tác phẩm Chuyện làng đầu năm của NSNA Thân Nguyên.

Sự hình thành và phát triển lực lượng sáng tác trong 50 năm qua

Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, gắn liền với các sự kiện lịch  sử  và những bước chuyển mình của xã hội. Khi đất nước vừa mới giải phóng, lực lượng sáng tác nhiếp ảnh của Quảng Nam - Đà Nẵng được hình thành từ nhiều nguồn, từ chiến khu miền Bắc về, đến các phóng viên ảnh từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa và những nhiếp ảnh gia trong khu vực thành phố. Cùng với sự ra đời của Phòng Nhiếp ảnh tuyên truyền vào năm 1975, các phóng viên đã đi khắp các cơ sở để ghi lại những hình ảnh phản ánh tình hình tái thiết, ổn định cuộc sống sau chiến tranh.

Phòng Nhiếp ảnh ban đầu chỉ có 5 người, do cố NSNA Vũ Thanh Tú, khi đó là Chánh Văn phòng Ty Thông tin Văn hóa, điều hành. Sau đó, hai phóng viên ảnh là ông Nguyễn Văn Giáo từ Hải Phòng và ông Đặng Văn Cử từ Thanh Hóa chuyển về, cùng với nhà nhiếp ảnh Lê Toàn, Nguyễn Thanh Toàn và Ông Văn Sinh được tuyển dụng. Một cán bộ từ nhà in, Nguyễn Văn Me, cũng được chuyển sang phòng. Công việc hàng ngày của các phóng viên nhiếp ảnh chủ yếu là đi cơ sở, đến các huyện, xã, hợp tác xã để ghi hình. Các bức ảnh được chọn lọc, phóng lớn (20 cm x 25 cm) và trưng bày tại Phòng Thông tin (số 82 Hùng Vương) cùng các ấn phẩm báo chí để người dân đến xem. Phương tiện di chuyển tự túc, và họ được cấp xăng, phim, máy ảnh chủ yếu là của cá nhân, chỉ có một máy Canon từ chiến khu chuyển xuống. Phòng Nhiếp ảnh hoạt động đến cuối năm 1979, sau đó có sự  thay đổi tổ chức: hai phóng viên Lê Toàn và Nguyễn Thanh Toàn chuyển về Phòng Thông tin Cổ động thuộc Sở Văn hóa - Thông tin, phần còn lại chuyển qua thành lập Công ty Mỹ thuật và Nhiếp ảnh vào giữa năm 1980. Đây là giai đoạn đầu của lực lượng nhiếp  ảnh Quảng Nam  -  Đà Nẵng, tập hợp từ nhiều nguồn: từ chiến  khu,  từ  Hà  Nội  và  từ  thành phố Đà Nẵng. Thời kỳ này, nhiếp ảnh Quảng Nam - Đà Nẵng chủ yếu phục vụ các nhiệm vụ chính trị và tuyên truyền, chưa phát triển mạnh về ảnh nghệ thuật.

Một dấu ấn quan trọng trong lịch sử nhiếp ảnh Đà Nẵng là sự ra đời của Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng vào ngày 01/4/1978. Lúc này, chuyên ngành nhiếp ảnh chỉ có khoảng 15 người, bao gồm phóng viên từ Sở Văn hóa - Thông tin, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Đà Nẵng, và các chủ hiệu ảnh tư nhân như Cô Phụng Ký, Lê Văn Sỹ, Hồ Xuân Bổn, Lê Đình Phấn, Hoàng Ngọc Minh, dưới sự lãnh đạo của cố NSNA Vũ Thanh Tú. Điều kiện hoạt động rất khó khăn, các hội viên chủ yếu tự học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Máy ảnh và ống kính còn đơn giản, với ống kính tiêu cự 50mm là phổ biến, và film, giấy ảnh rất hạn chế. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn về phương tiện và đi lại. Việc mang máy ảnh ra ngoài thường gặp khó khăn, phải có giấy phép từ cơ quan hội. Những tác phẩm được đăng trên báo Quảng Nam - Đà Nẵng hay Tạp chí Văn nghệ Đất Quảng là niềm tự hào lớn.

Trong những năm 1979-1985, đất nướcphảiđốimặtvớinhiềukhókhăn, từ thiếu thốn lương thực, thực phẩm cho đến văn hóa phẩm, khiến việc tổ chức triển lãm ảnh hay cuộc thi ảnh trở nên vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, vào dịp kỷ niệm 29/3/1980, Phân hội Nhiếp ảnh tổ chức triển lãm ảnh đầu tiên, trưng bày hơn 30 tác phẩm cỡ 30x40 cm tại Nhà Thông tin  số  82 Hùng Vương. Đến năm 1983, cuộc thi nhiếp ảnh đầu tiên của Quảng Nam.

Đà Nẵng được tổ chức bởi Sở Văn hóa - Thông tin, với nhà viết kịch Hồ Hải Học làm chủ khảo. Mặc dù không có giải nhất, cuộc thi đã chọn ra 50 tác phẩm để triển lãm. Những tác phẩm được chọn là niềm tự hào của các tác giả, khẳng định tay nghề và là động lực lớn cho phong trào sáng tác ảnh nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng sau này.

Một sự kiện quan trọng đánh dấu sự phát triển của nhiếp ảnh nghệ thuật Quảng Nam -  Đà  Nẵng  diễn ra tại Hội nghị lần thứ ba khóa II của Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, tổ chức tại Sở Văn hóa Thông tin từ ngày 24 đến 27/7/1984. Tại đây, Quyết định số 27 đã kết nạp ba hội viên đầu tiên từ Hội Văn học.

Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam: cố NSNA Vũ Thanh Tú, NSNA Ông Văn Sinh và NSNA Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Đây cũng là Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đầu tiên tại miền Trung và Tây Nguyên, sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Việc kết nạp này đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào sáng tác và tham gia các cuộc thi, mạn đàm nghề nghiệp, nâng cao cả số lượng lẫn chất lượng sáng tác nhiếp ảnh ở Đà Nẵng.

Từ 1985-1990, nhiều hội viên khác như NSNA Hồ Xuân Bổn,  cố  NSNA Lê Văn Sỹ, Đăng Khoa, Nguyễn Mỹ Dũng, Lê Ngọc Cẩn, Thân Nguyên, Huỳnh Anh, Phan Ngọc Hợi và các nghệ sĩ khác cũng gia nhập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố. Cuối năm 1988 NSNA Lê Hải - Phóng viên Báo Ảnh Việt Nam chuyển về sinh hoạt với Chi hội Đà Nẵng và đây chính là những cánh chim đầu đàn, những NSNA hạt nhân cho phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng đạt được nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi trong nước, quốc tế.

Kể từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 1997, nhiếp ảnh nghệ thuật tại đây đã bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt với sự thành lập Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng vào năm 2001. Hội đã trải qua nhiều kỳ đại hội và hiện có gần 80 hội viên, trong đó có 21 hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Cùng với đó, các câu lạc bộ nhiếp ảnh như Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Nẵng (hơn 60 hội viên), Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nghệ thuật Sông Hàn (50 hội viên), và Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Báo chí (30 hội viên) trực thuộc các tổ chức như Trung tâm Văn hóa Điện ảnh và Hội Nhà báo thành phố, tạo thành một lực lượng nhiếp ảnh hùng hậu. Với sức mạnh này, nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng luôn hiện diện trong các sự kiện của thành phố, đồng hành cùng sự phát triển và khẳng định vị thế của mình.

Những thành tích đạt được chính là yếu tố nâng tầm nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng đi lên. Mặc dù trong những năm 1975- 1980, không có nhiều cuộc thi và triển lãm ảnh như bây giờ, nhưng những thành tích đáng tự hào đã góp phần khẳng định vị thế của nhiếp ảnh Đà Nẵng. Một trong những dấu ấn đáng chú ý là vào năm 1979, tác phẩm “Đánh cá vụ nam” của NSNA Lê Toàn đã giành giải B (huy chương Bạc) tại cuộc thi ảnh thời sự do Báo Nhân dân tổ chức. Đây là tác phẩm nhiếp ảnh đầu tiên của Đà Nẵng nhận giải thưởng, đánh dấu sự trưởng thành của phong trào nhiếp ảnh tại thành phố.

Trong thập niên 1980 và 1990, nhiếp ảnh Đà Nẵng tiếp tục có những bước tiến lớn, với tác phẩm “Ánh sáng phục hồi” của NSNA Hồ Xuân Bổn đạt huy chương Bạc tại cuộc triển lãm do Cục Quản lý nhiếp ảnh tổ chức tại Vũng Tàu vào năm 1982. Đặc biệt, vào năm 1990, NSNA Ông Văn Sinh tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật chuyên đề đầu tiên tại Đà Nẵng với chủ đề “Hoa xương rồng”, gây ấn tượng mạnh mẽ. Sau đó, nhiều triển lãm chuyên đề khác như “Biển báo” (2014), “Biển trong chúng ta” (2019) của NSNA Nguyễn Mỹ Dũng, hay “Tung cánh” (2018) của NSNA Ngô Minh Đức cũng đã thu hút sự quan tâm lớn từ công chúng.

Một dấu mốc đặc biệt nữa là vào tháng 7 năm 1999, tác  phẩm “Mẹ” của NSNA Thân Nguyên giành giải xuất sắc tại cuộc  thi  của UNESCO tổ chức tại Nhật Bản, đánh dấu giải thưởng quốc tế đầu tiên của nhiếp ảnh Đà Nẵng. Việc giành giải thưởng cao trên đấu trường quốc tế đã để lại nhiều ấn tượng cho giới nhiếp ảnh cả nước và dấy lên phong trào sáng tác ảnh nghệ thuật tham gia các cuộc thi do Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế “FIAP” tổ chức. Những năm tiếp theo có nhiều NSNA Đà Nẵng tham gia dự thi ảnh nghệ thuật và đạt rất nhiều giải thưởng cao như NSNA Hồ Xuân Bổn với tác phẩm “Người bạn trung thành”, NSNA Phan Ngọc Hợi với tác phẩm Tuổi thơ miền quê”, NSNA Đặng Văn Nở với tác phẩm “Em bé Cơ Tu”, NSNA Nguyễn Quang tác phẩm với Trang”, NSNA Nguyễn Công Hưng tác phẩm “Hội vật kinh bắc”, NSNA Nguyễn Văn Thành tác phẩm ‘Bắt cá”, NSNA Huỳnh Nam Đông với tác phẩm “Khóc”, NSNA Quảng Bá Hải với tác phẩm “Mắt Chăm” và nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh của Đà Nẵng đạt huy chương Vàng trên sân chơi quốc tế này.

Điển hình trong số các nghệ sĩ xuất sắc, NSNA Thân Nguyên trong thời gian ngắn đã dành được các tước hiệu như E.VAPA/G - NSNA đặc biệt xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, EFIAP/D1 hạng kim cương của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới, M.PSA - nhiếp ảnh bậc thầy của Hiệp hội Nhiếp ảnh Mỹ. Các tước hiệu này hiện trong giới nhiếp ảnh Việt Nam chỉ có 03 nghệ sĩ đạt được: NSNA Trần Phong ở Gia Lai, NSNA Đào Tiến Đạt ở Bình Định và NSNA Thân Nguyên ở Đà Nẵng; Trường hợp thứ hai là: NSNA Huỳnh Văn Truyền năm 2021 đạt 98 giải thưởng trong nước và quốc tế. Năm 2022 đạt được tổng cộng 104 giải thưởng và 282 tác phẩm được chọn triển lãm, trong đó có 01 cúp vàng VAPA, 26 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 06 huy chương đồng, 59 bằng danh dự tại các cuộc thi ảnh  nghệ  thuật  quốc tế và 06 lần được vinh danh tác giải xuất sắc nhất của các cuộc thi quốc tế tại Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Canada,...

Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng trong thời đại công nghệ số

Hơn hai thập kỷ qua, nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng đã trải qua những thay đổi lớn, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số. Nhiếp ảnh nghệ thuật luôn song hành với tiến bộ công nghệ, khi mà giờ đây, ai cũng có thể chụp ảnh và chia sẻ ngay lập tức trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiếp ảnh nghệ thuật và nhiếp ảnh đại chúng có sự khác biệt rõ rệt trong dòng chảy của số hóa.

Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng nhanh chóng tiếp cận và làm chủ các thiết bị ghi hình kỹ thuật số, bao gồm cả flycam, điều này đã nâng cao chất lượng tác phẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho công việc sáng tác. Các nhiếp ảnh gia Đà Nẵng cũng có cơ hội tham gia nhiều chuyến đi thực tế, tọa đàm và hội thảo chuyên môn, giúp họ trau dồi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và tư duy sáng tạo, từ đó có thể lựa chọn những cách thể hiện tác phẩm độc đáo và mới mẻ.

Bên cạnh đó, việc cập nhật các phần mềm xử lý hậu kỳ giúp các nghệ sĩ loại bỏ những sai sót trong quá trình tác nghiệp, tận dụng tối đa các tiện ích của phần mềm để tiếp tục sáng tạo và hoàn thiện tác phẩm. Với sự hỗ trợ của công nghệ, nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng đã tận dụng không gian mạng để chia sẻ hình ảnh, kết nối với công chúng, truyền thông và tham gia các cuộc thi quốc tế. Đặc biệt, vào tháng 10 năm 2024, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đã ra mắt trang web riêng (http://dapa.com.vn), nơi tổ chức các cuộc thi ảnh trực tuyến, tạo cơ hội học hỏi và cập nhật xu hướng nhiếp ảnh thế giới.

Ngoài ra, Hội cũng tổ chức các tọa đàm chuyên đề về nhiếp ảnh đương đại và công nghệ số, giúp hội viên nắm bắt những tiến bộ mới và phát triển phong cách cá nhân. Đây còn là không gian giao lưu cho nhiếp ảnh trẻ, tạo cơ hội cho họ hòa nhập và phát triển. Nhờ làm chủ công nghệ số, các tác phẩm nhiếp ảnh Đà Nẵng ngày càng được khẳng định, giúp tên tuổi các nghệ sĩ được định hình không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế.

Những giải pháp duy trì và phát triển nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng

Đầu tiên, cần duy trì và mở rộng không gian của website http://dapa. com.vn, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, khi các hoạt động văn học nghệ thuật gặp nhiều khó khăn. Website này sẽ là kênh thông tin quan trọng để trao đổi, chia sẻ các hoạt động của Hội, đồng thời là nơi lưu trữ những tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc của hội viên và những hình ảnh về Đà Nẵng qua các thời kỳ, giúp mọi người dễ dàng truy cập, tìm hiểu.

Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật cần hỗ trợ Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố trong việc duy trì hoạt động của website, đồng thời hỗ trợ về kinh nghiệm và chuyên môn để Tạp chí Non Nước và các kênh thông tin văn học nghệ thuật khác có thể chuyển tải hiệu quả các hoạt động đến công chúng.

Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố cần đặc biệt chú trọng đến lực lượng nhiếp ảnh trẻ, tạo ra những sân chơi phù hợp để họ hòa nhập và phát triển. Đây chính là thế hệ kế cận, mang theo trách nhiệm phát huy và phát triển những thành tựu mà các thế hệ trước đã đạt được.

Bên cạnh việc phát triển lực lượng, Hội cần chú trọng nâng cao chiều sâu sáng tạo cho hội viên. Mặc dù đã có một đội ngũ nhiếp ảnh hùng hậu với nhiều tác phẩm sáng tạo trên nhiều cấp độ, trong thời gian tới cần đa dạng hóa thể loại và chú trọng xây dựng hình tượng nghệ thuật “định hướng”, để những tác phẩm có thể sống mãi với thời gian.

Với sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ nghệ sĩ, nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của nền văn học, nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng, đồng thời bảo tồn và lưu giữ những khoảnh khắc quý giá của lịch sử và văn hóa địa phương.

(Tạp chí Non Nước số 325)