Vĩnh Điện - dòng sông đào tự bao giờ
Nhìn lại lịch sử gần 200 năm thăng trầm của dòng sông đào Vĩnh Điện mới thấy sự sáng suốt và tầm nhìn xuyên thế kỷ của một vị minh quân triều Nguyễn. Ảnh: H.T
Thật ra, sông Câu Nhí (Câu Nhi), tên gọi khác của sông Vĩnh Điện, là một dòng sông tự nhiên, được bắt đầu đào mở rộng từ thời vua Minh Mạng, và câu ca dao ấy nguyên ban đầu là "Bao giờ trả cho hết nợ Cao Hoàng/ Đào sông Câu Nhí đắp đàng Bồng Miêu".
Phía tả ngạn sông Thu Bồn, tại khu vực giáp giới hai xã Điện An và Điện Minh thuộc địa phận làng Câu Nhi có một chi lưu dài gần 30km chảy theo hướng đông - bắc với nhiều tên gọi, đoạn ngang qua Vĩnh Điện gọi là sông Vĩnh Điện. Trên dòng chảy, sông Vĩnh Điện nhận thêm nước của sông La Thọ ở Điện An và sông Thanh Quýt ở Điện Thắng Trung, đoạn từ đập Tứ Câu trở ra gọi là sông Cái. Sông Cái nhận thêm nước của sông Bàu Sấu ở Hòa Phước, từ làng Cổ Mân (Hòa Xuân) trở ra được gọi là sông Cổ Mân, sông Cổ Mân nhập với sông Cẩm Lệ và đổ vào sông Hàn. Ban sơ, dòng sông này có nhiều đoạn quanh co, bị bồi lấp nên rất hẹp và cạn, chỉ có loại ghe thuyền nhỏ trọng tải nhẹ mới lưu thông được. Năm Giáp Thân (1824), vua Minh Mạng ra lệnh đào mở rộng dòng sông để thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa từ Đà Nẵng vào Vĩnh Điện và ngược dòng Thu Bồn lên vùng thượng nguồn.
Theo sách Đại Nam thực lục: “Xứ ấy có con sông nhỏ, từ xã Cẩm Sa (dài hơn 1.640 trượng), đường nước nông hẹp, sai Cai bạ Lê Đại Cương đốc suất 3.000 dân trong hạt để đào cho rộng ra. Người làm việc được cấp hậu tiền gạo (mỗi người mỗi tháng cấp tiền 3 quan, gạo 1 phương). Đào hơn 2 tháng thì xong. Cho tên là sông Vĩnh Điện. Cầu sông ấy cũng gọi là cầu Vĩnh Điện”.
Năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng sai đúc 9 chiếc đỉnh đồng - gọi là Cửu đỉnh - đặt trước sân Thế Miếu để tỏ ý mong đế nghiệp triều Nguyễn muôn năm bền vững. Những hình tượng được đúc nổi trên thân đỉnh gồm những đề tài tiêu biểu cho địa lý, các hiện tượng tự nhiên, vạn vật các vùng miền trong nước... Trong những hình tượng khắc trên Cửu đỉnh, có các đề tài liên quan đến Quảng Nam như: trái bòn bon (Nam trân) được khắc trên Nhân đỉnh, cây quế được khắc trên Nghị đỉnh, trên Dụ đỉnh có hình đèo Hải Vân (Hải Vân Quan), Cửa Hàn (Đà Nẵng hải khẩu) và sông Vĩnh Điện (Vĩnh Điện Hà).
Cuối thế kỷ XVIII, cửa Đại bị bồi lấp, thương cảng Hội An không còn giữ vai trò quan trọng trong giao thương quốc tế, thuyền bè nước ngoài đến cảng Đà Nẵng ngày càng nhiều hơn, sông Cổ Cò trở thành tuyến giao thông đường thủy nội địa chính nối cửa Đại và cửa Hàn, hàng hóa từ thượng nguồn theo đường sông Thu Bồn xuống Hội An, và từ đó vận chuyển theo sông Cổ Cò ra cảng Đà Nẵng, song một thời gian sau sông Cổ Cò cũng dần bị bồi lấp, nhiều đoạn ghe thuyền không đi được, do vậy khi sông Vĩnh Điện được mở rộng đã tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ Đà Nẵng lên nguồn và đưa các loại nông lâm sản vùng thượng nguồn ra Đà Nẵng, đồng thời cũng chia nước cho sông Thu Bồn, thoát nước nhanh vào mùa lũ cho làng mạc hai bên bờ sông.
Chính vì có vai trò quan trọng trong giao thông đường thủy nội địa nên khi quân Pháp tấn công Đà Nẵng, tháng 8 năm Mậu Ngọ (1858), lo sợ quân Pháp sẽ đi thuyền từ cửa Hàn theo đường sông Vĩnh Điện tấn công Thành tỉnh, quan tỉnh Quảng Nam đã xin vua Tự Đức cho lấp sông để cản đường thuyền giặc. Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, vào khoảng năm 1887, công ty Sociéte des Docks et Houilleries de Tourane của người Pháp bắt đầu tổ chức khai thác mỏ than Nông Sơn với quy mô lớn. Trước khi có tuyến đường sắt Kỳ Lam - Đà Nẵng, than đá khai thác từ mỏ Nông Sơn được chuyển lên ghe thuyền, vận tải theo đường sông Thu Bồn, rồi theo sông Vĩnh Điện ra cảng cửa Hàn, do đó sông Vĩnh Điện lại được người Pháp cho đào rộng, khơi thông lại tuyến giao thông thủy từ sông Thu Bồn ra Đà Nẵng, vậy nên mới xuất hiện câu cao dao "Từ ngày Tây lại cửa Hàn/ Đào sông Câu Nhí bòn vàng Bông Miêu".
Qua bao biến động trong lịch sử, sông Vĩnh Điện ngày nay vẫn là tuyến giao thông đường thủy nội địa chính để vận chuyển than đá từ Nông Sơn, cát sạn từ vùng sông Thu Bồn, Vu Gia về Đà Nẵng. Sông Vĩnh Điện cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân Điện Bàn, Hội An và tưới tiêu cho ruộng đồng vùng bắc Điện Bàn ra đến Đà Nẵng; dòng sông này còn có nhiều loại tôm, cá, hến… là nguồn thủy sản nuôi sống một số gia đình làm nghề chài lưới và cào hến. Trong tương lai, nếu tổ chức tốt việc kết nối du lịch đường sông giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, sông Vĩnh Điện sẽ là tuyến du lịch lý thú, đưa du khách từ sông Hàn qua đường sông Vĩnh Điện lên vùng thượng nguồn Thu Bồn, Vu Gia… Nhìn lại lịch sử gần 200 năm thăng trầm của dòng sông đào Vĩnh Điện mới thấy sự sáng suốt và tầm nhìn xuyên thế kỷ của một vị minh quân triều Nguyễn.
H.T