Văn học nghệ thuật nhìn từ quan niệm Hồ Chí Minh

04.06.2015

Văn học nghệ thuật nhìn từ quan niệm Hồ Chí Minh

Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Đảng ta phát động là một hoạt động thiết thực, bổ ích cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt khi vấn đề sáng tạo ra các tác phẩm đỉnh cao đang được đặt ra rất bức thiết hiện nay, chúng tôi thiết nghĩ cuộc vận động càng nên được tổ chức triệt để hơn bởi tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính kim chỉ nam cho sự vận động, phát triển, thành công của lĩnh vực này.

Sinh thời, Hồ Chí Minh không gọi là “tác phẩm đỉnh cao” mà thường gọi là “tác phẩm hay”. Ngày 9-4-1925 với bút danh L.T, Nguyễn Ái Quốc gửi một lá thư cho người nhận là ông H. Khi đưa vào Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản đặt tên là Thư trả lời ông H. (Thượng Huyền). Bản gốc tài liệu tiếng Pháp còn lưu tại Viện lịch sử Đảng. Lá thư thể hiện quan niệm khá toàn diện của Bác về một tác phẩm văn học hay: “Tôi nghĩ rằng một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên soạn tốt”. Ở đây toát lên mấy yêu cầu về tác phẩm: một là, “diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói”, tức là tác phẩm ấy phải đặt ra vấn đề đáng quan tâm nhưng không dài dòng; hai là dễ hiểu, “ai cũng hiểu được”; ba là phải gợi cho người đọc những nghĩ suy về vấn đề tác phẩm đã đặt ra. Các nhà lí luận hiện đại có thể bổ sung thêm một vài ý nào đó nhưng theo chúng tôi cách hiểu của Hồ Chí Minh vẫn là cách hiểu mẫu mực về một tác phẩm văn học có giá trị.
Quan niệm về đối tượng, nhiệm vụ, chức năng của văn học, theo chúng tôi, ở ngày hôm nay càng phải quán triệt sâu sắc hơn tư tưởng của Bác Hồ. Đồng chí Hồ Mậu Đường kể, năm 1952 Bác xem một vở diễn và nói với tác giả: “Văn nghệ kháng chiến phải như vậy. Đối tượng phục vụ trước nhất là công nông binh. Nội dung phải đậm tính chất dân tộc và phải được đông đảo quần chúng hưởng ứng(1). Nhà văn Vũ Ngọc Phan thuật lại việc một lần đi thăm triển lãm hội họa, Bác nói: “Các chú viết và vẽ thì phải chú ý đến công nông, phải viết về công nông, vẽ về công nông”. Khi đứng xem bức sơn mài lớn có chắp vỏ trứng, vẽ những cô thiếu nữ thướt tha, huyền ảo, Người hỏi: “Đây là những cô tiên trên trời hay là gì? Còn nhiều người ở trần gian đáng vẽ, sao không vẽ?”(2).
Người cũng quan niệm văn học còn có chức năng giải trí. “Tôi không phải là nhà thơ. Chỉ có trong thời kì ở tù, để giết thời gian, tôi đã làm thơ. Nhưng tôi viết bằng chữ Hán để bọn cai ngục người Trung Quốc đọc được và không nghi ngờ rằng đó là những lời kêu gọi bí mật. Chỉ có thế thôi. Sau này các đồng chí của tôi thu lượm lại được và đã cho xuất bản những bài thơ ấy, mà tôi hầu như không nhớ nữa!”(3)

Về những tiêu chuẩn phải có ở một nhà văn, tức xem xét về phía chủ thể sáng tạo, những ý kiến của Người tuy không tập trung, nhưng khi được hệ thống lại chúng tôi thấy đó là những vấn đề lí luận hết sức quan trọng, cơ bản.
Nói chuyện với M.Tkatsôp, dịch giả Nga, Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ quan niệm văn học gắn bó với đời sống chính trị: “Tôi vẫn nghĩ thơ và chính trị không thể tách rời - Người ngừng một chút rồi thêm - Còn, có phải thơ chính trị không “cao quý”? Và đó không phải là loại mà người làm thơ có thể viết hay? Có phải nhà thơ không cần làm những bài thơ liên quan đến việc đấu tranh với những cái xấu? Không, không thể thế được. Tôi cho rằng, không nghi ngờ gì cả, cũng như các ngành nghệ thuật khác, thơ phải gắn bó với sự nghiệp cách mạng; đó là điều khẳng định. Và những gì đặt ra chung quanh chuyện này có quan hệ đến nhân cách nhà thơ”(4). Chúng tôi muốn nhấn mạnh ở câu cuối cùng. Rõ ràng, Người đề cao vai trò của chủ thể, yêu cầu nhà thơ phải rèn luyện đạo đức cách mạng thì mới có thể sáng tạo ra tác phẩm có tính cách mạng. Xuất phát từ quan niệm này mà Người yêu cầu nhà văn phải thâm nhập vào quần chúng, sống cùng họ, chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu để viết về họ, phục vụ họ. Ngày 6-11-1962 dự cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về nội dung đại hội văn nghệ, bàn về tổ chức anh chị em nghệ sĩ đi thực tế dài hạn, Người tán thành và nói: “Đi, nhưng phải tự nguyện, không ép buộc. Đi, nhưng phải sống như người nông dân chứ đi theo kiểu làm khách là không được. Không để lao động quá sức, nhưng cũng nên thử để thấy người nông dân khổ như thế nào, khỏe như thế nào”(5).

Chính vì thế khi nhà văn Nga Bersatxki tỏ ý tiếc không được gặp một số nhà văn nổi tiếng của Việt Nam thì Người lại tỏ ra vui mừng: “Sao lại đáng tiếc? Ngược lại, họ đi khắp đất nước là rất tốt”. Và đến đây hóa ra là Chủ tịch biết gần như tất cả mọi chi tiết công việc mỗi nhà văn đang làm. “Như tôi biết - Người nói - chính Tô Hoài, người mà các bạn đã gặp, hàng năm đều đi đến các vùng dân tộc ít người ở miền núi, nơi anh ấy đã chiến đấu, cái đó cũng rất tốt! Hằng Phương - các bạn cũng đã làm quen với nữ thi sĩ ấy - trong thời gian cải cách ruộng đất đã về nông thôn và ở đó cùng lao động với nông dân. Do đó thơ của cô ta như các bạn hiểu đấy, chỉ hay hơn mà thôi. Và Nguyễn Đình Thi bao giờ cũng sát bên nhân dân. Cả nhà thơ xuất sắc Tố Hữu của chúng tôi cũng vậy. Và như vậy là đúng, phải như vậy, chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của các nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó - nhân dân cũng sẽ quên anh ta”(6). Ở đây đã rất rõ ràng một quan niệm thực sự biện chứng ở Người: để có tác phẩm hay nhà văn phải trở về với cuộc sống nhân dân, tìm thấy ở đó cảm hứng, chất liệu sáng tạo, ngôn ngữ cũng như thi pháp thể hiện phù hợp tâm hồn, tình cảm và lối suy nghĩ của nhân dân.

Bác Hồ rất yêu, quý trọng văn học cổ điển, coi đó là cái vốn, là ngọn nguồn sáng tạo. Tuy nhiên, Người không hề nệ cổ mà luôn hướng về cái mới. Người đã hơn một lần nhắc nhở: “Những cái cũ mà vẫn thúc đẩy cuộc sống thì cần phải giữ gìn nó. Còn những cái mới thì cũng phải chọn lọc những cái tốt có ích lợi cho mọi người chứ không phải cứ mới là làm không suy nghĩ.”(7) Ngay từ năm 1925 Người đã chủ trương: “Ngôn ngữ của ta còn nghèo. Khi nói, chúng ta phải vay mượn nhiều từ ngữ nước ngoài, nhất là từ ngữ Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng lạm dụng từ ngữ Trung Quốc chỉ làm cho văn thêm khó hiểu, trừ những từ thông dụng mà ai cũng đã biết và trừ những từ mới, như người bônsêvích, chủ nghĩa bônsêvích, tài chính...”(8). Sau này Người vẫn nhất quán với quan niệm ấy: “...tiếng Việt không thiếu chữ đâu. Tiếng mình thật đầy đủ mà hay. Cho nên, những chữ gì mình có thì nên dùng, nên khai thác vốn của mình. Dùng chữ của mình thì dân hiểu mau. Đừng pha tạp tiếng nước ngoài”(9). Xuất phát từ quan niệm này mà Người chủ trương tác phẩm văn học phải trong sáng, tránh dùng điển tích để dễ hiểu. Trong Thư trả lời ông H. – 1925 Người đã nhắc nhở người bạn viết tránh dùng điển tích: “...bài viết của ông có nhiều điển tích, nhưng tôi ngại điển tích ông nêu ra quá nhiều. Dùng điển tích là tốt, nhưng nếu lạm dụng sẽ làm cho độc giả khó chịu. Bởi vì tính chất cao xa, thâm thuý của các điển tích thường cũng hay bao hàm những ý nghĩa mơ hồ có thể làm cho người ta hiểu lầm”(10). Tinh thần học tập, tiếp thu, kế thừa văn hóa nước ngoài của Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong đoạn đối thoại giữa Người với nhà văn Nga Bersatxki: “...các bạn chớ hiểu là tôi cho rằng chúng tôi cần phải vứt bỏ văn hóa nào đó, dù là văn hóa Pháp đi nữa. Ngược lại! Tôi muốn nói điều khác. Nói đến việc phải mở rộng kiến thức của mình về văn hóa thế giới, mà đặc biệt hiện nay là văn hóa Xôviết - chúng tôi thiếu - nhưng đồng thời lại phải tránh nguy cơ trở thành những kẻ bắt chước. Không thể lấy từ nghệ thuật của một dân tộc khác chỉ riêng mặt nào đó - chẳng hạn, tính ước lệ nổi tiếng của văn học Trung Quốc - cái đó sẽ chẳng hay ho gì. Văn hóa của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình”(11). Ở đây toát lên mấy vấn đề lí luận: cần tiếp thu đa dạng các nền văn hóa khác nhau; nhưng phải chủ động, không bắt chước, biết tiếp thu cái gì là đặc sắc mà mình còn thiếu. Muốn thế phải nghiên cứu nền văn hóa mình cần tiếp thu một cách toàn diện, hệ thống. Có lẽ cần thấm thía hơn lời dạy của Người về tính chỉnh thể của văn hóa, cần phải nắm bắt cái chỉnh thể để tìm ra cái đặc sắc cá thể để tiếp nhận.
Qua những điều vừa trình bày ở trên, chúng ta thấy quan niệm của Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, về chủ thể sáng tạo thực sự mang tính hệ thống, khoa học và hiện đại, là hành trang cần thiết cho người nghệ sĩ trong hành trình tìm tòi, sáng tạo những tác phẩm đỉnh cao phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước
 
Nguyễn Thanh Tú
 ———
1. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 133.
2. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) – Bác Hồ với văn nghệ sĩ. Nxb Văn học, 1995, tr 60.
3. Trần Đương – Bác Hồ như chúng tôi đã biết. Nxb Thanh Niên, 2009, tr 118.
4. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 3, tr 402.
5. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 304.
6. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 3, tr 55.
7. Nhiều tác giả - Hồ Chí Minh nhà văn hóa của tương lai. Nxb Thanh Niên, 2009, tr 59.
8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, tr. 156.
9. Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng, 1990, tr 189.
10. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, tr. 156.
11. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 3, tr 56.

(vannghequandoi.com.vn)