Sức hút từ phim về nông thôn hiện đại

05.08.2021
Minh Khuê
Nông thôn hiện đại vẫn là đề tài cần được khai thác nhiều hơn để tạo sự đa dạng, phục vụ khán giả thay vì tập trung vào khai thác cuộc sống nơi đô thành hoa lệ.

Sức hút từ phim về nông thôn hiện đại

Phim "Mùa hoa tìm lại" vừa kết thúc trong sự tán thưởng của khán giả bởi thời lượng vừa đủ, nội dung câu chuyện gần gũi, ngắn gọn, dễ chịu. Đây là phim mới nhất khai thác đề tài xoay quanh cuộc sống nông thôn hiện đại nhận được nhiều lời khen kể từ phim "Cô gái nhà người ta" gây chú ý năm 2020.


Dung dị mà lôi cuốn

"Mùa hoa tìm lại" của đạo diễn Vũ Minh Trí, phát sóng trên kênh VTV3, có cái kết viên mãn cho hai nhân vật chính. Lấy bối cảnh miền quê Bắc Bộ, nội dung phim xoay quanh nhân vật Lệ (Thanh Hương đóng) quyết định trở về quê hương sau 10 năm bôn ba nơi đô thành.

Cô bắt đầu lập nghiệp ở quê bằng cửa hàng bán quần áo và dần dà có mối tình với Đồng (Duy Hưng đóng) - một người đàn ông "gà trống nuôi con", bề ngoài cục cằn nhưng lại có trái tim ấm áp, biết nghĩ cho người khác. Lệ là người phụ nữ từng trải qua nhiều đau khổ trước khi quay về với quê hương, tìm lại mùa hoa của cuộc đời mình. Hẳn nhiên, đây là hành trình không dễ dàng bởi cuộc sống nông thôn hiện đại cũng đã đổi khác rất nhiều so với trước.


Những mâu thuẫn, va chạm, một chút mưu mô, thủ đoạn nhưng tất cả vừa đủ, không đến mức khắc nghiệt khiến người xem thấy bi kịch, mệt mỏi. Phim có những câu thoại "đắt giá" từ nhân vật Đồng, mang đến sự chân thật cho người xem, khiến họ tin rằng Đồng có thực ngoài đời chứ không còn là một nhân vật trên phim.

Một kịch bản thuần Việt, gần gũi, cân bằng được tình tiết bi và hài giúp "Mùa hoa tìm lại" chinh phục khán giả. Phim cho thấy rõ dẫu nhiều đổi thay của một nông thôn thời hiện đại nhưng cái tình, cái nghĩa, lối sống dung dị, hiền hòa bao đời vẫn được giữ, cao trào và bi kịch từ đó cũng không quá gay gắt, đấu đá "tôi chết, anh sống" như các phim đề tài khác.

"Mùa hoa tìm lại" thành công ở việc xây dựng tính cách nhân vật điển hình, dàn diễn viên phù hợp, diễn xuất tốt, lột tả được nội tâm nhân vật và truyền cảm xúc cho khán giả. Phim chỉ có một số "sạn" ở hai tập cuối với những tình tiết bị cho là dư thừa, kéo dài mạch phim một cách không cần thiết. Dẫu vậy, đây vẫn được đánh giá là phim hay của truyền hình Việt, ngắn gọn, vừa đủ, không lê thê, không cường điệu, không đầu voi đuôi chuột, gây ức chế vốn là bệnh của các phim gần đây.

"Tôi thấy "Mùa hoa tìm lại" là phim hay, quay cảnh nông thôn yên bình, nội dung cũng giản dị, hài hước, xem thoải mái" - nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long cho biết.

Một số khán giả bình luận trên các diễn đàn, Fanpage của phim: "Nội dung phim nhẹ nhàng, đậm nét làng mạc Việt Nam, phù hợp mọi lứa tuổi. Cả nhà tôi cùng xem phim. Các diễn viên đều diễn tốt, đặc biệt em bé Ngân!"; "Phim đúng là món quà giải trí giữa mùa dịch, nhẹ nhàng, dân dã, không quá dài, không ức chế, kết thúc có hậu".

 
 
Đa dạng "món ăn" tinh thần

Trước "Mùa hoa tìm lại", khán giả Việt từng thích thú với phim "Cô gái nhà người ta", cùng đề tài nông thôn hiện đại. Nội dung phim tập trung hành trình khởi nghiệp của những thanh niên ở làng Yên. Họ thừa nhiệt huyết, thiếu kinh nghiệm và liên tục vấp phải thất bại. Làng Yên không yên bình như tên mà bên trong đầy biến động khi phim thông qua các nhân vật, tình huống mà lên án các lề thói xấu như thói ganh ghét, nạn ô nhiễm môi trường, nạn mê tín dị đoan, tham nhũng, tha hóa…


Điều đáng tiếc, "Cô gái nhà người ta" có kịch bản càng về sau càng phi lý, thiếu sức hấp dẫn vì xây dựng nhân vật một chiều. Một cái kết khá chóng vánh khiến phim chưa tạo đột phá dù được đánh giá có cách khai thác đổi mới so với các đề tài nông thôn trước đó.

Một số phim khác khai thác đề tài nông thôn như "Cát đỏ", "Thương con cá rô đồng" có dụng ý về bối cảnh nhưng lại mang đến câu chuyện khó hiểu, thiếu thực tế như "Cát đỏ"; hay quá cũ kỹ, lạm dụng bi kịch như "Thương con cá rô đồng". Chất nông thôn hiện đại trong các phim này không nhiều, chưa thoát khỏi lối khai thác cũ từng một thời khiến khán giả "bội thực".

"Nhà sản xuất phim truyền hình Việt thường chạy theo xu hướng. Những phim tình cảm gia đình xã hội hiện đại nơi đô thị với những bi kịch mẹ chồng nàng dâu, ngoại tình… được ưa chuộng hơn so với việc khai thác phim đề tài nông thôn. Nhưng với những hiệu ứng mà "Mùa hoa tìm lại" tạo ra, tôi mong nhà sản xuất sẽ mạnh dạn khai thác chủ đề này để tạo ra sự đa dạng trong mâm cỗ "món ăn" tinh thần phục vụ khán giả" - biên kịch Đông Hoa chia sẻ.

Biên kịch Thanh Hương nhận định đề tài nông thôn hiện đại có nhiều hướng khai thác như chuyện lập nghiệp, chuyện tình yêu của người trẻ… Tuy nhiên, việc viết làm sao cho hay, cho hợp lý, chinh phục được khán giả không dễ, đòi hỏi biên kịch giàu trải nghiệm.

Phải biết rõ cuộc sống nông thôn hiện đại như thế nào mới có thể mang đến một câu chuyện gần gũi, mang đến cảm giác chân thật, thuyết phục khán giả tin vào câu chuyện được kể” (Biên kịch THANH HƯƠNG).

(nld.com.vn)