Nhiếp ảnh xứ Quảng: Cơ duyên và triển vọng

16.03.2023
Tấn Vịnh
Xứ Quảng là vùng đất “có duyên” với nhiếp ảnh khi sớm kế thừa những thành tựu của nhiếp ảnh. Đây cũng là nơi hình thành kho tàng di sản ảnh và chứng kiến sự phát triển liên tục của hoạt động nhiếp ảnh qua các thời kỳ.

Nhiếp ảnh xứ Quảng: Cơ duyên và triển vọng

Bức ảnh Đồn binh Non Nay chụp vào năm 1845. (Ảnh tư liệu)

Cơ duyên với nhiếp ảnh

Năm 1845, dưới thời vua Thiệu Trị, do những tình cờ của lịch sử, có hai bức ảnh đầu tiên của nhiếp ảnh gia người Pháp Alphonse Jules Itier (1802-1877) chụp ở Xứ Quảng. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, những bức ảnh được ghi hình theo kỹ thuật “Daguerréotype” xuất hiện trước đó ở Pháp vào năm 1839. Alphonse Jules Itier lúc đó là phóng viên được cử đi theo phái đoàn Pháp sang Trung Hoa ghi hình sự kiện ký hiệp ước Hoàng Phố giữa Pháp và Trung Hoa.

Trên đường trở về, tàu L’Alemène ghé bến Tiên Sa, Đà Nẵng. Lúc tàu cập cảng, Alphonse Jules Itier tranh thủ lên bờ chụp được vài bức ảnh. Đó là bức ảnh “Đồn binh Non Nay”, có tài liệu gọi là “Đồn Hai”, và “Vịnh Đà Nẵng”, chụp ngày 31-5-1845 (L’Illustration, journal universel, xuất bản năm 1854). Sau đó, Alphonse Jules Itier còn chụp bức ảnh liên quân Pháp - Tây Ban Nha trên tàu chiến, chuẩn bị mở đầu cho đợt tấn công vào bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Những bức ảnh này hiện được trưng bày và lưu giữ ở Bảo tàng Nhiếp ảnh Pháp, đánh dấu những bước phát triển đầu tiên của nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới và nhiếp ảnh Việt Nam.

Năm 1863, Phạm Phú Thứ (1821-1882) và một số quan lại của triều Nguyễn tham gia đoàn đi sứ là những người đầu tiên được tiếp cận với kỹ thuật nhiếp ảnh và được người Pháp chụp hình, để lại những bức ảnh tư liệu giá trị về chân dung, phẩm phục của họ. Phạm Phú Thứ là thành viên trong đoàn Sứ bộ triều Nguyễn đến Pháp đã được chụp một số tấm ảnh. Ảnh được chụp trên kính ảnh có tráng chất cảm quang.

Phạm Phú Thứ kể lại rất chi tiết trong Tây hành Nhật ký: “Ngày mồng tám..., chúng tôi lần lượt mặc phẩm phục lên nhà lầu lợp kính trong quán để chụp ảnh, quán này có mấy gian trên tầng lầu mà mái và tường đều lợp bằng pha lê để lấy ánh sáng mặt trời. Cách chụp ảnh làm như thế này: Trước hết, lấy nước thuốc bôi vào miếng kính, xong đặt tấm kính vào trong ống kính. Người được chụp đứng trước nhìn vào ống kính, ánh sáng mặt trời lọt vào ống kính làm cho hình người ta in lên tấm kính, tóc tai không sai chút nào...”.

Sự kiện này đã để lại đời sau những bức ảnh lịch sử quý giá trong kho tàng di sản ảnh. Bức ảnh chân dung Phạm Phú Thứ của tác giả Potteau Philippe Jacques, lưu tại Bảo tàng Lịch sử, Tự nhiên Paris, Pháp. Ngoài bức ảnh chụp chân dung từng người, đáng chú ý là bức ảnh chụp chung đoàn toàn đi sứ, gồm nhiều người, trong đó có Phan Thanh Giản, Chánh sứ, Phạm Phú Thứ, Phó sứ và những quan võ hộ tống đoàn đi sứ quê Quảng Nam.

Di sản ảnh về xứ Quảng

Xứ Quảng là vùng đất thu hút các nhà nhiếp ảnh trong và ngoài nước. A.Pelissier, nhiếp ảnh gia đồng thời là nhà xuất bản bưu thiếp người Pháp. Ông đã cho ra đời nhiều tấm bưu tiếp có ghi tên Tourane, được lưu hành và bán trên thị trường trong dịp đấu xảo tại Marseille 1906. Bưu ảnh mô tả cảnh xây dựng tuyến đường sắt Đà Nẵng - Huế, những cảnh bãi biển miền Trung...

Ga Đà Nẵng, đường ray xe lửa và ga phụ chạy dọc sông Hàn và nhiều hình ảnh về tàu lửa từ Đà Nẵng đi Huế. Trong hình ảnh thấy rõ những nhân viên hỏa xa đang tất bật cho chuyến khởi hành, thị dân Đà Nẵng đi chân đất, nam nữ đều đội nón lá có vành rộng... Hình ảnh những ngư dân đánh cá ở làng chài, trông họ rất khỏe mạnh, vạm vỡ và sạm nắng. Hình ảnh những đứa trẻ chơi trên vùng cát dưới chân núi Sơn Trà xưa.

Núi Ngũ Hành Sơn (ảnh chụp cách đây ngót 100 năm) với quang cảnh chùa cổ Tam Thai. Những bức ảnh đầu tiên về Viện Bảo tàng Chàm, được thành lập vào năm 1919. Các nhà nhiếp khác cũng có những bộ ảnh giá trị về xứ Quảng như hình ảnh ghe bầu Quảng Nam, bờ biển, rừng thông Đà Nẵng, di tích Hải Vân Quan... Trong số đó phải kể đến bộ ảnh của Jean-Yves Claeys chụp cảnh ghe thuyền đánh cá tại vịnh Đà Nẵng, nghề Nung vôi ở Hội An... được chụp vào những năm 1938-1947. Các nhà khảo cổ của Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng để lại những bộ ảnh quý hiếm về Mỹ Sơn, Đồng Dương, Trà Kiệu.

Xứ Quảng là nơi có bề dày về hoạt động nhiếp ảnh. Nơi đây từng có những tên tuổi như: Hứa Văn Bân, Huỳnh Sỏ, Trương Trừng... Bức ảnh “Tát nước” của Trương Trừng, từng đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh do Toàn quyền Đông Dương tổ chức năm 1940. Tác phẩm này được in trên tờ giấy bạc Đông Dương. Tác phẩm “Mầm non kiến tạo”, ảnh Huỳnh Sỏ được đánh giá cao và được chọn triển lãm tại Nhật bản năm 1959. Hứa Văn Bân - một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên của Quảng Nam được Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế phong tặng tước hiệu A.FIAP từ năm 1971.

Ông còn được phong tặng nhiều tước hiệu như: Nghệ sĩ Hội Nhiếp ảnh Tinh Võ, A.APA, Chợ Lớn (1970); Nghệ sĩ Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế A.FIAP (1971); Trung Đẳng Hội Viên của Hội Ảnh Nghệ thuật Việt Nam, A.APA, Sài Gòn (1972). Nhà nhiếp ảnh lão thành Vĩnh Tân đang sở hữu bộ ảnh quý giá về Hội An xưa. Thế hệ nhiếp ảnh đương đại ở xứ Quảng tiếp tục phát huy truyền thống nhiếp ảnh của quê hương, nhiều người sớm có thành tựu, danh tiếng trong hoạt động nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.

Bảo tàng nhiếp ảnh xứ Quảng

Với tiềm năng và lợi thế nhiều mặt, thời gian qua, Đà Nẵng là điểm sáng trong hoạt động nhiếp ảnh. Hiện nay, đội ngũ nhiếp ảnh của thành phố có lực lượng khá đông đảo với 80 hội viên Hội Nhiếp ảnh Đà Nẵng trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố, 21 hội viên Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thành phố trực thuộc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Ngoài ra, còn có 3 CLB nhiếp ảnh: CLB Nhiếp ảnh Sông Hàn, CLB Nhiếp ảnh Đà Nẵng, CLB Nhiếp ảnh Báo chí. Các tổ chức và CLB luôn tạo điều kiện cho hội viên sáng tác, triển lãm, đi thực tế, thi ảnh và giao lưu giữa các địa phương trong nước. Nhờ đó, hoạt động nhiếp ảnh của thành phố đạt được nhiều thành tích nổi bật, từ năm 2017-2022 luôn dẫn đầu Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên. Mỗi năm luôn đạt hơn 100 giải thưởng trong nước và quốc tế.

Đà Nẵng là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là động lực để phát triển nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiếp ảnh. Vì vậy, bên cạnh Bảo tàng Mỹ thuật, thiết nghĩ, thành phố cần có thêm Bảo tàng Nhiếp ảnh. Thiết chế văn hóa này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhiếp ảnh.

Bảo tàng không chỉ trưng bày những hiện vật từng là phương tiện tác nghiệp như máy chụp ảnh, máy rọi “đồ cổ”, các loại phim âm, dương bản, thuốc tráng phim, giấy in phóng ảnh... mà còn là không gian trưng bày các tác phẩm có giá trị tư liệu, nghệ thuật nhằm tôn vinh các nhiếp ảnh gia nổi tiếng.

Đây còn là thư viện ảnh, lưu giữ, tập hợp các công trình nghiên cứu về nhiếp ảnh, sách ảnh của các tác giả trong và ngoài nước, nơi tổ chức các hội thảo về nhiếp ảnh, giảng dạy, bồi dưỡng về kiến thức thể loại nhiếp ảnh, đào tạo về nhiếp ảnh, đón nhận và phổ biến di sản ảnh do các cá nhân, tổ chức hiến tặng với bộ sưu tập ký ức nhiếp ảnh.

Với tiềm năng và lợi thế nhiều mặt, trong thời gian qua, Đà Nẵng luôn đứng ở top đầu cả nước về hoạt động nhiếp ảnh. Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật nhiếp ảnh, cần đẩy mạnh phong trào nhiếp ảnh, đặc biệt là cần đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa mới, trong đó có Bảo tàng Nhiếp ảnh.

Đây sẽ là địa chỉ, điểm đến hấp dẫn thu hút khách tham quan du lịch, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu, trao đổi, giao lưu về nhiếp ảnh và các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật liên quan. Với những giá trị của di sản ảnh, Bảo tàng Tổng hợp Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cần sớm hình thành bộ phận chuyên trách về bảo tàng ảnh, chuyên sưu tầm, nghiên cứu, trưng bày di sản ảnh và các hiện vật liên quan đến nhiếp ảnh xứ Quảng.

(baodanang.vn)