Thể lệ Cuộc thi Sáng tác biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

31.08.2017

Thể lệ Cuộc thi Sáng tác biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, là một trong ba nơi thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên, đặc biệt là nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vào ngày 29/7/1930, hiện di tích còn giữ được hình ảnh nguyên gốc và nhân chứng lịch sử.

Với mong muốn lựa chọn được biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường thật đặc sắc, có ý nghĩa đặt trong khuôn viên di tích, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, từng bước xây dựng nơi đây thực sự trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tỉnh Thanh Hóa tổ chức cuộc thi “Sáng tác biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa”.

1.Thời gian:

 Thời gian nhận tác phẩm (tính theo dấu bưu điện): Từ ngày 15/5/2016  đến 15/8/2017

- Thời gian tổng kết và công bố kết quả: Dự kiến 20/9/2017.

2. Đối tượng tham gia

Mọi tổ chức và công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập và công tác trong nước có khả năng và nguyện vọng tham gia cuộc thi (thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật, Tổ thư ký không được tham gia).

3. Yêu cầu đối với tác phẩm

3.1. Nội dung

- Di tích lịch sử cách mạng Yên Trường là nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đầu tiên, vì vậy biểu tượng di tích phải mang ý nghĩa biểu tượng của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và tập trung thể hiện được quá trình hình thành và phát triển cũng như khí phách, thế bứt phá vươn lên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong các giai đoạn lịch sử.

- Vị trí của biểu tượng đặt trong khuôn viên khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, Thọ Xuân, vì vậy biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, phải cân đối, phù hợp với không gian kiến trúc và cảnh quan của khu di tích, thuận lợi cho việc dâng hoa trong khu di tích.

(Phối cảnh mặt bằng chi tiết tổng thể khu di tích đăng tải trên website của Sở VH,TT&DL: svhttdl.thanhhoa.gov.vn).

3.2. Hình thức

a. Đối với giải pháp thiết kế   

- Biểu tượng phải dễ hiểu, dễ nhận biết, có tính khái quát và thẩm mỹ cao, có sự sáng tạo độc đáo, đơn giản về hình tượng, bố cục, hình khối, đường nét.

- Biểu tượng phải tạo nên điểm nhấn cho không gian kiến trúc di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, đảm bảo hài hòa giữa yếu tố thẩm mỹ với cảnh quan khu vực xung quanh và yếu tố kỹ thuật công trình.

b. Đối với giải pháp kỹ thuật và vật liệu

- Giải pháp kết cấu có tính khả thi cao trong thi công thực hiện công trình;

- Chất liệu: sử dụng mọi chất liệu khác nhau nhưng phải đảm bảo tính bền vững lâu dài.

4. Quy định về tác phẩm dự thi

- Tác phẩm dự thi thể hiện bản vẽ 3D trên khổ giấy A2 gồm phối cảnh tổng thể (khoảng 70% khổ giấy) và thiết kế kỹ thuật sơ bộ các mặt (khoảng 30% khổ giấy) và thông tin về kích thước, chất liệu.

- Tác phẩm dự thi ngoài việc thể hiện trên khổ giấy A2 cần sao chép file mềm vào đĩa DVD hoặc USB.

- Mỗi biểu tượng gửi kèm theo bản khái toán kinh phí phương án thi công biểu tượng và bản tóm tắt thuyết minh ý tưởng cô đọng, xúc tích trên một trang giấy A4. Thuyết minh cần làm rõ về ý tưởng, giải pháp thiết kế, chất liệu sử dụng, sự phù hợp về quy hoạch, cảnh quan, kiến trúc, giải pháp kết cấu;

- Mặt trước của tác phẩm dự thi không được sử dụng bất kỳ ký hiệu nhận biết nào khác. Mặt sau của các bản vẽ và bản thuyết minh đánh mã số tự chọn của tác giả gồm 05 ký tự do người dự thi tự chọn, mã số phải trùng với mã ghi trong bản đăng ký dự thi.

- Tác phẩm dự thi không gấp, không cuộn tròn, không ép plastic.

-  Phương án thiết kế dự thi được sáng tác mới, chưa tham dự bất cứ cuộc thi nào do Việt Nam hay Quốc tế tổ chức; không sao chép, trùng lặp với bất kỳ hình ảnh biểu tượng nào khác trong và ngoài nước;

- Đối với những tác phẩm đạt giải Nhất, khuyến khích, từ  mẫu phác thảo trên giấy phải thể hiện bằng mô hình với tỷ lệ 1/10 để Ban Tổ chức báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trình Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

5. Số lượng bài dự thi: không hạn chế, mỗi tác giả có thể sáng tác nhiều mẫu dự thi, nhưng mỗi mẫu phải có mã số tự chọn riêng.

6. Hồ sơ dự thi gồm có:

- Tác phẩm dự thi (trên khổ giấy A2 gồm bản vẽ kỹ thuật và bản vẽ phối cảnh 3D).

- Bản thuyết minh ý tưởng tác phẩm; Khái toán kinh phí xây dựng biểu tượng theo phương án thiết kế.

- Bản đăng ký và cam kết của tác giả tham gia cuộc thi (có mẫu kèm theo);

- 01đĩa DVD hoặc USB chứa tất cả các file thiết kế biểu tượng, biểu tượng 3D và thiết kế kỹ thuật trên phần mềm PDF, JPEG...; bản thuyết minh ý tưởng trên phần mềm office word;

- 01 phong bì nhỏ (có dán sẵn tem, ghi rõ họ tên, địa chỉ, email, số điện thoại của tác giả để Ban Tổ chức liên hệ khi cần thiết);

Tất cả được đóng kín vào 01 phong bì lớn, dán kín, gửi về Ban Tổ chức cuộc thi (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện).

7. Địa điểm nhận tác phẩm:
BTC Cuộc thi sáng tác biểu tượng di tích cách mạng Yên Trường,  Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa - Phòng Nghiệp vụ Văn hóa (tầng 5) -Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa  (101 Nguyễn Trãi, Ba Đình, Thành phố Thanh Hóa)

Email: bieutuongyentruongtx@gmail.com; Điện thoại:  037 666 0030 - 0976998585

8. Trách nhiệm của tác giả tham gia cuộc thi

8.1. Việc tác giả gửi tác phẩm dự thi xem như chấp thuận mọi quy định trong Thể lệ cuộc thi.

8.2. Tác giả dự thi có trách nhiệm tuân thủ các qui định của Thể lệ này và phải đảm bảo một số nội dung như sau:

- Tác giả dự thi chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm dự thi của mình theo quy định của pháp luật;

- Không được sử dụng tác phẩm đã được chọn làm biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường của cuộc thi lần này vào bất kỳ mục đích nào khác khi chưa được sự đồng ý của tỉnh Thanh Hóa;

- Trong thời gian diễn ra cuộc thi, tác giả không được sử dụng các tác phẩm tham gia cuộc thi này để tham dự bất kỳ Cuộc thi nào khác;

- Tác giả có tác phẩm được chọn làm biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường có trách nhiệm nộp bổ sung file mềm và chỉnh sửa phương án thiết kế được chọn theo ý kiến của Hội đồng nghệ thuật, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để triển khai thi công. Trong quá trình thi công, tác giả được mời tham gia cùng Tổ tư vấn thiết kế giám sát công trình. Tên tuổi của tác giả sẽ được ghi danh với tên của công trình;

- Tác giả dự thi thực hiện theo đúng Thể lệ Cuộc thi do Ban Tổ chức cuộc thi ban hành. Tác phẩm gửi đến Ban Tổ chức cuộc thi không đúng quy định được xem là không hợp lệ. Tất cả các tác phẩm dự thi sẽ không hoàn trả lại cho tác giả tham gia cuộc thi;

8.3. Mọi chi phí hay các khoản nộp thuế liên quan đến giải thưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật, do tác giả đạt giải chi trả;

8.4. Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm nếu tác phẩm dự thi gửi tham gia Cuộc thi không đến được Ban Tổ chức với bất kỳ lý do nào;

8.5. Trường hợp đã nộp hồ sơ dự thi nhưng muốn rút khỏi Cuộc thi, tác giả dự thi phải thông báo với Ban Tổ chức bằng văn bản trước thời gian hết hạn nộp hồ sơ dự thi.

9. Cơ cấu giải thưởng

- 01giải nhất trị giá 50.000.000đ kèm theo Giấy Chứng nhận của BTC cuộc thi..

- 01 giải nhì trị giá 30.000.000đ kèm theo Giấy Chứng nhận của BTC cuộc thi.

- 03 giải ba trị giá 10.000.000đ/giải kèm theo Giấy Chứng nhận của BTC cuộc thi.

Các tác phẩm đạt giải nhất được Ban Tổ chức cuộc thi báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn mẫu làmbiểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa chính thức.

10. Hội đồng nghệ thuật

- Hội đồng Giám khảo do BTC quyết định thành lập, có trên 2/3 số thành viên  là các nhà điêu khắc, là họa sĩ, kiến trúc sư có có uy tín và các nhà quản lý thuộc Cục, Vụ chức năng - Bộ VH,TT&DL, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH,TT&DL, Sở Xây dựng, huyện Thọ Xuân, Hội VHNT…;

- Hội đồng Giám khảo làm việc trung thực, công tâm và đánh giá xét chọn các tác phẩm dự thi một cách khách quan, chuyên nghiệp;

- Hội đồng Giám khảo làm việc theo nguyên tắc: thảo luận tập thể các tác phẩm dự thi, sau đó từng thành viên Hội đồng nghệ thuật xét chọn và bỏ phiếu kín đối với từng tác phẩm dự thi theo đúng thang điểm đã được ban hành.

11. Hình thức xét chọn, chấm giải

Hình thức xét chọn,chấm giải: 2 vòng, cụ thể:

+ Vòng 1: chấm và chọn ra 10 mẫu biểu tượng;

+ Vòng 2: chấm và chọn ra 01 mẫu biểu tượng để trao giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba và 02 giải khuyến khích (cơ cấu giải theo thang điểm từ cao xuống thấp).

12. Bản quyền và sở hữu trí tuệ đối với mẫu biểu tượng

-Tỉnh Thanh Hóa được sở hữu bản quyền vô thời hạn cũng như toàn quyền đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm đoạt giải.

- Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm về những tranh chấp quyền tác giả và quyền liên quan. Nếu phát hiện có vi phạm bản quyền tác giả khi đã công bố giải thưởng, Ban Tổ chức sẽ huỷ bỏ kết quả xếp loại và thu hồi giải thưởng đối với tác phẩm đó, đồng thời không chịu trách nhiệm khi có xảy ra tranh chấp bản quyền tác giả đối với phương án thiết kế.

- Ban Tổ chức có quyền yêu cầu tác giả sửa đổi, bổ sung một số chi tiết cho phù hợp với yêu cầu, đặc điểm khi sử dụng làm biểu tượng chính thức của di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, Thọ Xuân, Thanh Hóa.

13. Thông tin về cuộc thi

Mọi thông tin có liên quan đến cuộc thi sẽ thường xuyên được cập nhật và thông báo trên các phương tiên thông tin đại chúng như: Báo Thanh Hóa; Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; Báo Văn hóa &Đời sống; trên trang web: svhttdl.thanhhoa.gov.vn hoặc liên hệ trực tiếp theo địa chỉ của Ban Tổ chức cuộc thi.

TM. BAN TỔ CHỨC

TRƯỞNG BAN

GIÁM ĐỐC SỞ VH,TT&DL

Phạm Duy Phương