Sự lôi cuốn đặc biệt của tranh Đông Dương
Một số bức tranh nổi tiếng của các họa sĩ Đông Dương.
Những năm gần đây, các tác phẩm nghệ thuật giai đoạn Đông Dương ngày càng xuất hiện với mật độ dày đặc trong thị trường giao dịch, trên sách báo khảo cứu và truyền thông đại chúng, với nhiều kỷ lục giá được phá vỡ liên tiếp. “Tranh Đông Dương có những đặc điểm gì mà thu hút công chúng đến vậy?” là câu hỏi mà chương trình Midnight Talks số 53 mang tên “Mỹ thuật Đông Dương: Từ lịch sử đến thị trường” đặt ra để trao đổi.
Tại sao tranh Đông Dương ngày càng được chú ý?
Năm 1925, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hay còn gọi là “Ecole des Beaux-Art de l’Indochine” được thành lập bởi họa sĩ người Pháp có tên Victor Tardieu tại Hà Nội, Việt Nam. Trường dạy nghệ thuật Pháp cho các sinh viên trên khắp Đông Pháp (thuộc địa của Pháp trong hơn 80 năm từ năm 1887 đến năm 1954 tại khu vực Đông Nam Á). Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương luôn là trung tâm mỹ thuật toàn quốc và rất có danh tiếng nhờ những tác phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước được ra đời tại đây, cho tới ngày hôm nay, ngôi trường vẫn giữ nguyên giá trị.
Kể từ khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập, lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm với bao lứa hoạ sỹ thành danh, được thế giới chú ý nhờ những tác phẩm với phong cách đa dạng. Trường đã đào tạo nên những họa sĩ xuất chúng, tạo điều kiện cho các họa sĩ Việt Nam được hoạt động chuyên nghiệp, góp một phần quan trọng cho nền nghệ thuật nước nhà.
Công chúng Việt Nam đã xếp các họa sĩ tài năng nhất vào hai “bộ tứ” huyền thoại của ngành mỹ thuật: “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” và “Nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái”. Ngoài ra công chúng cũng biết tới 11 họa sĩ nổi tiếng Việt Nam gồm 8 vị (trong hai “bộ tứ”) đó cùng 3 vị nữa là Nguyễn Phan Chánh, Vũ Cao Đàm và Lê Phổ. Điều đặc biệt là tất cả các vị họa sĩ danh tiếng này đều là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Tranh Đông Dương có một vị trí rất đặc biệt trên thị trường quốc tế và được đông đảo khán giả Việt Nam quan tâm. Tại buổi trò chuyện “Mỹ thuật Đông Dương: Từ lịch sử đến thị trường”, diễn giả Ace Lê - nhà nghiên cứu và giám tuyển nghệ thuật đã đưa ra một số lý do khiến tranh Đông Dương luôn giữ vị trí cao và ngày càng nhận được nhiều sự chú ý. Theo anh, tranh Đông Dương đã tồn tại, trải qua phép thử hàng trăm năm, đã xuất hiện nhiều trong các công trình khảo cứu nên được chú ý đến nhiều hơn.
Nguyên nhân cũng xuất phát từ cái gu duy mỹ của người Việt Nam, mong muốn treo những bức tranh có giá trị nghệ thuật cao, được đánh giá cao từ giới chuyên môn và đông đảo cộng đồng. Bên cạnh đó, việc giáo dục mỹ thuật cho thế hệ trẻ của nước ta từ lâu cũng chưa thực sự được chú trọng, đặc biệt là những tri thức về lịch sử mỹ thuật nên người ta khó có thể tiếp cận ngay được với các dònng tranh khác như tranh cận đại, tranh đương đại.
Thị trường tranh Việt Nam hiện nay
Có thể thấy, trong những năm gần đây, đời sống tinh thần của người Việt Nam ngày càng được nâng cao với ý thức tôn trọng nghệ thuật và nhu cầu thưởng tranh. Diễn giả Ace Lê cho biết: “Dường như dịch bệnh không làm ảnh hưởng đến phân khúc hàng xa xỉ phẩm”. Còn đối với thị trường tranh trong nước, sau 2 năm đại dịch, thị trường tranh Việt Nam đã dần khôi phục và có những bước phát triển mới.
Trong bối cảnh dịch bệnh, xuất hiện hình thức giao dịch trực tuyến, đem lại một số thuận lợi nhất định. Đặc biệt, tại thị trường Việt Nam, việc giao dịch trực tuyến đã mở ra nhiều cơ hội cho một số các nhà sưu tập trẻ. Vì vậy, các nhà sưu tập trẻ tăng lên rất nhiều về số lượng và là điểm sáng trong thị trường tranh Việt Nam.
Cơ cấu người mua các tác phẩm mỹ thuật là người nội địa cũng tăng lên rất nhanh, tạo nên sự thay đổi mang tính chất bền vững trong thị trường. Theo giám tuyển Ace Lê, có được lượng mua là khách hàng nội địa là một tín hiệu tốt, bởi người Việt sẽ dễ dàng hiểu được các giá trị văn hóa, nghệ thuật của các tác giả nước mình.
Ông Ngô Kim Khôi - nhà nghiên cứu độc lập, chuyên gia về lịch sử hội họa Việt Nam cũng khẳng định đây là một điều đáng mừng, nó chứng tỏ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của Việt Nam chúng ta đã tăng lên, đời sống tinh thần cũng trở nên ngày càng phong phú.
Từ góc nhìn lịch sử, ông Ngô Kim Khôi cho biết: “Thị trường tranh Việt Nam huy hoàng nhất vào những năm 30 của thế kỷ XX, dấu mốc khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có triển lãm tại Paris, khi đó chúng ta có một thị trường lớn”. Bức tranh đầu tiên được bán cho người nước ngoài là bức "Chợ gạo bên Sông Hồng” của Nguyễn Nam Sơn, đây là bức tranh đầu tiên và duy nhất của Việt Nam nước Pháp mua và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Pháp.
Các diễn giả cũng bàn luận về hướng phát triển cho thị trường tranh Việt Nam. Giám tuyển Ace Lê cho rằng các bạn trẻ đang hoạt động trong mảng tranh đương đại cần có sự để ý, bắt tay với phía kinh doanh và ngược lại. Bởi vì trong thế giới phẳng của “siêu toàn cầu hóa” cần phải hiểu cách thị trường vận hành, hoạt động như thế nào? Cơ cấu thị trường bao gồm những nhân tố nào? Tạo ra giá trị nào?
Diễn giả Ace Lê, nhà nghiên cứu và giám tuyển nghệ thuật độc lập: “Việc tăng giá trị văn hóa cho tác phẩm của mình, mình phải đi theo những quy luật như thế nào bởi nó có những nấc thang của nó” – Ông Ace Lê nhấn mạnh. Đó là những bài toán mà buộc người nghệ sĩ phải giải được, bằng cách nghiên cứu và không ngừng nghiên cứu.
Vấn nạn nhức nhối - tranh giả
Tranh giả “lộng hành” và tạo nên những bức xúc lớn trong giới mỹ thuật, cũng như làm mất niềm tin từ phía công chúng yêu nghệ thuật chân chính. Với độ nổi tiếng lớn, tranh Đông Dương dễ dàng bị các đối tượng làm giả để trục lợi. Có lẽ, nếu không có nạn tranh giả, tranh nhái, tranh chép thì giá trị của tranh Đông Dương sẽ còn lớn hơn.
Đứng trước những hệ lụy mà vấn nạn tranh giả đã gây ra, diễn giả Ngô Kim Khôi đã đặt ra câu hỏi: “Tại sao chúng ta biết nó giả, mà lại không tiêu hủy nó đi?”. Đây là vấn đề cần phải nói, cần thiết phải chiến đấu, phải diệt tận gốc để nền mỹ thuật nước nhà được phát triển. “Chúng ta phải nhất quyết, đồng lòng với nhau thì mới làm được” – ông Khôi nhấn mạnh.
Để loại bỏ vấn nạn cần sự vào cuộc nghiêm túc của pháp luật và giáo dục. Về mặt luật pháp, chế tài, xử phạt cần đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng và thiết thực hơn nữa. Về giáo dục, cần thiết phải giáo dục ý thức tôn trọng nghệ thuật từ sớm cho thế hệ trẻ. Phải bỏ đi ý định làm tranh giả, tiêu thụ tranh giả thì nghệ thuật mới trong sáng và phát triển được.
Nhà nghiên cứu và giám tuyển nghệ thuật Ace Lê cũng đã đề xuất một biện pháp để hạn chế tranh giả trước mắt, đó là cộng đồng yêu nghệ thuật phải lên tiếng, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm khi gặp các trường hợp tranh giả, “người Việt phải tự giúp nhau” là điều quan trọng nhất.
(arttimes.vn)