"Mười điều lệ làng" của một vị tú tài
Chân dung Tú tài Nguyễn Tường Tiếp và các trang đầu của “Mười điều lệ làng” do ông biên soạn. (Ảnh tư liệu)
Tấc lòng của người xưa
Theo tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường được Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An tổ chức dịch và giới thiệu năm 2016, Ấm sinh Tú tài Nguyễn Tường Tiếp được các vị chức sắc, hào mục, chức dịch làng Cẩm Phô (nay thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) giao thảo “Mười điều lệ làng”.
Trong bản hương ước này, trước hết, Nguyễn Tường Tiếp quan tâm việc tế tự. Theo ông, tế tự là để cầu phước (tế tự sở dĩ cầu phước). Muốn được phước (đắc phước) thì phải có sự thành kính. Lý giải “việc cúng tế của làng ta có đủ tam sanh, thứ phẩm mà phước vẫn chưa được”, ông cho rằng, đó là “do gắng sức ở bên ngoài mà bên trong chưa hẳn đã chân thành vậy”.
Ông quan niệm: “Cái quý của kẻ sĩ là để làm sáng tỏ lễ nghĩa. Nhanh chóng làm việc, thận trọng lời nói, cung kính, thực sự làm sáng tỏ lễ nghĩa... Làm kẻ sĩ, sau khi trải qua cái trống, cái tráp mới được đội mũ nho sinh, ấy là thực hiện lễ nghi vậy...”.
Trong “Mười điều lệ làng”, không đồng ý với quan niệm “của cải trong làng muốn sử dụng thế nào mà chẳng được”, Tú tài Nguyễn Tường Tiếp yêu cầu phải đề cao tiết kiệm: “Phàm các hạng tiền, thóc đã nhập trong làng phải ghi chép rõ xứ nào được bao nhiêu tiền, xứ nào được bao nhiêu thóc, không thể ẩn lậu không đúng sự thực. Hằng năm tính toán được tiền, thóc bao nhiêu, lượng thu vào để tính chi ra. Lễ kỳ yên được chuẩn tiền bao nhiêu, văn chỉ được chuẩn tiền bao nhiêu, nhà thờ làng chuẩn bao nhiêu, phỏng rõ số lượng, không thể tiêu hoang. Một ngày sau lễ, họp hội chiếu tính. Chức sắc, hào mục đồng ký lưu chiếu...”.
Bên cạnh việc đề xuất nên khuyến khích, đãi ngộ người có công với làng xã (như cúng ruộng đất, lạc thành cúng tiền, bồi ruộng trồng cây…), Nguyễn Tường Tiếp nhấn mạnh việc răn cấm thói ngoan cố, răn cấm việc buông thả rượu chè và trừng phạt kẻ có lỗi. Đối với tệ rượu chè bê tha, ông thể hiện rõ thái độ nghiêm khắc: “Việc say rượu, thánh nhân vốn rất ghét, phép vua đã trừng trị nghiêm. Phàm trong làng gặp có hội họp hay tế tự, hương ẩm, nếu có kẻ loạn ngôn ồn ào, hống hách thì phạt roi. Nếu phạm thượng thì phạt heo 1 con, trầu rượu 1 mâm”.
Khẳng định sở dĩ dân làng phạm pháp là do người ở trên vi phạm, theo ông, “lệ làng” không nên có vùng cấm (như cách nói hiện nay): “Các lý dịch là đầu mục của dân làng, nếu có ai uống càn giữa đường hay quán xá, say sưa thì không chỉ nhục cho riêng thân mình, mà còn làm cho dân không sợ, và để điều tiếng đối với làng xóm láng giềng, thuộc loại làm mất thể diện, hễ bị phạm thì phạt heo, trầu rượu không tha”.
Không phải cho đến bây giờ mà cách đây hai thế kỷ, việc họp làng (hương hội) đã là vấn đề làm đau đầu các vị chức sắc, hào mục, chức dịch ở làng xã: “Việc họp làng rất là trần phiền. Mà việc lại không chuyên. Quá sơ lược thì rồi quyền quy về một người. Từ trước, ngày họp không có định kỳ, cho nên phiền toái việc đi mời. Đến sớm thì chỗ ngồi một mình, đã về thì không đến lại”. Để khắc phục tình trạng này, Nguyễn Tường Tiếp khuyến cáo: “Nay giao ước rằng hằng năm mỗi tháng định một ngày họp làng. 12 tháng thì có 12 phiên họp lớn. Phàm mọi việc lớn nhỏ trong làng thì đến ngày này tề tựu tại đình bàn liệu”.
Tác giả “Mười điều lệ làng” còn hướng làng xã đến mục tiêu làm cho phong tục đôn hậu (đôn hậu tục). Theo đó, “nếu trong làng nghe lời hô hoán, dân lân cận mà không tiếp ứng thì nhẹ phạt roi, nặng phạt vạ. Làm được như thế thì nhân dân yêu kính nhau mà thiện tục đáng khen vậy”.
Sau gần hai thế kỷ, đọc lại “Mười điều lệ làng” của Ấm sinh Tú tài Nguyễn Tường Tiếp, chúng ta chẳng những hiểu hơn về tấc lòng của người xưa mà còn thấy rõ hơn trách nhiệm trong việc xây dựng đời sống văn hóa và phát huy dân chủ ở nông thôn hiện nay.
Đôi điều về tác giả“Mười điều lệ làng”
Nguyễn Tường Tiếp (1831-1890), còn gọi là Trấp, tên tự Chu Bá, hiệu Nghị Am, thụy Đôn Nhã. Ông là trưởng nam của Tiến sĩ Tam giáp khoa Nhâm Dần (1842) Nguyễn Tường Phổ và là cháu nội của Binh bộ Thượng thư, Nhuận Trạch hầu Nguyễn Tường Vân. Cụ Nguyễn Tường Tiếp sinh hạ 3 người con gái và 4 người con trai, trong đó ông Nguyễn Tường Chiếu (Nhu) là thân sinh của ba anh em nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam - những người sáng lập, trụ cột của Tự lực Văn đoàn, một tổ chức văn chương nổi tiếng trên văn đàn vào những năm 30 của thế kỷ trước, đã đặt nền móng cho nền văn học hiện đại Việt Nam.
Nguyễn Tường Tiếp từng giữ chức Thừa Vụ lang, Đồng Tri phủ, lãnh Tri huyện Thủy Nguyên. Có thời gian ông làm Tri huyện Cẩm Giàng, dân trong vùng quen gọi là Huyện Giám. Khi Tiến sĩ Phạm Phú Thứ (1821-1882) được vua Tự Đức có dụ chuẩn cho làm Tổng đốc Hải An kiêm sung Tổng lý Thương chính, trong tấu trình ngày 13-11 năm Tự Đức thứ 27 (1874), vị Tiến sĩ người Quảng Nam đã đề xuất chọn Tú tài Nguyễn Tường Tiếp trong số Tú tài, Ấm sinh “cùng đi theo để đủ sai phái”.
Ngưỡng mộ tài năng và nhân cách của vị Tổng đốc đồng hương, Tú tài Nguyễn Tường Tiếp đã tặng cụ Phạm một đôi câu đối, nguyên văn bằng chữ Hán: Huệ chánh kỳ huân, Lục Đầu giang đông hạ thiên vạn lý/ Hùng văn đại bút, Ngũ Hành Sơn nam trung đệ nhất phong. Cử nhân Hồ Ngận dịch: Nhờ chánh tích hay từ sông Lục Đầu trở xuống, ruộng đất mở mang hơn ngàn vạn dặm/ Tài cao học rộng, ví như đỉnh núi cao vút trong Ngũ Hành Sơn.
(baodanang.vn)