Quê ngoại

07.09.2022
Phạm Phát
Thuỷ tổ họ Dương là Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, nguyên Hào trưởng Châu Ái (vùng đất Thanh Hoá bây giờ), người có công lớn vây đánh thành Đại La, đuổi quân Nam Hán về nước, khôi phục quyền tự chủ cho đất Giao Châu vào năm 931.

Quê ngoại

Sau đó, Tiết độ sứ bị một bộ tướng làm phản, sát hại để đoạt quyền và cầu viện nhà Hán.

Hai con của Tổ là nữ tướng Dương Thị Như Ngọc (sau là vợ Ngô Quyền) và tướng quân Dương Tam Kha đã cùng Ngô Quyền diệt tên phản tặc và sau đó đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, buộc vua Tàu phải rút quân về nước, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc của nước ta.

Đến thời Lê, cư dân vùng Thanh Nghệ đã mang gươm theo vua Lê Thánh Tôn đi Bình Chiêm mở nước về phương Nam. Dấu chân của những tòng binh lập nghiệp đến đâu, làng mạc mọc lên đến đó.

Trong những ngôi làng Việt đầu tiên trên đất Quảng ngày ấy, có một làng nằm trên bờ sông Thu Bồn, gần đường thiên lý, cách Hội An không xa, được chúa Nguyễn Hoàng chọn làm dinh trấn Quảng Nam, đã cùng Hội An sớm trở thành một nơi phồn thịnh vào bậc nhất của xứ Đàng Trong thời ấy. Đó là Thanh Chiêm. Và trong những tiền hiền hậu hiền có công khai cơ lập nghiệp làng này có hậu duệ của thuỷ tổ Dương Đình Nghệ từ Thanh vào. Rồi đời này qua đời khác, sinh con đẻ cháu thành dòng tộc Dương - Thanh Chiêm ngày nay. Mẹ tôi là con gái của nhà họ Dương ấy.

Những gốc tích lẫy lừng ấy của quê ngoại tôi mãi sau này tôi mới biết. Vậy mà từ thuở chín mười, tôi đã quyến luyến với vùng quê này lắm. Trời đất sinh thế! Hàng năm, ngoài ba tháng hè gần như được ở với ngoại, còn ra tết nhất, ngày đơm ngày kỵ, cha mẹ tôi thường cho tôi về miết. Hễ được về ngoại là trong người cứ nôn nao như trẻ bây giờ sắp được đi du lịch xa.

Tối hôm trước, khi lên giường, mẹ dặn nhỏ: "Sáng mai, hễ mẹ nhéo một cái vào đít là phải ngồi dậy ngay, sè sẹ kẻo em thức dậy hắn đòi". Tôi dạ thật to rồi nhảy cà tưng trên giường như phát khùng.

Sáng hôm sau, mẹ tôi cắp rổ mây, như cái làn của các bà, các chị bây giờ, tong tả đi trước, tôi líu ríu vừa chạy theo vừa réo mẹ chờ. Mẹ tôi không quay lại, giục đi mau kẻo hết xe.

Xe đây là xe kéo, thường gác gọng chờ khách ở Quán cơm đầu đường. Anh phu xe người cùng làng với mẹ, vừa thấy bóng mẹ con tôi, đã đon đả xốc càng trờ xe tới.

- Hôm nay trên nhà có đám hả cô Năm? Mẹ tôi tươi cười "ời" một tiếng nhỏ thay lời chào, khẽ vén tà áo dài phía sau ra trước bụng, bước một chân lên rồi nhấc gọn người vào xe. Anh xe bế thốc tôi đặt vào lòng mẹ. Mẹ tôi đưa tay đỡ và kéo tôi vào lòng. Nhưng tôi lại muốn chồm tới để nhìn anh xe. Anh nhấc gọng xe, mặt quay về phía trước, sửa cho ngay ngắn cái nón lá hẹp vành như nón lính thú ngày xưa, bắt đầu đưa những bước nhỏ. Ống quần buông lửng quá gối, chân quàng đôi dép chằm bằng mo cau rất lạ mắt. Đôi dép chỉ có một quai nhỏ phía trước rịt chặt lấy ngón chân giữa, hai quai sau chằng vào cổ chân, đập lạch bạch lên mặt đường, theo bước chạy mỗi lúc một dài ra, nhanh dần, nhanh dần..Trẻ con nghĩ lạ: chỉ đơn giản vậy mà hấp dẫn lạ lùng!

Ngồi trên xe, tôi cứ chỉ cái này cái nọ luôn miệng "chi rứa mẹ?". Mẹ tôi dường như chỉ chờ tôi hỏi để trả lời, giảng giải. Đó là người ta in gạch, còn kia không phải nướng ốc đâu mà người ta đổ vỏ ốc vào lò để hầm vôi đó. Rồi mẹ cốc nhẹ vào đầu tôi: đồ tham ăn, lúc mô cũng nghĩ tới nấu với nướng.

Buồn cười thật, thường ngày, chơi quanh quẩn ở nhà, nay được ngồi xe với mẹ, thấy chi cũng lạ, cũng thích. Trời đang đẹp, chiếc xe kéo mui trần như muốn bay lên giữa bao la: trời xanh, mây trắng, nắng vàng, đồng lúa trải rộng tít tắp. Và gió, gió trời và gió xe hây hẩy, người cứ nhẹ hẫng.

Gặp ngày mưa, xe lên mui, quây bạt. Ngồi giữa bịt bùng mà xe chạy đến đâu mẹ tôi thuộc đến đó như có người nhắc. Mẹ giỏi thiệt. Mẹ tôi bảo: giỏi chi, cứ nghe tiếng bánh xe là mẹ biết. Xe chạy trong phố, bánh xe lăn trên mặt đường dầu, êm ru. Qua làng gốm Thanh Hà, chạy trên đường đá, bánh xe kêu lộc cộc. Qua khỏi cống Ông Đá, rẽ vào đường đất, trâu bò hay lội, có hang có hục, xe cứ lắc la lắc lư. Về gần nhà, xe chầm chậm lại.

Đến cổng, mẹ ghé tai tôi "Tới rồi! Tới rồi!"

Vừa thấy mẹ con tôi bước vào, bà ngoại đã chửi lớn:

- Cha con gái mẹ bay, răng chừ mới về?

Thì mẹ con tôi lúc nào chẳng về sớm nhưng ngoại tôi lúc nào chẳng chửi vậy. Nghe bà chửi mẹ cười rất tươi. Còn tôi thì sướng rơn lên khi thấy ông ngoại cười với tôi - cái cười ít khi thành tiếng mà hiền từ, lúc nào cũng như được dấu sẵn sau đôi môi dày và chòm râu bạc trắng.

Nhớ lời mẹ dặn, tôi bước đến trước mặt ông, nâng gói quà nhỏ lên bằng hai tay - tôi nhớ rồi mà mẹ cứ nhắc "hai tay, con!".

Ông tôi cầm gói quà nói:

- Để coi, cà cưỡng tha mồi chi về cho ông đây.

Uổng công cà cưỡng tha mồi... Tên ở nhà của tôi hồi nhỏ là Cưỡng nên ông thường gọi chọc tôi theo câu ca đó.

Tôi bỗng lúng túng. Mẹ tôi phải đỡ lời:

- Thưa... cha sắp nhỏ mua thuốc trà hiệu Ông Tiên kỉnh cha đó.

Lúc nào có quà kỉnh ông bà, mẹ tôi cũng nói "cha sắp nhỏ mua". Sau này lớn lên tôi mới hiểu, chẳng riêng mẹ tôi, các chị các bà mình đều nói tốt cho chồng như thế, để làm ấm lòng cha mẹ mình. Thì không báo hiếu được nhiều, một chút vậy cũng quí chứ sao.

Nghe mẹ tôi thưa vậy, ông tôi co ngón tay củng nhẹ vào trán tôi, gật gật đầu, không nói gì nhưng tôi thấy mắt ông ươn ướt.

Không rõ đến năm nào, chừng như đã có bằng yếu lược, đi học dưới phố, tôi phải nhường cho em gái tôi được đi xe kéo với mẹ, còn tôi lội bộ với cha.

Cũng chẳng xa xôi gì. Chỉ một quãng tắt qua Bến Cá là tới đò Ruộng. Cha tôi bảo: Ruộng là tên nghe đâu là của ông nội người lái đò bây giờ, từ lâu đã thành tên của bến đò này. Ông lái đò, cũng chỗ quen biết, đã có tuổi nhưng tay chân còn rắn chắc. Thấy cha con tôi đứng chờ đò, từ dưới ghe đã oang oang chào lên.

Đợi khách lên đò xong xuôi, ông rún người trên cây sào dài đã lên nước bóng nhẫy, chống mạnh một chống. Cái đò rướn mình lìa bờ. Sông hẹp, chỉ dăm ba tay sào, đò đã sạt vào bờ cát bên kia.

Xuống đò là tới đất Phú Chiêm, quê ngoại tôi rồi. Con đường đất hẹp, chạy quanh co qua các ruộng lúa dẫn vào làng. Cha tôi bật dù che cả cho tôi. Trời nóng, cha tôi cởi khăn đóng, áo dài khoác vào khuỷu tay, có khi tròng vành khăn vào cổ tôi, nói vui: đeo dùm cha "cái nọng heo".

Còn tôi thì xách guốc. Đôi guốc xà lan tự tay cha tôi đẽo bằng gỗ thầu đâu, đóng quai da bò lật ngược theo kiểu phố. Xách guốc, đi chân không trên rệ cỏ, cứ mát rượi dưới gan bàn chân.

Gặp ngày mùa, hương đồng thơm ngạt mũi. Thỉnh thoảng một chú châu chấu đứng trên bông lúa, múa râu như chào hỏi. Chao ôi, con châu chấu! Một thằng nhỏ lên mười ở phố làm sao bỏ đi cho đành!.

Nhưng cha tôi giục: mau lên kẻo ông ngoại lại cho thằng khác, mất phần chừ. Ấy là cha tôi nhắc đến cái bong bóng heo mà ông ngoại tôi thường bảo mấy người làm heo dành cho tôi từ ngày hôm trước. Bong bóng heo phơi khô thổi thành trái banh. Đá xẹp rồi thì xé ra bịt lon sữa bò làm trống, khua inh nhà, bị la mà thích.

Cha tôi đi trước xách đồ cúng. Lễ vật thì đám mô vô đám nấy. Ngày giỗ ngày kỵ thì sắm quả bánh ngọt Hiệp Lợi. Mồng năm thì bánh ú tro. Tết phải có bánh tổ lấy tận lò Phó Tám. Có năm cha tôi đem về gói trầm ròng lại thêm mấy cái lồng đèn Tàu để ông tôi treo chơi ba ngày tết. Mỗi thức đều được gói gắm vuông vức bằng giấy nhựt trình rồi đặt tất cả vào giữa vuông vải mộc, buộc chéo bốn góc thành một cái xách tay rất tiện. Những thứ này không được giao con nít xách, nhỡ tay rơi lên rơi xuống lấm láp, không nên.

Đường qua đồng tráng nắng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bước vào đến đầu làng như thể ngày nay được bước vào phòng lạnh. Hai bên đường nhà ở liền nhau. Trước cửa nhà nào cũng có vườn cây, bóng cây lợp kín trời, đi ngoài đường mà như đi trong nhà. Gần đến nhà ngoại, cha bảo tôi mang guốc vào kẻo đạp gai. Rồi đi.

Cha tôi xếp dù, sửa khăn kéo áo chỉnh tề, móc dù vào khuỷu tay, rảo bước thong dong. Dáng đi của cha sang vậy mà mẹ tôi cứ trề môi ghẹo: "Đi làm rể mà như thể ông xã ra việc làng".

Sợ bọn con nít chọc, tôi phải vừa đi vừa chạy cho kịp cha. Rứa mà cũng không thoát. Chó ỉ gần nhà, bọn hắn cứ đứng đầu ngõ, gào rập ràng:

Phú Chiêm ăn cá bỏ đầu

Kim Bồng đến lượm xỏ xâu mang về

Rồi:

Cái đầu dẹp lép cá chai

Ăn tham với vợ là trai Kim Bồng

Kim Bồng là quê tôi. Tôi thì tức điên mà cha tôi nghe vậy lại cười, kệ cha hắn, cứ làm thinh ngó lơ, đi.

Lúc ngang qua nhà các cậu tôi, cha tôi chỉ giơ tay chào, không ghé. Phải lên nhà ông bà thưa trình trước đã rồi đi đâu mới đi, đạo rể con phải lấy chữ Lễ làm đầu, cha tôi thường bảo vậy.

Cúng giỗ xong, các cậu tôi rủ cha tôi chiếu bài còn thiếu một tay chờ anh dự cho vuông sòng.

Chơi vui thôi, chỉ đẩy qua đẩy lại mấy đồng xu lẻ để ván bài có trớn, nên cha tôi thường ở lại đêm, chỉ có mẹ con tôi về. Mà không ở lại thì hai người cũng chẳng mấy hồi chịu về cùng. Mẹ tôi bảo:

- Vợ chồng, đi ra đi vô đụng đầu cả ngày, ức chi còn cặp kè ngoài đường như cái đồ không biết mắc tịt.

 

Nghỉ hè hồi trước dưới phố bắt chước Tây gọi là nghỉ va-căng. Còn trên ngoại tôi gọi là nghỉ nắng. Giờ nghĩ lại mới thấy quê mình hay có kiểu nói ngộ thiệt: vào những ngày cuối năm học, khi hoa phượng đã đỏ sân trường, ngồi trong lớp mồ hôi chảy ròng ròng như có con chi bò trong người, lúc đó mà nhắc đến hai chữ nghỉ nắng là bụng dạ đám học trò nhiệt đới mình cứ chộn rộn cả lên.

Riêng với tôi, nghỉ nắng có nghĩa là được về ở với ngoại. Mẹ tôi bảo trên ngoại mát mẻ lại có anh Năm kèm cho khỏi chạy rông dang nắng, rớt hết chữ. Ông ngoại thì bảo đế cho nhà có con nít, vui. Còn bà ngoại thì xì một cái "Vui chi, thêm mệt!". Nói rứa thôi, chứ hễ thấy đám cháu nội vừa nhét vở lên rường nhà mà chưa thấy tôi về, bà đã nhắc ông “Biểu mấy đứa chạy xuống xem thử “con chó con” có ấm mình ấm mẩy chi không".

Còn ở dưới nhà tôi mấy ngày đó, hễ cứ hắt xì hơi một cái là mẹ tôi bảo "Ngoại nhắc rồi đó, sửa soạn đi".

Hôm sau, mới thấy mẹ con tôi tới ngõ, ông cười nói: "Mai đạp lúa rồi, về dùm ông mấy bữa hỉ". Biết ông nói giỡn nhưng bụng cứ thinh thích.

Sáng hôm sau, ông dậy sớm ra quét sân, tôi vội cầm chổi theo ông:

- Phải moi móc thật kĩ, không để sót một hột sạn, biết tại răng không?

- Dạ biết. Để sạn chui vô chén cơm nhai mẻ răng, miệng ai cũng như miệng mình.

Ông tôi thường nói rứa, tôi nhớ mà nói theo. Vậy mà cũng được ông khen: "Cái thằng, giỏi".

Cơm nước xong, lúa cũng tới tấp về. Những bó lúa nặng hất từ đòn xóc xuống, xếp ngay ngắn quanh sân theo vòng trôn ốc. Khi sân đã đầy lúa thì lùa bò vào đạp. Chú bò đực lực lưỡng vai u thịt bắp, chừng đã quen việc, vừa bén hơi lúa đã bước lên đi phăm phăm. Chú đi vòng quanh sân, dẫm lên những bó lúa ngon lành. Mùi lúa mới cắt ngòn ngọt, thơm đầy sân. Chú vừa đi vừa lúc lắc đầu, khìn khịt mũi, coi bộ bực bội lắm. Tội nghiệp chú, ngó như thằng nhỏ háu ăn ngồi gần mâm kẹo mà không được bốc. Không nhịn được, chốc chốc chú lại cúi xuống định ngoạm đại máy cọng. Nhưng mõm đã bị đóng rọ. Thèm mấy cũng chịu, chú đành ngửng đầu hùng dũng bước. Khi nào chú chàng đi chậm rồi dừng lại dạng hai chân sau ra, hạ mông xuống, đuôi vổng lên hình dấu ngã, là sắp có chuyện rồi. Đã sẵn cái giỏ trạc ở góc sân, tôi nhảy phóc ra bưng vào hứng ngay dưới đít chú. Cái công việc không mấy thơm thơ sạch sẽ này không biết vì sao tôi lại thích nên ông đã giao cho tôi và khen tôi biết tém vén đâu ra đấy.

Khi mặt trời đã lên quá ngọn tre, ngoại bốc một nắm giẻ lên, săm soi rồi hô:

- Nục rồi, hò bò lại!

Tôi liền hò... ọ...ọ một tiếng. Con vật chỉ chờ có vậy, đứng lại ngay, chờ người đến tháo rọ cho ra nhai rơm. Các người dùm cầm mỏ xảy ra xảy lúa. Mỏ xảy bằng sắt, cong như mỏ bồ nông, tra trên đầu cán tre. Người xảy lúa luồn mỏ xảy xuống dưới lớp lúa mới đạp lần đầu, nâng một mớ lên, khẽ tung hứng một cái trước khi lật trái cho bò dẫm tiếp. Ngó như làm xiếc.

Trong khi người lớn xảy lúa, bọn con nít chúng tôi được ngoại cho uống nước nửa buổi trước.

Ở chỗ ngoại tôi hồi đó, ngày cơm ba bữa, giữa buổi sáng có uống nước nửa buổi, nửa chiều có nước xế, làm đêm thì có nước khuya. Có chi ăn nấy: khoai khô ngào đường, sắn luộc chấm muối mè, hôm nào làm nặng thì bánh tráng đập, mít hông. Cái anh mít hông thì số một. Mít sắp chín, gỡ lấy múi, móc hột luộc chín giã với đường nhồi vào giữa múi, hấp. Những bữa đạp lúa thì được ăn bánh lúa. Bánh bèo vào giữa mùa gặt cứ lặng lẽ gánh đến các sân đang đạp lúa, một chén bánh đổi một chén lúa nên gọi là ăn bánh lúa. Thấy tụi tôi mới nghe ông hô, mỗi đứa đã bưng một chén, giữa cắm chiếc dao tre, ông nói to:

- Mùa ni trúng, cho bọn bay ăn thả cửa. Rồi ông gọi tôi đến, bảo: để ông bày cho thằng dân phố ni. Ri nè: tay phải cầm dao tre, giống cái thanh long đao trong tay Quan văn Trường trên sân khấu hát bội, tay trái bưng chén bánh, vạch dọc vạch ngang, vạch chéo quành một vòng, tức thì chén bánh nứt ra thành một bông hoa tám cánh, nhưn tôm thịt đỏ hồng giữa chén như cái nhuỵ hoa tràn ra, thấm đều từng miếng. Bánh bèo Quảng Nam phải để sẵn chém mắm ớt. Rưới một thìa nắm cay quanh chén, cầm cái dao tre cắm nhẹ từng miếng đưa gọn vào miệng. Cha chả , hèn chi ăn bánh bèo ở đây gọi là múa thanh long đao.

Lúa đạp xong, phơi ngay. Ông bảo: dồn đống lâu, lúa hầm hơi thua gạo. Được nắng, gạo mới ngon cơm.

Hôm sau, lúa trang ra đầy sân. Bà ngoại giao: “cày thóc” là việc của ông, còn sắp bay lo đuổi gà cho bà. Ông bảo: ngày mùa ngày màng, mình bưng chén cơm mới, cũng phải cho gà qué hắn lượm mấy hột. Gà là gà mình, ăn lúa tươi gà thơm thịt rồi mình lại ăn thịt gà, mất đi mô. Bà cãi: Đừng nói chơi. Gà thì phải bươi chải kiếm con trùn con dế, lượm hột đổ hột tháo, nói như ông thì sai sắp nhỏ xúc lúa lên mâm mời hắn trớt. Ông cười xoà, cả sân đạp lúa cười theo

Trong khi chờ nóng lúa, ông ra hiên cầm cái quạt mo phẩy mấy cái lên bậc thềm, ngồi bệt xuống, gọi lớn:

- Bay đâu, điếu!

Quen rồi, bọn tôi rập ràng dạ lớn rồi chạy u vào, đứa thì bưng bầu điếu, đứa cầm cần tẩu, đứa bưng cái đèn hột vịt vặn thấp ngọn chạy ra. Bà tôi từ trong bếp hô theo "Nổi chầu lên!". Chẳng là, cả nhà ngoại tôi đều mê hát bội. Mỗi lần có gánh hát về, cách chi các ông bầu cũng phải mời ông tôi cầm chầu cho được. Bởi ông thuộc tích sành chầu nên tiếng trống ông khoáng đạt, nghe sướng tai, hát sướng miệng. Đêm nào có ông cầm chầu, rạp hát như cái bếp tốt lửa, cứ phừng phừng cháy cho đến khuya.

Thường ngày cứ nghe ông hô "bay đâu" là bọn tôi chạy đến hầu thuốc, hầu quạt để được nghe ông kể tích, kể tuồng.

Cầm cần tẩu đưa vào miệng, ông cầm que đóm rà líu ríu vào mồi thuốc, kéo sòng sọc một hơi dài, ngả người dựa cột, lim dim mắt, phà khói ra thơm ngát. Lúc đó, trông ông tôi giống y hình vẽ ông tiên say thuốc trên nhãn hộp thuốc trà.

Khói thuốc vừa tan, ông hỏi: "Đến đoạn mô rồi hè?" Bọn tôi tranh nhau nhắc, tới chỗ Khương Linh Tá bị Tạ Ôn Đình chém rơi đầu mà cứ xách cái đầu chạy theo Đổng Kim Lân...

À, nhớ rồi, nhớ rồi. Ông tằng hắng rồi kể tiếp, kể như hát, như đang thúc chầu. Bọn tôi há hốc mồm, ngồi nghe như bị thôi miên. Vừa hết tích Sơn Hậu, ông đứng dậy bước ra sân “cày thóc”. Một tay cầm chiếc nón lá, không đội mà che hờ trên đầu, quai nón bỏ trật ra sau gáy, một tay bắc chéo ra sau lưng, đầu bịt khăn đầu rìu, áo cánh vắt bên vai, quần lá toạ kéo lên quá ống quyển. Ông nhủi nhẹ mũi bàn chân xuống dưới lớp thóc nhủi lên một bước dài, hết chân này đến chân khác, cày thành hai luống thóc nhỏ thẳng tắp từ bên này qua bên kia sân, rồi quay lại...

Nắng giữa buổi làm da dẻ ông ửng hồng, hai ống quần trắng lên xuống nhịp nhàng, chiếc thắt lưng điều bay ngược về phía sau - dáng ông tôi nổi bật trên sân thóc dợn sóng, vàng rực lên dưới nắng.

Khi đi xong đường thóc cuối cùng, ông bước ra đứng ở bìa sân, giở mũi chân lên, thổ nhẹ gót xuống sân mấy cái rồi mới bước ra. Vừa ngồi xuống thềm đá, ông lại "bay đâu". Bọn tôi lại dạ ran rồi bu đến. Lại hầu thuốc, hầu quạt, lại đòi ông kể tuồng...

Sau này, lần đầu được đọc đầy đủ tộc phả họ Dương, được biết cụ tiền tổ Dương Tam Kha, sau khi trao lại vương quyền cho con trai của Ngô Quyền bấy giờ đã lớn, ông lui về Chương Dương xây dựng vùng đất này thành địa danh nổi tiếng trong lịch sử, ung dung sống cuộc đời điền lão cho đến cuối đời, tôi bỗng dưng nhớ đến ông ngoại tôi trên sân thóc ngày ấy. Trong người hậu duệ bao nhiêu đời của tổ, hình như vẫn còn thấp thoáng hình bóng của tổ tiên ngày trước.

Buổi chiều, khi sân vừa hết nắng, ông đã giục sắp cháu nội đi bắt chuồn chuồn. Ông bảo tôi: Tụi hắn đứa mô cũng bơi như rái, ông chỉ cho chuồn chuồn cắn lỗ rún con một cái là biết bơi liền. Nghe ông nói, tôi vừa sợ vừa thích. Để coi ra răng. Nắng vừa nhạt, ông cháu kéo ra sông. Cả bọn lớn nhỏ đều cởi truồng dồng dỗng. Ông bắt mấy đứa giữ tay giữ chân tôi rồi cầm con chuồn chuồn dí vào rốn tôi một cái. Ông cháu cùng cười còn tôi chỉ ré một tiếng rồi cũng cười theo. Cắn mổ chi, chỉ nhột. Xong, ông vác tôi lên vai, lội ra xa, để tôi nằm trên mặt nước, chỉ cho cách bơi rồi bất thình lình rụt tay, để mặc tôi vùng vẫy, quơ đạp nhưng người tôi cứ như cái hủ chìm, uống nước ừng ực, sặc sụa, trước khi được bế lên. Ông cười, bảo: Chuồn chuồn cắn rún rồi, không chìm đâu, cố lên là được.

Chống cự không được, tôi đành phải lặp đi lặp lại cái vũ điệu loạn xạ dưới nước đó không biết bao nhiêu lần. Rứa rồi, cũng bơi được. Khi tôi bơi khá rồi, một lần ông bảo tôi: sống ở đời phải biết bơi, không bơi được là chìm đó con.

Lớn lên, ra giữa sông biển cuộc đời, khi đủ trí khôn để hiểu được lời ông thì ông đã không còn nữa. Ngày ông tôi mất, cả làng đưa ông ra đồng. Đám ông tôi băng qua những khoảng ruộng vừa gặt. Trướng liễn phấp phới, chiêng trống vang rền. Linh cữu đã gần tới huyệt, mà dòng người đưa đám chưa ra khỏi cổng. Ai cũng chép miệng thương tiếc, bảo ông như Ông Phật sống. Bà tôi kể, tháng Hai trời nổi dông sớm. Nửa đêm sấm chớp đùng đùng. Đang ngủ ông ngồi bật dậy chạy ra sân khuân củi vào hiên. Mới được mấy ôm củi, ông vào nhà, lên giường nằm kêu "Bà ơi!". Bà lập cập thắp đèn chạy tới, thấy ông người đã thẳng đơ. Bà hoảng hồn kêu trời một tiếng. Ông cố mở mắt nhìn bà, môi mấp máy như cười mỉm chi, rồi đi. Nhẹ như không.

Lúc khâm liệm ông, bà ngồi chọn kĩ bảy hạt gạo gói cẩn thận vào mảnh giấy vàng bạc. Khi cầm gói gạo đưa người ta cho vào miệng ông, bà mới oà khóc, rủ người trong tay con gái "Ông đi bụng không có được hột cơm, tội ông rứa ông ơi..." Bà vừa khóc vừa thở than, trách móc ông như thể ông đang còn ngồi trước mặt. Tiếng hờ khóc yếu ớt của một bà lão ở tuổi tám mươi, cứ ri rỉ tỉ tê như tiếng nước một con khe cạn chảy qua kẻ đá, nghe thật não nuột.

Ông tôi ra đi mang theo những ngày hè thơ ấu của bọn tôi. Sau đó là kháng chiến toàn quốc, là chống Pháp, chống Mĩ... Đám cháu nhỏ của ông như những viên bi ve lấp lánh đang nằm vui vẻ trên mặt bàn, bỗng chiến tranh như một nắm đấm giáng mạnh vào giữa, tất cả tung toé, cuốn vào những biến động của đất nước. Và trong những nắng nôi của đời người, lắm lúc thấy thèm đến cháy ruột một khoảnh khắc được về nghỉ nắng dưới bóng mát của ngoại như những ngày còn đi học.

Hội An giải phóng được mươi hôm, tôi về nhà. Hôm trước hôm sau đã giục mẹ về ngoại. Chi mà quíu lên rứa con, để mẹ ngậm miếng trầu đã. Nói vậy nhưng mẹ lại xăng xái đi lấy áo lấy nón. Tôi còn loay hoay mang giày đã thấy mẹ cầm nón đứng ở thềm.Giải phóng giải phọt chi mà chậm rề rề. Vừa chê tôi, mẹ vừa đưa nón soi lên nắng, coi thử có con chi trong đó không, tay này thổ nhẹ vành nón vào tay kia mấy cái rồi mới đội lên đầu, đưa ngón tay móc vào quai nón kéo xuống dưới cằm, sửa nón cho cân cái rồi mới bước ra sân. Bộ dạng mẹ tôi vẫn y như hồi tôi còn ở nhà. Năm ấy mẹ đã bảy tám, đi lại còn lanh lẹn, nói năng còn rành rẽ chi ra nấy.

Ra khỏi cổng, tôi nhắc đến xe kéo. Thì nhớ mà nhắc vậy. Bỏ từ tám hoánh rồi. Tội nghiệp cái thằng xe trên mình, trốn quân dịch không được, lớ huớ thế nào, mới ra trận đã mất luôn một giò. Chừ ngồi đan rổ cho vợ đi bán, con còn nhớ hắn không? Tên không nhớ, mặt không nhớ, chỉ nhớ đôi dép mo cau đạp lạch bạch xuống mặt đường.

Ra khỏi phố, rẽ lối đò Ruộng. Cũng quen miệng mà gọi rứa chứ đò giang đâu có còn. Mẹ bảo: sau cái lụt năm Thìn, sông bị lấp, ở chỗ đó chừ nhà của khít rịt.

Đến trước một quán ăn, ngoài cửa treo cái mẹt lật trái, viết nguệch ngoạc chữ vôi Mì Phú Chiêm. Tôi quýnh người như gặp người quen xa cách lâu ngày. Rồi ghé tai mẹ, tôi đọc nhỏ câu hát ngày xưa mẹ thường hát: "Miếng ngon quê kiểng thiếu chi. Đi lấy chồng phố thèm bát mì Phú Chiêm". Mẹ cười ngất: Cái thằng, giỏi nhớ thiệt!". Rồi mẹ cong ngón tay trỏ mổ mổ xuống chỗ tôi đang đứng. Bến đò Ruộng là chỗ ni đây. Ngày con đi, ông già còn chống, sau ông mất, thằng Hai chống thay cha, chừ thì bến đò đã thành nhà cửa ri đây. Hồi đó, lên khỏi đò là ruộng lúa có con châu chấu huơ râu đứng chào. Giờ thì nương khoai, nà bắp, biển dâu lấn tới sát mé làng.

Chao ôi, ba mươi năm thương hải tang điền!

Vào làng, đường sá, nhà cửa vẫn như xưa, như chưa hề có bom đạn gì ở đây. Mẹ bảo: đồn hắn đóng ở gò Lê, đây lên đó nhai chưa dập miếng trầu. Bị bộ đội về đánh miết, mình hạ xuống hắn lại dựng lên. Thì kệ cha hắn. Quê mình ở đây từ kháng chiến một tới chừ cứ rứa: ngày hắn, đêm mình. Ngày bà con mình ruộng nương chợ búa, làm ăn bình thường, gặp tụi hắn cứ giả đò khúm núm dạ trước mặt. Tụi hắn cũng chỉ láng cháng ban ngày, cà rà nhà này nhà khác bày đặt điểm danh, hạch sách chuyện này chuyện nọ rồi châu đầu nhậu nhẹt, bài bạc, chọc gái... Mặt trời chưa lặn, cha con hắn kéo về đồn, thả dưới này cho bọn hội đồng. Nhưng hội đồng hội thiếc chi, mới chạng vạng đã đắp chiếu trong nhà không dám hó hé. Du kích mang súng đi ngang chọc chó sủa rồi lớn tiếng hăm: "Sủa chi, nằm im! Việc ai nấy làm nghe chưa". Tụi hắn gác cho các ổng hội họp, cho bà con đào hầm bí mật, cất giấu đồ tiếp tế...

Cứ năm ba bữa, sắp trên núi lại về cõng hàng. Thôi thì đủ: gạo cơm, mắm muối, thuốc men, vải vóc... Trên nớ cần chi dưới ni lo đủ. Bọn đàn bà cứ xuống phố mua mỗi bữa một ít, mỗi người một thứ bưng về bỏ hầm, đợi. Tội lắm, có đứa mới thấy về chuyến trước chuyến sau không thấy, hỏi, hi sinh rồi. Cho nên hễ gặp nhau là mẹ mẹ con con, nấu nướng ăn uống như nhà có giỗ. Đến cái đêm sắp giải phóng, người đi lại nườm nượp, bọn hội đồng, hương dũng trốn tiệt, hàng chục bàn máy may cờ, chạy xành xạch suốt đêm, sáng ra được tin mình đã lấy được Hội An rồi thì cả làng lên cờ, đỏ rực.

Mẹ con tôi vui chuyện đến nhà lúc nào không biết. Vừa nhìn thấy mái nhà thân yêu đầy ấp những kỉ niệm thời thơ ấu, nước mắt tôi tự dưng trào ra, gối như muốn khuỵu, hai bàn chân như bị chôn xuống đất. Mẹ tôi nhắc: "Vào đi con". Hoá ra thềm cổng cũng không cao như tôi nghỉ. Vào tới đầu sân, gặp cây mai. Trời, ngót hai mươi năm ăn tết với hoa đào ngoài Bắc, cứ đến giao thừa, cây mai này bỗng toả một vùng vàng rực thơm ngát trong tâm tưởng tôi. Giờ đây, nó đang đứng sum suê trước mặt, thân thiết như chào đón tôi. Và coi kìa, ngôi nhà rường ba gian hai chái, mái ngói âm dương rêu phong, hàng cột gỗ ngoài hiên vẫn đứng thẳng trên những viên đá táng tròn hông nồi. Sau bao năm bom đạn, nhà ngoại tôi vẫn nguyên vẹn, tưởng như ông tôi mới ngồi trước hiên phà khói thuốc rồi vừa đi đâu đấy và bà tôi, từ nhà bếp sắp bước ra, chửi "Cha con mẹ bây....".

Theo nếp nhà, đàn bà con gái vô nhà không lên thẳng nhà trên, mẹ tôi tạt ngay vào nhà dưới. Tôi đỡ mẹ lên tam cấp tô xi-mon (nhà ngoại tôi kiêng tên huý của ông, không ai được gọi là xi-mâng). Chính chỗ thềm, nhà này trên ba mươi năm trước, những buổi chiều hè, bà tôi ngả sẵn chiếc nong đại ra chờ ông cháu tôi đi tắm về. Khi hai ông cháu vừa đến cổng, chiếc mâm đồng chân quỳ bày sẵn thức ăn đã bưng lên đặt giữa nong. Ông tôi đi thằng vào nhà, một tay cầm chai rượu thuốc, một tay cầm chiếc cốc hạt mít đi ra, bước vào nong, tréo chân ngồi xếp bằng tròn. Tôi ngồi bên cạnh hầu rượu ông. Món nhắm ưa thích của ông là thịt cuốn lá nghệ, gói vào lá chuối, nướng cháy. Chưa khui lá, đã thơm nức mũi. Bà tôi lên sau, ngồi đối diện với ông, một chân xếp bằng, một chân chống gối, nồi cơm đặt bên cạnh, vừa xới cơm vừa gắp thức ăn cho hai ông cháu. Món canh hến bà tôi nấu với rau dền cơm, rau tập tàng, ăn vô là nhớ. Hến Phú Chiêm nổi tiếng, ruột trắng và to như khuy áo, nước trong chứ không đục lờ lờ mà rất ngọt. Canh vừa múc ra bát, bà đã rắc ớt bột đỏ rực. Húp một thìa cay xè lưỡi, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Ông bảo đừng bỏ ớt để cháu hắn ăn. Bà cười bảo dân xứ mình phải biết ăn ớt, tập ăn cay cho quen để lớn lên đi ăn đám giỗ.

Bước vào nhà ngang, đụng cái chi cũng nhớ tới bà. Chỗ bàn này là nơi bà thường ngồi nhai trầu sau bữa cơm. Những năm cuối đời, răng bà đã bắt dầu xệu xạo, bà thường gọi tôi đến nhai trầu cho bà. Mà đứa mô cũng thích, cũng giành được nhai. Có lẽ vì nó tạo ra cái lạ trong miệng: cau ngòn ngọt, trầu cay cay, vôi mằn mặn, nhai mấy cái mặt đã phừng phừng. Hèn chi họ ghiền. Bà dặn phải nuốt thật khô nước miếng rồi mới nhai. Nhai vừa dầm dập thì nhả ra lòng bàn tay bà đã ngửa sẵn. Bà nhón từng mảnh nhỏ cho vào miệng, nhai bỏm bẻm. Bà nói: ăn trầu như bà chỉ tốn mấy xu vôi, ăn cả năm không hết. Cau sẵn trên cây, trầu sẵn trên giàn.

Giàn trầu của bà tôi thì chẳng có nhà mô có được.

Gọi là giàn nhưng bà tôi chỉ giâm trầu cho bò lên tường vôi đầu nhà. Các tay trầu như những cái chân thằn lằn bám chặt vào tường, chen nhau bò lên san sát, rậm rạp, xanh nghít. Bà bảo: trời đất sinh, có hơi vôi, trầu mới bền.

 Trầu của bà thuộc giống trầu hương, to lá dày thịt, vừa bỏ vô miệng nhai chưa dập bã, cốt trầu đã sánh, đỏ môi thơm miệng cả ngày. Không như cái anh trầu xà-lẹt, trầu nguồn, lá mỏng tẹt, hôi rình rình, ăn vô phỏng miệng như húp canh nóng. Chẳng thèm.

Bà thường nói: trầu là miếng thơm thảo, cao sang, để cúng ông bà, để mời trên tay, nhai trong miệng, mà cũng là vị thuốc của ông bà truyền lại. Cứ nam thất nữ cửu, giả với mấy lát gừng, ho thì ngậm, cảm thì xát vào sống lưng. Nên hắn ưa sạch sẽ, tinh khiết, không chịu được hôi hám, kiêng phân tro... Lâu lâu bà chỉ rà ít bánh dầu. Đôi ba bữa, bà đãi cho một bữa nước gạo. Hàng năm, sau mùa lụt, bà sai người ra ruộng gánh đất bồi sa về đắp quanh gốc. Rễ trầu ham ăn những thứ này cứ tốt mù.

Chăm trầu kĩ rứa nhưng bà tôi không ghiền. Bá cứ lụi cụi làm cả ngày, hết trong nhà ra ngoài vườn, đâu có ngồi không mà bày biện trầu thuốc. Bà chỉ nhai trầu sau bữa ăn. Khi có khách có khứa bà mới soạn khay ra. Vừa têm trầu mời khách vừa thong thả nhai trầu đưa chuyện. Khi khách ra về, thế nào bà cũng đưa khách ra giàn trầu, tự tay hái xếp thành liễn, ngắt ngọn lá chuối gói lại làm quà.

Không thấy bà bán trầu bao giờ. Được mấy đồng, để biếu cho hàng xóm lấy tình. Ai đến xin mà hiểu ý bà, chờ bà hái bà cho. Gặp người đoảng tính cứ miệng xin tay bứt, bà tôi nổi giận, cự gắt. Lạ tay trầu dễ suy, nhất là đàn bà con gái. Ngay cả đàn ông mà không biết ăn trầu cũng không hạp - Bà tôi thường chê: người mình mà miệng không có miếng trầu, có cười cũng lạt thách như... Tây.

Còn trong đám cháu, bà chỉ chấm mình tôi. Mà cũng chỉ được khoèo lá trầu vàng. Những chiếc lá trầu màu vàng chanh như những con bướm bà đậu hờ trên đám lá xanh. Chỉ cần đưa cây cù nèo khẩy nhẹ một cái là nó buông mình, liệng một vòng nhỏ trước khi chạm đất. Tôi nhặt , xếp lại, đem vào cho bà. Bà rửa sạch, rẩy khô rồi đặt vào góc khay, không ăn. Hỏi vì răng, bà không trả lời mà đọc: Thiếp chừ như lá trầu vàng. Để chưng cho khéo xin chàng đừng têm. Rồi bà cười buồn. Mãi sau này tôi mới biết, bà tôi lớn hơn ông tôi đến bốn năm tuổi. Sực nhớ chiếc lá trầu vàng và câu hát của bà, tôi đâm nghĩ ngợi: ông bà ra đi biết đâu đã mang theo bao nỗi niềm mà đám cháu con các cụ chừ đâu hay biết.

Có lần mẹ tôi kể, hồi bà tôi còn trẻ, một đêm thức dậy bà nghe giọng con gái rì rầm rồi thút thít khóc xa xa gần gần ngoài cửa sổ, ngay trên giàn trầu. Trăng tháng Tám sáng như ban ngày. Bà hé cửa bước ra ngồi rình một lúc lâu chẳng nghe thấy chi, chỉ có tiếng gió thổi rì rào trên ngọn cau ngoài ngõ. Đêm đó bà không ngủ được, nằm cứ thương người con gái trong truyện Trầu cau ngày trước. Từ đó, không hiểu sao, như có người xui khiến, bà cứ gọi trầu bằng chị.

Nhớ giàn trầu của bà, tôi chạy ra thăm. Trên mặt tường rêu vẫn còn lại loáng thoáng những dấu chân trầu ngày trước. Tôi đứng tần ngần giờ lâu, bùi ngùi nhớ những "con bướm trầu" màu vàng chanh từng bay lượn trong tuổi thơ tôi.

Chị tôi kể: năm bà qui tiên, giàn trầu của bà tự nhiên xàu dần. Đến sau tuần trăm ngày bà, trầu xuống lá, tưới chi cũng không lại.

Sau đó, chị đã mấy lần xin trầu về giâm ngay chỗ giàn trầu cũ của bà nhưng trầu chẳng chịu lên. Ai cũng bảo, rứa là trầu đã về theo với bà mình rồi chú ạ.

Bà tôi theo ông bà vào năm Tị. Ngày đó tôi đang ở xa. Chỉ biết giỗ bà vào ngày 21 tháng 10 âm lịch, trước cái lụt 23tháng 10 thường là cái lụt lớn nhất trong năm mà đã là dân vùng thấp nước quê tôi, không ai không nhớ câu Ông tha mà Bà chẳng tha/làm cho cái lụt hăm ba tháng mười. Chừ nghe kể lại thấy thương bà quá. Nước lên linh láng cả làng. Không bước ra ngõ được. Phải đào huyệt chỗ ảng nước, vừa múc nước lên vừa hạ quan tài xuống. Ba năm sau mới đưa cốt bà về nghĩa trang. Đến lúc đó mới nhớ tấm nệm của bà, từ hồi dì út mua về cho hai ông bà mỗi người một tấm. Tấm nệm của ông, bà bắt ông đem ra nằm đến lúc ông mất đã sờn mép. Còn tấm của bà, bà chỉ trải qua nằm thử rồi cuốn lại cất, bảo khéo quá, nằm hắn cũ đi, uổng. Lúc mở ra rưới dầu đốt theo cho bà, tấm nệm còn mới tinh.

 

Ngoại tôi sanh hạ được năm ông con trai và hai bà con gái. Cậu Cả mất ngày tôi còn ở nhà. Giải phóng tôi về chỉ còn gặp lại mẹ tôi và dì út. Bốn cậu tôi không còn ai. Cậu thì ra Việt Minh sớm, bị Pháp bắt tra tấn dã man hi sinh trong tù từ kháng chiến một. Cậu thì tham gia thời chống Mĩ bị giặc chặt đầu. Cậu thì ốm không tiền mua thuốc, chết thảm chết khổ. Cậu thì trước làm chánh tổng nhưng sau ngày cướp chính quyền, con trai ba người theo cách mạng, hai anh lớn hi sinh, anh sau đi tập kết rồi vào chiến trường sớm, không tin tức gì. Câu ở nhà phần bị giặc khủng bố o ép, phần nhớ thương chờ đợi con, mòn mỏi mà chết, chỉ trước ngày giải phóng mấy tháng.

Mẹ tôi đưa tôi đi thăm nhà các cậu. Hồi đầu giải phóng, đi ngoài đường thì vui mà vào nhà ai cũng thấy buồn. Nhà nào cũng vắng vẻ, chỉ gặp phụ nữ. Đàn ông, người thì bị gọi đi học tập. Người thì quá sợ, lánh đi nơi khác. Ngoài thì đi cách mạng còn ở xa chưa về... Còn nhiều người khác thì không bao giờ về nữa.

Bước vào nhà, mẹ đi thẳng đến bàn thờ. Đây là bát hương thờ chú Tám, chỉ huy du kích phối hợp với bộ đội đánh trận đồn gò Lê trước Mậu Thân. Trận đó, mình hốt gọn. Nhớ miết đêm đó, súng nổ rầm trời, lửa cháy sáng rực, xe nhà binh từ Hội An chạy lên chạy xuống như heo hạch. Cả làng nở ruột nở gan, nhưng thím Tám mất chú từ đó. Chú là con cậu Chín, em mẹ tôi, cùng tuổi Dậu với tôi, gọi tôi bằng anh. Nói trộm vía chú chứ hồi nhỏ chơi bi chơi đáo, chú ăn gian tổ sư, mà lại hầm hồ. Ăn được xu nào, xỏ ngay vào giải rút quần, thắt gút, thả toòng teng, hễ đi là chùm xu cứ đánh qua đánh lại trước háng. Vậy mà lớn lên, đánh trận rất gan dạ, bọn địch ở gò Lê nghe tên chú là khiếp.

Đặt cạnh bát hương chú là bát hương thờ anh Ba, anh ruột chú. Tuy là vai em nhưng chú Ba lớn hơn tôi mấy tuổi nên quen miệng gọi bằng anh từ nhỏ. Anh bắn chim bằng ná cao su đáng tôn là bậc thiện xạ. Chim đậu trong tầm bắn thì chỉ phát một. Hồi nhỏ tôi thường viên đất sét rồi vùi tro bếp thành những viên bi nung làm "đạn" cho anh. Bắn được con nào nướng lên tôi cũng được phần hơn. Sau 1954, anh vào Sài Gòn trốn lính được mấy năm, sau đó nhà nhắn về cưới vợ. Cưới vợ xong, ban ngày trốn, nửa đêm mới dám mò về. Chưa kịp dẫn vợ vô Sài Gòn đã bị chúng lôi trong cây rơm nhà cậu Chánh ra, tống vào lính, đẩy ra trận. Ở nhà chưa kịp lãnh đồng lương nào đã nhận tin tử trận. Giờ đây anh ngồi trong khung ảnh nhìn tôi cười hiền khô, y như hồi hai đứa dẫn nhau đi bắn chim.

Còn đây là bát hương thờ anh Lượm - con rơi của cậu Bốn tôi. Chẳng là thời Pháp cậu tôi đi lính tập, đụng một bà bán cơm dưới phố rồi có ảnh. Nhà đã có ý cho làm lẽ nhưng bà ta không chịu, chỉ cho "lượm" con về nuôi nên mới đặt tên là Lượm. Lớn lên hoang nghịch trổ trời, đầu bò đầu bướu không ai chịu nổi. Còn nhớ hồi đó, tụi tui chia phe chơi trận giả, bên này chọi đất vào bên kia. Đứa mô "trúng đạn" thì phải “chết". Luật chơi là rứa. Nhưng bị dính đạn tùm lum, Lượm cũng không bao giờ chịu chết. Rứa là: Mi chết rồi... Tao chưa chết..., cãi nhau ỏm tỏi. Rồi không thèm chơi với đồ gian nữa, cả bọn ùm xuống sông tắm. Nhưng mai lại tiếp tục ra trận, chọi qua chọi lại, bụi đất mù trời.

Chao ôi, cái lúc cùng nhau chơi trận giả như vậy, chúng tôi đâu có ngờ chỉ mấy năm sau đó, số phận đã đưa đẩy anh em chúng tôi về hai phía trong một trận thật – một cuộc chiến khốc liệt kéo dài cả nửa đời người! Và trong cái trò chơi đẫm máu này, đã chết là chết, sờ sờ bát hương đây, cãi chi được, anh Lượm ơi!.

Nghe bảo sau ngày tôi đi, anh cũng trúng quân dịch bị địch đẩy vào đánh nhau tít trong Nam rồi hắn báo về đã tử trận ngày đó, tháng đó, chôn ở đâu đó, chẳng biết mô.

Tôi thắp vào mỗi bát một nén hương, tiếc thương những hương hồn từ hai phía về ngồi kề nhau chung một bàn thờ!. Những tia khói mảnh như sợi chỉ màu xám nhạt gióng thẳng lên rồi tan loãng, quyện vào nhau trên nóc nhà, toả ra một mùi hương là lạ, không thơm mùi trầm, mà ngai ngái ở mũi, nửa thang thoảng mùi nước hoa, nửa hăng hăng mùi cồn nhà thương.

Thăm nhà các cậu xong, tôi chưa kịp nhắc, mẹ đã bảo: tới thắp cho anh Năm con cây hương. Trong sắp cháu nhà ngoại, hắn là đứa có chữ, ri-me đó. Con còn nhớ hồi đó hắn chỉ quánh con một roi mà mẹ giận mấy tháng nắng. Dạ nhớ: tiếng Tây a-na-na là trái thơm mà con cứ bảo là mãng cầu, hôm sau dò lại cũng cứ tụng a-na-na là mãng cầu. Tức quá ảnh cho một thước vào đít. Nghe nhắc chuyện cũ, mẹ rầu mặt, nói: rứa mà hắn năn nỉ chi, mẹ cũng không cho con học nữa. Mẹ định bụng sẽ lựa lời nói với hắn một tiếng, chưa kịp thì hắn đã... Uổng quá! Hồi đó hắn đã làm tới... trung đội rồi, chừ còn sống chắc đã làm to. Mà tức thiệt: bữa đó hắn về thăm nhà, định đi trong đêm, nhưng thấy thằng con hắn đang đau, cứ nấn ná. Sáng ra quen nghề "trình báo”, ra vô Đà Nẵng Hội An như cơm bữa, hắn lấy áo lương, khăn đóng của cậu chánh mặc vô, giả làm thầy thuốc đi thăm bệnh gấp, ngoắc ghe câu qua sông. Không dè trong đám lính bên kia sông, có đứa biết hắn, kêu to: bay ơi thằng Lãm ngồi ghe qua đó. Nghe tên hắn, cả bọn hoảng hốt xối đạn xuống. Hắn nhào sông chìm nghỉm. Ba ngày ba đêm không thấy nổi. Đi coi thầy, thầy bảo: Người này chết uất, không chịu nổi lên đâu. Mò xuống, mô Phật, thầy nói trúng y...

Bước vô nhà, mẹ nhìn sững vào di ảnh đứa cháu vắn số của mình, lẩm bẩm "Chừ thì ngồi một mình ri đây..." Chị Năm dưới bếp chạy lên mừng tôi về, rồi gục đầu vào lòng mẹ tôi. Nước mắt mẹ rơi lã chã trên mái đầu đã lém đém bạc của chị. Người con gái đẹp nhất làng ngày ấy chừ mới trên năm mươi đã khô héo, ngó như bà già. Ở một mình. Con gái đầu về nhà chồng. Con trai mới xong tú tài bị đẩy vào trường sĩ quan Đà Lạt. Ra trường đóng lon thiếu uý, chưa xáp trận ngày nào đã giải phóng. Vừa bị gọi đi học tập. Mẹ bảo "Con nói dùm với mấy ổng một tiếng, cha như ri mà con thì như rứa, thiệt đứt ruột!". Tôi hỏi chị Năm ảnh hi sinh chỗ nào. Chị không nói, lặng lẽ đi lấy gối cho mẹ tôi nằm nghỉ rồi kéo tay tôi dẫn ra bờ sông. Chị đưa tay chỉ vào giữa sông rồi đứng im ngó sững vào một chỗ mơ hồ trên mặt nước. Tôi nhìn theo tay chị nhưng chẳng thế biết được đích xác chỗ anh tôi chìm xuống là chỗ nào, chỉ thấy một chỗ hư hư vô vô vậy thôi. Anh Năm ơi, thằng Cưỡng của anh đã về đây. Anh bơi giỏi rứa răng mà chìm mãi vậy? Anh cố ngoi lên đi anh, một phút, mà không, chỉ cần vài giây thôi, để em được gặp lại anh, được nói với anh: a-na-na là trái thơm, là trái thơm.

Giữa ngày mà trời nước yên tĩnh quá, nghe rõ tiếng cười như nắc nẻ của cháu bé đùa với mẹ trên chiếc thuyền con đang đậu dưới bến. Chị Năm tôi đứng như hòn vọng phu. Tôi cũng như hoá đá bên cạnh chị tôi. Hai chị em cứ đứng nhìn không vào giữa sông. Mặt sông phẳng lặng quá. Dòng Thu Bồn, đoạn chảy qua quê ngoại tôi, giờ vẫn êm đềm trôi như ngày anh tôi còn sống.

 

Giải phóng mới đó mà đã ba mươi lăm năm rồi. Mỗi lần về quê tôi lại thấy tuồng như thời gian cố tình chơi khăm, cứ tạo ra cái cảnh trái ngược, vừa buồn vừa vui. Cánh già chúng tôi thì ngày càng già đi mà làng lại ngày càng trẻ ra. Nổi bật là những con đường. Nghe kể, hồi mới sửa soạn làm đường bê tông theo phương châm nhà nước và dân cùng làm, uỷ ban xã cử người đi vận động những nhà giàu có góp trước. Chọn cửa nhà bà Vạn Lợi, triệu phú ở Đà Nẵng, gõ mở hàng. Sinh ra từ một nhà sống chỉ nhờ cái nhủi tép. Chồng đi nhủi, vợ đi nhủi, đẻ con đặt tên là Nhủi. Con Nhủi lên mười đã ôm rổ tép ngồi bán từng chén ở đầu chợ. Lớn lên lưu lạc trong chiến tranh rồi chồng con hồi mô không ai biết. Rứa mà mồ mã nhà hắn phát ra răng không biết, mới mười mấy năm sau giải phóng, con Nhủi bán tép ở chợ Phú Chiêm bỗng trở thành bà Vạn Lợi chủ hàng loạt khách sạn, nhà hàng lớn ở Đà Nẵng, Sài Gòn. Vừa nghe người làng mở miệng nói câu trước câu sau, bà tỷ phú khoác tay bảo với mấy “thằng ủy ban”:

- Thôi, tính tất tần tật hết bì nhiêu?

Người làng xoè tay bấm, tính ốm hoá: vật liệu chừng đó, công cán chừng đó, cộng lại hết chừng đó..

- Tưởng nhiều nhặn gì, thôi để nhà tau bao hết cho, kêu gọi dân tình chi cho mệt. Nhưng đường xong rồi, phải cắm biển để tên "Đường Vạn Lợi". Được không? Về báo lại chủ tịch xã ô-kê thì làm giấy đem ra đây xỉa tiền cái rẹt.

Nghe báo lại, cả làng sôi gan. Mẹ cha con nhủi! Cái ngữ tép mén chừ có tiền trong tay, dám giở cái giọng trên đầu trên cổ cha ông hắn, ỉa vô!

Tức khí, làng trên xóm dưới chia nhau, người có nhiều góp nhiều, nhà có ít đóng ít, cộng số tiền nhà nước cho chỉ sau một vụ lúa, xong cái rụp; dẫn đầu phong trào bê tông hoá đường làng toàn huyện.

Những con đường đất nắng bụi mưa bùn, bốn mùa bẩn thỉu từ bao đời, nay được trải bằng những chiếc chiếu bê tông dày súc. Bằng phẳng, thẳng thớm. Ngó sướng con mắt. Đặt bàn chân xuống cứ mát rượi. Chừ ai có xe cỡi về làng, cứ bon một mạch vào tận ngõ, êm ru. Có con đường đẹp, nhà cửa hai bên đua nhau mọc lên, nhiều đoạn chẳng khác thành phố. Còn nhớ hồi tôi còn nhỏ sau nhà ngoại tôi có cái gò mang cái tên nghe rất tội: gò Dậm. Mà tội thiệt: vừa là gò mã, toàn những cái mã xập xệ, không bao giờ hương khói, vừa là nơi vệ sinh công cộng của cả xóm, lộ thiên. Nói xin lỗi, gặp lúc bí quá cũng không dám xề vô, biết đặt bàn chân xuống chỗ mô? Ngày nay cái gò Dậm hôi thối đó biến mất từ bao giờ không biết. Ở khoảnh đất đó chừ là một dãy nhà mới mọc lên, tường sơn mái ngói, mặt tiền ốp gạch màu sáng giới. Ngôi nhà đẹp nhất dãy là của vợ chồng đứa cháu gái gọi tôi bằng chú. Ông già hắn là anh con cậu tôi. Nhớ hồi nhỏ anh thường rủ tôi đi ỉa đồng. Anh bảo có mắc mấy cũng cố nín chớ dại mà lội gò Dậm, cùn chân đó. Ra đồng ngồi chỉ thua quận công. Cởi quần xà lỏn tròng lên đầu, ngồi đâu cũng được, sạch trơn. Xong, bỏ chân qua hai bên bờ ruộng, ngồi phệt xuống, chống hai tay ra trước y như người ta cỡi xe máy, cứ thế kéo đít lên, bắt cỏ chùi đít cho mình, khoẻ re. Cách đó gọi là cà trịn.

Sau giải phóng một thời gian, mấy cha con ảnh vào Sài Gòn, nghe bảo làm ăn nên nổi lắm. Lụt năm nào to, nhà ảnh cũng về làng, phong bì mỗi nhà một trăm, kẹp với một thùng mì cua, rải khắp. Năm trước, tôi vào chơi được anh cho con đưa ô tô ra sân bay đón. Xe về đến cổng, đưa rơ-mốt bấm một cái cổng từ từ mở ra, vào ga-ra mốt cái nữa, cửa nhẹ nhàng cuốn lên, nhìn vào trong lúc nha lúc nhúc ba bốn chiếc xe lớn nhỏ. Anh đích thân đưa tôi nhận phòng như đến khách sạn. Sợ tôi lớ ngớ, anh giới thiệu tỉ mỉ từng thiết bị phương tiện một. Khi anh dẫn tôi vào toa-lét, tôi rỉ tai chọc anh chơi: "Phòng cà trịn đây". Anh ôm tôi cười, cười chảy nước mắt, vừa cười vừa nói chừ thì cả trịn máy, cà trịn máy.... Rồi anh đột ngột thừ người ra, nói như nói với mình: nghĩ coi, hồi đó sao mà cực nhục, tối tăm rứa. Cả làng chẳng nhà ai có cầu tiêu. Gia đình mình khá giả mà còn rứa, nói chi con nhà nghèo. Chú còn nhớ nhà Trưởng Lũ, cày rẻ và làm trai cho nhà ông mình không? Tôi không thể quên được cái cảnh bà già ổng, đợi nhọ mặt người mới dám ra sông tắm. Tắm xong, lật ngược cái quần, buộc chéo hai ống ra sau lưng, cúi mặt tấp tễnh về nhà, đi thẳng ra sau hè, phơi quần lên dây rồi vô buồng đắp chiếu. Sáng ra lại rút cái quần đó xuống mặc lại, chú nhớ không?

Tôi nhớ chứ, đó là bà Mão ở cạnh nhà cậu tôi. Nhắc lại chuyện cũ, hai anh em tôi không ai nhìn ai, ngồi lặng. Chúng tôi đã vào cái tuổi hễ nhớ lại những chuyện như vậy, buồn người không dứt ra được.

 

Mùa Xuân vừa rồi, tộc Dương nhà ngoại tôi mở hội tế xuân, vừa khánh thành nhà thờ vừa trùng tu xong. Con cháu khắp nơi được mời về có đến hàng mấy trăm. Hà Nội vô, Thành phố Hồ Chí Minh ra, Đà Nẵng Tam Kì và cả ở nước ngoài về, xe con đậu thành dãy bóng loáng.

Nhà thờ vừa được làm mới trông thật uy nghi. Ngói âm dương lượn sóng, trên nóc đôi rồng ngửng đầu chầu mặt nguyệt. Trong nhà cột kèo cửa giả tuyền bằng gỗ tốt, chạm trổ cầu kì, phun dầu láng bóng. Giữa sân, trên cột cao, bay phần phật lá cờ tộc màu đỏ viền ngũ sắc, giữa đề chữ Dương bằng đại tự, thêu kim tuyến vàng rực.

Tới giờ khởi chinh cổ, chiêng trống vang rền trong mùi hương trầm ngào ngạt. Con cháu lần lượt chắp tay cúi đầu cung kính vào dâng hương.

Lễ vừa xong, ông anh trưởng tộc bảo tôi: chú sẵn chữ nghĩa, ăn nói sách hoạch, nhân hôm nay đông đủ, chú phải nói thật kĩ về nguồn gốc ông bà ta, không phải tộc nào cũng có được một cội nguồn huy hoàng vậy đâu chú. Nói để con cháu biết tự hào.

Tôi bước đến đứng dưới bóng cờ tộc. Từng đi dạy học rồi làm tuyên huấn kể đã mấy chục năm, chưa bao giờ được đứng trước một cử toạ đặc biệt như thế này. Tôi nhìn qua hàng trăm gương mặt ruột thịt đang chăm chú nhìn mình. Lịch sử tộc Dương tôi đã thuộc làu. Nhưng xúc động quá, tôi cứ ngắc ngứ thưa gửi lòng vòng. Nhưng rồi cũng trôi chảy dần. Và lạ lắm, như có ai đó nhập vào người tôi, nói qua miệng tôi. Những lời lẽ xưng tụng tổ tiên làm lay động tâm can con cháu, không hề chuẩn bị trước cứ xuất thần bật ra, tuôn trào. Tôi nói về một cõi thiêng liêng ở rất xa. Ở đó, có một bếp lửa vĩnh cửu đã truyền hơi ấm qua hàng ngàn năm cho đến tận sáng nay, ngay tại sân nhà thờ này. Ở đó có một bàn tay linh thiêng đã vãi một nắm hạt giống quý vào dòng sông thời gian, chảy tràn khắp không gian, làm sinh sôi nảy nở thành một dòng họ đông đúc cháu con nội ngoại mà những người may mắn nhất đang có mặt ở đây.

Cả họ im phăng phắc. Những người ngồi gần tôi, mặt rưng rưng xúc động, mắt ngấn lệ. Chú em con dì út tôi, sinh ra không còn được nhìn thấy ông ngoại bà ngoại, vừa đưa vợ con từ Mỹ bay về, ngồi nhìn sững tôi, cứ để mặc cho hai dòng nước mắt chảy dài, rơi xuống áo.

Tôi vừa nói xong, một đám con gái ào tới, đứa nào cũng ăn mặc như con gái thành phố, mặt hao hao giống nhau. Đứa thưa bác, đứa gọi chú, gọi cậu, chẳng nhớ hết đứa mô là con nhà mô.

- Bác ơi, bà Dương Thị Như Ngọc mình với Bà Trưng Trắc Trưng Nhị ai có trước?

- Bà mình sau Hai Bà gần mười thế kỉ

- Chu cha, mười thế kỉ mà truyền thống ghê không?

Một đứa khác lại hỏi:

- Rứa còn bà Nữ tướng họ Dương mình sống cách bọn con gái họ Dương tụi cháu bao xa, chú?

- Cũng hơn mười thế kỉ.

- Trời! Nhưng có mấy chục mấy trăm thế kỉ thì những giọt máu ni cũng là từ dòng máu nớ thôi, chú hỉ?

Cả bọn kêu "Đúng quá" rồi phá lên cười. Mặt mày đứa mô đứa nấy sáng trưng.

Đứa con gái họ Dương vừa nói câu đó đến nắm tay tôi: Cháu nói rứa đúng không chú? Mà chú có nhớ cháu không

- Cháu là Thương, Dương Thị Dịu Thương, con gái đầu của anh Năm Thương - Liệt sĩ Dương Tấn Lãm, ông thầy đầu tiên của chú, răng chú không nhớ? Thấy tôi nhớ kĩ, cháu đưa tay ôm mặt, nén xúc động. Hồi mới giải phóng, với nhan sắc của mẹ và khí phách của cha, hắn là đứa nổi bật nhất trong đám cháu bên họ ngoại mà tôi được gặp.

Mẹ tôi kể: đời thuở nhà ai, đoạn tang cha, hắn không chịu đốt khăn, cầm cái khăn chế thề trước bàn thờ "Chưa trả thù cho cha, con chưa đốt khăn đâu!". Sau đó, dám lân la vào đồn Gò Lê, cặp bồ với thằng trung uý Rân, đầy nợ máu với dân Phú Chiêm, dụ hắn đến chỗ du kích phục sẵn để khử.

Hắn là đứa... Hắn cũng là đứa...

Hắn là con Thương mà cũng là bao nhiêu đứa con trai con gái khác, những ngôi sao, những hòn ngọc trong pho cổ tích về đám cháu họ Dương của mẹ tôi, mà mỗi lần nghe mẹ kể là cổ tôi cứ tắc nghẹn thế này đây.

Tôi đứng im nhìn cháu, cứ gật gật đầu, lắc lắc tay cháu, bao nhiêu điều muốn nói, mãi không nói được.

P.P