Phát triển không gian văn hoá qua nghệ thuật cộng đồng
Một góc làng Bích họa 75 Nguyễn Văn Linh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu
Trong điều kiện kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đang phát triển như hiện nay, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân thành phố và công chúng yêu nghệ thuật thị giác tăng cao, đòi hỏi việc tập trung phát triển không gian nghệ thuật phục vụ nhân dân phát triển thị hiếu thẩm mỹ ngày càng quan trọng. Vì vậy, việc hình thành các không gian văn hoá, nghệ thuật cộng đồng là nhu cầu cũng như xu thế cần thiết trong xã hội hiện nay, không gian nghệ thuật cộng đồng góp phần mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đời sống dân cư…
Tạo ra không gian nghệ thuật cộng đồng chính là làm một việc thiết thực để thu hút mọi người hoà mình vào đời sống xã hội, tạo sự kết nối, góp phần xây dựng không gian văn hoá văn minh đô thị tạo ra sự liên kết giữa người dân với nghệ thuật cộng đồng, nâng tầm giá trị không gian và môi trường sống…
Đặc điểm chung của không gian nghệ thuật cộng đồng là những tác phẩm được lựa chọn trưng bày, biểu diễn, bích hoạ không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn phần nào phản ánh văn hoá, lịch sử vùng miền, tác phẩm gần gũi quần chúng nhân dân, mọi người có thể hiểu và cảm nhận tác phẩm. Rõ ràng, khi những tác phẩm mỹ thuật hiện hữu sinh động giữa cộng đồng, đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Vì vậy cần có những kế hoạch dài hơi hơn, những chính sách của nhà quản lý, sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền và cộng đồng để các ý tưởng, sáng tạo của nghệ sĩ có thể thực hiện được. Nhiều tác phẩm nghệ thuật không chỉ làm đẹp thêm không gian công cộng, mà còn góp phần thổi hồn vào cuộc sống tinh thần của người dân thành phố.
Nghệ thuật cộng đồng góp phần phát triển du lịch Đà Nẵng
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình số 38-CTr/TU ngày 31/01/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc thực hiện Chuyên đề “Tập trung phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế”. Kế hoạch gồm các nhiệm vụ chính như đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng theo hướng bền vững, hài hòa với thiên nhiên và môi trường… Đây cũng là cơ hội để phát triển du lịch bền vững, hài hòa có sự tham gia của cộng đồng, tạo điểm mới lạ. Đặc biệt thông qua yếu tố nghệ thuật cộng đồng góp phần thu hút du khách gần xa mỗi khi đến Đà Nẵng.
Chúng tôi cho rằng, nghệ thuật sắp đặt và tranh bích hoạ hoành tráng là những công trình nghệ thuật có tính biểu hiện cao, được khắc hoạ một cách cô đọng bằng những đường nét màu sắc mảng khối, bố cục và ý tưởng sáng tạo. Đóng vai trò quan trọng như một bảo tàng văn hoá, mỹ thuật ngoài trời, mang tính thẩm mỹ, tính giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hoá trong cộng đồng dân cư... Chính vì vậy, việc tạo ra những điểm nhấn trong đô thị bằng những công trình nghệ thuật công cộng, có quy mô phù hợp sẽ góp phần làm cho Đà Nẵng có những điểm khác biệt so với những đô thị khác. Thông qua những tác phẩm nghệ thuật gần gũi này sẽ biến những không gian cũ kỹ, khu phố thô sơ thành những ngôi làng nghệ thuật tươi đẹp, mang đặc thù vùng miền. Thông qua những hình vẽ, nghệ thuật sắp đặt, đầy tính sáng tạo của anh chị em hoạ sĩ, sẽ thu hút du khách mọi nơi đến, tham quan, trải nghiệm…
Một số hình ảnh phác họa không gian sắp đặt, không gian trình diễn tại Làng Bích hoạ Lăng Ông Mân Thái - Sơn Trà:
H.Đ.N.K