Phát triển không gian văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng trên lĩnh vực sân khấu
Cảnh trong trích đoạn Ôn Đình chém Tá, vở tuồng Sơn Hậu - Ảnh: An Dy
Về nghệ thuật hát bộ (Tuồng) tại Đà Nẵng
Theo dòng chảy của lịch sử, Tuồng “xứ Quảng” với không gian là Quảng Nam và Đà Nẵng, xuất hiện và phát triển khá sớm. Vào khoảng thế kỷ 17, đến cuối thế kỷ 18 xuất hiện nhiều gánh hát, trong đó tiêu biểu là gánh hát Đức Giáo nay thuộc xã Quế Châu, huyện Quế Sơn… hội tụ nhiều nhân tài như: nghệ nhân tên là Sừng (ở vùng Đại Bình - Trung Phước, Quế Sơn) trong gánh hát Phó Phương nổi tiếng vai đào, diễn giỏi, hát hay đến mức dân gian có câu: “Dù cho nhịn đói ăn rau, Cũng coi cho được con đào Phó Phương”, nghệ nhân Nhưng Đá (ở Quế Sơn) và Nhưng Nguyên (ở Điện Bàn) diễn vai Khương Linh Tá và Đổng Kim Lân xuất sắc đến mức được vua Thành Thái khẩu phong là “thế thượng vô song”, “nhân gian đệ nhất. Các nghệ nhân Quản Lan, Cửu Vị (thân sinh ông Chánh Phẩm), Thập Quảng (thân sinh ông Đội Tảo) quê ở Tam Kỳ, nổi danh tài nghệ, được vua biết tiếng, triệu vào cung chuyên diễn tuồng phục vụ triều đình. Trong đó, nghệ nhân Quản Lan là người được vua phong chức Chánh quản ca đầu tiên và cũng là người thành lập trường hát đầu tiên của tỉnh Quảng Nam ở Tam Kỳ…
Đặc biệt là danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh (1853-1926), còn gọi là cụ Tuần An Quán, quê ở An Quán, Điện Bàn - nhà hoạt động sân khấu tuồng lỗi lạc, được ví là “người thầy của những bậc thầy trong ngành tuồng”, đã sáng tác hàng chục vở tuồng thầy và tuồng đồ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, nghiên cứu lý luận, chỉ đạo và tổ chức dàn dựng các vở tuồng, thành lập Trường hát Vĩnh Điện, huấn luyện và đào tạo diễn viên, trong đó nhiều học trò của ông trở thành bậc thầy của sân khấu tuồng cả nước như Đội Tảo (Nguyễn Nho Túy), Chánh Đệ, Chánh Phẩm (Nguyễn Phẩm), Văn Phước Khôi, Sáu Lai (Nguyễn Lai), Nguyễn Thùy, Nhưng Sơn… Đặc biệt, có 05 người được xếp vào “Ngũ mỹ” (Năm người đóng tuồng giỏi nhất xứ Quảng): lão văn ông Phẩm; lão võ ông Đệ; kép ông Tảo; nịnh ông Lai; tướng ông Thùy và riêng NSND Nguyễn Nho Túy (Đội Tảo) được ca ngợi là “Con rồng sống trên sân khấu” với trình độ sử dụng đôi hia đạt đến mức “điêu luyện”, “tuyệt mỹ”, “nhập thần”, NSND Nguyễn Lai có khả năng diễn xuất đa diện lỗi lạc với 36 kiểu cười nổi tiếng…
Quảng Nam - Đà Nẵng được xem là một trong những cái nôi của bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống của dân tộc, nghệ thuật tuồng tại Đà Nẵng vẫn luôn được nhân dân yêu thích và mến mộ, là món ăn tinh thần của nhân dân (đặc biệt là cư dân miền biển và miền quê nông nghiệp). Tiền thân của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là Đoàn Tuồng Giải phóng Trung Trung bộ, được thành lập năm 1967 để phục vụ chiến sĩ và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ theo yêu cầu của Khu ủy khu V. Năm 1972, Đoàn được ra miền Bắc học tập và tăng cường lực lượng, xây dựng các vở diễn có chất lượng cao để năm 1974 trở lại phục vụ chiến trường miền Nam, (vở Trần Bình Trọng; Trưng Nữ Vương; chị Ngộ, các vở truyền thống Sơn Hậu, Võ Hùng Vương, Ngọn lửa Hồng Sơn…) đã in sâu vào tâm trí của nhân dân và các chiến sĩ, đã tác động mạnh mẽ đến kháng chiến và phong trào giải phóng dân tộc. Sau ngày quê hương được giải phóng Đoàn về Đà Nẵng, sáp nhập với Đoàn Tuồng Phương Nam (của các nghệ nhân Đà Nẵng) đổi tên là Đoàn Nghệ thuật Tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng đến năm 1997 chia tách địa giới hành chính, đoàn ở lại Đà Nẵng và mang tên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thành phố Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ gìn dữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng truyền thống trên quê hương cho đến nay.
Về Dân ca - Bài chòi
Vào những năm 50 của thế kỷ trước trong cuộc kháng chiến thực dân Pháp, Khu ủy 5 đã thành lập Đoàn Nghệ thuật Hô hát Bài chòi phục vụ kháng chiến. Năm 1954 đoàn tập kết ra miền Bắc, với các nghệ sĩ tài hoa như: NSND Lệ Thi, NSƯT Nguyễn Kiểm, Nguyễn Thủ, Thái Sơn, nhà biên kịch Nguyễn Tường Nhẫn, Nhạc sĩ Hoàng Lê, nhà đạo diễn tài ba Nguyễn Khánh còn gọi là Khánh Cao, nhạc sĩ Trần Hồng, Trương Đình Quang... Giai đoạn này có những kịch bản được dàn dựng tỏa sáng văn hóa thấm đậm tình đất, tình người như: Tiếng sấm Tây Nguyên của Thanh Nha - Thế Lữ, Thoại Khanh Châu Tuấn của Nguyễn Tường Nhẫn, Quê Hương Dậy Sóng của Huỳnh Chinh chuyển thể ca kịch bài chòi Liên Nguyễn, Chuyện tình bên giòng sông Thu của Lưu Quang Vũ... Những vở diễn hay đã in đậm trong ký ức của cán bộ chiến sĩ và người dân Quảng Nam-Đà Nẵng. Kể từ khi chia tách địa giới hành chính Đà Nẵng không còn Đoàn ca kịch Bài chòi, nghệ thuật hô hát bài chòi cũng có phần bị mai một.
Rất may mắn cho chúng ta vào hồi 15 giờ 10 phút ngày 07/02/2017 tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ công ước năm 2003 về bảo vệ văn hóa lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại thành phố Jeju Hàn Quốc di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đây là cơ hội để Bài chòi phát triển trở lại, và cũng rất may mắn là tại Đà Nẵng chúng ta còn có nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu hiểu biết sâu về loại hình này, đa số đều sinh hoạt tại Hội Nghệ sĩ Sân khấu Đà Nẵng như: Nhà nghiên cứu Trần Hồng, NSND Từ Minh Hiệp, NSSK Nguyễn Thanh Tùng, NNƯT Trịnh Công Sơn. Trong những năm gần đây, hoạt động này được Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố Đà Nẵng hết sức quan tâm, tổ chức nhiều hình thức (giảng dạy trong trường học, xây dựng các câu lạc bộ, tổ chức các liên hoan Hô hát Bài chòi và Dân ca, xây dựng các vở kịch ngắn…).
Năm 2018, được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Thành ủy, trực tiếp là Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố đã tổ chức dàn dựng chương trình nghệ thuật Dân ca Bài chòi với chủ đề xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh - đô thị biểu diễn ở 10 phường ở quận Thanh Khê. Rồi từ đó im lặng cho đến nay vì nhiều lý do… Hàng chục kịch ngắn, kịch vui được phát sóng trên Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng. Nhưng đến nay đã dừng lại. Những vở kịch đã dựng xong nhưng không có kinh phí để thu phát trên đài. Mặt khác, còn thiếu những kịch bản dài để lưu giữ, truyền thống văn hóa của địa phương … Anh chị em văn nghệ sĩ đang chờ ý kiến lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các ngành liên quan tạo điều kiện để giữ gìn văn hóa, bản sắc của địa phương. Việc đưa nghệ thuật Tuồng xuống phố là giải pháp tình thế, có tính quảng bá, vì nghệ thuật Tuồng là môn nghệ thuật bác học phải biểu diễn ở một sân khấu hoành tráng, để diễn tả cho được cái đặc sắc, cao quý của nghệ thuật tuồng. Hai sân khấu Hô hát Bài chòi dưới chân cầu Rồng có thể nói là bết bát, không xứng với những gì UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cần có một tư lệnh chỉ huy thống nhất, giới thiệu cho bằng được văn hóa Đà Nẵng. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển.
Tuy vậy trong những năm qua, Hội Nghệ sĩ sân khấu đã tổ chức nhiều hoạt động xây dựng các CLB Hô hát Bài chòi (mở lớp giảng dạy trong dịp hè đủ mọi đốim tượng tham gia).
Hiện nay, Hội Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố Đà Nẵng có một đội ngũ hội viên có chuyên môn cao, nhiều diễn viên hát hay diễn giỏi, có thể đảm trách công việc này. Tuy nhiên để xây dựng một vở diễn dài, quy mô thì phải đầu tư kinh phí khá cao mà Hội không có được, vì vậy hội rất mong muốn lãnh đạo quan tâm xem xét cho 08 nội dung sau:
- Cho in tuyển tập các kịch bản Dân ca Bài chòi hay đã từng được dàn dựng và biểu diễn phục vụ chiến sĩ và nhân dân trong hai cuộc kháng chiến.
- Mỗi năm cho xây dựng 01 vở diễn dài và hỗ trợ kinh phí để tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân. Đặc biệt năm 2022 là năm kỷ niệm 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Đề nghị các cấp đầu tư dàn dựng vở “Quê hương dậy sóng” tác giả Huỳnh Chính chuyển thể Liên Nguyễn - đề Hội Nghệ sĩ Sân khấu tham gia Hội thi Nghệ thuật Tuồng Dân ca Bài Chòi toàn quốc tại miền Trung năm 2023 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức và cũng xin Thành ủy, HĐND, UBND cho đăng cai tổ chức tại Đà Nẵng cuộc liên hoan này.
- Đề xuất mở lớp truyền dạy nhạc công cho Tuồng và Dân ca - đặc biệt là dân ca để có những nhạc công tương lai phục vụ sân khấu Bài chòi sau này.
- Hình thành tổ chức một sân khấu hô hát Bài chòi và các làng điệu dân ca - Kể cả giới thiệu nghệ thuật Tuồng tại sân khấu phía Nam cầu Rồng với quy mô đầu tư âm thanh - ánh sáng - trang trí cho xứng tầm một Trung tâm Nghệ thuật trở thành điểm Check-in phục vụ du lịch Đà Nẵng, mạnh dạn đề xuất Sở Văn hoá và Thể thao là chủ công, Hội Nghệ sĩ Sân khấu nếu được mời sẽ là thành viên tích cực trong lĩnh vực này.
- Quy hoạch không gian văn hóa của Đà Nẵng không chỉ ở trung tâm ở thành phố mà còn mở rộng hưởng thụ của đồng bào vùng núi, vùng nông thôn như hiện nay mô hình dạy hát Dân ca Bài chòi trên sóng truyền thanh của huyện Hòa Vang phối hợp với nghệ sĩ sân khấu.
- Quy hoạch một sân khấu sau UBND quận Ngũ Hành Sơn trên sông Cổ Cò để nắm bắt du lịch trong tương lai.
- Vấn đề cốt lõi để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống theo tinh thần Chấn Hưng văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta cần tập trung đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các Hội chuyên ngành, cụ thể đề xuất dành sóng phát thanh truyền hình cho các kịch ngắn, kịch vui về xây dựng nếp sống văn mình đô thị, việc này chúng ta đã làm nhưng rồi bỏ dỡ do Nhà Đài không có kinh phí. Đây là một việc hết sức đáng tiếc.
Tôi mong rằng tất cả các quý vị lãnh đạo có mặt hôm nay quan tâm sâu sát chỉ đạo để không gian văn hóa Đà Nẵng chúng ta có một vị trí đặc biệt trong lòng người Đà Nẵng và du khách bốn phương.
N.T.T