Nỗi niềm muôn thuở của nhiếp ảnh Việt Nam

23.03.2022
Thanh Hiệp
Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh được tặng thưởng danh hiệu cao quý, đoạt giải thưởng lớn tại các cuộc thi nhiếp ảnh nhưng đằng sau vinh quang là cuộc sống bấp bênh.

Nỗi niềm muôn thuở của nhiếp ảnh Việt Nam

Người làm nghề nhiếp ảnh chủ yếu bằng đam mê, trong khi cuộc sống rất khó khăn

Qua 69 năm hình thành và phát triển, ngành Nhiếp ảnh Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, đóng góp tích cực cho hoạt động văn hóa nghệ thuật nước nhà. Dù vậy, vẫn còn nhiều trăn trở trong cuộc sống, nghề nghiệp của nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Sau giải thưởng, lo trả nợ

Đến nay, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có hơn 1.000 hội viên với 78 chi hội, cùng hệ thống CLB Nhiếp ảnh ở hầu hết tỉnh, thành trong cả nước.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông đánh giá lực lượng nhiếp ảnh gia thường xuyên có mặt trong các sự kiện văn hóa từ địa phương, khu vực, quốc gia, quốc tế; góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, hoạt động văn học nghệ thuật nước nhà, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Còn nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ (TP HCM) khẳng định mỗi tác phẩm do nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tạo đều hướng tới "chân - thiện - mỹ", lan tỏa những giá trị nhân văn, tốt đẹp, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

Những đóng góp to lớn của nhiếp ảnh được nhà nước ghi nhận, qua việc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất... Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.

Tuy nhiên, đằng sau vinh quang là những khoảng lặng, những nỗi lo thường trực cơm áo gạo tiền của giới nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tâm (TP Cần Thơ) nói rằng việc vay tiền mua sắm máy móc là chuyện phổ biến trong giới nhiếp ảnh. Sau những giải vàng, danh hiệu, tước hiệu phong tặng là nợ nần chồng chất. Có nghệ sĩ phải bán xe, bán nhà để đầu tư máy móc. Họ chật vật in sách, tổ chức triển lãm vì kinh phí rất cao. Một số nghệ sĩ tìm được chỗ dạy nhưng thù lao chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống tối thiểu, không có bất kỳ chế độ nào nếu bị ốm đau…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lâm (Huế) cho rằng huy động mọi nguồn lực từ xã hội phục vụ cho phát triển toàn diện văn hóa là chủ trương, hướng đi đúng đắn nhưng để xã hội hóa thì rất cần chiến lược phát triển. Lĩnh vực nhiếp ảnh cũng vậy, cần chiến lược cụ thể để bứt phá, đồng thời tạo cơ hội để nghệ sĩ nhiếp ảnh an tâm làm nghề, quảng bá, sáng tạo tác phẩm.

 
 

Thiếu cơ chế, chính sách

Có một sự khác biệt về xã hội hóa, huy động nguồn lực giữa lĩnh vực nhiếp ảnh với các lĩnh vực khác. Ở lĩnh vực thể thao, âm nhạc, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi hàng chục, hàng trăm tỉ đồng cho các giải đấu, tặng thưởng vận động viên đoạt thành tích cao; tài trợ mời các dàn nhạc cổ điển hàng đầu thế giới đến Việt Nam biểu diễn; mở miễn phí các trung tâm nghệ thuật đương đại… Còn với nghệ thuật nhiếp ảnh, sự tài trợ hầu hết diễn ra tự phát, được chăng hay chớ, tùy theo quan hệ và cảm xúc của nhà tài trợ chứ không căn cứ trên nhu cầu cần thiết, để tạo cơ hội cho sự phát triển bền vững, tạo sức lan tỏa trong xã hội.

Nhìn nhận thực trạng trên, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng cần quy hoạch chiến lược cụ thể, mời gọi tài trợ một cách căn cơ mới tháo gỡ được cái khó cho ngành nhiếp ảnh. "Cách huy động nguồn lực xã hội hiện nay thiếu sự phong phú, chưa bám sát quy luật thị trường. Một trong những vấn đề khi huy động là chúng ta chưa biết cách thuyết phục nhà tài trợ về tính hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực ở từng lĩnh vực đặc thù. Bên cạnh đó, chưa sử dụng hết các nguồn lực sẵn có như các thiết chế văn hóa cơ sở ở nhiều địa phương trên cả nước. Nếu có cách làm cụ thể, mang tầm chiến lược thì ngành nhiếp ảnh sẽ không gặp khó khăn như hiện nay. Văn hóa, nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù nên cần được ứng xử bằng các biện pháp, chính sách phù hợp" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.

Các nhà chuyên môn cho rằng do chưa có cơ chế đặc thù nên ngành nhiếp ảnh Việt Nam khó có điều kiện để phát triển mạnh. Vì vậy, thời gian tới, Hội Nhiếp ảnh Việt Nam cần có các chương trình hành động cụ thể, đẩy mạnh truyền thông, đề xuất các cơ chế, chính sách thích hợp trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế để thu hút, kêu gọi nhiều nguồn lực xã hội hơn nữa, phục vụ cho sự phát triển.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thạch Vân (TP HCM) góp ý thêm cần xem xét đưa nghệ sĩ nhiếp ảnh vào diện xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh rất cần được khen thưởng kịp thời. Đó là động lực để họ tiếp tục làm việc, sáng tạo. 

Mỗi bức ảnh triển lãm được hưởng 120.000 đồng

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nga, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP HCM, nói hiện nay việc quảng bá tác phẩm rất khó. Không gian tổ chức triển lãm tại Hội Nhiếp ảnh TP HCM quá nhỏ, hầu hết tổ chức để "mình làm, mình xem".

Theo nghị sĩ Hồng Nga, muốn công chúng đến đông thì không gian phải rộng nhưng làm gì có kinh phí để thuê mặt bằng khác. Còn thù lao ảnh được chọn triển lãm theo sự kiện văn hóa, chính trị của TP HCM hiện nay rất thấp, được Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM hỗ trợ 120.000 đồng/ ảnh. Vì lý do này, chưa bao giờ Hội Nhiếp ảnh TP HCM được tổ chức triển lãm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, ngay cả "con đường nhiếp ảnh Đồng Khởi" ở quận 1 cũng chưa được tổ chức quảng bá tác phẩm lần nào