Lưu giữ cho thế hệ mai sau

09.05.2022
Đoàn Hạo Lương
Mỗi bức tranh trong Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng về đề tài chiến tranh là một thời khắc, một câu chuyện xúc động, không chỉ giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta mà còn tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc, từ đó bồi dưỡng thêm tình yêu quê hương, đất nước.

Lưu giữ cho thế hệ mai sau

Họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ giới thiệu một bức tượng điêu khắc về đề tài chiến tranh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L

Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật có phòng trưng bày tranh hội họa riêng cho đề tài quân đội nhân dân với hơn 500 bức, trong đó có đề tài chiến tranh và sau chiến tranh...

Mỗi bức tranh là một câu chuyện

Họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, có nhiều bức tranh ở đây do họa sĩ, liệt sĩ từng cầm súng ở chiến trường vẽ, trong đó có một số tác phẩm của các tác giả tiêu biểu như Nguyễn Đức Hạnh, Hà Xuân Phong, Phạm Hồng...

Là họa sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quân khu 5 và có nhiều tranh triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, họa sĩ Phạm Hồng cho hay: “Các cuộc triển lãm tranh về đề tài chiến tranh của bảo tàng là những hoạt động ý nghĩa, khơi gợi chúng tôi sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc. Năm 1967, tôi tình nguyện vào chiến trường Khu 5. Trong thời gian đó, tôi đã vẽ khoảng vài trăm bức tranh và tham gia nhiều cuộc triển lãm chung, điển hình là tác phẩm “Tận dụng vũ khí đánh địch”, “Chân dung nữ du kích Tam Kỳ, Quảng Nam”… Đặc biệt, năm 1968, chúng tôi đưa hơn chục anh em họa sĩ từ Hà Nội vào Khu 5 tham gia vẽ tranh triển lãm ở các đơn vị đóng quân và các xóm làng ở bìa rừng. Nhiều anh em họa sĩ đã lăn lóc ở các xã để ký họa và căng bạt treo tranh triển lãm tuyên truyền những tấm gương chiến đấu anh dũng. Qua hình ảnh ghi chép của mình đã động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu, quyết tâm đánh giặc, chiến thắng kẻ thù”, họa sĩ Phạm Hồng kể.

Bên cạnh những bức tranh của các họa sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu, họa sĩ trẻ cũng quan tâm việc tham gia ký họa về đề tài chiến tranh bảo vệ Tổ quốc dưới góc cảm nhận riêng của mình, từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị về chủ đề bảo vệ biên giới, biển đảo quê hương hoặc những bức ký họa về chiến tranh qua sự hồi tưởng của những người trong cuộc.

Chia sẻ về tác phẩm tranh sơn dầu “Giữa trận đánh Thượng Đức - Mặt trận Quảng Đà tháng 8-1974”, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ cho biết, bức tranh này lấy nhân vật trung tâm là người mẹ. Nội dung câu chuyện được lấy cảm xúc từ hồi ức do ba và anh trai ông kể lại sau trận đánh Thượng Đức. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Quân đoàn 2, từ ngày 29-7 đến 7-8-1974, lực lượng Quân đoàn 2 gồm Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324 phối hợp quân và dân Quảng Đà, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) khắc phục mọi khó khăn, nắm vững, vận dụng sáng tạo chủ trương và phương châm tác chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch đã chiến đấu liên tục, quả cảm tiêu diệt phần lớn quân địch ở căn cứ Thượng Đức. Đến sáng 7-8-1974, lá cờ quyết chiến quyết thắng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà tặng cho Sư đoàn 304 tung bay trên Chi khu quân sự, quận lỵ Thượng Đức. “Dù có nhiều chiến sĩ hy sinh và bị thương nhưng quân ta đã thu được nhiều vũ khí của địch và thêm vững tin vào chiến thắng. Chiến thắng Thượng Đức đã mở toang cánh cửa thép, tạo thế và lực mới để tiến đến tổng tiến công giải phóng huyện Đại Lộc, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975”, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ cho biết.

Tạo điều kiện sáng tác tranh có chất lượng

Kể từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tổ chức hơn 60 sự kiện triển lãm phục vụ công chúng và nhiều hoạt động mỹ thuật khác. Bảo tàng thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm tranh vào các ngày lễ lớn của đất nước như Quốc khánh (2-9), ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), ngày Sinh nhật Bác (19-5)… thu hút các nghệ sĩ tham gia; qua đó khơi gợi nguồn cảm hứng cho không chỉ các họa sĩ từng là chiến sĩ mà còn các họa sĩ trẻ trưởng thành sau chiến tranh vẽ về đề tài chiến tranh và bảo vệ Tổ quốc.

Để đa dạng đề tài cũng như chất lượng tranh về đề tài quân đội nhân dân nói chung và chiến tranh nói riêng, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ cho biết, trong quá trình sưu tập, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng luôn ưu tiên chọn những tác phẩm đạt “đỉnh” nghệ thuật; thường xuyên phát động và quan tâm những họa sĩ từng tham gia chiến trường để gợi ý, khuyến khích họ hồi tưởng sáng tác. Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2022) và 65 năm thành lập Trường Đại học Nghệ thuật Huế (1957-2022), Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Hội tụ sắc màu” với sự tham gia các giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế như: PGS.TS. họa sĩ Phan Thanh Bình (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế); TS. họa sĩ Nguyễn Thiện Đức (Trưởng khoa Đồ họa - Mỹ thuật ứng dụng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế); Thạc sĩ, họa sĩ Phan Hải Bằng (người khai sinh ra nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam)... Bên cạnh đó còn có nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc là cựu sinh viên của trường đang sinh sống và làm việc ở Đà Nẵng tham gia như: các họa sĩ Hoàng Đặng, Nguyễn Trọng Dũng, Hồ Đình Nam Kha, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm...

Đặc biệt, từ năm 1991 đến nay, cứ 5 năm/lần, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức cuộc vận động sáng tác và triển lãm mỹ thuật toàn quốc đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. “Qua cuộc triển lãm này đã tạo cảm hứng sáng tạo, thu hút đông đảo các họa sĩ, nhà điêu khắc của thành phố Đà Nẵng và cả nước tham gia, từ đó sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao cả nội dung lẫn hình thức thể hiện. Đây còn là nơi nghệ sĩ thể hiện phẩm cách, trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với lịch sử dân tộc”, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ nhấn mạnh.

(baodanang.vn)