KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN XUÂN (10/5/1921 - 10/5/2021): Từ "Bão rừng" đến "Kỳ nữ họ Tống"

09.05.2021
Thái Bá Lợi
Tác gia Nguyễn Văn Xuân viết nhiều, cả biên khảo và sáng tác nhưng có thể thành tựu văn chương của Nguyễn Văn Xuân theo tôi lại thuộc về hai cuốn tiểu thuyết. Một cuốn viết khi tuổi chưa tới hai mươi và một cuốn khi đã ngoài tám mươi.

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN XUÂN (10/5/1921 - 10/5/2021): Từ "Bão rừng" đến "Kỳ nữ họ Tống"

Bão rừng kể lại câu chuyện của một chàng trai chưa đến mười sáu tuổi bỏ dở sự học hành lên cao nguyên kiếm sống với một bà mẹ Tây, một là chủ đã trên ba mươi lăm. Nhân vật (cũng là tác giả) tả: “Trông bà trẻ hơn tuổi, nhưng có một vẻ gì tự cao, sang trọng. Bà ta có đẹp không? Tôi không hiểu song có điều chắc chắn là bà ta đẹp hơn tất cả những người đàn bà mà tôi gặp quanh bà. Và tự nhiên nhìn con người cao lớn, mập mạp, hai má căng ra và đỏ hồng dưới phấn son tươi thắm, bất giác tôi nghĩ: Đây là một người chỉ đẹp lúc về già… Rồi nhân vật lại nghĩ: Một con mẹ Tây thương tôi và tôi sẽ ăn cắp vặt như các em họ nào đó mà tôi chưa biết mặt! Trái tim tôi như bị thắt lại một tí. Có lẽ vào một lúc khác tôi đã văng tục. Mẹ tôi tưởng tôi ra đi chỉ vì tôi thích cái chức thư ký quèn với lương tháng trên mười đồng bạc. Mẹ tôi không biết điều gì thúc đẩy một đứa bé lau mũi chưa sạch đã sớm muôi dưỡng một văn hào… Đến đây thì ta biết nhân vật trẻ tuổi đó có mang bóng dáng của chính Nguyễn Văn Xuân.

Cái mở đầu đa chiều đó của tiểu thuyết đã cho phép tác giả dọc ngang phản ảnh trên cái bình diện của hiện thực mà chính ông đã nếm trải, đã từng tư duy, đã từng mơ ước, đã từng đau đớn. Trước mặt ta là bối cảnh của cao nguyên hồi giữa thế kỷ trước, khi mà các nhà cai trị người Pháp cho mở đồn điền, khai thác lợi thế đất đai, nhân công để làm giàu dưới sự bảo hộ của chính quyền thực dân. Đây là chân dung một chủ đồn điền như vậy. “Nhìn lão tôi đoán ra là một thứ lính tây cổ truyền. Quả không sai, anh bếp cho tôi biết lão vốn đi lính lâu năm và cha hay ông gì đó có công trong việc cướp chiếm Đông Dương nên người ta ân cấp cho lão một khu đất hoang ở đây. Khu đất ấy không rõ chừng nào, bề dài theo đường quốc lộ mấy chục cây số…”. Bây giờ đến Tây Nguyên, đến vùng xung quanh Buôn Mê Thuột, nơi diễn ra câu chuyện ta thật khó tìm lại những hàng gòn thẳng tắp xanh mượt để phân biệt địa phận đồn điền với đất hoang, những căn trại dài phen phen chạy vào chạy ra những gia đình chủ Tây lấy vợ Việt và những đứa con lai xinh xắn. Hãy nghe một đoạn đối thoại: - Sao nó đẹp thế? – chị vú cười: Đầm lai mà lại – Và không đầu không đuôi chị tiếp: Nó có phải con của thằng già dê này đâu – già dê nào – thì thằng chồng mụ chủ chứ già dê nào nữa – Thế ra bà chủ mới lấy ông chủ đây à? – Hừ, lấy nhau từ hồi nảo hồi nào. Giờ thì thằng con đầu hai mươi tuổi, học bên Tây kia – Anh bồi chen vào: thì nói ngay con Rò-dét là con của lão Mec-Mec-xà-lu, bão chủ đồn điền trên M ấy mà. – Vô lý, thế ông chủ không biết hay sao? – Chẳng hiểu rõ. Ai cũng biết hết, biết như đinh đóng. Hôm nào ông Mec xuống so sánh coi. Nè nó giống như hai cái đĩa bàn Phông-ten-bờ-lô nghe! Có một điều là cái quá cũ, cái quá mới.

Tôi có một thói quen, không hiểu có từ bao giờ là trước khi tiếp cận một cuốn sách thường dở đọc một đoạn đối thoại bất kỳ nào đó và những đối thoại đó thường chi phối cảm tình của tôi với tác phẩm. Những đoạn đối thoại như vậy trọng “Bão rừng” có nhiều. Lắm lúc tôi ngỡ ngàng ở tuổi ấy làm sao Nguyễn Văn Xuân lại viết được những trang như vậy, có phải do có một ngoại lực nào chăng?

Rồi chàng trai trẻ sống trong gia đình Pháp –Việt ấy bên những chị vú, anh bếp, anh bồi, những người làm công có Thượng, Kinh.

 Với nhiệm vụ một thư ký quèn dạy tiếng Pháp cho bà mẹ Tây. Cảnh vật đìu hiu miền sơn cước, đời sống cơ cực của những người bỏ quê lên vùng đất mới với công việc nặng nhọc, sốt rét hoành hành, tiếng chửi bới suốt ngày của chủ, roi vọt đến với bất kỳ ai, lại còn nạn hổ đến, voi về xéo nát trang trại. Kỷ luật ở đây rất khắc nghiệt, ai bỏ trốn, chính quyền thực dân sẽ truy nã gắt gao hơn lịnh truy nã tội phạm bây giờ. Và khi người bỏ trốn bị bắt thì là những trận đòn tàn bạo thường dẫn đến cái chết. Nhưng ở nơi “sơn cùng, thủy tận” ấy, vẫn có tiếng cười, có những niềm vui nho nhỏ và có tình yêu. Anh bếp có một người vợ từ miền tây lên thăm, đêm nào anh cũng đánh vợ từ giường lăn xuống đất, rồi lại từ đất lôi lên giường với một lý do rất đơn giản hai người quá yêu nhau. Rồi nhân vật chính, anh thư ký quèn ấy cũng có tình yêu, cô vợ người bồi hơn anh năm tuổi tình ý với anh. Còn anh thì yêu một cô bằng tuổi mình vừa mới lên đồn điền. Chính trong một cơn bão rừng, hai người đã hôn nhau dưới một gốc cây để hôm sau, anh chia tay người yêu bỏ luôn cái đồn điền đó về xuôi.

Nguyễn Văn Xuân kết thúc tiểu thuyết bằng cảnh trên đường về xuôi, nhân vật gặp lại hai người phu làm ở đồn điền, một người từng trốn rồi bị bắt lại, chịu những trận đòn khủng khiếp nhưng vẫn trốn, lần này thì rủ bạn cùng đi. “- Anh thật liều lĩnh mới bị bắt, bị đánh tơi tả, thế mà không sợ. Anh thật coi trời bằng vung. Lần trước sở dĩ tôi bị bắt vì tôi dại quá, không biết tích trữ lương thực mang theo, phải vào buôn xin ăn mới bị lộ. Lần này bọn tôi xin hết cơm thừa của anh em, phơi khô mang theo, rồi cứ vượt núi mà đi, thầy bảo còn sợ gì. Họ đập bành bạch vào cái mo cau đeo bên mình, như đập vào trống trận”.

Tôi cứ nghĩ rằng nếu sau này, Nguyễn Văn Xuân chỉ cần thêm vào đoạn cuối đó vài câu đối thoại nữa, kiểu như hai người phu này từng gặp một nhà cách mạng và ánh sáng cách mạng mà họ mới nhận được sẽ soi đường cho họ đi trong tương lai thì cuốn tiểu thuyết sẽ thành một tác phẩm cách mạng như Nguyễn Tuân đã từng làm với Chùa Đàn. Nhưng Nguyễn Văn Xuân không làm thế bởi vì đó là tính cách của ông.

Nhiều chục năm sau, ông quay lại với tiểu thuyết khi tuổi đã cao. Lần này là tiểu thuyết lịch sử, một đề tài, một vùng đất, một thời thế mà ông vốn rất thông thuộc trong nhiều năm làm biên khảo. Mới cầm cuốn Kỳ nữ họ Tống lên, lật qua mấy trang đầu, ta có ngay cảm tưởng tin cậy về những chuyện sẽ được kể trong sách. Tôi cũng như nhiều người đã đọc cuốn sách này đều có chung nhận xét là câu chuyện rất hấp dẫn. Một “quái nữ” ở thời các chúa Nguyễn đã làm khuynh đạo lịch sử xứ Đàng Trong. Như tác giả đã nói: “Tôi chưa thấy người đàn bà nào trong lịch sử nước ta từ khi dựng nước tới khi chấp dứt chế độ phong kiến lại có cuộc đời sóng gió, ghi dấu ấn sâu sắc, rùng rợn, tác động mạnh mẽ xã hội, chính trị, quân sự, đạo đức đến như bà. Bà Chúa Chè làm điên đảo cơ nghiệp Trịnh Sâm ghê gớm là thế, cũng chỉ là bóng mờ bên cạnh Tống Thị. Đặng Thị Huệ chỉ tác động được Chúa Trịnh bỏ trường lập thứ, một chuyện thường xảy ra, cụ thể vào giai đoạn sau Lê Mạc. Còn Tống Thị khi thật sự chủ động, tích cực trong việc hại dân, tích lũy thành phú gia định quốc, thay ngôi chúa bằng những hành táo bạo chưa dễ trên thế giới từ cổ chí kim có mấy phụ nữ hành động liều lĩnh như bà. Phải nói trong những thập niên đầu thế kỷ XVII, cả xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài tên bà trở thành huyền thoại. Cả chúa Nguyễn (Phước Lan rồi Phước Tần), chúa Trịnh (Trịnh Trang) đều bị bà lung lạc cho vào bẫy, và Dũng Quận công (Phước Tần) người kiêu hùng nhất của triều chúa Nguyễn, trong đánh bại quân Trịnh, ngoài tiêu diệt hạm đội Hà Lan, mở đường khai thác Nam Bộ oanh liệt một thời cũng suýt bị bà lật đổ…”

Với một bối cảnh như vậy, với một nhân vật đặc sắc cộng với sự uyên bác của tác giả cuốn tiểu thuyết dày dặn này làm ta hình dung rõ nét một bức tranh sinh động về một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Cái khó của tác giả là phải làm sao người đọc nhận ra được sự khác biệt của Tống Thị với các nhân vật đàn bà khuynh đảo lịch sử đã có rất nhiều trong văn học Đông Tây. Thành công của Nguyễn Văn Xuân là ở điều này. Đầu tiên ta nhận ra Tống Thị là một người đàn bà Việt Nam, các mưu mô của bà có bóng dáng hành xử của những người lươn lẹo nhưng vẫn có nét chân thật. Lợi dụng tình yêu đi chi phối mọi việc nhưng cũng có lúc thật sự có yêu đương. Chỉ có sự quyết đoán  của bà thì đúng là ít có trong lịch sử. đó là sự ứng phó và quyết đoan chỉ xảy ra trong khoảng khắc nhất định để giành thành công hay chịu thất bại. Đúng như Napoléon đã nói sự cao thượng và sự lố bịch chỉ cách nhau có một bước chân. Vì cái sự quyết quá rạch ròi của Tống Thị trong nhiều chuyện nên người đọc có thể hơi ngờ ngợ với tính cách ứng xử của xã hội phong kiến Việt Nam thời thế kỷ XVII.

Về Kỳ nữ họ Tống có thể nói được rất nhiều điều. Nhưng tôi thường suy nghĩ về sự vững vàng của nhân vật chính, cũng là nói về cuốn sách sẽ đứng vững trên văn đàn như thế nào? Khi gấp sách lại một “quái nữ” vẫn hiện ra trước mắt ta với đầy đủ những lời ăn tiếng nói, hành động, mưu mô, những toan tính khác người và nhiều lời điềm khác, nhưng ta vẫn thấy bóng dáng tác giả trùm lên nhân vật làm hồn vía của nhân vật bị khép nép lại.

Nguyễn Văn Xuân viết tiểu thuyết này khi đã cao tuổi nên dấu ấn của ông để lại trên trang sách khá nhiều. Những đoạn tả sinh hoạt tình dục trong truyện làm ta thấy nó rất gần gũi với tác giả.

Xin nói đôi điều về ngôn ngữ. Tôi thích ngôn ngữ trong Bão rừng hơn trong Kỳ nữ họ Tống. Có lẽ khi người ta còn trẻ ngôn ngữ tươi tắn hơn chăng. Hay so sánh đoạn mở đầu của hai cuốn sách: “Tôi phải nói trước với các bạn, tôi buồn rầu mà nói trước với các bạn là tôi rất chóng già. Đáng lẽ tập hồi ký này, tôi phải viết là đã xảy ra lúc tôi hai mươi tuổi người ta mới tin. Nhưng biết làm thế nào khi tính ngược tính xuôi tôi vẫn chưa đến mười sáu” (Bão rừng). “Một buổi sáng sớm, chùa Thiên Lâm ở cách Kim Long chừng ba dặm có người đến trú mưa. Cơn mưa dài dòng, lê thê, cái mưa thúi đất nổi tiếng mang theo cái lạnh của rừng, của biển, của đồng nội của Trường Giang làm tê liệt một số hoạt động thương mại. Đất trời, qua núi rừng giáp nhau trắng xóa muốn tan thành hơi nước” (Kỳ nữ họ Tống)

Bão rừng và Kỳ nữ họ Tống là hai tác phẩm tiêu biểu cho hai giai đoạn sáng tác của Nguyễn Văn Xuân. Cùng với những đóng góp phong phú của ông các thể loại khác như truyện ngắn, nghiên cứu, biên khảo, hai tiểu thuyết này xứng đáng để tôn vinh ông là nhà tiểu thuyết đặc sắc viết về dãi đất miền Trung trên văn đàn Việt Nam. Không phải bất cứ lúc nào, những chục năm, những nhiều chục năm nền văn học chúng ta có ngay những tác phẩm ấy.

T.B.L