Học chữ bằng vần điệu lục bát

25.10.2022
Bùi Văn Tiếng
1. Cuốn sách Nhất thiên tự diễn âm Nho - Nôm - Quốc ngữ do TS. Đoàn Hồng Nguyên biên soạn (NXB Hồng Đức, 2021) là một trong những công cụ giúp học chữ Hán bằng vần điệu lục bát.

Học chữ bằng vần điệu lục bát

Trưng bày thư pháp chữ Hán tại Chợ hoa Tết trên đường 2 Tháng 9. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

Ngay bên dưới nhan đề cuốn sách, soạn giả giới thiệu đây là “sách diễn âm theo phong dao Việt giúp nhanh thuộc âm nghĩa mau nhớ chữ”. Theo phong dao Việt ở đây có thể hiểu là theo vần điệu đồng dao kiểu Lạy trời mưa xuống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy đầy bát cơm/ Lấy rơm đun bếp/ Lấy nếp nấu xôi/ Lấy vôi ăn trầu… như trong cuốn Tam thiên tự giải âm (còn có nhan đề Tự học toản yếu) của Ngô Thì Nhậm khắc in lần đầu vào năm Canh Tý 1780: Thiên trời Địa đất/ Cử cất Tồn còn/ Tử con Tôn cháu/ Lục sáu Tam ba/ Gia nhà Quốc nước/ Tiền trước Hậu sau… nhưng cũng có thể theo vần điệu lục bát của ca dao: Trăng bao nhiêu tuổi trăng già/ Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non…

Đúng là học chữ - nhất là học ngoại ngữ - bằng vần điệu lục bát sẽ giúp người học “nhanh thuộc âm nghĩa mau nhớ chữ”. Ai từng học từ vựng tiếng Pháp chắc đều nhớ mãi mấy câu lục bát sau đây: Coq gà con vịt Canard/ Le Chien con chó le Chat con mèo…; hoặc Cá Poisson heo Cochon/ Marché cái chợ Fort đồn trạm Gare/ Bouddha Phật Dieu Chúa Cha/ Rangée lớp học cái nhà Maison/ Point điểm bài học Leçon/ Mètre cây thước Carton cái bìa…  Ngay học từ vựng tiếng Anh, lục bát vẫn có thể phát huy tác dụng: Hello có nghĩa xin chào/ Goodbye tạm biệt thì thào Whisper/ Lie nằm Sleep ngủ Dream mơ/ Thấy cô gái đẹp See girl beautiful/ I want tôi muốn Kiss hôn/ Lip môi Eyes mắt... sướng rồi... oh yeah/ Long dài Short ngắn Tall cao/ Here đây There đó Which nào Where đâu…

2. Đối với việc học chữ Hán, người Việt từ lâu đã biết tận dụng lợi thế của vần điệu - đặc biệt là vần điệu lục bát như một cách nâng cấp hiệu ứng cảm thụ so với hình thức vần điệu hóa của Tam thiên tự giải âm, chẳng hạn Ngũ thiên tự do Trần Doãn Tư (quê Hà Tĩnh) biên soạn vào thập niên 80 thế kỷ XVIII [1] với 5.000 chữ Hán cùng 5.000 chữ Nôm sánh đôi trên những dòng lục bát: Thừa nhân Nhàn vắng Hạ rồi/ Kiền trời Khôn đất Tài Bồi trồng vun/ Tích xưa Tự chữ Do còn/ Quan xem Soạn soạn Viên tròn Thiên thiên/ Vi làm Âm tiếng Trí nên/ Phương thơm Lưu để Biên biên Đại đời... Hay như Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca được xem là bộ tự điển song ngữ Hán - Nôm bằng lục bát do chính vua Tự Đức biên soạn, khắc in lần đầu năm Đinh Dậu 1897: Tự từ Tiền trước Viễn xa/ Đế vua Hoàng cả Thi ra Triệu gầy/ Triếp bèn Trạch chọn Ai bày/ Can gốc Chi nhánh Điệt thay Lũy chồng/ Y nương Di để Hỗ thông/ Hậu sau Tiên trước Tương cùng Giám soi/ Tồn còn Cử cất Duật noi/ Quân vua Thánh thánh Thần tôi Hiền hiền/ Đại đời Thị họ Danh tên/ Hiệu hiệu Thế thế Quyền quyền Oai uy…

Trong bài Một số thư tịch Hán Nôm tiêu biểu sưu tầm tại Nam Bộ đăng trên Tạp chí Xưa và Nay số 462 tháng 8-2015 và số 464 tháng 10-2015, các tác giả Nguyễn Đông Triều và Phan Mạnh Hùng còn giới thiệu thêm một số sách dạy chữ Hán bằng lục bát như cuốn sách Huấn mông nhất tự khúc tối yếu bộ do Nguyễn Đắc Tuyên (quê Quảng Nam) biên soạn vào thời vua Thiệu Trị: Thiên trời địa đất nhân người/ Phụ cha mẫu mẹ sư thầy quân vua/ Bá bác thúc chú cô cô/ Huynh anh tỉ chị hôn dâu phu chồng/ Tử con tôn cháu tổ ông/ Di dì cữu cậu nội trong ngoại ngoài; hay cuốn sách Tập thành gia lễ xưng hô tang phục bí phẩm biên soạn năm 1906: Gia cáp nhà nuôi bồ câu/ Sơn ca chim vẹt Ngốc thu chim già/ Đà con trạch Miết ba ba/ Phù y vịt nước Thiên nga cò trời/ Sương giáng là móc sương sa/ Sinh sương móc trắng Ti đài rêu xanh/ Huệ Lan Mai Cúc là danh/ Đại bàng chim lớn Côn kình cá to…

3. Chữ Thiên trong nhan đề cuốn sách Nhất thiên tự có nghĩa là ngàn nhưng đây không phải là con số tuyệt đối, giống như bách tính không có nghĩa là tròn một trăm họ tộc. Do vậy, Thiên tự trong sách Nhất thiên tự không phải tròn 1.000 chữ mà là 1.015 chữ - đúng hơn là 1.015 đôi chữ Hán Nôm (không tính mấy chữ Thiên tự văn chung tất ở cuối sách). Trong lời tựa sách Nhất thiên tự diễn âm Nho - Nôm - Quốc ngữ, Đoàn Hồng Nguyên cho rằng “việc khảo sát Nhất thiên tự để qua đó tạo lập một văn bản hoàn chỉnh sẽ là một việc làm hữu ích hấp dẫn các nhà nghiên cứu văn bản học, từ vựng học Hán Nôm cũng như đối với nhiều người có quan tâm đến việc tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc cổ xưa”. Vì thế, dẫu xưa nay có nhiều sách Nhất thiên tự khác nhau, nhưng trong quá trình biên soạn Nhất thiên tự diễn âm Nho - Nôm - Quốc ngữ, TS. Đoàn Hồng Nguyên vẫn dựa chủ yếu vào sách Thiên tự văn giải âm do Quan Văn đường in mộc bản vào năm Canh Dần 1890 thời vua Thành Thái (theo Kiều Thu Hoạch trong cuốn Lý Văn Phức, Ngọc Kiều Lê Tân truyện - NXB Khoa học xã hội, 1976, trang 12, Lý Văn Phức chính là người biên soạn Thiên tự văn giải âm). Nói dựa chủ yếu bởi Đoàn Hồng Nguyên còn dụng công khảo sát đối chiếu các sách Trích tự giải âm ca của Tô Xuyên Lý Lão Nhân biên soạn vào năm 1845 (do Lê Văn Đặng phiên âm và giới thiệu), Thiên tự giải âm ca của Ngô Đê Mân/ Edmond Nordeman tái bản năm 1905 và Thiên tự văn giải âm của Xuân Lan tái bản năm 1914.

Từ đó, Nhất thiên tự diễn âm Nho - Nôm - Quốc ngữ được TS. Đoàn Hồng Nguyên chia làm 3 phần chính: Phần thứ nhất từ trang 11-47 là toàn văn Thiên tự văn giải âm bản Quan Văn đường 1890 - mở đầu bằng hai đôi câu lục bát Thiên trời Địa đất Vân mây/ Vũ mưa Phong gió Trú ngày Dạ đêm/ Tinh sao Lộ móc Tường điềm/ Hưu lành Khánh phúc Tăng thêm Đa nhiều… cộng với một số dị tự được phát hiện khi khảo sát đối chiếu với Trích tự giải âm ca, Thiên tự giải âm ca và Thiên tự văn giải âm. Phần thứ hai từ trang 49-72 là phần khảo dị nhằm làm rõ hơn những chỗ khác biệt đã nêu trong phần thứ nhất, bao gồm các dị tự chữ Hán - Đoàn Hồng Nguyên gọi là chữ Nho - của Thiên tự văn giải âm bản Quan Văn đường 1890 với cả ba dị bản nêu trên, và các dị tự chữ Nôm của Thiên tự văn giải âm bản Quan Văn đường 1890 với Trích tự giải âm ca, bởi Thiên tự giải âm ca và Thiên tự văn giải âm không có chữ Nôm. Phần thứ ba gồm bảng tra chữ Hán/chữ Nho xếp theo alphabet từ trang 73 đến trang 92, bảng tra chữ Nôm xếp theo alphabet từ trang 93-114 và bảng tra chữ Hán/chữ Nho xếp theo bộ thủ từ trang 115-144. Cả ba phần chính của Nhất thiên tự diễn âm Nho - Nôm - Quốc ngữ thể hiện thái độ làm việc khoa học của soạn giả, góp phần nâng cao tiện ích tra cứu cho quý độc giả.  

Cũng trong lời tựa sách, TS. Đoàn Hồng Nguyên hình dung cuốn Nhất thiên tự diễn âm Nho - Nôm - Quốc ngữ sẽ “giúp cho người học ngày nay, chỉ trong một thời gian ngắn, thuộc âm thuộc nghĩa, dễ dàng nhớ mặt chữ hơn… mau chóng đọc hiểu được các văn bản cổ thường nhật như liễn đối, hoành phi… trong các di tích, thắng tích”. Hy vọng với một văn bản Nhất thiên tự hoàn chỉnh nhất tính đến thời điểm hiện nay, Nhất thiên tự diễn âm Nho - Nôm - Quốc ngữ của Đoàn Hồng Nguyên sẽ tích cực đóng góp vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể nói chung, các di tích lịch sử - văn hóa nói riêng theo tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba năm 2021.

B.V.T

(1) Xem Đinh Văn Tuấn, Từ kép Hán Việt - Việt đồng nghĩa, poethansy.blogspot.com, 11-6-2021.