Độc đáo Lễ hội cầu Ngư truyền thống quận Thanh Khê năm 2024

29.02.2024
P.V
Sáng 29/2 (nhằm 20 tháng Giêng) Ủy ban nhân dân quận Thanh Khê long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Cầu ngư truyền thống năm 2024 với phần lễ và hội mang đậm nét văn hóa đặc trưng của cư dân các làng chài ven biển Đà Nẵng.

Độc đáo Lễ hội cầu Ngư truyền thống quận Thanh Khê năm 2024

Múa cờ trình tường tại lễ Khai mạc.

Lễ hội Cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông ở làng biển Thanh Khê ra đời và phát triển dựa trên những tác động của điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và lịch sử văn hóa tâm linh của vùng đất, phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt của ngư dân làng chài Thanh Khê.

Lãnh đạo địa phương dâng hương.

Lễ hội truyền thống quận Thanh Khê diễn ra trong ba ngày tại khu vực bãi biển đường Nguyễn Tất Thành thuộc địa bàn phường Thanh Khê Đông và Xuân Hà.

Lễ Nghinh thần.

Sáng nay (29/2) là phần chính của Lễ hội với nghi Lễ nghinh thần và khai mạc Lễ hội cầu ngư truyền thống quận theo đúng phong tục, tập quán của cha ông để lại.

Đối với đời sống cộng đồng miền biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, vừa cầu mùa-cầu ngư, tế ngư thần, bày tỏ khát vọng một năm “Trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang”.

Phần hội được tổ chức đan xen nhiều hoạt động mang đậm tính dân gian của làng chài như: đan lưới, gánh cá, ngoáy thúng, hát tuồng, hô hội bài chòi… ; những môn thể thao vận động trên biển: biểu diễn dù lượn, mô-tô lướt sóng,...

Tuổi trẻ quận Thanh Khê nghe thuyết trình về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Ngoài ra, Ban Tổ chức tổ chức các gian trưng bày như: tư liệu, hình ảnh với chủ đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, gian hàng trưng bày sản phẩm thủy hải sản và các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản của nhân dân 3 phường ven biển, các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của 10 phường trên địa bàn quận.

Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Nguyễn Hữu Công - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thanh Khê, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cho biết: “ Lễ hội cầu ngư quận Thanh khê có tính truyền thống, tồn tại trong tiềm thức của cư dân vùng biển, được trao truyền qua nhiều thế hệ, đã tiếp nhận tâm lý, đời sống sinh hoạt, tư tưởng văn hóa nghệ thuật dân gian, tạo thành bản sắc riêng của đời sống tinh thần người dân Thanh Khê. Việc bảo tồn và phát huy lễ hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo tồn các giá trị vốn có như giá trị tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật…, đồng thời đề cao giá trị kết nối cộng đồng trong đời sống hiện đại, tạo điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương. Trong 3 ngày vừa qua, từ 27-29/2, các hoạt động diễn ra hết sức sôi nổi, tạo không khí vui tươi, náo nức trước khi vào vụ đánh bắt đầu năm". 

"Sau lễ hội cầu ngư này, những chiếc thuyền sẽ hanh thông vượt sóng, những mẻ cá bội thu sẽ nườm nượp đổ về, một năm mưa thuận gió hòa, đời sống nhân dân được bình yên, no ấm... Lễ hội là bằng chứng vật chất, tinh thần xác thực về ứng xử với biển đảo của người dân Thanh Khê từ bao đời nay, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển”, ông Công nhấn mạnh.

Thanh Khê là tên của một làng mà đa số người dân chuyên nghề đánh bắt và chế biến hải sản, được hình thành từ giữa thế kỷ XVII. Quan 3 thế kỷ, các thế hệ làng biển Thanh khê theo cha truyền con nối đã đúc kết nhiều kinh nghiệm trong ứng xử với sóng gió nơi biển cả. Năm 2006, nhằm phát huy hoạt động lễ hội đúng hướng, lành mạnh, vừa văn minh, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, Ủy ban nhân dân quận và các phường ven biển Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, Xuân Hà đã nâng tầm tổ chức lễ hội Cầu ngư lên cấp quận với quy mô, hình thức và nhiều hoạt động phong phú.