Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 10: Tạo dựng những giá trị nhân văn mới cho xã hội thông qua văn học
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Võ Văn Thưởng chúc mừng các nhà văn, những người sáng tạo chân chính trên lĩnh vực văn hóa và tinh thần sẽ cống hiến nhiều tác phẩm mới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Văn học nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng đã có vai trò, vị trí quan trọng, đặc biệt trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, tự chủ của nước nhà. Từ khi có Đảng đến nay, vai trò và vị trí quan trọng đặc biệt đó, luôn được Đảng quan tâm, trân trọng và phát huy. Trong suốt hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, cùng đồng bào cả nước, nhiều nhà văn theo tiếng gọi non sông đã tự nguyện bước vào kháng chiến, kiến quốc. Nhiều người trong số họ vừa cầm bút, vừa cầm súng. Không ít người đã anh dũng ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến thần thánh và trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Những trang viết của các nhà văn được viết trong khói lửa của các cuộc kháng chiến ấy đã trở thành di sản lớn của dân tộc.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế. Cho đến nay, Hội viên Hội Nhà văn chúng ta vẫn chưa xây dựng được những tác phẩm lớn về cuộc kháng chiến vĩ đại, về những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, về cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Về chất lượng tác phẩm, tính chuyên nghiệp chưa cao, ít tác phẩm đủ sức sáng tạo thành các hiện tượng văn học… Việc tiếp thu các trào lưu nghệ thuật nước ngoài được mở rộng nhưng chưa có sự chọn lọc... Trong lý luận phê bình văn học, còn biểu hiện máy móc, rập khuôn khi vận dụng các quan điểm nghệ thuật nước ngoài vào thực tiễn đời sống văn học trong nước. Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Hội còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hoạt động Hội và đời sống văn học nước nhà…
Trước những thách thức này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị, nhiệm kỳ mới phải tiếp tục góp phần đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống sự suy thoái biến chất về tư tưởng chính trị và đạo đức; trong tổng kết văn học Việt Nam nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, thúc đẩy hòa hợp dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua văn học, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và tạo dựng những giá trị nhân văn mới cho xã hội; đồng thời tiếp tục tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học.
Hội phải tạo ra những bước đi có tính quyết định cho một dòng văn học thiếu nhi đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hóa dân tộc để cùng xã hội tạo ra sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là con người Việt Nam. Đó là triển vọng, là tương lai của đất nước mà nhà văn cần hướng tới. “Tôi mong sau mỗi kỳ đại hội, các nhà văn lại viết hay hơn, và đại hội sau sẽ ghi dấu thêm những tác phẩm hay hơn đại hội trước. Còn làm thế nào để có tác phẩm hay, viết thế nào cho hay, cho xứng đáng với nhân dân, xứng đáng với Tổ quốc, tôi tin là các nhà văn sẽ hiểu biết hơn ai hết”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 10. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều thay mặt BCH Hội Nhà văn khóa 10 chia sẻ: "Chúng tôi lúc này nhận thấy sứ mệnh thật vinh quang, hạnh phúc thật lớn lao nhưng trách nhiệm cũng vô cùng nặng nề. Chúng tôi xin tiếp bước các nhà văn chân chính đã chọn đi, đồng hành cùng cách mạng, đất nước. Chúng tôi nguyện làm tốt hơn nữa trách nhiệm ấy. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, việc đặt cược lòng tin vào chúng tôi của các hội viên, của Đảng, Chính phủ và thế hệ mới là một cuộc đặt cược chắc chắn thành công!".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng nhận định cuộc chuyển giao này cho thấy một bước đi kỳ vĩ của dân chủ mang tính thời đại, niềm tin của thế hệ đi trước đối với thế hệ tiếp theo. Các nhà văn tin tưởng rằng BCH khóa 10 sẽ mang đến tư duy, năng lượng mới, ngập tràn cảm hứng sáng tạo cũng như sự dâng hiến của các nhà văn chân chính cho nhân dân và dân tộc. Thách thức với BCH Hội Nhà văn khóa 10 là vô cùng to lớn nhưng thách thức thực sự to lớn lại thuộc về mỗi nhà văn Việt Nam, những người ngồi trong căn phòng nhỏ bé của mình trước trang giấy mênh mông vô tận và phải trả lời biết bao câu hỏi của chính bản thân mình, thân phận quanh mình và dân tộc trong thời đại đầy biến động. “Các nhà văn đã bước vào đại hội với tinh thần dân chủ, thái độ tôn trọng, công bằng và nghiêm khắc nhìn lại hoạt động của Hội Nhà văn cũng như BCH khóa 9 trong 5 năm qua; cùng nhau vạch ra đại lộ cho văn học Việt Nam trong 5 năm tới”, Chủ tịch Hội Nhà văn nhấn mạnh.
Tại đại hội, Hội Nhà văn Việt Nam đã ra mắt Ban chấp hành, Ban Kiểm tra khóa 10 nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch, nhà văn Nguyễn Bình Phương và nhà thơ Trần Đăng Khoa giữ chức Phó Chủ tịch. Các thành viên khác trong ban chấp hành gồm: Lương Ngọc An, Nguyễn Thị Thu Huệ, Bích Ngân, Trần Hùng, Vũ Hồng, Phan Hoàng, Khuất Quang Thụy và Trần Hữu Việt.
(sggp.org.vn)