Xứ sở của những nụ cười - Trương Văn Khoa

03.10.2016

Xứ sở của những nụ cười - Trương Văn Khoa

15 giờ 00 phút. Chiếc Airbus 319 của hãng hàng không Thai Airways chao nhẹ, hạ cánh xuống sân bay quốc tế Suvarnabhumi - Thái Lan. Nhìn xuống dưới, thành phố Bangkok đầy ô tô và chằng chịt những tầng đường cao tốc. Ra khỏi máy bay, hòa với dòng người xuôi ngược trên đại lộ, tôi hướng về trung tâm Bangkok.

 

T òa tháp “ma” giữa Bangkok

Bangkok được mệnh danh là “thành phố thiên thần”, tiếng Thái gọi là Krungthep, có diện tích hơn 1.500 km2, nằm ở châu thổ sông Chao Phraya, thuộc miền Trung Thái Lan với dân số khoảng 8 triệu người. Sự bùng nổ kinh tế Đông Nam Á vào thập kỷ 80 đã thúc đẩy nhiều công ty đa quốc gia đặt trụ sở, khiến Bangkok trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính trong khu vực, đóng vai trò trung chuyển quốc tế, nổi lên như một đầu tàu trong lĩnh vực du lịch, chăm sóc sức khỏe, nghệ thuật, thời trang và giải trí.

Gần 1 tiếng đồng hồ, tôi mới về đến khách sạn cho dù nơi đây cách sân bay chừng 10 km. Traffic Jam (kẹt xe) được xem là “đặc sản” của người Thái. Người dân ở đây đùa rằng, nếu ở Hà Nội, Sài Gòn kẹt xe chừng 2 lần trong 1 ngày (giờ đi làm buổi sáng và tan sở chiều) thì Bangkok kẹt xe chỉ có 1 lần, từ sáng cho đến tối.

Lang thang một chiều, tôi đến thăm Wat Yannawa, một ngôi chùa được cho là linh thiêng nhất của thủ đô Bangkok. Đây là địa danh độc nhất vô nhị ở Thái Lan vì hình dáng của nó như một con thuyền, do Rama III, vị vua thứ 5 trong 9 vị vua của triều đại hoàng gia Thái, xây dựng. Chùa có tuổi đời cả trăm năm, nằm trên đường Charoen Krung (quận Sathon), cạnh dòng sông Chao Phraya chảy ngang Bangkok. Sự kết hợp giữa kiến trúc Trung Hoa (hình dáng con thuyền) và kiến trúc Thái (mái nhà cao vút mang đậm phong cách thời Ayutthaya) nhằm ghi lại công cuộc bang giao hàng hải của Thái Lan với các nước lân bang.

Một câu chuyện kỳ lạ có liên quan đến chùa Wat Yannawa (gọi là chùa Thuyền) khiến mọi người không khỏi lạnh người. Chuyện kể về một tòa cao ốc đồ sộ cao tầng đối diện cổng chùa, nằm hoang phế phía bên kia đường, không một bóng người lai vãng.

Thập kỷ 90, dường như để minh chứng cho sự phồn thịnh của Thái Lan, những tòa nhà chọc trời bắt đầu đua nhau xây dựng ở Bangkok. Tháp Sathorn Unique là một dự án trong “làn sóng” đầu tư bất động sản lúc bấy giờ. Tòa nhà khổng lồ, độc đáo này được thiết kế bởi Rangsan Torsuwan, một kiến trúc sư nổi tiếng của Thái Lan, có chiều cao 185m với 49 tầng, 659 căn hộ và 54 cửa hàng.

Năm 1995, tỉ phú người Ả Rập bắt đầu động thổ.

Tòa tháp cao dần. Mỗi khi mặt trời mọc, bóng đen của ngôi nhà phủ toàn bộ khuôn viên chùa. Trước dấu hiệu không lành, vị sư trụ trì chùa Yanawa khuyến cáo chủ đầu tư và chính quyền rằng, nguyên khí của chùa Wat Yannawa rất mạnh, tòa cao ốc xây lên sẽ chặn lại sự chuyển động thoát ra của các luồng nguyên khí này. Do đó, nó có thể gây ra nhiều sự cố nghiêm trọng, những kiếp nạn sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Bất chấp lời khuyên của mọi người, nhà tỉ phú Ả Rập vẫn tiếp tục thực hiện dự án. Kể từ đó, thảm họa bắt đầu đổ ập xuống gia đình. Dự án bị đình trệ do thiếu vốn, nợ ngân hàng chồng chất, vị thương gia đã tự sát ngay chính tại tòa tháp. Sau đó, những người trong gia đình ông lần lượt qua đời vì tai nạn xe cộ. Năm 2008, kiến trúc sư chính Rangsan Torsuwan dính vào vòng lao lý vì bị kết tội âm mưu giết hại Chánh án Tòa án Tối cao Thái Lan Praman Chansue. Cả gia đình người tỉ phú Ả Rập hoảng sợ bán lại tòa nhà đang xây dở nhưng đến nay vẫn chưa ai dám mua. Năm 2014, một nhiếp ảnh gia người Thái phát hiện xác chết của một du khách Thụy Điển trong tình trạng bị phân hủy, treo lơ lửng trong phòng tắm ở tầng số 43.

Câu chuyện có thật, đầy chết chóc khiến cho tòa nhà trở nên u ám, hoang lạnh giữa một Bangkok náo nhiệt. Cây cỏ mọc hoang phế từ ban công, những bức tường loang lổ như ma ám, từng dãy hành lang tăm tối dài hun hút. Không gian lạnh lẽo cùng những biến cố bất thường khiến cho người dân Thái ngày càng xa lánh, không dám đến gần. Kể từ đó, họ gọi Sathorn Unique là tòa tháp “ma”.

Cho dù thế nào đi nữa, “tòa tháp ma” Sathorn Unique mãi mãi vẫn ôm trong mình một ngạo khí của quá khứ, ấp ủ giấc mơ trở nên vĩ đại của Thái Lan, đất nước của những nụ cười, từ làn sóng đầu tư bất động sản của những thập niên về trước.

Đền Hindu Erawan

Từ Big C (trung tâm mua sắm của Bangkok), thả bộ dọc vỉa hè khoảng 300m, tôi đến thắp hương tại ngôi đền Hindu Erawan. Đây là địa điểm văn hóa nổi tiếng của trung tâm Bangkok và cũng là nơi xảy ra vụ đánh bom nghiêm trọng vào ngày 17/8/2015.

Erawan là đền thờ của đạo Hindu, tọa lạc ngã tư đường Ratchaprasong ngay trung tâm Bangkok. Bao quanh công trình văn hóa này là những hàng rào bằng sắt, có nhiều khách sạn, bệnh viện, tòa nhà văn phòng và các trung tâm mua sắm. Đền được xây dựng vào năm 1956 nhằm xoa dịu những linh hồn, xua đuổi

tà khí và vận đen ra khỏi một khách sạn gần đó đang gặp khó khăn trong thi công. Trong đền là bức tượng thần Phra Phrom được đúc bằng vàng ròng, trang trí

nhiều đá quý. Tượng thần có 4 mặt nên còn được gọi Tứ Diện Thần, tượng trưng cho lòng tốt, từ bi, thông cảm và sự

công bằng. Trong văn hóa Thái Lan,

Phra Phrom đại diện cho thần sáng thế Brahma của đạo Hindu.

Năm 2006, một người đàn ông 27 tuổi bị tâm thần đã dùng búa phá hủy bức tượng thần khiến những người có mặt tại đó giận giữ và tấn công ông ta. Người này tử vong và hai người liên quan đến vụ việc bị kết án tù. Một bức tượng thần Brahma khác được tạo dựng, đền Erawan tiếp tục mở cửa sau đó. Năm 2010, khu vực Ratchaprasong quanh ngôi đền Erawan trở thành “đại bản doanh” của những người biểu tình Áo Đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Sau đó quân đội đã tiến hành một cuộc trấn áp thẳng tay khiến gần 90 người thiệt mạng và nhiều cơ sở hạ tầng quanh khu vực này bị hư hại.

Một người Thái Lan kể với tôi rằng, năm ngoái, tối 17/8, khoảng 19 giờ, tại ngã tư đường gần đền Erawan, một quả bom đã phát nổ làm rung chuyển một góc phố. Vụ đánh bom khiến 22 người thiệt mạng và hơn 123 người bị thương. Phát biểu với báo giới tại Bangkok, ông Somyot Poompanmuang (tư lệnh cảnh sát Thái Lan) khẳng định, vụ việc do một mạng “ít nhất 10 đối tượng” tham gia. Ông tiết lộ, thiết bị nổ là một dạng bom ống và được đặt bên trong đền thờ, chứa khoảng 3kg thuốc nổ TNT.

Chiến dịch truy tìm “bầy sói” bắt đầu. Sau hơn 2 tuần, Thái Lan chính thức công bố hình ảnh, danh tính của kẻ đánh bom, đồng thời mở phiên tòa xét xử. Hai nghi can là Bilal Mohammad và Mieraili Yusufu, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương (Trung Quốc). Họ bị truy tố 10 tội danh bao gồm âm mưu đánh bom và giết người có chủ ý. Bilal Mohammad là người đàn ông mặc áo

T-shirt màu vàng, đeo chiếc ba lô đen được cho là chứa thuốc nổ.

Người Hồi giáo tại Thái Lan và các nhóm nhân quyền cáo buộc Chính phủ chia cắt các gia đình Duy Ngô Nhĩ bằng cách đưa những người tị nạn nam giới về Trung Quốc và gửi các phụ nữ và trẻ em tới Thổ Nhĩ Kỳ. Truyền thông Thái Lan nhận định, vụ đánh bom là sự trả thù của người Duy Ngô Nhĩ trước việc Thái Lan đã trục xuất, dẫn độ họ về lại Trung Quốc.

Cho dù Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan cảnh báo mức độ nguy hiểm cao nhưng mỗi ngày có hàng trăm du khách Việt Nam tới viếng thăm đền Erawan với niềm tin cùng những lời cầu nguyện. Một vị khách (quê ở TP HCM) nói với tôi rằng: “Phật bốn mặt rất linh thiêng, người quen, bạn bè tôi đều bảo họ cầu gì được nấy. Người cầu tình duyên, người cầu làm ăn. Có điều mình cầu được điều gì thì nhớ phải quay lại đây trả lễ kẻo bị phạt”.

Chuyện Phật bốn mặt linh ứng như thế nào đã được báo chí Việt Nam ghi nhận. Ngày 18/8/2015, tờ Thanh Niên đăng bài “Tuyển muay Việt Nam thoát chết sau vụ nổ bom ở Bangkok”. Bài báo dẫn lời một thành viên của đội muay Việt Nam nói: “Hôm trước ngày xảy ra vụ nổ, chúng tôi đã đến đền Erawan này ngay trung tâm Bangkok và cũng gần điểm thi đấu ở sân vận động quốc gia để thắp hương và hy vọng nếu được phù hộ sẽ trả lễ ngay sau đó”. Người này nói tiếp: “Sở dĩ chúng tôi đến đây vì được biết ngôi đền này rất linh, ngay tuyển bóng đá Thái Lan trước khi thi đấu vòng loại World Cup 2018 vừa rồi với tuyển Việt Nam, huấn luyện viên Kiatisak cũng đã đưa cả đội đến đây để thắp hương. Và đúng là có chút may mắn thật khi võ sĩ Thanh Trúc đã xuất sắc thắng knock-out võ sĩ người Pháp ngay hôm sau”.

Sau vụ đánh bom, người dân càng tin hơn vào uy lực của Phật vì khi quả bom phát nổ, tượng thần trong đền chỉ bị mẻ một chút ở cằm. Và như thế, đền Erawan và Phật bốn mặt đã trở thành câu chuyện tâm linh khá hấp dẫn đối với công chúng mỗi khi qua Thái Lan.

 

Núi Phật Khau Chee Chan

Trên đường về Bangkok, tôi đến thăm Khau Chee Chan (còn gọi là Trân Bảo Phật Sơn), ngọn núi linh thiêng và bí ẩn, nằm ở tỉnh Chon Buri, cách Pattaya khoảng 15 km, 25 phút di chuyển bằng ô tô từ Pattaya.

Từ xa, tôi đã nhìn thấy tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi thiền được tạc trên mặt cắt của núi, linh thiêng giữa trời đất. Tượng cao 130 mét, rộng 70 mét, được xây dựng vào năm 1996, nhân dịp vua Rama IX trị vì vương quốc Thái Lan được 50 năm. Những đường nét mềm mại, chính xác và tuyệt đẹp được dát vàng cùng với sự lung linh, diệu kỳ từ ánh sáng của chất liệu vàng ròng (24 cara) khiến du khách ngẩn ngơ, như lạc vào miền cổ tích. Rất nhiều Phật tử các nước đến đây chiêm bái và cầu an. Tổng chi phí xây dựng tượng lên tới 161,7 triệu Baht (trên 100 tỷ đồng), được chăm sóc và bảo quản bởi quân đội hoàng gia Thái Lan.

Đến Khau Chee Chan lúc sáng sớm nên quang cảnh vắng lặng bởi rất ít khách hành hương và tham quan. Tôi không muốn nói nhiều về tấm lòng của người Thái, sự sùng kính của họ đối với nhà vua cách đây gần hàng ngàn năm. Tôi muốn nói về câu chuyện thú vị, đầy ý nghĩa mà tôi nghe từ một người Thái chính gốc khi đến thăm ngọn núi đặc biệt này.

Chuyện kể rằng, từ xa xưa, vào ban đêm, trên đỉnh ngọn núi này luôn xuất hiện ánh hào quang chiếu sáng khắp một vùng đất. Vầng sáng xuất hiện chốc lát rồi lại vụt tắt. Một số người chứng kiến nói, ánh sáng có hình dáng Đức Phật đang ngồi trên đóa sen. Năm 1996, vua Rama thứ IX (đương thời tại Thái Lan) lâm bệnh nặng, thái tử tìm mọi cách để chữa bệnh cho cha mình nhưng đều không khỏi được. Nhớ chuyện xưa, để cầu mong Đức Phật phù hộ cha khỏi bệnh, thái tử cùng với 30 vị sư cả của đất nước đến ngọn núi này khai phong điểm nhãn, tiến hành xẻ đôi quả núi bằng kỹ thuật hiện đại, dùng tia laze khắc hình Phật Thích Ca Mâu Ni. Sau đó thái tử dùng 9.999 kg vàng được quyên góp từ người dân Thái Lan để dát lên bức vẽ. Ở Thái Lan, Phật giáo là quốc giáo, do đó người ta lấy số 9 để biểu trưng cho sự trường tồn và vĩnh cửu. Kể từ đó, bệnh tình của vua Rama thứ IX bắt đầu thuyên giảm trước sự vui mừng của thần dân Thái Lan.

Nói về nhà vua đương thời, người dân Thái Lan tôn thờ Rama thứ IX như một vị thánh sống. Ông là một tiến sĩ nông nghiệp, có công rất lớn trong việc lai tạo ra nhiều giống trái cây ngon và nổi tiếng khiến Thái Lan trở thành một nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Rama thứ IX hết sức quan tâm, giúp đỡ dân nghèo, khi những vùng đất nông nghiệp bị hạn hán, ông đã cho trực thăng đến tạo mưa cho người dân trồng trọt. Vì thế, vua RaMa thứ IX rất được lòng dân chúng, cho dù thực hiện chế độ quân chủ lập hiến, quyền lực nằm trong tay Thủ tướng và quốc hội nhưng khi Thủ tướng hay thượng nghị sĩ lên nhậm chức, đều được nhà vua ban chức và chúc phúc. Ở Thái Lan, người dân có thể thích hoặc không thích Thủ tướng nhưng tuyệt đối tôn sùng nhà vua.

Bức tượng khổng lồ làm bằng vàng ròng gây xúc động, hằn sâu vào trí nhớ của bất cứ một Phật tử nào cho dù chỉ 1 lần viếng thăm. Vẻ đẹp giản đơn, khung cảnh yên bình, thanh tịnh, khác xa chốn tấp nập của Pattaya. Quả núi được đặt giữa không gian thiên nhiên thơ mộng, xung quanh là một vùng cây cối tươi tốt đã cuốn hút khách thập phương. Ngoài giá trị thẩm mỹ, núi Phật Khau Chee Chan còn là 1 biểu tượng tâm linh đặc sắc, nơi cầu tự rất linh thiêng của người dân Thái Lan. Mỗi khi khách đến tham quan đều thắp một nén nhanh, khấn tên tuổi trước tượng Phật, cầu nguyện yên bình và an lạc.

Nỗi buồn Pattaya

Rời Bangkok, tôi rong ruổi dọc về Pattaya. Nếu Bangkok là “thành phố thiên thần” thì Pataya được gọi là “thành phố ma quỷ”.

Đến khách sạn Welcome Plaza Pattaya một chiều rất muộn. Hoàng hôn nghiêng nắng cả những mái chùa vàng. Mùa hè giữa thành phố này oi bức cho dù bãi biển Jomtien cách đây không xa. Những con phố dài hun hút, nồng nàn những cặp tình nhân người ngoại quốc. Biển không đẹp, nước xanh lờ lợ. Đi bộ dọc những con hẻm nhỏ, tôi bắt gặp những du khách rất già, bụng phệ và nhếch nhác. Một du khách người Anh trung niên, đầu hói cùng với một cô cave người Thái sải bước về phía khách sạn nằm cuối đường. Giao thông phức tạp và ồn ào, taxi, xe bus, xe phân khối lớn xuyên suốt ngày đêm.

Đêm về ngồi vỉa hè hút thuốc Thái, ăn thịt gà xiên nướng, uống trà Thái và lắc lư theo điệu Besame Mucho. Ở xứ này, người ta “mix” nhạc ngay tại vỉa hè, đám du khách nhảy múa thâu đêm suốt sáng. Khách du lịch nước ngoài ở Bangkok không lặng lẽ như ở Việt Nam, phần đông là người trẻ, họ tụ tập ở đường phố để uống bia, nhảy nhót, mua sắm, tết tóc, ăn uống và tán tỉnh nhau. Góc phố nào đó, người ta bật hoài bật mãi những bản tình ca Thái cũ rích. Gặp một cô gái Thái giữa Walking Street (phố đi bộ), cô ghé tai thì thầm: “You có thích xem Big Eyes không?”. Chụp với cô kiểu ảnh rồi lặng lẽ mỗi người, mỗi ngả, mỉm cười rất vội.

“Big Eyes” được xem là màn trình diễn độc nhất vô nhị trên thế gian này. “Big Eyes” có nghĩa là bạn hãy mở mắt thật to để xem. Xem gì ? Đó là sex show (người Việt gọi là “show pê-đê”) do các diễn viên chuyển đổi giới tính (ladyboy) trình diễn chuyện ái ân trong phòng the, tất nhiên có sự tham gia của một số nam, nữ diễn viên khác không phải là gay. Vé vào xem “Big Eyes” lên đến 1.500 Baht (gần 1 triệu đồng) nhưng người ta, bất kể nam nữ, xếp hàng dài, chen nhau vào xem.

Hãy khoan nói đến màn trình diễn khiến cho hàng triệu người trên trái đất háo hức một lần đến cho biết, Pattaya được biết là một nơi để hái tiền từ công nghệ khai thác tình dục với 5 triệu du khách mỗi năm. Tại Thái Lan, “nghề” này đã tạo “công ăn việc làm” và mang lại thu nhập cho khoảng 250.000 người. Tổng doanh thu của ngành công nghiệp tình dục lên tới 6,4 tỷ USD, bằng 10% GDP. Trang Havocscope tính rằng, số tiền mà các công nhân tình dục ở Thái Lan gửi về cho gia đình mỗi năm khoảng 300 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng).

Hơn 50 năm trước, vào khoảng thập niên 60, Pattaya là một làng chài bị “ngủ quên”. Chuẩn bị cho các cuộc ném bom tại Việt Nam, Lào và Campuchia, người Mỹ đã điều động quân đội đến đây, đồng thời mở rộng và hiện đại hóa sân bay Hải quân Hoàng gia Thái Lan U-Tapao (cách thành phố Pattaya khoảng 30 km) làm nơi cất cánh máy bay B-52. Để nghỉ ngơi và thư giãn, những người lính Mỹ đã dạy cho các ngư dân Pattaya mở nhà hàng, bán bia cùng gái đẹp. Kể từ đó, Pattaya trở nên một điểm du lịch, ăn chơi nổi tiếng, mệnh danh là thành phố “4S”: Sun, Sea, Sand và Sex (lần lượt là nắng, biển, cát và sex), có trung tâm hành chính riêng, gần như một khu tự trị.

Đường Beach Road (còn gọi là Pattaya 1) chạy dọc bờ biển từ Bắc xuống Nam (giống đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa của Đà Nẵng hoặc Trần Phú của Nha Trang). Nơi đây tập trung nhiều hàng quán, dịch vụ, các trung tâm shopping cũng như các khu phố đèn đỏ, giải trí tình dục bậc nhất của Thái Lan. Khi màn đêm buông xuống, Beach road trở nên con đường bán thân xác. Những cô gái Thái  khắp mọi miền kéo về, thức trắng đêm để kiếm từng đồng Baht và USD. Khách của họ đủ màu da từ Ấn Độ, Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc,... Người ta đến đây để khám phá thân xác của những kiều nữ Xiêm La.

Từng tụm các cô gái mặc bikini 2 mảnh, mông, ngực lồ lộ dưới ánh đèn vàng mờ ảo như hút hồn các lữ khách tha phương. Những con số được gắn ở vị trí nhạy cảm trên cơ thể giúp khách hàng dễ dàng gọi, mua dâm với giá rẻ. Những dòng chữ tiếng Anh với nội dung: “Ngủ với tôi hôm nay, mai mới phải trả tiền”, hay “Ngủ với tôi sẽ được miễn phí bữa sáng”... nhan nhãn khắp phố Walking Street.

Đa phần gái “bán hoa” từ các vùng quê Bắc Thái Lan. Một cô gái mặc váy cũn cỡn cho biết, cha mẹ cô rất nghèo, làm nghề trồng lúa và chăn trâu, cô đến đây để kiếm tiền gửi về cho gia đình. Thế nhưng, điều đớn đau nhất là cha mẹ của cô vẫn tin rằng, con của họ đang làm việc cho các trung tâm mua sắm tại thành phố lớn. Khi hỏi đến con cái, cô khóc: “Tôi nhớ nhà và rất nhớ con gái. Đây không phải cuộc sống dành cho tôi. Đây là một cuộc sống thật tồi tệ”. Cô mới sinh con và làm việc ở đây khoảng 6 tháng. Gái mại dâm ở Pattaya kiếm được khoảng 28 USD/giờ, số tiền khá rẻ mạt nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với tiền công tại một nhà máy ở quê tầm 7-10 USD/ngày.

Đêm cuối ở Pattaya. Ngồi uống bia quán bar, nhìn những cô gái Thái dắt khách trên phố dài, nỗi buồn nhân thế thấm đẫm cả da thịt. Ngày mai, tôi quay về Bangkok, để lại sau lưng một thành phố tội lỗi, nơi những người đàn ông gọi là “thiên đường tình dục” và cũng là “địa ngục trần gian” của người phụ nữ, nơi họ bán thân xác để mưu sinh đất khách quê người.  

T.V.K