Điều có thể - Trầm Nguyên Ý Anh

03.10.2016

 Điều có thể - Trầm Nguyên Ý Anh

Quỳnh xăn cao ống quần lội bì bõm trong dòng nước đầy những rác thải sau mưa. Giờ này, chắc bọn trẻ đang đợi. Chiều nay giờ chủ nhiệm kéo dài nên ra trễ. Quỳnh đưa tay lên, nhìn vào chiếc đồng hồ điện tử thứ của mấy đứa con nít đeo: 6 giờ 12 phút. Lớp học tình thương nầy là một kho hàng bỏ không. Quỳnh xin tổ dân phố cho sử dụng đỡ. Mấy đứa trẻ đang nhốn nháo đứa đứng, đứa ngồi. Vừa trông thấy Quỳnh, chúng mừng rỡ: “Cô tới rồi! Tưởng bữa nay cô nghỉ chớ!”.

- Ai nói nghỉ? Bộ mấy đứa ham nghỉ lắm sao?

- Dạ đâu có!

Quỳnh đảo mắt:

- Ủa, em Bi đâu?

Thằng Bò mau mắn:

- Em mới thấy nó đi với ông gì hồi nãy.

- Ông gì là ai?

Con Lựu lớp trưởng, đứa lớn tuổi nhất trong mười bốn đứa. Mười lăm tuổi mới biết chữ A, nói nhỏ:

- Dạ, ông đó là Dũng “râu”. Ổng dữ lắm! Em thấy mấy người nghiện ma túy hay đi kiếm ổng.

- Sao em biết? Quỳnh hốt hoảng hỏi Lựu.

- Mấy người đó có khi chích thuốc rồi ngủ luôn trong hẻm. Công an rượt hoài nên em biết.

Quỳnh cảm thấy lo sợ cho Bi, thằng bé bán vé số mà cuộc đời nó đầy những đớn đau. Cái hẻm xóm bún của Quỳnh với cái hẻm Cựa Gà của nó thông nhau bằng mấy con hẻm chỉ vừa đủ một người đi. Một chiều, Quỳnh thấy thằng Bi hai tay bị trói lên vách nhà, hai chân chỉ vừa chạm đất bằng mấy ngón chân. Mẹ nó thì cầm roi quất túi bụi vô người nó. Thằng Bi kêu khóc nhưng ả lại bắt nó im. Cái kiểu đánh con như người ta tra khảo tội phạm làm Quỳnh nóng sôi lên:

- Nó còn nhỏ, sao chị đánh nó dữ vậy?

Mẹ thằng Bi trợn mắt:

- Con tôi, tôi đánh thì mắc mớ gì tới cô? Ai biểu không lo bán, bữa nào cũng ế cả đống vé số. Tiền đâu tôi bù vô?

Quỳnh nhìn những lằn roi rướm máu trên đùi, trên lưng nó mà đau đớn như chính mình bị đánh. Nó chỉ bằng thằng Út Thôi em của Quỳnh. Thấy có người can thiệp, thằng Bi không la khóc nữa. Nó năn nỉ:

- Mẹ thả con ra đi! Con hứa ngày mai không lo chơi, con sẽ bán hết mà!

- Vốn đâu nữa mà bán? Bữa nay thâm mấy chục ngàn. Ngày mai, ai cho mày lấy?

- Thâm bao nhiêu? Quỳnh vừa hỏi vừa nhìn vô cặp.

Mẹ thằng Bi thoáng chút ngạc nhiên nhưng ả cũng đáp cộc lốc:

- Sáu chục ngàn! Đâu phải ít!

Quỳnh lấy hết tiền trong cặp ra đếm. Chỉ còn năm mươi bảy ngàn. Số tiền nó phải xài từ đây đến cuối tháng. Quỳnh đưa tiền cho người đàn bà đang trố mắt kinh ngạc.

- Tôi chỉ còn bao nhiêu thôi. Ngày mai lấy vé cho nó bán. Chị thả nó xuống đi! Nó bịnh thì ai nuôi?

Ả nhìn lướt qua số tiền rồi nói trống không:

- May phước cho mày. Ngày mai mà không bán hết thì đừng hòng về nghe con!

Thằng Bi được tháo dây, nó nhìn Quỳnh rồi khoanh tay lại:

- Em cám ơn cô!

Quỳnh nói với Bi:

- Ráng đi bán! Đừng để bị đòn nữa!

- Nhà cô ở đâu? Thằng Bi chợt hỏi.

- Kêu chị thôi, nhà chị ở bên hẻm kia.

Thằng Bi tìm gặp nhà Quỳnh ở lúc Quỳnh đang xay bột. Nó tự nhiên như đã quen thân với Quỳnh từ lâu rồi:

- Mấy bữa nay em ráng bán hết nên không bị đòn. Bữa đó nếu không có chị chắc em còn bị đánh nữa.

Nó kể lể cho Quỳnh biết chuyện nhà nó. Quỳnh nghe một nỗi thương cảm ngập lòng. Ba thằng Bi không có việc làm ổn định lại nghiện rượu. Mẹ nó, cứ có tiền là đánh bài. Được đánh bài là ả vui. Không tiền, ả chửi bới lung tung. Ba nó ít khi ở nhà. Thằng Bi phải lãnh đủ những lúc mẹ nó nổi giận.

Suốt cả buổi học, Quỳnh không yên tâm. Những điều con Lựu nói đáng sợ quá! Quỳnh là một cô gái trẻ nhưng tính tình thì cứng cỏi lắm. Nhà ở quê lên thị xã học lớp mười hai. Quỳnh làm đủ mọi việc giúp dì. Cái ngày thằng Bi kể lể đủ thứ về gia đình nó và hoàn cảnh những đứa trẻ trong xóm đã khiến Quỳnh nghĩ tới chuyện mở lớp học tình thương. Nghĩ là làm. Quỳnh nhờ chính quyền cho mượn cái kho bỏ không và vận động các em tới lớp. Mười bốn đứa trẻ, mười bốn cảnh đời. Thằng Bò mỗi ngày đi hốt rác với ba nó. Có ngày về trễ không kịp tắm, nó đem theo cái mùi thum thủm vô lớp chia cho mỗi người một ít. Con Lựu đi ở đợ từ hồi tám tuổi. Nó nói với Quỳnh có đêm nó mơ thấy mình làm cô giáo.

 

Thằng Bi đã nghỉ học đúng một tuần. Ba ngày nay, Quỳnh tranh thủ đi tìm nó. Quỳnh thấy nó vừa đi với một thanh niên. Nó lấm lét khi Quỳnh hỏi:

- Sao em nghỉ học? Bận công chuyện lắm sao?

Thằng Bi ậm ờ, nó không thể nói dối Quỳnh. Nó đưa mắt có vẻ cảnh giác.

- Em với chị vô uống nước mía đi rồi em nói cho chị nghe!

Nó kể tuần tự cho Quỳnh nghe và buồn bã dặn Quỳnh đừng cho ai biết. Vì muốn có tiền đánh bài, mẹ nó cho nó đi theo Dũng “râu” là tay buôn lẻ ma túy cho các con nghiện. Thằng Bi vừa bán vé số vừa giao hàng sẽ không bị để ý.

- Mẹ không cho đi học nữa. Mẹ nói học đâu có tiền. Buổi tối, em đi theo anh Dũng vì buổi tối dễ giao hàng hơn.

Quỳnh trằn trọc suốt đêm không hề chợp mắt. Câu chuyện thằng Bi kể cứ lởn vởn trong đầu. Quỳnh thấy giận người mẹ vô lương tâm nỡ đẩy con mình vào chỗ chết. Ai dám chắc nó sẽ không đụng tới và không nghiện thứ bột giết người đó. Nhưng làm sao can thiệp bây giờ. Mình không là gì của nó và mẹ nó lại muốn nó làm chuyện đó. Quỳnh chợt nhớ tới Út Thôi. Nghĩ cho cùng, Út Thôi vẫn còn sung sướng hơn thằng Bi.

Sáng ra là chủ nhựt. Quỳnh bỏ một buổi học thêm và tìm mẹ thằng Bi nói chuyện.

- Tôi nghe chuyện thằng Bi, chị không nghĩ hậu quả sao mà để nó làm chuyện đó!

- Chuyện đó là chuyện gì? Bộ cô không có gì làm sao?

Quỳnh tức sôi lên nhưng vẫn cố dằn:

- Chị nghĩ lại đi! Nó là con của chị mà! Chị có nghĩ tới lúc nó sẽ nghiện cái thứ giết người đó! Hoặc nó sẽ bị bắt, chị đành lòng sao?

Mẹ thằng Bi hơi nao núng nhưng rồi ả cũng nói ngang:

- Tụi tui nghèo thì đụng gì làm nấy. Có dư dả đâu mà lựa chọn. Cô đừng nói gì nữa. Con tui, tui biết lo!

Quỳnh biết khó thuyết phục người đàn bà vô lương tâm này nên nói mạnh:

- Nếu chị còn để thằng Bi làm chuyện đó, tôi sẽ báo công an. Chị nghĩ lại đi!

Quỳnh nói xong, bỏ về. Mẹ thằng Bi không dè Quỳnh dữ dằn như vậy. Ả cũng không chịu thua. Ả cho Dũng “râu” biết chuyện và còn châm thêm: “Con này tày khôn lắm. Không dằn mặt nó không được đâu!”.

 

 

Trời lất phất mưa. Quỳnh đạp xe nhanh trên đường vì sợ về nhà không kịp. Vừa quẹo vào đầu hẻm, Quỳnh thấy có người đứng chận đường. Quỳnh nhận ra đó là người đi với thằng Bi hôm nọ. Gã thanh niên nói với Quỳnh như ra lịnh:

- Tôi với cô qua quán nước bên kia nói chuyện chút xíu!

- Tôi với anh làm gì có chuyện nói? Quỳnh cứng cỏi đáp.

- Cô biết nhiều chuyện lắm mà! Sao lại không?

Quỳnh nghĩ nhanh “Dẫu sao cũng thử coi gã nói gì”. Quỳnh cũng muốn tìm hiểu thêm về người này. Hai người qua quán cà phê bên kia đường. Quỳnh quan sát thấy gã chỉ lớn hơn mình chừng vài tuổi. Chính bộ ria đã làm gã có vẻ già hơn đôi chút. Gã cũng nhìn chằm chằm Quỳnh. Gã kêu hai ly cà phê đá và “làm việc” liền.

- Cô là học sinh lớp mười hai phải không? Cô còn lãnh dạy mấy đứa trong xóm. Như vậy chưa đủ mệt hay sao mà còn xen vô việc làm của người khác?

Quỳnh cũng không vừa:

- Tôi không cho là việc của người khác. Tôi dạy thằng Bi học và tôi coi nó như em mình. Nó vô phước sanh ra trong một gia đình cha mẹ chẳng ra gì. Mới bao nhiêu tuổi đã phải kiếm tiền cho mẹ nó cờ bạc, lại còn bị đánh đập chẳng nương tay. Anh có thấy những cảnh đó không? Nếu anh ở vào hoàn cảnh nó, anh sẽ biết thế nào là đau khổ.

Dũng “râu” ngồi nghe Quỳnh nói một hơi mà trong lòng lại có chút thán phục. Đứa con gái này cũng dữ thiệt. Gã uống một hơi cạn ly cà phê rồi móc thuốc châm một điếu. Gã nhìn Quỳnh bằng cái nhìn có chút giễu cợt:

- Cô tưởng tôi sanh ra trong một gia đình giàu có và được cưng chìu sao? Cô nhìn nè - gã kéo tay áo cho Quỳnh thấy mấy vết sẹo sâu hoắm ở bắp tay, rồi tiếp - Cha dượng tôi đánh đập tôi đến nông nỗi này, lúc đó, tôi còn nhỏ hơn thằng Bi nữa kìa! Tôi trốn nhà đi bụi và lăn lóc kiếm ăn tới bây giờ. Thằng Bi còn đỡ hơn tôi nhiều!

Quỳnh như bị sốc trước câu chuyện đời của Dũng “râu”. Bỗng dưng, nó thấy con người này chưa đến nỗi “dễ sợ” như con Lựu diễn tả. Quỳnh chân thành hơn:

- Tôi xin anh đó! Để thằng Bi đi bán vé số rồi đi học. Anh đừng để nó làm chuyện này nữa. Tôi không dám xen vào việc của anh. Nhưng tôi thương thằng Bi. Nó giống như thằng em út của tôi ở dưới quê vậy!

Dũng “râu” rít một hơi thuốc sâu tưởng chừng đã chứa khói đầy hai buồng phổi. Gã chầm chậm nhả khói và ra chiều nghĩ ngợi. Đôi mắt gã chợt xa xăm, đôi mày hơi nhíu lại. Mãi một hồi gã mới nói chầm chậm:

- Thôi được! Một mình nó cũng không nhiều việc của tôi. Nghĩ cho cùng, cô cũng khá lắm! Từ lúc ra đời lăn lộn kiếm ăn tới giờ, tôi chưa nghe ai dạy đời hay chỉ biểu đâu. Chắc tại mạng cô lớn hơn mạng tôi.

Dũng “râu” kêu tính tiền thì trời bắt đầu mưa. Gã ngồi xuống hỏi tiếp:

- Ở dưới quê chắc gia đình cô làm ruộng hả?

- Ừ! Ba má tôi có mấy công ruộng, mấy công vườn. Hai thằng em tôi cực khổ lắm. Tôi ráng học để sau này giúp đỡ gia đình. Hai đứa nó cũng ham học. Tôi muốn chúng được học hành tới nơi tới chốn.

- Cô có phước hơn tôi nhiều. Có cha mẹ biết lo cho mình thì dù nghèo cũng được!

Quỳnh ngồi phía trong nên có điều kiện nhìn kỹ người đối diện. Nếu gã ăn mặc đàng hoàng một chút, sẽ giống mấy đứa bạn học của nó thôi. Chỉ một chút phong trần đã làm gã dễ sợ hơn.

- Cô thấy tôi ghê lắm không? Dũng “râu” chợt hỏi.

- Không đâu! Nhìn anh cũng bình thường nếu anh ăn mặc đàng hoàng một chút.

Dũng “râu” bật cười. Quỳnh ngạc nhiên vì cái cười hồn nhiên đó. Dũng “râu” chợt nín cười rồi hỏi:

- Cô có đi tố cáo tôi không? Nói đi, để tôi lo liệu!

- Tôi chỉ không muốn thằng Bi dính vào chuyện này vì nó còn nhỏ quá. Còn anh, anh làm thì anh chịu. Tôi tố cáo làm gì. Nhưng nếu anh nghe, tôi cũng khuyên anh đừng làm nữa!

Dũng “râu” lại cười. Lần này, gã cười lâu hơn và ánh mắt nhìn Quỳnh đầy thiện cảm.

- Thôi! Về đi cô giáo! Bữa nay tôi vui lắm!

Không biết Dũng “râu” giải quyết thế nào với mẹ thằng Bi mà hôm sau, nó lại đi học. Nó khoe với Quỳnh:

- Bây giờ em đi bán vé số ban ngày thôi. Buổi tối phải đi học bài.

- Mẹ biểu em vậy hả?

- Anh Dũng vô nhà nói gì với mẹ đó! Mẹ sợ anh Dũng lắm!

Quỳnh chợt nghĩ tới Dũng. Con người này sẽ không trở thành kẻ xấu nếu có được một hoàn cảnh tốt.

 

Quỳnh vô chưa tới nhà đã thấy thằng Bi mặt mày buồn xo đứng ở cổng.

- Chị ơi! Anh Dũng bị bắt rồi! Nó mếu máo nói.

- Hồi nào? Ở đâu? Quỳnh hỏi dồn.

- Hồi sáng này. Ảnh bị công an rượt ngoài chợ. Ảnh chạy vô tới đây, quăng cái này biểu em đưa cho chị. Ảnh chạy vòng qua hẻm bên kia thì bị chận đầu.

Quỳnh nhìn cái cuộn giấy được bọc kỹ trong một bọc ni-lông. Không hiểu sao Dũng lại biểu đưa mình cái này. Quỳnh mở ra, thấy một bao thơ xếp đôi cuộn lại và mấy tờ giấy bạc. Quỳnh xé thơ, mấy dòng chữ nguệch ngoạc hiện ra: “Quỳnh ơi! Đêm nay tôi không ngủ được. Chiều nay gặp Quỳnh, tôi như bắt gặp một niềm hạnh phúc lớn lao mà tôi chưa bao giờ có trong suốt quãng đời đau khổ gian truân của tôi. Quỳnh giống như một bà tiên đã cho tôi thấy cuộc đời này còn có người tốt và còn tin cậy được. Có lẽ một ngày gần đây, tôi sẽ sắp xếp cuộc đời mình theo một hướng khác. Tôi mong mình được Quỳnh coi như bạn (không biết như vậy có quá đáng không? Quỳnh có cười tôi không?). Tôi biết hoàn cảnh thằng Bi nên không đưa tiền cho mẹ nó. Tôi gởi Quỳnh chút tiền này mua tập vở cho nó học. Tôi thương nó vì Quỳnh đã thương nó. Rất mong được Quỳnh trả lời”.

Dũng

 

Những giọt nước mắt thi nhau lăn dài trên má Quỳnh. Hình ảnh Dũng hiện ra với ánh mắt buồn bã xa xăm. Quỳnh tưởng tượng Dũng, hai tay bị còng, đi giữa hai người công an, đầu cúi xuống. Hãy vững tin đi! Nếu anh còn nhận ra con đường mình đi là con đường tội lỗi thì còn quay lại kịp mà. Tôi sẽ là bạn anh, Dũng à! Tôi tin anh sẽ là người tốt.

Thằng Bi nhìn Quỳnh. Nó không hiểu anh Dũng viết gì mà chị Quỳnh lại khóc. Quỳnh chợt nắm tay Bi:

- Anh Dũng cho em tiền mua tập vở. Anh Dũng biểu em ráng học!

- Nhưng ảnh ở tù không biết chừng nào ra!

Phải có ngày ra thôi! Quan trọng là Dũng phải thoát ra khỏi kiếp người tăm tối kìa! Quỳnh nghĩ thầm như vậy. Trời lại trút xuống một cơn mưa.

T.N.Y.A