Về miền đất thủy tổ Thuận Thành

07.05.2024
Hồ Sĩ Bình

Về miền đất thủy tổ Thuận Thành

Một số di tích ở Thuận Thành: Chùa Dâu, Thành cổ Luy Lâu, Chùa Tổ (Phúc Nghiêm tự) Man Nương, chùa Bút Tháp.

Những lần trở lại Thuận Thành, mảnh đất phía nam tỉnh Bắc Ninh, tôi luôn cảm thấy dâng trào cảm xúc với niềm xác tín về lịch sử và văn hoá của dân tộc, biểu hiện thông qua hiện thực trong một cảm giác khi trở lại với nguồn cội bên đôi bờ sông Đuống.

Theo tư liệu Thuận Thành là một vùng đất cổ, nơi mà dân tộc Việt đã có mặt từ 3.500 năm trước. Thời Bắc thuộc, Quận trị quận Giao Chỉ đặt tại thành Luy Lâu nay thuộc Thuận Thành. Năm 966, Lý Khuê giữ đất Siêu Loại làm một trong 12 sứ quân. Dưới triều vua Trần Nhân Tông, chùa Bút Tháp được xây dựng. Huyện Thuận Thành còn lưu giữ nhiều di sản văn hoá Kinh Bắc gồm 22 di tích quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 6 bảo vật quốc gia cùng những di tích cổ như chùa Bút Tháp, chùa Dâu, thành cổ Luy Lâu thời Bắc thuộc... Về đến đất Thuận Thành, tôi như bước đi trên vùng đất tâm linh hành hương về nguồn cội, cứ mênh mang suy nghĩ giữa hư và thực, giữa huyền sử và chính sử, giữa tự hào, khát khao và khói sương huyền hoặc. Vùng đất ấy đầy cả hào khí, chính khí của con người và đất trời giúp ta chiêm nghiệm biết bao điều.

Trong nhiều di tích của Thuận Thành tôi thường ghé thăm chùa Dâu, Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, hai nơi để lại tâm thức sâu đậm về văn hóa và lịch sử cổ xưa nhất và luôn chứa đựng những trầm tích thăm thẳm của nguồn cội. Chùa Dâu được xem là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, qua dâu bể thăng trầm đã từng hư hại, đổ nát do chiến tranh nhiều lần sửa chữa, tôn tạo trải qua 1.800 năm. Một cột mốc thời gian dài đăng đẳng làm ta phải giật mình không thể hình dung ra nổi. Những con số mà nhiều khi lớt phớt đọc qua đã không làm cho ta chú ý và dừng lại nghĩ suy, biết bao triều đại phong kiến thịnh suy theo vận nước nổi trôi cùng những cuộc chiến tranh giữ nước từng thời kỳ đầy bi hùng. Khi tìm về chùa Dâu, tôi đặc biệt quan tâm đến những giá trị tâm linh riêng có. Đó là ngôi chùa đầu tiên nước ta, được du nhập đạo Phật từ Ấn Độ qua. Điều đáng lưu ý ngoài việc thờ Phật, chùa cũng có thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu, thể hiện ý thức trọng nữ, trọng nghĩa tình trên tinh thần của tín ngưỡng thuần Việt. Bên cạnh còn thờ Phật Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) hay còn gọi là Mây-Mưa-Sấm-Chớp thể hiện tín ngưỡng dân gian gắn bó sinh hoạt với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước Thuận Thành. Ngoài ra chùa còn thờ Đức Thạnh Quang - biểu tượng của thần Shiva trong Ấn Độ giáo.... thể hiện tinh thần kết hợp tôn giáo bản địa và các tôn giáo trong khu vực nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

Chưa nói đến, cách tổ chức không gian kiến trúc và văn hóa tín ngưỡng hết sức tuyệt vời mang bản sắc văn hoá dân tộc, gần gũi, ấm áp trong hương khói tâm linh. Mấy lần tôi về thăm chùa Dâu, lòng tôi như lắng đọng tâm tư, dường như bao nhiêu thị phi bức bối như không còn chỗ trong tâm trí. Chùa Dâu còn là một công trình có một quần thể liên hoàn chiếm diện rộng lớn nhưng trong tôi vẫn bàng bạc một cảm giác, chùa là một sơn tự thân thuộc như ở làng quê của mình.

Thời Bắc thuộc, dưới sự áp bức chà đạp của người phương Bắc nên người dân cần một nơi nương tựa về mặt tinh thần, cần một nơi chốn để cầu xin về một cuộc sống yên bình no đủ. Đạo Phật ở Ấn Độ vốn là một tôn giáo dân gian luôn hướng đến những tầng lớp nghèo khổ nhằm chống lại chế độ phân biệt giai cấp xã hội nên khi đến Việt Nam đã sớm được người dân tiếp nhận. Đó là những điều kiện và hoàn cảnh khởi nguồn trong quá trình hình thành đạo Phật ở khu vực Thành Luy Lâu xưa (Thuận Thành bây giờ). Có lẽ những tranh treo gà trống, chú mèo, chú chuột, lợn, bầy gà mẹ và con... bao giờ cũng tươi vui khỏe khoắn thể hiện một khát vọng sống lạc quan yêu đời của người dân từng trải qua cuộc sống khó khăn vô vàn của miền đất Thuận Thành xưa.

Chị Nguyễn Thị Oanh, nghệ nhân ưu tú ở làng tranh Đông Hồ cho biết, hiện nay số hộ làm tranh của làng nghề đã không còn nhiều nhưng gia đình chị vẫn giữ lấy nghề, cả nhà đều tham gia. Đã mấy chục năm làm nghề, chị Oanh vẫn trung thành với cách chế bản tranh theo truyền thống, và sẽ tiếp tục làm cho đến khi sức khoẻ không còn, chị nói rất dứt khoát... Từng đi nhiều làng nghề khắp cả nước, tôi chứng kiến biết bao làng nghề đã chịu nhiều cơn bão của nền văn minh cơ khí hiện đại và kinh tế thị trường đã bị tan hoang, hoang phế. Trước khi đến làng tranh Đông Hồ, tôi tìm đến thăm làng gốm Hương Canh lừng lẫy một thời, giờ chỉ còn hai nhà còn giữ nghề, sản phẩm cũng lèo tèo đến tội nghệp. Thế nhưng khi nghe vợ chồng chị Nguyễn Thị Oanh nói, tôi không khỏi ngỡ ngàng, như được thắp lại niềm vui nhỏ trước câu hỏi tồn tại hay không tồn tại trong một ý thức chung thẩm của một người làm nghề.

Tôi gặp lại sông Đuống trong một buổi sáng gió mùa Tây Bắc rét ngọt, con sông đã chảy vào lòng tôi từ những ngày mới lớn, cứ mong ước được đến nơi để ngắm nhìn sông và bãi ven sông “xanh xanh bãi mía bờ dâu ngô khoai biêng biếc” trên quê hương của Hoàng Cầm. Về điểm này, văn chương luôn có những điều kỳ diệu, chỉ cần một bài thơ, một áng văn xuôi tuyệt phẩm nói đến một nơi chốn nào đó, không cần phải giới thiệu thông tin quảng bá, tức khắc khách du lịch đều tìm đến như trường hợp Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, những bài thơ về Tây Bắc của Quang Dũng... Với Hoàng Cầm là Bên kia sông Đuống, về Kinh Bắc thủy chung một tình yêu mê đắm về mảnh đất và con người nơi ông đã sinh thành... luôn làm người đọc bị quyến dụ bởi một giọng thơ thăm thẳm u uất dào dạt tình yêu thương của vĩnh hằng.

Qua khỏi cầu Kinh, nhìn chếch phía tả ngạn sông Đuống là khu Lăng và đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương hướng mặt nhìn ra sông, một thế đất phong thủy “tiền thủy hậu sơn”. Theo tư liệu cả ngành văn hóa thể thao tỉnh Bắc Ninh thì tổng diện tích Lăng là 42.000m, Khu đền thờ An Dương Vương và Lạc Long - Âu Cơ có tổng diện tích là 2.347m. Đền đã được Vua Minh Mạng cho tu bổ và dựng bia năm 1820. Ngay vào cửa đền có một bia nhỏ đề chữ Hạ Mã: Xuống ngựa - để cho người đến viếng thể hiện lòng kính trọng, tri ân đối với vị vua Thủy tổ của dân tộc.

Trong đền nhiều di vật, tài liệu được bài trí khá phong phú có giá trị về nhiều loại hình nghệ thuật. Ba bộ ngai thờ đặt ở hậu cung: Ngai thờ Kinh Dương đặt ở giữa, bên phải là ngai thờ Lạc Long Quân, bên phải là Âu Cơ được thiết kế rất trang nghiêm phong thái sắc diện của quân vương. Kinh Dương Vương là vị vua đầu tiên của dân tộc Bách Việt (dân tộc Việt) có tên nước là Xích Quỹ từ hơn 4500 năm trước. Ngài là thân phụ của Lạc Long Quân lấy công chúa của một vị vua khác là Âu Cơ làm vợ, và huyền tích trăm trứng con Lạc cháu Rồng cũng xuất phát từ đây - vùng đất thủy tổ Thuận Thành. Đừng nghĩ về giai đoạn khởi thủy này chỉ là huyền sử mang tính chất thần thoại nhưng những câu chuyện ấy đều bắt nguồn từ chính đời sống của người xưa được thêu dệt nhằm giải mã những ẩn mật trước hiện thực, xa hơn thể hiện lòng khao khát và nỗi tự hào của người xưa về nguồn cội dân tộc.

Đã đến đây không chỉ một lần, ít khi xuất hiện lớp trẻ, nhất là thanh niên đến viếng lăng, phải chăng ý niệm về nòi giống, nguồn cội đã không được người lớn dạy dỗ kỹ càng, trường học, giáo dục cũng ít quan tâm đã làm cho lớp trẻ thờ ơ với vùng đất linh thiêng chăng? Ngày trước tôi nhớ có đọc đâu đó, có một nhà văn từng nói rằng, trước đây người xưa gọi vùng đất thủy tổ nhà là Thậm Thình sau này mới đổi là Thuận Thành, thú thật tôi tìm lại những tư liệu tại địa phương vẫn không thấy ai nhắc đến điều đó.

Tôi nhìn xuống sông Đuống trong mối cảm hoài với thế sự....

H.S.B