Truyện của Nguyễn Nho Minh Uyên

07.05.2024

Truyện của Nguyễn Nho Minh Uyên

Minh họa Hồ Đình Nam Kha.

Nguyễn Nho Minh Uyên sinh ngày 20/2/2003 tại thành phố Đà Nẵng. Hiện đang là sinh viên năm thứ 2 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Minh Uyên có niềm yêu thích văn học và khả năng sáng tác ngay từ lúc học phổ thông, Uyên đã 2 lần tham gia Trại sáng tác Văn học và Mỹ thuật thiếu nhi hè do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng tổ chức. Và cả 2 lần tham gia Trại sáng tác Uyên đều đạt giải cao: Giải C năm 2017, giải B năm 2019.

Bên cạnh đó Minh Uyên còn đoạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi viết khác như: Giải Cây bút triển vọng cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU cấp Quốc gia năm 2019; Giải Nhất cuộc thi review, phê bình điện ảnh Cuộn mình xem phim do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2022... Ngoài sáng tác truyện ngắn, Minh Uyên còn viết phê bình văn học, một số tác phẩm đã được đăng ở các tạp chí trong nước.

Trong số này, Tạp chí Non Nước trân trọng giới thiệu 2 truyện ngắn của tác giả trẻ Nguyễn Nho Minh Uyên đến bạn đọc.

 

YÊU THƯƠNG

Dưới những cơn mưa giông tăm tối xé toạc cả bầu trời, Sơn nghe lòng mình tahắt lại từng quãng, giống như những giọt nước buốt rát đang cào xé màn đêm. Ai hiểu nỗi lòng mình, Sơn đau đớn nghĩ. Chiếc xe đạp quèn gỉ sắt, đôi dép cao su mòn rách rưới, cái áo ba lỗ tạm bợ, mái đầu ướt nhẹp và dáng đi khập khiễng nhỏ bé, cả cuộc sống như đang chống lại Sơn - cái bóng hình còm cõi đen nhẻm ấy. Không, đấy chả là thứ gì cả, Sơn vẫn vui vẻ với sự nghèo hèn kia, vẫn nhảy múa và ca hát cùng anh chị trong làng vào những đêm trăng sáng mặc cho đói khát thế nào. Sơn buồn rười rượi, đau khổ khi biết mình không có ba mẹ. Đêm nay, mưa đã rơi thật to trong tấm lòng cô quạnh bé nhỏ của Sơn.

Những ngày còn bé, Sơn được ấp iu trong vòng tay anh chị, bên mẹ tảo tần. Mẹ có một mùi hương rất ấm áp, dáng vấp mẹ lớn và an toàn biết bao. Mẹ lo cho Sơn và rất nhiều anh chị, mười bốn hay mười lăm người, Sơn không biết vì khi ấy còn bé quá, nhưng Sơn nhớ rõ gương mặt từng người. Chị Nhi với đôi mắt lay láy, chị Sương cao cao rất hay dẫn Sơn ra chợ, anh Hải thì hay đi câu cá và dẫn Sơn đi cùng,… nhiều lắm, ai cũng yêu Sơn vì Sơn là em út. Nhưng Sơn chưa bao giờ tự hỏi, vì sao trong nhà không có ba, hay vì sao chẳng ai giống mẹ - đôi mắt nâu và nụ cười mảnh ngọt ngào của mẹ. Vì sao mẹ lại có nhiều con thế mà bạn bè trên trường Sơn chỉ có một, hai anh chị em? Có người hỏi, Sơn chỉ cười khì khì và sung sướng nói mẹ chẳng cần ba hay bất kỳ ai, mẹ có nhiều con vì mẹ yêu anh chị và yêu Sơn. Chỉ thế thôi là Sơn lại quên ngay, cậu bé nhỏ thó ấy lại tung tăng nhảy chân sáo về nhà, sà vào lòng mẹ và ngôi nhà chật chội mà ấm cúng ấy.

Hôm kia, trong nhà có một bé trai khác xuất hiện, đỏ hỏn xấu xí và hay quấy khóc mẹ về đêm. Thế là Sơn không còn là em út, vì đứa trẻ này chỉ mới chui ra khỏi bụng mẹ, và thế là bụng mẹ xẹp đi không giống trước nữa. Sơn thấy thương mẹ vì nghĩ bụng mẹ phải đau hơn nữa khi Sơn và anh chị chưa được sinh ra. Mẹ mệt nhiều vì đứa trẻ, nhưng mẹ cười vui lắm. Nét mặt rạng rỡ của mẹ cứ chăm chú vào thằng nhỏ hay khóc nhè kia, các anh chị cũng vây quanh dỗ dành nó, anh Hải cù lét nó, chị Nhi hát cho nó nghe,… ai cũng vui mừng. Chỉ mỗi mình Sơn ngồi một góc nghĩ ngợi đâu xa xăm lắm. Mẹ chẳng còn để tâm tới Sơn như trước, trong bàn ăn chẳng còn gắp cho Sơn miếng thịt mỡ thơm, mà mãi đút từng miếng cháo nhuyễn cho thằng bé. Về đêm, Sơn nghe mẹ hát ru đứa trẻ, thơm đứa trẻ trong tiếng cười khúc khích. Tự nhiên Sơn thèm chúng quá, tự nhiên Sơn ước mình là thằng bé xấu xí kia, hay là ước chi thằng bé kia không xuất hiện thì mẹ và anh chị sẽ mãi yêu Sơn nhất nhà.

Có một hôm, Sơn bạo dạn nói suy nghĩ mình ra. Chắc là khi nói, mẹ sẽ thút thít khóc và trách sao Sơn không nói sớm, mẹ sẽ bỏ thằng bé sang một bên và chăm lo cho Sơn, các anh chị sẽ lại dẫn Sơn đi chơi chợ, đi ra sông bắt cá, bắn chim và hái trộm xoài hàng xóm,… Vui biết bao, sung sướng biết bao… Sơn thấy râm ran khắp người khi tưởng tượng mọi chuyện sẽ trở về như cũ. Phải nói ngay thôi cho mẹ hiểu. Sơn nghĩ vậy và rút hết can đảm nói thành lời trong bàn ăn tối nay. Và Sơn háo hức chờ đợi ngay khi dứt lời…Và rồi, có một nốt lặng ngân dài bao trùm lấy không khí. Tiếng lách cách chén đũa dừng hẳn, mọi người ngẩng mặt lên nhìn Sơn và nhìn nhau. Dường như Sơn chỉ nghe thấy tiếng quạt vù vù bên cạnh. Chẳng ai nói gì, mẹ Sơn run run và chị Sương bối rối xoa lưng mẹ. Sơn thấy sợ sự im lặng ấy, như thể Sơn đã làm một điều gì khủng khiếp…

- Khi nào em mới lớn hả Sơn, sao em vẫn còn ích kỷ như thế? - Anh Hoàng nghiêm nghị nhìn vào Sơn - “Mẹ yêu cu Bo vì cu Bo còn nhỏ, vì cu Bo là con ruột của mẹ, còn ta chỉ là con…

- Hoàng! - Anh Hải lên tiếng bất ngờ, ngắt ngay câu nói còn đang lỡ dở, và rồi im lặng.

- Con ruột… - Ký ức chợt ùa về như một mớ hỗn độn nhão nhoẹt và nặng nề. Sơn chợt nhớ cái hôm chiều chủ nhật, một đám con nít tự nhiên ném đá vào người Sơn và gọi xấc xược kêu vang: “Đồ không có cha mẹ!”. Sơn chỉ bực bội chút ít rồi quên bẵng đi. Nhưng… nếu thế thì Sơn chỉ là con nuôi mẹ nhặt ngoài đường. Nếu thật là như thế, tại sao Sơn không hề biết. Hóa ra… vì sao mẹ không thương Sơn nhiều như thằng nhỏ… vì Sơn là con nuôi, Sơn không có cha mẹ…

Sơn đen nhẻm chạy vụt ra khỏi đường trong gương mặt giàn giụa nước mắt tràn ngập nỗi đau, niềm tủi hờn. Vớ lấy cái xe đạp quèn của mình, Sơn đạp vun vút trong đêm mưa lạnh giá. Sơn khóc nức nở. Hóa ra không phải ai cũng được yêu thương. Cha mẹ Sơn bỏ rơi Sơn ở một ngôi nhà lạ hoắc, mẹ của Sơn chỉ là một người lạ. Vậy nên Sơn không được yêu thương nhiều là như thế, phải không? Sơn tự hỏi và rồi lại khóc, và rồi lại ngẫm nghĩ và khóc, mệt mỏi và rã rời…

Lúc này, khi bước bộ bên cái xe nhỏ cũ kỹ của mình, trời đã tạnh mưa và quang đãng hơn. Lòng Sơn chợt thấy cũng sáng sủa kỳ lạ. Sơn bước về nhà vào một sớm mai tạnh nắng, chợt thấy mình trưởng thành đi ít nhiều. Mẹ đang ngồi lặt rau trong xó bếp, nhìn bóng mẹ vất vả, Sơn cảm động, muốn chạy đến ôm mẹ. Vì Sơn đã thấu hiểu ra nhiều điều, không phải là “không phải ai có quyền được yêu thương” mà là “ai cũng xứng đáng được yêu thương”, cả Sơn, anh chị Sơn, cu Bo và cả con người nhỏ bé vất vả của mẹ nữa…

MƯA

Gió nhè nhẹ thổi, bắt đầu lạnh hơn và mạnh hơn. Trong phút chốc, ánh nắng gắt của trời chiều mảnh khảnh đi, chỉ còn gió và những đám mây đặc màu vây bủa trên vòm trời lạnh. Mưa bắt đầu tí tách rơi. Giọt mưa lấm chấm trên mái tóc, thấm qua lớp áo len mỏng, mưa của mùa đông lạnh và buốt hơn mọi khi, khiến người ta phải rùng mình và chạy vội trên lề đường - những thửa gạch nhem nhuốc và trơn trượt. Tôi định bụng sẽ ghé vội vào một quán cà phê nhỏ trước khi ướt nhẹp và run rẩy vì mưa nặng hạt.

Từ phía xa, một cậu bé chạy nhanh qua những tán cây và vũng nước mưa, đôi chân cậu thoăn thoắt sải những bước rộng, môi cậu mím chặt trên làn da đen nhẻm lấm chấm nước. Tay cậu vung vẩy một chiếc dù màu đỏ sẫm. Và tôi tự hỏi sao cậu không dùng nó che mưa? Tôi đã tìm thấy một chỗ trú chân cho mình, dõi mắt theo bóng cậu bé lách mình nhanh nhảu trên làn mưa đặc. Những người đi đường giật mình tránh cái mũi tên lao vun vút trong mưa ấy, nhăn nhó như thể ấy là điều phiền phức lắm.

- Này nhóc, ướt hết áo vợ tôi rồi này, chạy đi đâu đấy, còn không xin lỗi?.

Một ông chú nhíu mày la lối, cô vợ trẻ bên cạnh xách tà váy áo lên. Dưới tán dù, họ trông như một đôi thiên nga xinh đẹp và duyên dáng, bị vấy bẩn chút ít bởi bước chân vội vàng của cậu bé nọ.

- Cháu xin lỗi!

Tiếng cậu vang dài, nhưng chỉ thế thôi. Con gà con đen nhẻm ấy lại lao đi vội vàng. Chiếc dù nhỏ trên tay hình như bị bỏ quên mất, vì tâm trí cậu đang mải mê một thứ gì khác. Một thứ gì đó ẩn sau màn mưa dày và lạnh buốt? Sau cơn gió nhè nhẹ đủ làm cho nguời ta siết chặt lớp áo mảnh, sau vũng nước bùn nhơ nhớp dưới chân hay chăng?

- Bọn trẻ nghịch ngợm gớm ấy, cháu nhỉ? Mưa to đã thế rồi, lại còn chạy nhảy lung tung làm ướt người khác. Cái thằng nhóc ấy rõ là có cây dù trong tay mà. - Bà bán nước tặc lưỡi nói, như một câu mời đầu chào hỏi: “Cháu có muốn uống gì không?” - Bà tiếp lời. Tôi nhoẻn miệng cười và gọi một thức uống.

Có ai quan tâm, nhưng mà trông bóng hình nhỏ thó của cậu bé, tôi thấy tò mò lạ.

Mưa vang tiếng giòn và to, âm vang dội vào lòng người.

Một lần nữa, tôi phóng mắt ra xa ngắm màn mưa đặc, va nhau trắng xóa. Có cái ô dù đo đỏ hiện lên, rõ dần, rõ dần. Và bóng dáng gầy gò, nhỏ thó của cậu bé cũng hiện ra, nhưng còn ai đó nữa: một người phụ nữ mảnh người trung niên đi bên cậu, vai đeo giỏ nhựa lỉnh khỉnh đồ chơi bán rong, tay ôm lấy mái đầu ướt nhèm của cậu. Hai người bước thoăn thoắt dưới mái dù đỏ khô ráo và ấm áp mà cậu nhón chân che, nụ cười khúc khích trên khóe miệng. Tôi thấy hình hài của đôi thiên nga, không phải vì lớp quần áo xinh đẹp, mà vì gương mặt bừng sáng dưới mưa, vì cách mà cậu vội vã che mưa cho người phụ nữ mà tôi tin chắc là mẹ cậu. Bởi cái áp má nựng nịu và cái thơm ngọt mà người phụ nữ yêu thương dành cho con mình, đó không phải là điều kỳ lạ khiến cậu quên mưa làm đẫm ướt thân mình, chỉ trông thấy bóng mẹ đang chật vật dưới làn mưa lạnh hay sao?

Như Van Gogh từng nói: “Không có gì nghệ thuật hơn là yêu người khác”. Tôi thấy lòng mình se lại trước bức tranh nghệ thuật về một tình yêu muôn thuở, nhưng thể hiện theo cách khác. Bà chủ quán hình như cũng nhìn thấy cảnh tượng ấy, bắt gặp ánh nhìn tôi, và mỉm cười bối rối. Hình như bà cũng nghĩ như tôi vậy.

N.N.M.U