Gỡ vướng để điện ảnh Việt cất cánh

22.04.2021
Minh Khuê
Hành lang pháp lý vững chắc sẽ góp phần đưa điện ảnh Việt phát triển thành một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.

Gỡ vướng để điện ảnh Việt cất cánh

Phim “Bố già” lập kỷ lục với doanh thu vượt mốc 400 tỉ đồng (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện Luật Điện ảnh, góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TP HCM sáng 19-4. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, mong mỏi kiện toàn hệ thống luật, tháo gỡ vướng mắc và góp phần đưa điện ảnh Việt Nam thực sự trở thành ngành công nghiệp xứng tầm với tiềm năng.


Chưa khai phá hết tiềm năng

Điện ảnh Việt Nam những năm qua đã có sự phát triển ngày càng nhanh. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, điện ảnh Việt gặp khó nhưng điều đó cũng không khiến thị trường mất đi những tác phẩm có doanh thu vượt mốc 100 tỉ đồng. Quý I/2021, điện ảnh Việt đón nhận thành công vang dội của phim "Bố già" do Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đạo diễn, khi đạt doanh thu vượt mốc 400 tỉ đồng sau một tháng công chiếu. "Bố già" lập kỷ lục chứng tỏ tiềm năng lớn của thị trường phim Việt đang trong tình trạng chưa được khai phá hết.

Ông Sim Joon Beom, nguyên Tổng Giám đốc CJ CGV Việt Nam, từng khẳng định: "Thị trường điện ảnh Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. Nếu bảo vệ được "vòng xoắn tăng trưởng", giúp mọi người đến rạp thường xuyên hơn, các nhà sản xuất dùng chính lợi nhuận đó để tái đầu tư thì sẽ giúp quy mô thị trường điện ảnh Việt ngày càng mở rộng hơn. Với đà phát triển này, Việt Nam sẽ nằm trong tốp 5 quốc gia có thị trường điện ảnh phát triển trên thế giới trong vòng 5-7 năm tới".

Tuy nhiên, để thị trường điện ảnh Việt phát triển bền vững, khai phá hết tiềm năng vốn có, tăng số lượng phim hằng năm, mở rộng thị phần cạnh tranh với phim ngoại, nhất là trở thành một trong những ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thì cần một hành lang pháp lý phù hợp, tháo gỡ những vướng mắc, tạo niềm tin cho người làm nghề.

Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được góp ý nhiều lần và lần này, những vấn đề đưa ra cũng xoay quanh chuyện phát hành phim, vai trò quản lý của nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển điện ảnh, thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh… Đặc biệt, vấn đề được nhấn mạnh trong hội nghị là đào tạo nguồn nhân lực để mang đến một nguồn lực chuyên nghiệp, đủ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành.

Trong tham luận trình bày tại hội nghị, PGS-TS Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - cho rằng ở bất cứ quốc gia nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào, nền công nghiệp điện ảnh cũng chỉ có thể phát triển đủ tầm, đủ lực khi được nhà nước quan tâm, có những biện pháp hiệu quả nhằm hình thành và kích hoạt môi trường hoạt động. Các lực lượng xã hội ngoài nhà nước khi có đủ điều kiện và tự giác tham gia hoạt động văn hóa sẽ bồi bổ thêm năng lượng cho hoạt động văn hóa, trong đó có điện ảnh. "Luật pháp vô cùng quan trọng để góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh" - PGS-TS Trần Luân Kim khẳng định.



Điểm tựa phát triển


Bà Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến, phát triển điện ảnh Việt Nam - cho rằng công nghiệp điện ảnh là xu thế phát triển tất yếu ở các nước, là bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa. Vì thế, công nghiệp điện ảnh cần được đặt vào trung tâm Luật Điện ảnh (sửa đổi) để giúp lý giải khái niệm, tạo sự thống nhất giải thích và định hướng rõ ràng. Đối với phim do nhà nước đặt hàng, cần quy định rõ các tiêu chí về đề tài, nội dung để định hướng về sáng tác.

"Luật cũng cần cơ chế ưu đãi thuế, về đầu ra của phim đặt hàng, việc nhà nước mua bản quyền những bộ phim chất lượng về nội dung và nghệ thuật để khuyến khích các nhà sản xuất phim tiếp tục làm ra những bộ phim tốt hơn. Muốn phát triển việc hợp tác sản xuất phim và cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài, cần có những quy định cụ thể và minh bạch ở thủ tục, ưu đãi, cơ chế" - bà Ngô Phương Lan đề xuất.

Theo bà Phương Lan, luật cần có quy định hạn chế chiếu phim đối với những phim phân loại cao nhất, bởi nếu chiếu tràn lan thì việc phân loại giống như tác nhân kích thích người đi xem. "Chúng ta không thể ngừng nhập phim ngoại do cam kết khi gia nhập WTO nhưng luật cần quy định rõ nhà phát hành phải giữ tỉ lệ phim Việt là bao nhiêu, tỉ lệ buổi chiếu là bao nhiêu trong ngày/tuần/tháng. Tương tự, mỗi cụm rạp cũng phải giữ tỉ lệ phim Việt như vậy. Đây là cơ chế rất quan trọng để bảo vệ phim Việt, phát triển công nghiệp điện ảnh" - bà Lan đặt vấn đề.

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhìn nhận: "Việc nâng chất lượng phim Việt lên cao là công tác hàng đầu, bởi như thế, nhà sản xuất mới có thể chủ động hơn trong thương thảo với phía hệ thống rạp".

Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất góp ý cần có cơ chế bảo hộ điện ảnh Việt trước phim ngoại, có "giờ vàng" cho phim điện ảnh Việt, cần xóa khoảng cách giữa truyền hình và điện ảnh trong vấn đề kiểm duyệt...

Trước những ý kiến đóng góp, bà Hoàng Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng Luật Điện ảnh (sửa đổi) là một điểm tựa để phát triển công nghiệp điện ảnh.

Hội đồng Kiểm duyệt trung ương luôn mở với phim Việt, không cấm phim nào. Các phim ngoại nhập cũng đều được phân loại và dán nhãn cụ thể. Vấn đề kiểm duyệt phim trên mạng thì cần phải thảo luận lại để tìm kiếm phương án kỹ thuật kiểm duyệt tốt nhất" . (Ông TẠ QUANG ĐÔNG, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).

(nld.com.vn)