Vai trò của Hòa Vang trong phát triển Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng

04.09.2019

Vai trò của Hòa Vang trong phát triển Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng

Hòa Vang là huyện nông thôn duy nhất của thành phố Đà Nẵng hiện nay. Trong quá khứ, từ năm 1961 cho đến năm 1982, huyện Hòa Vang còn bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa ngoài Biển Đông - đến năm 1982 huyện đảo Hoàng Sa được thành lập trên cơ sở tách quần đảo Hoàng Sa khỏi huyện Hòa Vang, về mô hình quản lý hành chính được nâng từ cấp-dưới-xã lên cấp huyện, và cùng với huyện Hòa Vang trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Quyết định số 194-HĐBT ngày mồng 9 tháng 12 năm 1982 do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tố Hữu ký ban hành nêu rõ: “Thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trước đây thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng”.

Có thể nói qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, huyện Hòa Vang đã tích cực góp phần vào quá trình đô thị hóa/mở rộng không gian đô thị ở Đà Nẵng. Năm 1997, khi huyện Hòa Vang, huyện đảo Hoàng Sa và thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh được tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng để trở thành thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, huyện Hòa Vang tiếp tục được thu hẹp địa giới hành chính để thành lập hai quận Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn. Và đến năm 2005, huyện Hòa Vang một lần nữa lại được thu hẹp địa giới hành chính để thành lập quận Cẩm Lệ. Những xã Hòa Hiệp, Hòa Khánh, Hòa Minh, Hòa Quý, Hòa Hải, Hòa Xuân, Hòa Thọ, Hòa Phát nhờ vậy đều sớm “lên đời” thành các phường mang dấu ấn đô thị.

Xa xưa hơn, có thể kể thêm trường hợp Hòa Thuận và Hòa Cường. Năm Mậu Tý 1888, trước khi Chánh sứ Nha Hải phòng Quảng Nam Thái Văn Trung thay mặt Nam Triều ký tên vào tấm bản đồ vẽ phần đất của Đà Nẵng vừa được bàn giao cho Cộng hòa Pháp làm nhượng địa, phần đất bên tả ngạn sông Hàn của nhượng địa này - gồm các làng Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây - vẫn thuộc tổng Bình Thái Hạ huyện Hòa Vang. Năm Tân Sửu 1901, các làng Xuân Đán, Thạc Gián, Yên Khê, Liên Trì, Bình Thuận, Xuân Hòa, Thanh Khê, Đông Hà Khê cũng thuộc tổng Bình Thái Hạ huyện Hòa Vang, tiếp tục trở thành nhượng địa, góp phần mở rộng không gian đô thị của Tourane. Huyện đường Hòa Vang thời bấy giờ còn đóng ở khu vực Chợ Mới và con đường Trưng Nữ Vương từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm chạy về hướng Chợ Mới trước năm 1955 từng mang tên là đường Quảng Nam - một trong mấy cửa ô ít ỏi của Tourane thời Pháp thuộc.

Cũng từng nghĩ đến việc hình thành thị trấn Túy Loan nhưng cho đến nay Hòa Vang vẫn là huyện duy nhất trong tổng số 544 huyện ở nước ta chưa có thị trấn. Dường như Hòa Vang không “có duyên” với mô hình thị trấn, bởi đây không chỉ là câu chuyện của huyện Hòa Vang sau năm 2005 mà còn là câu chuyện của huyện Hòa Vang sau năm 1975, khi trung tâm hành chính huyện còn đóng ở Cẩm Lệ. Như đã nói trên, huyện Hòa Vang sau năm 1982 không còn hải đảo, và sau năm 1997 cũng không còn bờ biển, vì bờ biển của Hòa Vang trước đây giờ đã thuộc về hai quận Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn, nhưng thông qua các dòng sông, huyện Hòa Vang vẫn không ngừng kết nối với mênh mông biển rộng.

Nói khác đi từ xưa đến nay huyện Hòa Vang vẫn là nơi đầu nguồn của sông Hàn và sông Cu Đê ngày đêm chảy vào vịnh Đà Nẵng - cũng có nghĩa là chảy ra tận Biển Đông. Rõ ràng huyện Hòa Vang đang chi phối rất lớn vấn đề nước sạch/ nước ngọt của các quận nội thành Đà Nẵng. Không phải ngẫu nhiên mà trong những ngày Đà Nẵng “khát nước”, người Đà Nẵng nghĩ nhiều đến sự ra đời của Nhà máy nước Hòa Liên - một dự án quan trọng ảnh hưởng đến an ninh nước sạch cho thành phố, thậm chí đã đưa ra tối hậu thư rằng đến cuối năm 2020 phải đưa Nhà máy nước Hòa Liên vào hoạt động. Cũng không phải ngẫu nhiên mà mới đây Đà Nẵng quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch trên sông Yên...

Bàn về vai trò của huyện Hòa Vang trong phát triển Đà Nẵng, cũng không thể không đề cập vấn đề mở rộng không gian đô thị về phía Tây - chứ không chỉ về phía Tây Bắc. Là thành phố cảng biển, với tư duy đại dương và tầm nhìn Vọng Hải Đài, không thể không hướng về phía Đông với khát vọng một ngày không xa quần đảo Hoàng Sa sẽ thực sự trở về đoàn tụ với đất liền sau hơn mấy mươi năm bị ngoại bang cưỡng chiếm trái phép bằng vũ lực; nhưng sẽ chưa đủ nếu không thấy bản thân Hòa Vang đang gợi ý về một tư duy không gian mới trong quá trình phát triển Đà Nẵng, đang gợi ý rằng cần mở rộng không gian đô thị Đà Nẵng về phía Tây. Cả một miền Tây Hòa Vang mênh mông chi xứ đang chờ đợi người Đà Nẵng... Tây tiến. Và cũng có thể nghĩ tiếp nữa về phía Tây của miền Tây Hòa Vang ấy.

Cơtu là một tộc người bản địa có mặt sớm trên địa bàn Hòa Vang. Hiện nay tuy số lượng không nhiều, khoảng trên dưới một nghìn người nhưng do vẫn nằm trong khu vực cư trú tập trung của tộc người Cơtu ở Quảng Nam - khoảng bốn vạn rưỡi người, và ở Thừa Thiên Huế - khoảng một vạn rưỡi người, chưa kể khoảng một vạn rưỡi người Cơtu nữa bên kia biên giới Việt - Lào, sống chủ yếu ở thượng nguồn sông Sekong, nên cộng đồng người Cơtu trên địa bàn Hòa Vang có nhu cầu và điều kiện để bảo tồn đồng thời cũng đang phải đối mặt với những thách thức không dễ vượt qua trong quá trình bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo của tộc người mình. Và cũng chính vì thế, nói đến vai trò của huyện Hòa Vang trong phát triển Đà Nẵng không thể không nói đến sứ mệnh bảo tồn các giá trị văn hóa của cộng đồng người Cơtu ở Hòa Bắc và Hòa Phú - một sứ mệnh riêng có và không hề đơn giản, bởi muốn bảo tồn được văn hóa Cơtu tại các xã miền núi Hòa Vang thì đòi hỏi cư dân bản địa phải có số lượng đủ đông để không bị Kinh hóa về văn hóa.

Không phải các quận nội thành Đà Nẵng không còn văn hóa làng - nhất là các làng ven biển. Khi Đà Nẵng vừa được tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, từng có ý kiến cho rằng một thành phố trực thuộc Trung ương sẽ không còn chỗ cho cây tre. Thực ra cây tre và bao nhiêu dấu ấn nông thôn khác - thậm chí cả một khu rừng và cả một làng quê - vẫn có thể đàng hoàng tồn tại trong không gian đô thị ngay ở nội thành. Vẫn còn không ít đình làng và lễ hội đình làng ở nội thành. Thế nhưng trong cơn lốc đô thị hóa, văn hóa làng ở nội thành rất dễ tổn thương - thậm chí có một số đình làng không còn cư dân bản địa. Do vậy nông thôn Hòa Vang với các lũy tre làng và các lễ hội đình làng do chính cư dân bản địa làm chủ thể... cũng là chỗ dựa tinh thần của người Đà Nẵng trong việc bảo tồn văn hóa làng.

Con người đô thị nói chung sống chen chúc nhưng xa cách. Nhiều ngôi nhà đô thị kín cổng cao tường khiến con người sống ở đó vừa có cảm giác yên tâm không bị ai quấy nhiễu lại vừa như đang tự giam mình trong nỗi cô đơn. Khi văn hóa nghe-nhìn rồi công nghệ thông tin phát triển với tốc độ nhanh, con người đô thị càng có điều kiện chìm đắm một cách tự giác hay không tự giác trong thế giới ảo, từ đó dễ có khả năng sao nhãng các quan hệ giao tiếp thực của đời sống cộng đồng, đến mức có người nói vui rằng bây giờ mỗi sáng vào quán cà phê, có một món khai vị mà mọi người đều đồng thanh gọi - đó là món password wifi. Cho nên người Đà Nẵng bên cạnh việc sống sâu theo những cung cách mới, những nhịp điệu mới - tất nhiên là vậy - vẫn có nhu cầu gìn giữ nhiều gốc rễ chân quê đẹp đẽ đáng yêu, như là ý thức cố kết cộng đồng - họ hàng dòng tộc chín đời chưa rời nhau ra, hay tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau... Và những phẩm chất được chắt lọc/chắt chiu từ văn hóa làng ấy, người Đà Nẵng khó có thể tìm ở đâu khác ngoài huyện Hòa Vang!

Cuối cùng, khi bàn về vai trò của huyện Hòa Vang đối với Đà Nẵng trên đường trở thành một thành phố đáng sống ở tương lai, cần thấy huyện nông thôn duy nhất này là chỗ đi tới chứ không phải chỗ đi lùi trong phát triển. Nói vậy có nghĩa rằng không phải cái gì không phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững ở nội thành thì cứ vô tư đẩy về “sân sau” Hòa Vang, vì nghĩ đất Hòa Vang còn rộng, dân Hòa Vang còn thưa. Nên nhớ rằng Đà Nẵng có đến hai mặt tiền chứ không phải một. Khi thay đổi tư duy từ quay lưng với biển thành hướng mặt ra biển, Đà Nẵng đã phát huy được lợi thế của mặt tiền thứ nhất; còn khi thay đổi quan niệm về Hòa Vang, xem Hòa Vang không phải là chỗ đi lùi trong phát triển mà là chỗ đi tới trong phát triển, Đà Nẵng đang bắt đầu phát huy được lợi thế của mặt tiền thứ hai. 

B.V.T

Bài viết khác cùng số

Nhặt trăng - Vũ Ngọc GiaoMiền quê xanh - Nguyễn Thị PhúMiền quê bên dòng sông Yên - Hồ Sĩ BìnhNét văn hóa Cơtu và điểm đến du lịch - Đoàn Hạo LươngDu lịch cộng đồng kết hợp đường sông - nhìn từ Hòa Vang - Diệp Dân HùngĐồi trăng - Vũ Ngọc GiaoNhững mùa quả ngọt trên đất Hòa Vang - Nguyễn Thị Anh ĐàoVai trò của Hòa Vang trong phát triển Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngHòa Vang xây dựng nông thôn mới - Minh NamVề Hòa Vang - Hồ XoaBùn đất chân nâu - Nguyễn Hoàng SaMỳ Quảng Túy Loan - Lê Anh DũngQuê xưa nguồn cội Túy Loan - Đinh Thị Như ThúyBên sông Túy Loan - Thanh PhúNước mắt chảy ngược - Thụy SơnVề đi anh - Thụy DuThương lắm Hòa Vang - Vạn LộcPhố mới - Mai Hữu PhướcHô bài chòi trên sông Yên - Lê Anh DũngĐồng Xanh - Đồng Nghệ - Đinh Thị Như ThúyVề hai câu chữ Việt và chữ Hán tại mộ phần cụ Phạm Phú Thứ - Phan Nam SinhNgười Cơtu ở Đà Nẵng - Huỳnh Viết TưThế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và công tác hội - Đinh Thị TrangMỹ thuật Đà Nẵng tiếp nối thế hệ - Hồ Đình Nam KhaMột số biến đổi văn hóa Cơtu ở huyện Hòa Vang - Võ Văn HòeTrách nhiệm thế hệ - Lê HuânPhát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ - vấn đề tiếp nối thế hệ - Bùi Văn TiếngThần thoại của dân tộc Cơtu ở miền núi Đà Nẵng - Đinh Thị HựuNhạc cụ truyền thống của người Cơtu xứ Quảng - Văn Thu Bích