Thần thoại của dân tộc Cơtu ở miền núi Đà Nẵng - Đinh Thị Hựu

04.09.2019

Thần thoại của dân tộc Cơtu ở miền núi Đà Nẵng - Đinh Thị Hựu

Cơtu là dân tộc ít người duy nhất ở miền núi Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Họ đã có một vốn văn học dân gian rất đắc sắc và phong phú. Từ xa xưa họ đã cùng các dân tộc anh em khác như: Tr'riêng, Ve, Cor, Xơ Đăng... sống trên dải đất miền núi Quảng Nam, Đà Nẵng và là chủ nhân của nền văn hóa vô cùng độc đáo. Trong chiều dài lịch sử, đồng bào Cơtu không chỉ đóng góp máu xương để xây dựng và bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này mà còn góp phần xứng đáng trong việc xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc ở miền Trung nước Việt.

Trong đợt điền dã của Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng (tháng 3-4/2019) để thực hiện đề tài “Bảo tồn Văn hóa dân gian Cơtu ở xã Hòa Phú và xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng", chúng tôi đã sưu tầm được một số đơn vị tác phẩm văn học dân gian Cơtu gồm nhiều thể loại, đáng chú ý nhất là thể loại thần thoại.

Thần thoại là thể loại văn học dân gian ra đời sớm nhất. Nội dung thần thoại phản ánh những nhận thức của con người về vũ trụ, thế giới tự nhiên và cuộc đấu tranh của con người với thế giới tự nhiên. Chức năng của thần thoại là giải thích nguồn gốc vũ trụ, giải thích thế giới tự nhiên, giải thích sự ra đời của muôn loài bằng trí tưởng tượng của người nguyên thủy. Nghiên cứu về thần thoại, ý kiến của Karl Heinrich Marx có tầm quan trọng đặc biệt: "Bất cứ thần thoại nào cũng dùng tưởng tượng và mượn tưởng tượng để chinh phục sức tự nhiên, chi phối sức tự nhiên và hình tượng hóa sức tự nhiên". Nhận định trên của ông đã chỉ ra nguồn gốc, chức năng và bản chất của thần thoại.

Trong thần thoại, Thần là nhân vật trung tâm. Thần chính là lực lượng siêu nhiên được phác họa bằng trí tưởng tượng của người nguyên thủy cùng với dáng dấp và hành động của con người. Sau tấm màn hoang đường, thần thoại chứa đựng một nội dung hiện thực với những góc độ khúc xạ của nó. Thần thoại tồn tại một cách phổ biến ở hình thức văn hóa mang tính nguyên hợp (tín ngưỡng, nghi lễ, văn học, nghệ thuật...). Do đó, đối với người đời sau, thần thoại không những có giá trị về văn học, mà còn có giá trị khoa học, lịch sử, dân tộc học..., hấp dẫn chúng ta bằng trí tưởng tượng của người nguyên thủy.

Trong bài viết này, chúng tôi trao đổi thêm về thuật ngữ thần thoại. Trong sách "Văn học dân gian các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam", tác giả Nguyễn Văn Bổn có nhận xét: "Theo chúng tôi, trong văn học dân gian các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam - Đà Nẵng, không có thần thoại mà chỉ có truyền thuyết"(1). Căn cứ vào chức năng thể loại và nội dung, chủ đề của những truyện kể Cơtu đã sưu tầm được, thiết nghĩ rằng nhận định trên còn cần phải bàn cãi. Mong rằng các nhà nghiên cứu sẽ có dịp làm sáng tỏ thêm vấn đề này.

Căn cứ vào nội dung những truyện kể đã sưu tầm được, chúng tôi cho rằng: Trong kho tàng Văn học dân gian Cơtu thần thoại là thể loại khá đặc sắc với đầy đủ những nội dung cơ bản.

Chúng tôi chia thần thoại Cơtu thành các loại như sau:

1. Thần thoại giải thích nguồn gốc vũ trụ và sự ra đời của thế giới tự nhiên

Từ thuở sơ khai con người mang khát vọng khám phá vũ trụ. Những câu hỏi: Tại sao có mặt trời, mặt trăng, các vị tinh tú? Tại sao có núi đồi, sông suối?... Đó là những câu hỏi đầu tiên của người xưa cần được giải thích.

Đi điền dã ở Hòa Phú, Hòa Bắc chúng tôi đã sưu tầm được những câu chuyện mang đặc điểm của thần thoại suy nguyên. Những bản kể giải thích về hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, hiện tượng bảy sắc cầu vồng...; chuyện kể về việc người Cơtu tìm ra lửa... Là những minh chứng xác thực cho việc người Cơtu nơi đây vẫn còn gìn giữ vốn văn học dân gian cổ xưa, quý báu của dân tộc mình.

Thần thoại vùng Hòa Phú, Hòa Bắc cũng có rất nhiều truyện giải thích về những ngọn núi, con sông, địa danh vùng đất nơi đây. Thần thoại Cơtu ở Hòa Bắc lược kể rằng: Ngày xưa, ở vùng núi Giàn Bí là một vùng đất rất hoang sơ huyền bí, một hôm có một vị thần đã đào đất đắp núi tạo nên hai con sông là sông Nam và sông Bắc. Sông Bắc có địa thế bằng phẳng hơn nên công việc đào sông được nhanh nhưng không may lại có nhiều người chết. Còn sông Nam do một vị thần khác rất giỏi tiếp quản, tuy làm chậm hơn vì địa thế ghềnh đá hiểm trở nhưng vị thần này rất cẩn thận nên ít người chết. Sau khi đào sông đắp núi xong, có ông Cung - anh, ông Quét - em cai quản vùng đất này, trị được thú dữ và xây dựng bản làng(2). Về thăm vùng đất này, hôm nay chúng ta không thể không bị hấp dẫn bởi những ghềnh đá cheo leo huyễn hoặc, kỳ bí được tạo nên bởi bàn tay kì diệu của tạo hóa.

Để giải thích cho địa danh Vũng Bọt, có truyện kể rằng: Hằng năm, vào mùa mưa lũ, nơi gặp gỡ giữa hai con nước sông Nam và sông Bắc đã tạo nên một vùng nước xoáy, trắng xóa rất cao, chiếm lĩnh cả một vũng sông lớn. Vì thế có địa danh Vũng Bọt(3). Tên gọi của một vũng nước, một con sông, một ngọn núi đều gắn liền với một câu chuyện kể mà ở đó con người đều đối mặt với thiên nhiên huyền bí, hiểm trở. Bằng cách sáng tạo truyện kể dân gian, nhân dân Cơtu ở các thôn Tà Lang, Giàn Bí, Phú Túc đã ca ngợi hào khí của một xứ sở mà tên núi, tên rừng, tên sông, tên suối... không bao giờ phai mờ những dấu ấn khó khăn, nguy hiểm của đại ngàn Trường sơn hùng vỹ. Qua từng câu chuyện, chúng ta đã hình dung được một quá khứ xa xăm cùng quá trình đấu tranh đầy gian khổ của những người dân Cơtu trước đây trong rừng thiêng nước độc.

2. Thần thoại giải thích về nguồn gốc dân tộc Cơtu

Thần thoại Cơtu kể rằng: "Sau một trận lụt lớn (đại hồng thủy: Cơtu gọi là Mr'nghi) cây cối và con người đều chết hết. Duy chỉ sống sót một cô gái bám vào một thanh gỗ tấp trên đỉnh núi cao, nơi có một cây bưởi của cha mẹ cô đã trồng. Trong hang đá bên kia còn sống sót một con chó đực và một bếp lửa hồng.

Sau mười hai ngày đêm ròng rã, nước ngập tràn lan, cô gái tưởng mình sẽ chết theo tổ tiên. Đến ngày thứ mười ba mưa bắt đầu tạnh, trời hửng nắng, cô gái thấy con chó bơi về phía mình, người và vật trở nên gần gũi thân thiết. Cô gái vuốt ve chó, con chó liếm chân tay cô gái tỏ ý trìu mến. Sau một thời gian, cô gái đến tuổi trưởng thành, người và vật đã thành một cặp vợ chồng như trời đất đã sắp đặt. Sau thời gian, họ tìm cách dựng lều, làm nhà để sinh sống."

Trong đợt điền dã tại Giàn Bí, Hòa Bắc, chúng tôi còn sưu tầm được một dị bản khác có nối kết thêm phần sau: "Sau khi người con trai đã lớn, một hôm người mẹ bảo con mang cơm vào rừng cho cha. Khi người con trở về mẹ hỏi: "Đã đưa cơm cho cha chưa?", người con lại trả lời: "Không thấy cha đâu hết, chỉ thấy một con chó đập chết mất rồi". Người mẹ hoảng hốt và cho con biết rằng con chó đó chính là cha của con. Sau một thời gian, người con trai trưởng thành, người mẹ nghĩ rằng không thể tiếp tục sống trong tình trạng này được nữa cho nên người mẹ đã gùi cho con một gùi gạo bảo con hãy đi vòng quanh quả núi, gặp người nào thì hãy lấy người đó làm vợ. Người con đi một thời gian dài vòng quanh quả núi, cuối cùng lại gặp chính mẹ mình. Không còn cách nào khác hơn hai mẹ con đành lấy nhau để dân tộc Cơtu sinh tồn(4). 

Thoạt nghe, chúng ta thấy như có điều gì dị thường. Tuy nhiên, trong nghiên cứu ta thấy kiểu motif trên

không phải là hiếm về thần thoại giải thích nguồn gốc các dân tộc. Phương pháp nghiên cứu so sánh của Folkloristic và dân tộc học theo thuyết tiến hóa đã từng được xem như chiếc chìa khóa giải mã nhiều điều bí ẩn trong Folklore của các dân tộc.

Nghiên cứu tipe và motif cho chúng ta thấy nhiều dân tộc Đông Nam Á có kiểu truyện này. Truyện Lụt ở Đông Nam Á với những motif đặc trưng của nó (5):

* Lụt:

- Do xung đột giữa thần - người, người - người.

- Thần gây ra lụt để trả thù hoặc trị

tội người.

* Người sống sót:

- Con vật hoặc thần chịu trả ơn

báo tin

- Con người may mắn sống sót

- Dùng quả bầu, khúc gỗ, cái giường, cối giã, cái trống,... tránh lụt

* Tái tạo loài người, sinh ra các dân tộc:

- Điều kiện chứng minh sự lấy nhau là tất yếu

- Hôn phối trái thường, không tự nguyện (anh trai em gái lấy nhau, mẹ lấy con, người lấy chó,...)

- Sinh đẻ kỳ dị: quả bầu, hòn máu,

cục thịt,...

- Các đồ vật biến thành người

Thần thoại phản ánh nguồn gốc dân tộc là hệ quả tất yếu của việc minh chứng quá trình sáng tạo loài người.

3. Thần thoại phản ánh kì tích khai sáng văn hóa

Nếu các vị thần sáng tạo ra trời đất và các tộc người chỉ mang những nét phác thảo thì thần thoại ca ngợi những kì tích của con người như làm nhà, thuần dưỡng súc vật, nấu rượu cần... mang giá trị văn hóa rõ rệt. Trong nội dung này đáng chú ý nhất là thần thoại người Cơtu tìm ra lửa. Thần thoại kể rằng: Lúc đầu vũ trụ là một xứ hỗn mang, con người sống trong tối tăm, ăn sống, ăn sít. Một hôm, một người Cơtu đã lấy hai cục đá đánh vào nhau làm xẹt ra lửa. Họ lại lấy tre lồ ô vót mỏng tạo thành cục bùi nhùi đưa vào mồi lửa. Từ đó người Cơtu có lửa, họ biết ăn chín nấu sôi, giã từ thời kỳ dã man, chuyển sang thời kỳ văn minh. Nhân vật chính trong loại Thần thoại này là con người, nhưng nhờ kỳ tích của mình suy tôn thành các vị thần (Bán thần). Thần thoại này của người Cơtu rất gần với thần thoại Tìm lửa trong sử thi "Đẻ đất Đẻ nước"  của dân tộc Mường.

Việc phản ánh quá trình tìm ra lửa của loài người là một kỳ tích. Trong thần thoại Hy Lạp, hình tượng Prômêtê chịu sự trừng phạt của thượng thần Zớt để giúp loài người tìm ra lửa đã tỏa sáng ánh hào quang của lý tưởng tự do,

của tinh thần xả thân vì sự tồn vong của

loài người.

Bằng cảm quan thần thoại, người Cơtu xưa đã sáng tạo ra những câu chuyện kể vừa mang tính lãng mạn vừa mang tính hiện thực. Tính lãng mạn và tính hiện thực đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn trong thần thoại Cơtu. Thần thoại là sản phẩm kì diệu của người xưa "Một đi không trở lại" (Gorki). Thần thoại Cơtu là những viên ngọc quý, chúng ta cần bảo tồn để nó ngày càng sáng lấp lánh hơn.

Đ.T.H

Bài viết khác cùng số

Nhặt trăng - Vũ Ngọc GiaoMiền quê xanh - Nguyễn Thị PhúMiền quê bên dòng sông Yên - Hồ Sĩ BìnhNét văn hóa Cơtu và điểm đến du lịch - Đoàn Hạo LươngDu lịch cộng đồng kết hợp đường sông - nhìn từ Hòa Vang - Diệp Dân HùngĐồi trăng - Vũ Ngọc GiaoNhững mùa quả ngọt trên đất Hòa Vang - Nguyễn Thị Anh ĐàoVai trò của Hòa Vang trong phát triển Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngHòa Vang xây dựng nông thôn mới - Minh NamVề Hòa Vang - Hồ XoaBùn đất chân nâu - Nguyễn Hoàng SaMỳ Quảng Túy Loan - Lê Anh DũngQuê xưa nguồn cội Túy Loan - Đinh Thị Như ThúyBên sông Túy Loan - Thanh PhúNước mắt chảy ngược - Thụy SơnVề đi anh - Thụy DuThương lắm Hòa Vang - Vạn LộcPhố mới - Mai Hữu PhướcHô bài chòi trên sông Yên - Lê Anh DũngĐồng Xanh - Đồng Nghệ - Đinh Thị Như ThúyVề hai câu chữ Việt và chữ Hán tại mộ phần cụ Phạm Phú Thứ - Phan Nam SinhNgười Cơtu ở Đà Nẵng - Huỳnh Viết TưThế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và công tác hội - Đinh Thị TrangMỹ thuật Đà Nẵng tiếp nối thế hệ - Hồ Đình Nam KhaMột số biến đổi văn hóa Cơtu ở huyện Hòa Vang - Võ Văn HòeTrách nhiệm thế hệ - Lê HuânPhát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ - vấn đề tiếp nối thế hệ - Bùi Văn TiếngThần thoại của dân tộc Cơtu ở miền núi Đà Nẵng - Đinh Thị HựuNhạc cụ truyền thống của người Cơtu xứ Quảng - Văn Thu Bích