Nét văn hóa Cơtu và điểm đến du lịch - Đoàn Hạo Lương

04.09.2019

Nét văn hóa Cơtu và điểm đến du lịch - Đoàn Hạo Lương

Có dịp về Hòa Vang vào những ngày hè mới cảm nhận được không khí mát mẻ của vùng núi nơi đây dưới những con suối róc rách và tán lá rừng xanh thẳm. Đặc biệt, ở hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú là nơi có nhiều đồng bào dân tộc Cơtu sinh sống nên vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo. Đây là tiềm năng du lịch lớn của huyện trong việc phát triển du lịch cộng đồng văn hóa Cơtu, tạo công ăn việc làm cho người dân miền núi.

Nét văn hóa Cơtu độc đáo 

Du lịch cộng đồng là sản phẩm độc đáo của địa phương, giúp du khách khám phá văn hóa bản địa khi hòa mình vào các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của người dân. Trước khi có ý định mở tour du lịch này, nhiều bạn trẻ đã tự đi theo hình thức tự phát để khám phá cảnh đẹp thiên nhiên của núi rừng và văn hóa người dân nơi đây, đặc biệt là văn hóa ẩm thực và phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Cơtu ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc. Khi hình thức tự phát này ngày càng đông sẽ dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường và an ninh xã hội. Do đó, việc tổ chức các tour du lịch đến đây có hệ thống và bài bản nhằm tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng và chuyên nghiệp; đồng thời giúp người dân tham gia  làm du lịch, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Nói về tiềm năng du lịch Hòa Vang, ông Hoàng Văn Long, Trưởng nhóm chuyên gia của dự án “Góp phần bảo vệ đa dạng sinh học vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và Vườn quốc gia Bạch Mã kết hợp với bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Cơtu hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng” nhận xét, tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái tại cộng đồng dân tộc Cơtu của hai thôn Tà Lang và Giàn Bí hầu như còn nguyên vẹn, rất thích hợp để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương sở hữu nhiều tài nguyên du lịch nhân văn, mang đậm bản sắc văn hóa nên có thể phát triển loại hình du lịch dựa vào cộng đồng.

Trong thời gian qua, nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng đã được huyện chú trọng. Lãnh đạo huyện đã tổ chức gặp mặt các đơn vị liên quan lên phương án xây dựng chương trình cụ thể để phát triển sản phẩm, nhằm sớm đưa du lịch cộng đồng đi vào hoạt động. Tại buổi gặp, các đơn vị lữ hành đã có những đánh giá về tiềm năng, thế mạnh của du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn huyện trong mối quan hệ với các vùng miền; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp khai thác phát triển bền vững được rút ra từ nhiều dự án đã và đang triển khai trên cả nước. Bên cạnh đó, huyện thực hiện đưa người dân đi tham quan thực tế cách thức làm du lịch ở làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng ở xã Sông Kôn, Đông Giang (Quảng Nam) và một số mô hình du lịch cộng đồng tại tỉnh Quảng Bình. Hơn 30 phụ nữ dân tộc Cơtu 3 thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) cũng đã được đào tạo nghề dệt thổ cẩm nhằm khôi phục nghề truyền thống phục vụ du lịch. Một số lớp nâng cao nghệ thuật cồng chiêng và múa Tung tung da dá cũng được mở ra cho người dân các xã.

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, cũng thừa nhận, xã Hòa Bắc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Xã vẫn còn thiếu cơ sở lưu trú như Homestay, dịch vụ ăn uống phục vụ khách đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Nếu khai thác tốt du lịch cộng đồng có hệ thống và bài bản thì du lịch sinh thái ở Hòa Vang sẽ là động lực cho phát triển ngành du lịch của huyện, đồng thời là một điểm đến mới của thành phố Đà Nẵng dành cho du khách trong và ngoài nước.

Hướng đến sản phẩm chuyên nghiệp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hòa Vang lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 -2020 nhấn mạnh yếu tố phát triển kinh tế trên lĩnh vực du lịch, chú trọng phát triển du lịch và sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện; khai thác các tiềm năng lợi thế của Hòa Vang như phong cảnh tự nhiên, sinh thái làng quê, di tích để quy hoạch, phát triển.

Để khai thác tốt du lịch cộng đồng, trong thời gian tới, huyện Hòa Vang tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng Homestay tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí. Song song đó, sẽ mở các khóa đào tạo kỹ năng phục vụ vừa xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và an ninh, an toàn trong phục vụ khách du lịch; cung cấp các kiến thức về nhu cầu, sở thích, thói quen, tập quán giao tiếp ứng xử của khách du lịch... Ngoài việc triển khai dự án du lịch cộng đồng, huyện còn tổ chức Liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống người Cơtu hằng năm như lễ hội Ăn thề kết nghĩa, lễ hội Mừng lúa mới; đồng thời tập huấn những kỹ năng cần thiết như chế biến món ăn đặc sản, các trò chơi dân gian như đi cà kheo, bắn nỏ và mở rộng giao lưu, thắt chặt mối quan hệ với cộng đồng người Cơtu vùng cao để làm giàu vốn văn hóa cho người Cơtu vùng thấp... “Đây là các hoạt động quảng bá vẻ đẹp, sự độc đáo của văn hóa người dân miền núi hướng đến phát triển du lịch cộng đồng của thành phố trong thời gian tới và cũng là hướng đi mới giúp huyện phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Cơtu tại địa phương”, ông Tân nhấn mạnh.

Là đơn vị quan tâm đến phát triển du lịch cộng đồng tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí, ông Lê Thiên Tư - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch V.E.I đề nghị huyện cần xác định thị trường khách phù hợp và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng theo đặc trưng sinh thái núi rừng và văn hóa của cộng đồng dân tộc Cơtu, bao gồm các sản phẩm như: du lịch tìm hiểu văn hóa, du lịch sinh thái... Một số tour có thể khai thác như tour tham quan làng bản tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất của người dân; tour thưởng thức nghệ thuật cồng chiêng; tour xem trình diễn các ngành nghề thủ công truyền thống, làm rượu cần, rượu Tà Vạt; tour học nấu ăn/thưởng thức ẩm thực truyền thống Cơtu; tour đi bộ ven suối, tắm suối; tour học bắn nỏ, ném lao...

Mặc dù dự án phát triển du lịch cộng đồng ở Hòa Vang mới triển khai nhưng đã đạt được một số kết quả bước đầu. Đáng chú ý là các bản sắc văn hóa đang dần được khôi phục thông qua việc trưng bày các vật dụng và tái hiện các lễ hội truyền thống của người Cơtu. Hình ảnh bà con Cơtu hai thôn Tà Lang, Giàn Bí cũng được giới thiệu rộng rãi đến bạn bè du khách trong và ngoài nước. “Nhờ triển khai tập huấn kiến thức về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và đi tham quan mô hình du lịch sinh thái ở các địa phương, nhận thức của đồng bào hai thôn đã có những chuyển biến rõ nét và họ bắt đầu có những hoạt động đón khách theo các nhóm đã được hình thành, mang lại thu nhập ổn định cho người dân”, bà Lê Thị Thu Hà - Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc phấn khởi chia sẻ.

Đ.H.L

Bài viết khác cùng số

Nhặt trăng - Vũ Ngọc GiaoMiền quê xanh - Nguyễn Thị PhúMiền quê bên dòng sông Yên - Hồ Sĩ BìnhNét văn hóa Cơtu và điểm đến du lịch - Đoàn Hạo LươngDu lịch cộng đồng kết hợp đường sông - nhìn từ Hòa Vang - Diệp Dân HùngĐồi trăng - Vũ Ngọc GiaoNhững mùa quả ngọt trên đất Hòa Vang - Nguyễn Thị Anh ĐàoVai trò của Hòa Vang trong phát triển Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngHòa Vang xây dựng nông thôn mới - Minh NamVề Hòa Vang - Hồ XoaBùn đất chân nâu - Nguyễn Hoàng SaMỳ Quảng Túy Loan - Lê Anh DũngQuê xưa nguồn cội Túy Loan - Đinh Thị Như ThúyBên sông Túy Loan - Thanh PhúNước mắt chảy ngược - Thụy SơnVề đi anh - Thụy DuThương lắm Hòa Vang - Vạn LộcPhố mới - Mai Hữu PhướcHô bài chòi trên sông Yên - Lê Anh DũngĐồng Xanh - Đồng Nghệ - Đinh Thị Như ThúyVề hai câu chữ Việt và chữ Hán tại mộ phần cụ Phạm Phú Thứ - Phan Nam SinhNgười Cơtu ở Đà Nẵng - Huỳnh Viết TưThế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và công tác hội - Đinh Thị TrangMỹ thuật Đà Nẵng tiếp nối thế hệ - Hồ Đình Nam KhaMột số biến đổi văn hóa Cơtu ở huyện Hòa Vang - Võ Văn HòeTrách nhiệm thế hệ - Lê HuânPhát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ - vấn đề tiếp nối thế hệ - Bùi Văn TiếngThần thoại của dân tộc Cơtu ở miền núi Đà Nẵng - Đinh Thị HựuNhạc cụ truyền thống của người Cơtu xứ Quảng - Văn Thu Bích