Vài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh Đính

18.01.2022
NSND Lê Huân

Vài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh Đính

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (ngoài cùng bên trái) với NSƯT Thanh Đính (trên cùng bên phải) và nghệ sĩ Như Bình

Tôi và ca sĩ Thanh Đính đã trở thành đôi bạn thân thiết trong Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ (Quân khu 5) từ năm 1969 đến năm 1972 cho tới khi anh Thanh Đính rời chiến trường Khu 5 ra Bắc tiếp tục học tập, công tác.

Hồi ấy, Thanh Đính đang ở Ban Văn nghệ Khu ủy Khu 5, anh thường một mình vác cây đàn guitar lội suối, trèo đèo đi biểu diễn phục vụ cho đồng bào, chiến sĩ ở các vùng hậu phương từ Quảng Đà, Quảng Nam tới Quảng Ngãi, Bình Định. Mọi khán giả được anh biểu diễn phục vụ đều vô cùng mến yêu anh bởi nghệ sĩ Thanh Đính hát cho mọi người nghe vô điều kiện. Gặp chiến sĩ đang trên đường hành quân hay đang trồng cây, sản xuất trên đỉnh đồi cao anh cũng hát. Mỗi lần hát hàng dăm bảy bài hát, anh còn hát theo yêu cầu của khán giả…

Anh lớn hơn tôi hàng chục tuổi. Khi đoàn chúng tôi vào chiến trường, anh được Khu ủy gửi sang đoàn chúng tôi để có điều kiện biểu diễn tốt hơn. Anh được phân công giữ chức vụ đội trưởng đội ca khi tôi làm đội trưởng đội múa. Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ thời ấy có các bộ môn ca, múa, nhạc, kịch. Riêng hai bộ môn ca, múa đã liên quan gắn bó mật thiết về chức năng, nghề nghiệp, nhưng tôi và anh lại thân thiết hơn nữa bởi tương đồng về tâm tư, tình cảm.

Ngoài công việc đội trưởng, biên đạo múa lại thêm có chút giọng và hình thể nên tôi thường được “sam bán” 
vào đội hình tốp ca nam trong các chương trình biểu diễn của đoàn.

Trang hồi ký về cuộc đời hoạt động nghệ thuật tôi luôn có những mẫu chuyện vui giữa tôi và anh Thanh Đính, giữa “ca sĩ và múa sĩ” một thời nơi chiến trường gian nan, ác liệt nhất.

Có một lần đang trên đường hành quân, chúng tôi gặp các chị em đội thanh niên xung phong đi tải đạn nghỉ giải lao dưới chân đồi. Tinh thần phục vụ của ca sĩ Thanh Đính nổi lên, anh tháo ngay guitar, lên lại dây đàn và đề nghị được hát cho chị em nghe. Cuộc biểu diễn mang tính ngẫu hứng của nghệ sĩ Thanh Đính được chị em hoan nghênh nhiệt liệt. Khán giả chị em ngồi sụp cả xuống đất còn anh ôm guitar chọn mặt bằng ở khoảng đồi cao hơn để diễn. Anh hát say sưa một lúc tới năm bảy bài rồi bỗng đột nhiên thay đổi tiết mục, anh với gọi tôi lên để song ca cùng anh. Khổ một nỗi đang hành quân, đang lội suối, trèo non trong trang phục của người lính Khu 5 ai cũng giống ai, chỉ có thắt lưng to bản và mặc quần đùi. Đang hát, tôi chợt nhận ra khán giả, chị em đang ngồi dưới nhìn lên cặp song ca nam “quần đùi” mà bối rối ngượng ngùng.

Rồi một lần, cả đoàn chúng tôi đến biểu diễn cho buôn làng Cơ Tu. Sân khấu được chọn là mặt bằng sát cạnh nhà gươl, bà con dân làng kéo đến xem đông đặc vây quanh ba mặt nơi diễn. Đến tiết mục tốp ca nam trình diễn hát vui có tiêu đề Rau xanh, ốc đá - nhạc Vũ Cúc, lời Lâm Bích. Mở đầu tốp ca, Thanh Đính cao giọng lĩnh xướng: “Này anh em ơi, ra đây mà nghe tôi kể chuyện”. Tôi đang ngồi nói chuyện với mấy vị già làng trên sàn nhà rông, mãi chuyện không nghe thấy lời giới thiệu tiết mục mà mình biểu diễn trong tốp ca ấy. Tôi hoảng hốt nếu chạy xuống cầu thang thì chậm hát, tôi chọn cách liều nhảy từ cửa ngách nhà rông xuống sàn diễn vừa kịp câu hát: “Chuyện gì? Chuyện gì?”. Đội trưởng ca Thanh Đính bất ngờ thấy tôi từ trên “trời” rơi xuống chứ không phải như mọi khi từ “cánh gà” chạy ra anh sặc sụa cười còn bà con dân làng tưởng tiết mục bố trí theo kiểu diễn xiếc như thế thì thích thú hoan hô nhiệt liệt.

Gần tháng Tết, đoàn tạm nghỉ ít ngày, một buổi tối Thanh Đính rủ tôi lén đi chơi, thăm đơn vị thông tin gần nơi đoàn ở. Tôi ưng ý đi ngay. Nói gần cũng phải gần 2 giờ đi mới đến. Tối hôm đó là chương trình độc diễn của ca sĩ Thanh Đính hát với cây đàn, tôi chỉ là khán giả ngồi nghe cùng anh em đơn vị. Xong cuộc diễn, ngồi trò chuyện cùng sĩ quan và lính thông tin, tôi cứ thấy anh có vẻ nhấp nhỏm, lúng túng. Tôi đành đứng lên xin phép đơn vị để chúng tôi ra về vì quá trễ. Đi được nửa đường anh kéo tôi vào một căn nhà hoang và tỏ lời thành thật xin lỗi vì dự định không thành. Anh rủ tôi đi vì nghĩ rằng sau buổi biểu diễn sẽ có cuộc chiêu đãi nhưng chẳng ngờ đơn vị thông tin đang lúc khó khăn nên chỉ có bi đông nước sôi để nguội tiếp khách. Anh mở ba lô của anh, chiếc ba lô lúc nào cũng đeo sau lưng, hối hả lấy ra một gói polyvitamin để “chiêu đãi” tôi. Tôi chỉ còn biết cách ôm lấy anh, cái ôm chân tình, thương mến.

Mười mấy năm sau, tôi lại có dịp gần gũi làm việc với người em ruột của anh - NSƯT Như Bình dưới mái nhà chung ấp áp của cơ quan Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.

L.H

Bài viết khác cùng số

Món quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcĐâu rồi hương vị Tết xưaKhông nhà đêm BA MƯƠITản mạn tình đất tình người 25 nămBiển đợi...Thì thầm gió trên đồi GióngMen rừng mùa xuânĐiệu hát Bài chòi năm xưaQuê nhà mùa cũ thơm hươngXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Năm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnChuyện tình trên đỉnh non caoXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngKhúc đêm tự tìnhBánh nổGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýCon đườngĐứng trước biểnCũng đằm thắm láSợi nắng xuânMẹ & Mùa xuânTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmChiếc bóngGiao thừaBán đảo Sơn TràTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaKhúc ru hờiXuân caẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcEm chợt hiệnNgày đầu nămChủ nghĩa tối giảnMuốiNguyễn Trãi đến Tây HồTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhLực ơi!Tuổi mùa xuânNhững mùa hoa Hà NộiMùa vuiLan man xuân vềTheo dòng miên viễnVề quêGieo lại mùa thươngMưaTím biếc hoa chiềuCọGiải mã một điều bình thườngĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhTranh Lê Huy HạnhXuân Nhâm DầnSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtTiễn trâu đón hổNghinh xuânThiếu nữ du xuânCung đàn mùa xuânNhớ mẹVề thăm mộ mẹ