Chiếc thuyền bằng thiếc

17.01.2022
Trần Trung Sáng

Chiếc thuyền bằng thiếc

Năm nào cũng vậy, những ngày cận Tết dù bận rộn đến mấy, Thảo Trang cũng đều dành chút ít thời gian chen chân vào khu Hội Hoa Xuân ở dọc trung tâm quảng trường thành phố để ngắm nhìn, mua sắm. Dĩ nhiên, Hội chợ này chủ yếu người ta bày bán các loại hoa lá, cây cảnh... được chăm sóc chuẩn bị công phu trước đó khá lâu của những người nông dân từ nhiều miền quê tụ tập về. Tuy nhiên, Thảo Trang không có ý định ngắm hoa, mà cô thích dạo qua vài quầy hàng bày các loại đồ xưa, cũ kỹ vụn vặt, thỉnh thoảng nằm rải rác ở vài góc đất trống trải, thưa thớt người. Bởi nơi ấy, đôi khi khách hàng có thể tình cờ tìm được những món đồ khá thú vị để làm quà Tết cho người thân, hoặc kỷ niệm cho chính mình.

Và giờ đây, Thảo Trang đứng tần ngần trước một quầy hàng như vậy. Chủ quầy hàng là một người đàn ông tuổi khoảng ngoài 80. Dù một nửa gương mặt đã bị che lấp bởi chiếc khẩu trang, nhưng vẫn hiện ra nơi ông nét khắc khổ, hiền hòa, thoáng chút buồn u uẩn. Ông vừa thư thả lau chùi từng món đồ nhỏ, khi thì bức tượng con hạc bằng đồng, khi thì chiếc bàn ủi cũ, khi thì con búp bê bằng gốm..., vừa chuyện trò với những người qua lại. Thấy Thảo Trang có ý dừng lâu, ông hỏi một cách trìu mến:

- Chào cô gái, cháu định tìm thứ chi đó?

Thảo Trang, vẫn không rời theo dõi, tò mò nhìn những món đồ vừa rời tay người chủ, hết món này sang món khác. Chợt cô rảo mắt nhìn chăm chú vào một chiếc thuyền bằng thiếc đang đặt riêng lẻ ở chiếc kệ kề hông tủ kính...

- Cháu thích tìm thứ chi, cứ hỏi đi, ông kiếm cho.

Người chủ nhắc lại lần nữa, Thảo Trang trả lời:

- Ba cháu rất thích sưu tập đồ xưa. Nên năm nào cũng vậy, cháu ghé ra đây tìm một món thích mắt, làm quà cho ba.

Cô đưa tay chỉ vào chiếc thuyền bằng thiếc, mà giờ cô đã thấy rõ hơn: đó là một chiếc thuyền đồ chơi trẻ em, được cấu tạo hơi thô, hơi đơn giản, chừng bị cháy xém một vạt, nhưng trông thật sinh động như nó vừa trải qua chuyến hành trình trở về từ biển khơi, khiến có một cái gì đó thật thu hút! Cô nói thêm: “Ông có thể cho cháu xem chiếc thuyền được không?”

Vừa lúc có mấy người khách đang bước vào, chừng đã hẹn trước, người chủ nhanh chóng quay lại cầm chiếc thuyền trao vào tay Thảo Trang nói: “Cháu cứ xem thoải mái đi” rồi hướng qua chuyện trò, trao đổi công việc với khách. Một lát sau, quầy hàng thưa vắng như cũ, người chủ trở lại với Thảo Trang: “Đã xem kỹ chưa? Cái này là đồ chơi lâu lắm rồi, chạy bằng dầu hoả, ông chỉ trưng bày cho vui thôi. Bây giờ trẻ em chơi thuyền chạy bằng pin, tiện hơn nhiều.  Mà nó cũng chẳng hợp với con gái đâu... Hay là cháu vào bên trong, chọn một bộ nồi niêu đồ chơi hồi xưa, trông ngộ lắm!”. Ông định bước vào lấy bộ đồ chơi ấy, nhưng Thảo Trang giằng tay về phía sau, gần như muốn giữ khư khư lấy chiếc thuyền. “Cháu thích cái này mà!”. Người chủ chưa hết bất ngờ, ngạc nhiên thì nghe cô gái nói thêm:

- Thực ra, ba cháu cũng đã sưu tập mô hình tàu thuyền như thế này được một bộ gần chục chiếc rồi, nếu có chiếc này, chắc ba vui mừng lắm!

Người chủ chừng như bần thần, trầm mặc. Ông không có ý định bán chiếc thuyền. Bởi nó là một kỷ niệm buồn của ông với đứa con trai đã thất lạc. Câu chuyện xảy ra vào năm con trai ông chừng hơn 10 tuổi, ông đã mua tặng cho cậu ấy chiếc thuyền này. Trong một lần thắp dầu hoả, cho tàu chạy trong bồn nước, cậu bé rủ bạn bè về nghịch ngợm, khiến bùng phát một ngọn lửa gây ra một vụ hoả hoạn nhỏ. Lúc đó, ông đã rất tức giận tạm thời thu giữ chiếc tàu và quở phạt nặng nề đứa con, để tránh sự lặp lại tương tự. Không ngờ cậu bé quá sợ hãi, trốn nhà đi không về, rồi từ đó, do những trở ngại, chia cắt bởi chiến tranh, cậu bé biệt tích luôn, không tìm được. Nhiều năm, khi làm nghề bán đồ xưa, ông thường luôn đem theo chiếc thuyền chưng trên kệ, thỉnh thoảng ngắm nhìn cho vơi nỗi nhớ đứa con. Hơn nữa, bộ dáng thuyền cũng quá nhếch nhác, lâu nay chẳng ai hỏi han, đụng chạm đến nó!

Khoảng im lặng giữa chủ và khách kéo dài chỉ trong vài giây, nhưng khiến cả hai khá ngột ngạt, lúng túng. Thảo Trang chừng đoán ra người chủ không muốn bán, nên càng quyết liệt: “Ông tính bao nhiêu tiền cho cháu gởi?”. Người chủ càng thêm áy náy, hối tiếc. Ông nghĩ, vì sao mình lại đem chiếc thuyền đưa vào tay cô bé, giờ lại từ chối việc bán thì làm cho cô bé thất vọng, chừ biết nói làm sao! Cuối cùng, ông đành tóm tắt câu chuyện thật và nói:

- Chiếc thuyền này ngày xưa là món đồ chơi của con trai ông. Nó nghịch cháy xém hết một phía, dấu vết vẫn còn đây. Một phía còn ghi rõ tên nó: Cu TIN. Từ ngày ấy đến chừ, rất ít lần ông cho thuyền chạy lại trong nước. Chừ sợ người không rành, khó khởi động. Ông phải nói rõ như vậy, chứ ông là người bán hàng sao lại từ chối việc mua bán...

- Việc chính là cháu trưng bày thuyền vào bộ sưu tập của ba cháu, ông ạ. Nhưng dù sao, cháu cũng phải biết qua cách sử dụng, xem nó chạy trong nước ra sao? Ông hướng dẫn giúp cháu đi.

Mọi việc như có bàn tay vô hình đưa đẩy đến một cách tự nhiên, khiến người chủ quầy hàng cảm nhận không thể nào từ chối được đề nghị của cô khách hàng. Vậy là, ông cầm chiếc thuyền trên tay chỉ rõ cho cô khách từng bộ phận chi tiết: người thợ chế tác phải tính toán cân đối giữa độ dài, chiều cao, chiều rộng của thuyền ra sao. Động cơ của nó nằm trong thân, gồm ba phần: nồi hơi, bình dầu hỏa và ống dẫn nước hoạt động ra sao. Nếu nồi hơi và lá đồng hàn không chuẩn, thì thuyền không chạy được, không phát ra tiếng động cơ... Còn cẩn thận hơn nữa, ông dặn Thảo Trang:

- Cháu lưu số điện thoại của ông, về nhà cho thuyền chạy thử, nếu thấy vướng mắc điều gì cứ gọi lại ông nhắc cho, đơn giản thôi.

Thảo Trang mừng rỡ, lắng nghe ghi vào điện thoại người chủ vào máy của mình và nói:

- Nhân tiện, ông cho cháu xin tên ông luôn? Còn tên cháu là Thảo Trang.

- Ừ, cũng là dịp hay! Trần Viễn Dương. Tên ông đó. - Có lẽ cũng vì cái tên ông... mà định mệnh  dẫn đến chuyện chiếc thuyền, rồi đến chuyện con trai ông!

Cuối cùng, để việc mua bán diễn ra tự nhiên, người chủ thoả thuận với Thảo Trang nhận tiền bán chiếc thuyền theo giá 200 ngàn đồng ghi trên bộ đồ chơi mà ông đã mời cô trước đó. Ông nói:

- Năm nay dịch bệnh gây khó khăn quá, nên ban tổ chức họ yêu cầu nghỉ sớm hơn mọi năm. Chỉ còn một buổi chiều nay nữa là ông thu xếp về quê rồi. Liệu biết sang năm ông có ra bán được nữa không? Cháu nhớ giữ gìn chiếc thuyền cẩn thận, xem như một kỷ niệm giữa ông cháu ta nhé!

 

Đúng vào cái lúc người chủ quầy đồ xưa thu dọn xong những món hàng vào các chiếc thùng gỗ, thì điện thoại của ông bỗng reo vang. Ông nhìn vào máy, hiện tên: Thảo Trang.

- À, cháu đó hở? Chiếc thuyền đem về thế nào? Chạy thử có trở ngại chi không?

- Dạ cháu chưa cho chạy thử. Cháu chỉ mới vừa để thử vào bộ sưu tập bên cạnh những chiếc thuyền khác. Nhưng cháu muốn nói với ông một việc quan trọng hơn.

- Nếu chưa cho thuyền chạy, thì lúc nào cho chạy rồi cháu hãy gọi cũng được. Chừ, ông đang bận dọn dẹp lo về quê đây, kẻo trễ giờ.

- Khoan vội ông ơi. Cháu vừa gặp con trai của ông

- Sao? Cháu nói lại đi!

- Dạ nhờ chiếc thuyền mà cháu gặp con trai của ông. Cháu là cháu nội của ông. Đây, ông nói chuyện với ba cháu đi.

- (...)

- Ba ơi. Con là Cu TIN. Đứa con trai hư hỏng, lưu lạc của ba đây!

- Hả? Anh đang nói gì vậy? Anh nói rõ lại, anh là con ai? Quê quán ở đâu? Đã nhiều năm rồi... tôi chưa từng có tin tức con trai tôi.

- Con là cu Tin chứ không ai khác. Nãy chừ nhìn kỹ chiếc tàu, ba mua cho con ngày ấy, con nhớ ra hết... Lại thêm tên ba là Trần Viễn Dương. Thì ba chính là ba của con, không thể nào lầm lẫn. Ba hãy ở yên đó nghe ba. Ngay bây giờ, con và cháu nội gái của ba sẽ ra đón ba về nhà cùng ăn Tết. Mọi chuyện sau đó rồi con sẽ kể ba nghe...

Người chủ quầy hàng thụp người, ngồi tựa hẳn xuống chiếc thùng gỗ mỏng manh, lấy lại bình tĩnh. Ông không thể tưởng tượng được điều ông vừa nghe. Bao nhiêu năm rồi, từ ngày đứa con trai thất lạc, vợ ông mất sớm, ông sống thui thủi một mình. Bỗng giờ đây, mùa Xuân này, lần đầu tiên, ông được nghe câu nói “...về nhà cùng ăn Tết” như khúc hát ru xưa cũ êm ái, diệu kỳ! Trong dòng nước mắt nhạt nhòa, ông chừng thấy lại hình ảnh chiếc thuyền bằng thiếc sáng nay đang khởi động mạnh mẽ, rẽ sóng trên mặt nước quay lại đón ông để cùng con trai và cháu nội cập vào một bờ bến hạnh phúc yêu thương.

T.T.S

Bài viết khác cùng số

Món quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcĐâu rồi hương vị Tết xưaKhông nhà đêm BA MƯƠITản mạn tình đất tình người 25 nămBiển đợi...Thì thầm gió trên đồi GióngMen rừng mùa xuânĐiệu hát Bài chòi năm xưaQuê nhà mùa cũ thơm hươngXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Năm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnChuyện tình trên đỉnh non caoXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngKhúc đêm tự tìnhBánh nổGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýCon đườngĐứng trước biểnCũng đằm thắm láSợi nắng xuânMẹ & Mùa xuânTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmChiếc bóngGiao thừaBán đảo Sơn TràTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaKhúc ru hờiXuân caẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcEm chợt hiệnNgày đầu nămChủ nghĩa tối giảnMuốiNguyễn Trãi đến Tây HồTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhLực ơi!Tuổi mùa xuânNhững mùa hoa Hà NộiMùa vuiLan man xuân vềTheo dòng miên viễnVề quêGieo lại mùa thươngMưaTím biếc hoa chiềuCọGiải mã một điều bình thườngĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhTranh Lê Huy HạnhXuân Nhâm DầnSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtTiễn trâu đón hổNghinh xuânThiếu nữ du xuânCung đàn mùa xuânNhớ mẹVề thăm mộ mẹ