‘Tục ngữ phong dao’: Di sản văn hóa dân gian của dân tộc Việt

11.02.2019

‘Tục ngữ phong dao’: Di sản văn hóa dân gian của dân tộc Việt

Bộ sách "Tục ngữ phong dao" dù ra đời đã lâu, đến nay vẫn được phổ biến rộng rãi, được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng khi nghiên cứu, tìm hiểu và viết về tục ngữ ca dao Việt Nam.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội năm 1988: Tục ngữ là câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân; phong dao là những bài ca dao cổ.

Những câu tục ngữ như “Tối như đêm ba mươi”, “Tiễn ông Táo lên chầu trời”, “No ba ngày tết, đói ba tháng hè”… đều đi sâu vào đời sống nhân dân, được truyền từ đời này sang đời khác. Cũng có nhiều câu nói dần bị mai một, rồi biến mất, đó là điều rất đáng tiếc.

Ý thức được việc gìn giữ di sản quý giá của dân gian, nhiều cuốn sách về tục ngữ phong dao đã được biên soạn, như An Nam phong thổ thoại của cụ Thiên Bản cư sĩ Trần Tất Văn; Thanh Hóa quan phong sử của cụ Vương Duy Trinh; Đại Nam quốc túy của cụ Sự Sự Trai Ngô Giáp Đậu; Tục ngữ An Nam của cụ Triệu Hoàng Hòa; Nam ngạn trích cẩm của Phạm Quang Sán; Gương phong tục của Đoàn Duy Bình; …

Tuy nhiên, những sách này được biên soạn hoặc không theo trật tự nào, hoặc đối nhau thì hai câu một, hoặc chia ra từng mục như trời đất, năm tháng, tiền của, văn học; hay từng thiên như Sơn Tây, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thừa Thiên; từng chương như Tống Sơn, Nga Sơn, Hoằng Mỹ, Hậu Lộc;... Trong thực trạng đó, Nguyễn Văn Ngọc vẫn ấp ủ và khao khát tập hợp di sản tục ngữ phong dao của Việt Nam thành một cuốn sách có hệ thống, có tác dụng lưu giữ cho tương lai.

Sách Tục ngữ phong dao được in lần đầu tiên tại Vĩnh Hưng Long thư quán, năm 1928. Cuốn sách tập hợp các sáng tác ca dao, tục ngữ, câu đố, câu đối…., được phân chia theo thể loại rõ ràng, mạch lạc. Trong mỗi thể loại, các bài lại được sắp xếp theo vần, trong mỗi vần lại được chia theo số chữ, vô cùng cẩn thận, tỉ mỉ, giúp độc giả dễ theo dõi.

Đầu năm 2019, cuốn sách được tái bản lại, với diện mạo mới, đồng thời bổ sung thêm những chú thích, dị bản, giúp độc giả có cái nhìn đa dạng hơn về một nền văn hóa dân gian đồ sộ của dân tộc.

Trong bản in mới, Tục ngữ phong dao được chia thành 2 tập. Tập 1 thuộc về thể phương ngôn, tục ngữ từ ba chữ đến hai mươi chữ; tập 2 thuộc về thể phong dao, từ bốn câu trở lên.

Tục ngữ phong dao có khoảng gần 6.500 câu và 850 bài, với gần 700 trang sách dày dặn, được xem là một kho vàng chung của nhân loại. Theo nhà nghiên cứu Lê Thanh Hiền, cuốn sách là “tập hợp đầu tiên những giá trị tinh thần do các thế hệ người lao động Việt Nam sáng tạo và truyền khẩu qua hàng nghìn năm, được sưu tầm, biên soạn nghiêm túc ấn thành văn bản”.

Việc tập hợp, biên soạn, hệ thống tục ngữ ca dao của Nguyễn Văn Ngọc, theo ông, “cốt ở một điều là cứ theo như cái phong trào có mới nới cũ ngày nay, ai là người đã lưu tâm đến quốc văn quốc túy mà không lo sợ rằng những câu lý thú tối cổ của ông cha để lại, mà tức là cái kho vàng chung cho cả nhân loại nếu không chịu mau mau thu nạp, giữ gìn lấy, thì rồi tất mỗi ngày một sai suyễn, lưu lạc đi thực rất là đáng tiếc. Cho nên chúng tôi quả không dám kén chọn lựa lọc, san Thi gì”.

Bởi kho tàng tục ngữ ca dao của dân tộc quá đồ sộ, đồng thời cũng có mong muốn tập hợp được càng nhiều càng tốt, nên ở cuốn sách, Nguyễn Văn Ngọc chú trọng và việc thu thập thật nhiều câu, có khi không phân biệt rõ ràng thế nào là thành ngữ, tục ngữ, lý ngữ, sấm ngữ, mê ngữ, phương ngôn, đồng dao, ca dao hay phong dao.

Tác giả cho rằng, “đối với công việc sưu tập bây giờ, thiết tưởng ta còn phải quý hồ đa trước rồi nhiên hậu mới có nơi khảo cứu mà quý hồ tinh được.”

Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục trong bài viết Triết học bình dân trong tục ngữ phong dao đã viết tục ngữ phong dao “phản chiếu một cách trực tiếp và trung thành những cảm nghĩ của nhân dân sinh sống hàng ngày trong nhân quần xã hội và tiếp xúc với cảnh vật trong hoàn cảnh thiên nhiên. Như vậy thì tục ngữ phong dao chứa đựng những kinh nghiệm thực tế, những lẽ phải phổ thông của dân tộc. Chúng còn có ý nghĩa hơn là ngôn ngữ nói chung, vì đó là những cảm nghĩ đã trải qua kinh nghiệm và suy luận của đại chúng. Nếu phân tích ngôn ngữ có thể tìm ra một triết lý bình dân Việt Nam, thì nghiên cứu tục ngữ phong dao càng làm cho ta thấy cái triết lý ở một trình độ cao hơn và phong phú hơn nhiều.”

Cũng bởi thế, việc sưu tầm, biên soạn và lưu giữ di sản tục ngữ phong dao của dân tộc là việc là có ý nghĩa quan trọng, “để vun trồng cho các học văn Việt Nam của tổ tiên xưa được chắc rễ, bền cây”, đồng thời góp phần phát triển ngôn ngữ Việt hiện đại đa dạng, phong phú.

 Bộ sách Tục ngữ phong dao dù ra đời đã lâu, đến nay vẫn được phổ biến rộng rãi, được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng khi nghiên cứu, tìm hiểu và viết về tục ngữ ca dao Việt Nam.

 Nguyễn Văn Ngọc (1/3/1890 – 26/ 4 /1942) tự Ôn Như là nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Nguyễn Văn Ngọc có lòng say mê đặc biệt với văn hóa, văn học phương Đông, nhất là văn hóa, văn học dân tộc. Ông cho ra đời nhiều cuốn sách bằng tiếng Hán, tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Ông tham gia biên soạn các sách giáo khoa như Phổ thông độc bản, Phổ thông độc bản lớp đồng ấu, Luân lý giáo khoa thư, Giáo khoa văn học An Nam, Đông Tây ngụ ngôn. Về khảo cứu, Nguyễn Văn Ngọc có Cổ học tinh hoa, Nam thi hợp tuyển, Đào nương ca, Truyện cổ nước Nam, Ngụ ngôn, Tục ngữ phong dao...

 

Thuỷ Nguyệt

(news.zing.vn)