Trong khu vườn của người đàn bà tên Thúy

08.03.2013

Quả thực, cho đến những năm này, việc suy ngẫm về cách thức của một bài thơ, hay của một tập thơ, và nói rộng hơn của một nhà thơ, đã không còn là mối quan tâm của tôi nữa. Nguyên nhân nào đưa tôi đến thực trạng này? Câu trả lời chưa được chuẩn bị trong tôi. Nhưng quan niệm về nghệ thuật thơ ca của tôi đang tiến đến điểm cuối của một quan niệm mà tôi đã từng đọc, đã từng chống đối, đã nhìn lại, đã bị thuyết phục và trở thành đồng nhất. Đó là: Ngôn ngữ thơ ca gần với tiếng nói đời thường nhất.

Trong khu vườn của người đàn bà tên Thúy

Tôi đọc được quan niệm này cách đây chừng 25 năm. Và tôi phải mất rất nhiều năm mới thừa nhận. Nói chính xác hơn, phải nhiều năm sau tôi mới được khai mở hoàn toàn với quan niệm đó. Và trong suốt thời gian ấy, tôi là một kẻ sống với mọi trạng thái của nhận thức và tinh thần: ngây thơ, ngờ vực, yếu đuối, hoảng sợ, trống rỗng, hão huyền, sai lầm, run rẩy, im lặng, nổi giận, ảo giác, cực đoan, so sánh, tự phản biện, thiếu công bằng, thanh sạch, kiêu hãnh, hiểu biết… Cho dù mỗi trạng thái kia chỉ có thể tồn tại trong một khoảng thời gian nhiều lúc chỉ là một đêm. Và khi thức dậy mọi trạng thái kia biến mất. Nó không để lại cho tôi một kinh nghiệm nào rõ ràng, nhưng nó luôn luôn để lại những tiếng vọng đâu đấy, và một lối đi mơ hồ giống lối đi của một con chồn hương ven đầm nước đầy cỏ dại.

 

Cho đến bây giờ, tôi càng ngày càng không thể rời bỏ quan niệm của mình về ngôn ngữ của mỗi nhà thơ. Tôi cho rằng: Bản chất ngôn ngữ mà mỗi nhà thơ viết ra là không thể thay đổi hay khác biệt với chính con người anh (chị) ta. Ngôn ngữ đó phải thuộc về anh (chị) ta và anh (chị) ta phải thuộc về nó. Ngôn ngữ đó không bao giờ thuộc về sự nóng lạnh của xã hội và thể chế của xã hội đó, cho dù đề tài của một bài thơ có thể liên quan. Tính hợp lý hay đồng nhất này không thuộc về quá trình sáng tạo đậm dấu vết tu từ học, mà thuộc về mọi yếu tố tạo lên đời sống cá nhân của con người đó, với toàn bộ đời sống mà con người nhà thơ có trong đó. Nhưng sự thật, hình thức của ngôn ngữ đó lại luôn luôn bị chính nhà thơ đánh tráo mà nhà thơ lại không nhận ra. Sự quyến rũ của ngôn ngữ không phải là sự tầng tầng lớp lớp những nghĩa và những cấu trúc đầy tính hình thức mà chúng ta cố tạo ra cho nó, hay tìm cách gán ép cho nó. Mà sự quyến rũ của ngôn ngữ là khi nó bị ném thẳng vào bức tường của sự thật và ngay lập tức bật trở lại như chúng ta ném một quả bóng.

 

Những gì tôi vừa nói, tôi biết, hết sức thô lược, rời rạc và không hề dễ dàng để chia sẻ. Nhưng đó là sự thật. Sự thật đó đã giúp tôi có lý do và cả cơ hội nữa khi đọc các nhà thơ Việt Nam và thế giới.

 

Với cách nhìn đó, Đinh Thị Như Thuý là một trong không nhiều những nhà thơ tôi đọc đi đọc lại. Đinh Thị Như Thuý là nhà thơ của ai và thuộc thế hệ nào của thơ ca Việt Nam? Người ta vẫn hỏi câu hỏi ấy với các nhà thơ và tìm cách chứng minh cho câu trả lời của họ. Nhưng ngay khi đặt câu hỏi đó là lúc chúng ta đặt bước chân đầu tiên lên con đường dẫn đến sự thất bại.  Thất bại bởi câu hỏi đó chẳng bao giờ dẫn người hỏi đi đúng con đường mà họ phải đi để bước vào thế giới thơ ca thực sự của tác giả đó.

 

Tôi đọc tất cả những tập thơ Đinh Thị Như Thúy đã xuất bản. Có những bài thơ của chị tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Có những lần đọc nhưng không chú tâm để hiểu và cũng không lợi dụng những điểm tương đồng để tự tạo những cảm xúc cho mình. Đọc như đi qua một cánh đồng, một dòng sông hay một thị trấn mà không có mục đích. Và chính xác hơn, đọc như đứng trong một ngôi nhà đã mở hết các ô cửa, không có ai ở đó, không có bất kỳ sự chỉ dẫn nào, mà đứng với một sự mở bốn phía để bắt đầu cuộc trò chuyện. Sự đọc ấy giống như người ta vẫn đi trên con đường từ nhà ra cánh đồng và trở về trong suốt cuộc đời mình. Và hành trình liên tục như sự tự nhiên của đời sống này làm cho ta một ngày không thể rời xa được.

 

Trong bài viết này, tôi lấy bài thơ dài Nơi ngày đông gió thổi để trò chuyện. Mà thực ra, tôi cũng không dùng những câu thơ trích để nói về thơ chị hay con người chị. Đó thực sự chưa hẳn là mục đích của bài viết này. Tôi nói về thơ chị như bấy lâu nay những bài thơ của chị vẫn chập chờn đâu đó. Nó nhiều lúc chẳng rõ ràng trong tôi. Nó luôn luôn tạo ra một cảm giác “ở đâu đấy” quanh tôi. Vừa gần gũi vừa xa lạ. Vừa đóng lại và vừa mở ra. Vừa như những bài thơ có khả năng giấu đi mọi phô diễn của kỹ thuật ngôn từ, và vừa như là sự liên tiếp của những hành động vụng về nhưng chính xác đến không tưởng.

 

Nhưng có một điều bất biến kể từ khi tôi đọc tập thơ đầu tiên cho đến những bài thơ mới nhất của chị. Điều bất biến đó là tôi chưa bao giờ đi ra khỏi ý nghĩ của mình khi đọc những câu thơ của chị - Ý nghĩ về người đàn bà mang tên Thúy chỉ sống trong một khu vườn từ lúc sinh ra đến bây giờ và chắc chắn đến giây phút chị rời bỏ sự hiện hữu của chị trên thế gian. Nhưng quả thực, ý nghĩ đó không phải là trí tưởng tượng, và tồi tệ hơn nữa, nếu đó lại lại sự suy đoán. Ý nghĩ ấy là một hiện thực minh bạch đến kỳ lạ.

 

Việc khó khăn nhất của một nhà thơ là tạo ra không gian tinh thần của mình. Cái không gian mà vô số các nhà thơ đã lầm tưởng tạo nên được bởi những định danh và những ghi chú, phần nhiều là vô nghĩa, trong và dưới các bài thơ. Những định danh và những ghi chú đó luôn luôn tố cáo sự hoang mang vô định của nhà thơ. Cái không gian mà nhà thơ tạo dựng lên với toàn bộ lịch sử tinh thần quanh nó chính là không gian của mỹ học.

 

Cho đến bây giờ, những nhà nghiên cứu thơ ca Mỹ đều đi đến một thống nhất trong việc xác lập về không gian của nữ sỹ danh tiếng Mỹ - Emily Dickinson. Bà đã sống một cuộc sống ngắn ngủi trong ngôi nhà của bà, một ngôi nhà mà bà luôn luôn tìm cách khép những cánh cửa thông với xã hội bên ngoài. Đã hàng triệu bạn đọc trong đó có những nhà thơ, những nhà nghiên cứu thơ ca và ngôn ngữ đã bước vào ngôi nhà đó. Họ đã đứng đó, có thể nói trong im lặng tột đỉnh, có thể để hình dung thế giới của Emily Dickinson. Và tất cả họ có cùng một câu hỏi: Bằng cách nào mà toàn bộ hiện thực kỳ lạ của đời sống tinh thần con người, lại được khám phá chỉ trong một ngôi nhà nhỏ bé và cách biệt xã hội bên ngoài đến vậy. Thực ra, hiện thực trong ngôi nhà luôn đóng lại của Dickinson chứa đựng đầy đủ hiện thực của đời sống bên ngoài ngôi nhà đó. Hay nói đúng hơn, ngôi nhà đó cho dù nhỏ bé và bị phong toả các quan hệ đến đâu, thì nó cũng nằm trong hiện thực của thế gian, hay nói rõ hơn nữa là nó luôn luôn nằm ở trung tâm đời sống thế gian. Ngôi nhà nào cũng thế chứ không phải chỉ ngôi nhà của một thi sỹ.

 

Và khu vườn của người đàn bà tên Thuý là một trung tâm của đời sống thế gian, nó giống mọi khu vườn, nó chỉ có một điều khác với những khu vườn nào đó, là trong khu vườn đó hiện hữu một nhà thơ.

 

Khu vườn của người đàn bà tên Thúy là một khu vườn nhỏ cách xa một đời sống xã hội ồn ào và bất trắc. Sẽ rất nhiều người sai lầm khi họ nghĩ rằng: Cái xã hội ồn ào và bất trắc ngoài kia mới chứa đựng tất cả những gì của đời sống con người. Đó là một khu vườn chiều nào cũng gió. Và gió thổi qua khu vườn đó cho tới ban mai. Gió thổi nhiều đến mức tôi nghĩ sẽ làm tan biến chị trong một buổi chiều mà ai đó chợt lãng quên. Người đàn bà tên Thúy hoặc là ngồi bất động hoặc là đi trong im lặng quanh khu vườn đó. Với những gì đang xẩy ra trong khu vườn đó hay nói chính xác hơn một chút nữa là đang xẩy ra trong người đàn bà tên Thuý ấy mới là những bất trắc. Những bất trắc từ vấn đề môi trường, từ những chính sách độc tài, từ những vấn nạn của xã hội hậu hiện đại, là những bất trắc mà nhà thơ phải đương đầu như mọi người khác, nhưng nó không phải là nơi một bài thơ sẽ tìm đến hay giải quyết. Nơi mà một bài thơ tìm đến là sự bất trắc, mà có nguy cơ sự bất trắc ấy, sẽ phá vỡ hoặc huỷ diệt hoàn toàn mối liên hệ mong manh và duy nhất giữa con người và những vẻ đẹp vĩnh hằng.

 

Khu vườn của người đàn bà tên Thuý hình như lúc nào cũng thẫm tối rồi một lúc nào đó lóe lên ánh sáng của vạt quỳ trổ hoa muộn ánh lên những vệt vàng. Những bông dã quỳ trong một hiện thực không mọc trong vườn của chị. Nhưng câu thơ đó đã làm những cánh dã quỳ sáng rực cả khu vườn. Không ai thô thiển và ngốc nghếch đặt câu hỏi về phần hiện thực thứ nhất. Không ai truy vấn chị, hay truy vấn tôi rằng: Trong khu vườn ấy không hề có một khóm dã quỳ nào. Bởi trong những vệt vàng muộn và đầy mệt mỏi kia nhưng lại đang trỗi dậy sự sống mãnh liệt đến nức nở.

 

Và một vẻ đẹp đã được gọi tên.

 

Câu thơ tôi vừa trích như một sự bất chợt. Vào những buổi tối trong ánh hoàng hôn trong ngôi nhà nhỏ ở thị xã Hà Đông hoặc trong khu vườn ở làng Chùa của tôi, hai địa danh mà chẳng hề có bất cứ mối liên hệ nào với những khóm dã quỳ, tôi vẫn thường chợt dừng lại khi thấy những vệt vàng hừng lên. Ánh sáng mỏng manh và không bao giờ loá gắt ấy, như chỉ hắt lên lần cuối cùng, lại luôn chiếu rọi đến nơi chốn sâu thẳm trong tâm trí tôi. Những lúc như thế, tôi thấy mình đã đọc toàn bộ tiểu sử của người đàn bà tên Thuý. Một người đàn bà luôn luôn tìm cách thu nhỏ mình lại, thu nhỏ mãi, thu nhỏ nữa như chỉ tìm cách biến mất trước quá nhiều những đòi hỏi thô thực. Chị đã có những lúc thu mình như một nỗi sợ hãi, như một sự phó thác đời sống mình vào thiên nhiên và những vẻ đẹp huy hoàng của nó đang có nguy cơ tàn lụi. Nhưng có hai thứ không bao giờ thu nhỏ mà luôn mở ra hết cỡ : đó là đôi mắt và trái tim chị. Và trong sự mở ấy chị khám phá ra vẻ đẹp từ những hiện thực nhỏ bé nhất.

 

Câu thơ thật giản dị ấy đã chứa đựng một vẻ đẹp thiên đường, nhưng cũng chứa đựng những cơn ho đau đớn buổi chiều của chị và những trễ nải thường nhật. Và lúc nào, trong con mắt của tôi, thế gian này cũng chỉ một màu vàng ấy.

 

Một bài thơ, cứ tạm gọi với một khái niệm không hẳn đúng là “thành công” là một bài thơ tạo ra bởi một cá nhân, nhưng sau đó tính đơn biệt của cá nhân đó bị xoá mất, và thay vào đó là một thế giới của những cá nhân khác. Nghĩa là nó đã tạo ra một hiệu ứng hay có thể gọi là sự lan toả tuyệt vời. Một bài thơ được viết ra không phải để cho người đọc truy tìm ý nghĩa văn bản bài thơ đó, hay những bí ẩn nào đó liên quan đến tác giả của nó, mà là tạo ra một thế giới hoàn toàn khác trong người đọc. Cái thế giới mà với những lý do nào đó đã bị lãng quên, hay vùi sâu dưới hàng vạn những điều khác, nay hiện ra như ngọn gió vô tình làm cánh cửa đang khép chợt tung mở. Và chủ nhân của ngôi nhà đó được nhìn thấy toàn bộ ngôi nhà, và ký ức của người đó thức dậy nhưng lại chẳng có bất cứ mối liên hệ hay ràng buộc gì với những ngọn gió kia.

 

Chính vì thế, mà khu vườn của người đàn bà tên Thúy, được dựng lên bởi ngôn ngữ của chị, một ngôn ngữ đơn biệt và cá nhân hóa, không bao giờ mang mục đích dẫn dụ người khác tìm đến để xác thực khu vườn ấy, mà để anh ta hay chị ta nhìn thấy cái ánh sáng màu vàng của dã quỳ trong những căn buồng đầy bóng tối của ký ức.

 

Nếu nói, mỗi nhà thơ có một thế giới bạn đọc của mình, thì có thể, cho dù thế giới bạn đọc của chị là chỉ mình tôi thì chị đã hoàn thành sứ mệnh của một nhà thơ. Chị đã tạo ra thế giới ấy. Chị đã tạo ra thứ ánh sáng mà ở đâu tôi cũng bị ngập chìm bởi nó. Nhưng tôi lại không lệ thuộc vào chủ nhân của thứ ánh sáng đó. Nó là của tôi. Nó thuộc tôi. Và nó đi cùng tôi. Bởi cái mà một nhà thơ làm ra không phải cho một đám đông. Nhà thơ không phải là một kẻ lập thuyết, không phải là người truyền giáo, không phải là một nhà hoạt động xã hội, nhà thơ là một ví dụ vĩnh viễn của cô độc và những ám ảnh mơ hồ nhưng chói lọi. Thơ ca không bao giờ là một sự kiện xã hội hay một sự kiện chính trị, nó chỉ là và duy nhất là một sự kiện của tâm hồn. Nó là cánh đồng vô tận bên cạnh một cánh đồng, là bài thơ đầy tính hữu hạn của ngôn từ và những mặc cảm.

 

Những đồi dã quỳ đẹp đến mức có thể lẩn vào đó mà chết. Đây là một câu thơ, hay là một câu văn xuôi, hay là một câu nói có vẻ hững hờ ? Nhưng người theo chủ nghĩa tu từ học sẽ phản ứng tức thì khi đọc câu thơ đó. Nhưng họ không biết rằng sự cầu kỳ, tỉ mỉ như một người thợ kim hoàn đã giết chết họ. Chúng ta có thể trích dẫn vô vàn những câu thơ viết về loài hoa dại này, và không ít người trong chúng ta sẽ rên lên bởi những mỹ từ được sáng chế và những ám chỉ thời thượng. Nhưng những mỹ từ đó và những ám chỉ thời thượng đó, đã vô tình giết chết vẻ đẹp của loài hoa dại chứa đựng cái màu vàng huyền bí kia. Câu thơ trên là tài hoa của sự sáng tạo. Nói như vậy thật thô thiển. Nó vượt qua sự sáng tạo thông thường. Vẻ đẹp của nó đến mức khi chúng ta nhìn vào thì hiệu ứng của nó dội lại tức thì. Nó đẹp đến mức làm cho người nhận ra nó thì thấy cuộc sống của mình đã chạm vào sự viên mãn. Câu thơ hóa giải nỗi sợ hãi lớn nhất của mọi con người. Đó là nỗi sợ hãi về cái chết. Vậy, có sứ mệnh nào lớn hơn sứ mệnh giải thoát con người khỏi nỗi sợ hãi về sự hữu hạn của mình không ?

 

Không có gì khác biệt với một câu nói thường nhật khi chúng ta đọc Những đồi dã quỳ đẹp đến mức có thể...Nhưng những chữ cuối cùng: lẩn vào đó mà chết đã đập cánh bay lên. Đó là đôi cánh giản dị nhưng kỳ vĩ của thơ ca. Tôi đang làm một việc mà không phải là thuyết phục những ai đó đọc bài viết này đi tới sự thừa nhận câu thơ trên và những câu thơ tương tự trong nhiều bài thơ của chị . Tôi đang được gọi tên và tôi đang được đổi thay. Tôi chính là một vẻ đẹp được gọi tên khi đọc câu thơ ấy. Sao lại không như thế? Đó chính là sự kiêu hãnh tuyệt đẹp của mọi con người. Tôi muốn bước tới khóm dã quỳ và biến mất vĩnh viễn. Nhưng chúng ta sẽ lầm tưởng sự biến mất kia là một kết thúc, một kết thúc của bài thơ hay một kết thúc của đời sống. Cái sứ mệnh làm tươi sáng hoá, hay vĩ đại hoá, hay cứu rỗi hoá đời sống, là một sứ mệnh chết tiệt. Đó là một thói đạo đức giả được trá hình ngoạn mục.

 

Một nhà thơ Việt Nam mà tôi nhắc sau đây có thể các bạn chẳng muốn nhớ đến nữa hay đã không đọc ông từ lâu rồi, nhà thơ Phạm Tiến Duật. Phạm Tiến Duật nói: Nhà thơ viết một bài thơ để lấp đi sự trống rỗng trong lòng anh ta, nhưng khi bạn đọc đọc xong bài thơ ấy thì một sự trống rỗng hiện ra trong họ. Một nhà thơ như vậy, với một bài thơ như vậy, là một nhà thơ đích thực. Sappho, người được coi là Nữ thần Thi ca, bà sinh ra khoảng những năm 630 và 612 trước CN. Bà đã rời bỏ chốn phồn hoa đến sống cho hết đời ở một hòn đảo. Cũng từ đó, người ta nói bà giã từ thế giới đàn ông. Họ cho bà là một người đồng tính. Nhưng tất cả những gì liên quan đến đời sống tâm sinh người đàn bà vĩ đại ấy chẳng nói với chúng ta một điều gì. Chỉ những câu thơ bà để lại luôn luôn giống như một lời nguyền đau đớn mà con người phải gánh chịu cho đến bây giờ. Tất nhiên chúng ta đều biết đó không phải là lời nguyền. Đó là một hiện thực của đời sống tinh thần, đó là số phận nhân loại bị đày đọa trên thế gian này. Một trong những bài thơ của bà mà các nhà phê bình thường lấy làm ví dụ:

 

Thời gian vùn vụt trôi

Tôi nằm trên giường

Cô độc

 

Không gian của Sapho chỉ là một chiếc giường nhỏ ấy. Hình ảnh bà nằm trong đau đớn cô độc trên chiếc giường là hình ảnh thu nhỏ của số phận nhân loại. Chiếc giường ấy là một hình ảnh chính xác về thế gian, một thế gian trôi trong cô độc bất tận. Thân xác của người đàn bà kia mục ruỗng và biến mất theo thời gian, nhưng sự cô độc vẫn nằm trên chiếc giường ấy cho đến tận lúc này. Nó không ngừng quằn quại đau đớn và không ngừng khát vọng. Và tôi, tôi nhìn thấy nó trên mọi chiếc giường mà nhân loại đang nằm.

 

Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn trong tranh cãi nhau về sứ mệnh hay sự có ích của thơ ca. Và hầu hết chúng ta lầm lẫn. Thơ ca không có nghĩa vụ tạo ra những sự kiện xã hội, chính trị hay tham gia vào các sự kiện đó, mà thơ ca chỉ làm ra những sự kiện tâm hồn. Chưa một nhà thơ nào dùng thơ ca để thay đổi cơ cấu xã hội hay thay đổi một thể chế chính trị. Pablo Neruda, một nhà thơ lớn Chi lê sống trong bóng tối của nước mắt và máu chảy dưới chế độ độc tài Chi lê, hay Ko Un, nhà thơ Hàn Quốc, ứng cử viên Giải Nobel văn chương nhiều năm nay, đã từng bị tù đày trong nhà tù của chế độ độc tài Pắc Chung Hy. Cả hai thi sỹ này đã không tham gia vào bất cứ vụ bạo động chính trị nào. Cuộc sống không chọn lựa họ để làm việc đó. Công việc của họ là lặng lẽ đi mở cửa những ngôi nhà tâm hồn còn chứa đầy bóng tối với chìa khóa là những tia sáng của những vẻ đẹp lộng lẫy trong những hiện thực giản dị.

 

Nhà thơ không phải là một nhà đạo đức, một nhà lịch sử, một nhà triết học, một chính khách, một linh mục... Nhà thơ, như Charles Simic, nhà thơ Mỹ Giải Pulitzer cho thơ năm 1990, định nghĩa:  chỉ là người quan sát đời sống và bị đời sống làm cho kinh ngạc.  Và trong khu vườn nhỏ của mình, người đàn bà tên Thúy đã lúc nào cũng mở to đôi mắt nhìn đời sống này như một đứa trẻ nhiều đau ốm và sợ hãi và hoảng sợ và khát vọng. Tất cả những ngơ ngác, những đau ốm, những hoảng sợ, những tuyệt vọng và những khát vọng của người đàn bà tên Thúy là của chúng ta. Những trạng thái ấy chính là đức hạnh thực sự của con người. Những điều đó đẩy chúng ta trở lại nguồn gốc đời sống của con người. Khi chị viết : Người đàn bà chăm chú dõi tìm trái đỏ trong cây là tôi hiểu chị viết về những người đàn bà trong mùa thu hoạch cà phê. Nhưng ánh sáng của câu thơ đã rời khỏi thân xác của một hiện thực đen tối như ánh lửa rời thân xác của một khúc gỗ. Khó có thể tìm một hình ảnh nào giản dị hơn và đẹp hơn câu thơ này. Nó giản dị đến mức làm cho rất nhiều các nhà thơ có thể cười khẩy với tôi. Điều đó thật hiển nhiên và thật dễ hiểu. Nhưng để viết câu thơ đó, chị đã mở đôi mắt đến không còn khả năng mở hơn nữa, và nhìn thẳng vào cái trái đỏ trong vòm lá thẫm tối kia với một lượng thời gian bằng đúng tuổi đời chị. Cái nhìn đó giống như người ta điều chỉnh ống kính máy ảnh vào một điểm để cuối cùng nó hiện lên sắc nét như một sự tinh kết cao nhất. Hình ảnh ấy ngay từ đầu đã dựng lên trong tôi hình ảnh một nữ thần ái tình đang bay trong vòm trời màu lục và vươn những ngón tay mảnh dẻ và run rấy để chạm vào ngôi sao lấp lánh kia. Chị không áp đặt tình yêu những người lao động vào tôi, không lên tiếng với tôi về sự khổ hạnh của những người đàn bà vất vả và nghèo đói, chị không được phép làm thế vì chị là một nhà thơ. Chị phải mang đến cho tôi một cơ hội bay lên lộng lẫy, chị phải làm ra một thiên đường ngay ở nơi chị đứng. Đúng như Dickinson viết :

 

Thiên đàng ai không tìm thấy

Dưới thế gian này

Sẽ không tìm thấy trên cao

 

Tôi lại muốn trở lại với Emily Dickinson. Tại sao, những bài thơ giữ kín trong ngăn kéo của Emily Dickinson chỉ được phát hiện khi bà qua đời lại lại đưa bà lên đỉnh cao của thi ca nước Mỹ như vậy. Những bà thơ của bà không hề nói về nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, không nói về nạn thất nghiệp, không nói về vấn đề tự do ngôn luận hay tự do đồng tính... Những bài thơ đó mở ra sự thật về những đau đớn trong tâm hồn nhân loại. Những bài thơ đó mang vẻ đẹp kì vĩ và vĩnh hằng thông qua những run rẩy mơ hồ nhất, những sợ hãi mơ hồ nhất, những khao khát giản dị nhất, những đau đớn nhân tính nhất, những rung động kỳ lạ nhất... trong ngôi nhà bé nhỏ của một người đàn bà cô đơn và bệnh tật. Những nhà phê bình uy tín Mỹ đã gọi con người bà là chân dung của nhân loại.

 

 

Những người đàn bà mùa khô đau buốt, thân thể sực nức mùi lá rừng mùi ngải cứu, ngồi trên bực cửa buồn bã nhìn ra vườn.

 

Nàng hà hơi thở vào đôi bàn tay, đặt lên hai gò má, ủ ấm dòng nước mắt vừa ứa ra. Những ngân nga bỗng từng chặp vang lên trong nàng. Như thể có những chiếc chuông nhỏ giấu kín đâu đó lâu nay giờ đã được tìm thấy. Và gió đang lắc lư chúng bằng thói tùy tiện bất cẩn. Ấy là khi mùa lạnh xòe những ngón dài vuốt qua lần cuối những ngọn đồi khô rụi cỏ.

 

Những đoạn thơ trên không của một bài thơ. Những câu thơ đó vang lên xào xạc như tiếng thì thầm đứt quãng trong những buổi chiều của người đàn bà tên Thuý. Nó giản dị đến run người. Nó không phải của chị. Nó là của những người đàn bà trong gia đình tôi, trong dòng họ tôi, trong làng tôi và những nơi khác nữa. Những người đàn bà ấy không bao giờ rao giảng và biện luận về bất cứ điều gì. Họ là nhân chứng của những sợ hãi, những đau ốm, những run rẩy, những trốn chạy, những im lặng, những mở mắt mãi mãi trong bóng tối, những đợi chờ tuyệt vọng trên chiếc giường số phận, những cách biệt với mọi rồ dại và hoang tưởng ở bên ngoài ngôi nhà của họ… Họ là hình ảnh chính xác nhất về con người trên thế gian. Và khi họ mở mắt ra thì ta, hoặc chỉ mình tôi, nhận thấy những vệt vàng thức dậy và một nỗi buồn huy hoàng tràn ngập.

 

Và một vẻ đẹp đã được gọi tên.

 

Thị xã Hà Đông, đêm 6 tháng 4 năm 2010.

 

Nguyễn Quang Thiều