Tôn sư trọng đạo - Nguyễn Văn Thanh

02.12.2014

Tôn sư trọng đạo - Nguyễn Văn Thanh

Từ bao đời nay trong tâm hồn của người Việt Nam, nghề giáo bao giờ cũng là nghề cao quý. Trong những tấm gương làm nên lòng tự hào này, chúng ta không thể không nhắc đến những người thầy mà người đời đã tôn vinh: Lê Quý Đôn, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Đồ Chiểu, Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp…

 

Trong tác phẩm Vân đài loại ngữ, tác giả Lê Quý Đôn đã viết: “Dù ngu dốt đến đâu, cũng nên kính giấy, tiếc chữ...”. Đây được xem là lời khuyên răn của nhà giáo Lê Quý Đôn đối với tầng lớp học sinh và sĩ phu Việt Nam vào thế kỷ XVI. Người ta thường nhắc đến Lê Quý Đôn với tư cách là một nhà bác học của thời phong kiến mà ít đề cập đến ông với tư cách là một nhà giáo có những môn đồ xuất chúng của đất Việt.

Lê Quý Đôn (1726 – 1784) quê ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, ông xuất thân dòng dõi khoa bảng. Năm 1752, ông đỗ Bảng nhãn. Sau đó ông trải nhiều chức vụ như: Thị giảng Hàn lâm viện, Phó đô ngự sử, Hữu thị lang bộ công, tư nghiệp Quốc Tử Giám... Giai đoạn tiếp, ông lại tiếp tục các chức vụ như tham tán quân cơ Thuận Hóa, phó sứ sang Trung Quốc năm 1760…Đó là cả một quá trình cống hiến với nhiều dấu ấn bằng cả một pho trước tác đồ sộ trên 40 bộ sách với hàng trăm quyển bao gồm nhiều lĩnh vực như sử học, triết học, khảo cứu, sưu tầm, sáng tác…tiêu biểu như: Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ, Quần thư khảo biện, Thư kinh diễn nghĩa, Quế đường thi tập, Toàn Việt thi lục….

Có lẽ, trong các nhà giáo phong kiến Việt Nam, Lê Quý Đôn là người đưa ra nhiều quan điểm về dạy và học nhất hơn cả. Tư tưởng dùng pháp trị đối với tầng lớp quan trường trong quan điểm giáo dục của ông là một nét mới khi bàn đến luật pháp phải được giảng dạy cho các lớp đồng ấu: “Mới học, đã phải dạy cho biết hình phạt chuyên để trừng trị người làm quan không đủ chức phận, chẳng những là để sau làm quan biết cách nói thẳng, can gián, cũng để mà biết sơn hải, không mắc tội lỗi” (Thư kinh diễn nghĩa)

Người được dân tộc, nhân dân ta tôn thờ là bậc thánh của nghề  làm thầy là nhà giáo Chu Văn An (1292 - 1370), người  thôn Văn, Xã Quang Liệt, nay là Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội (quê mẹ). Theo Đăng khoa học bổ dị, từ 14 tuổi, ông thi đậu Thái học sinh (như tiến sĩ) nhưng không ra làm quan. Ông mở trường dạy học trên một cánh đồng tại làng Huỳnh Cung, giáp với thôn Văn. Học trò của ông rất đông, nhiều người thành đạt như Phạm Sư Mạnh, tể tướng đời Trần Dụ Tông, Lê Bá Quát làm thượng thư.

Thầy dạy học rất nghiêm, lấy mình làm gương mẫu cho học trò noi theo. Tể tướng Phạm Sư Mạnh, Thượng thư Lê Bá Quát, những khi về trường thăm thầy, được thầy khuyên bảo, khen chê đều rất phấn khởi.

Lo cho vận mệnh của đất nước, nhằm mở mang nền giáo dục cho quốc gia, Trần Minh Tông (1300 - 1357) mời thầy ra làm tư nghiệp trường Quốc Tử Giám (như phó giám đốc trường đại học) và dạy thái tử học, đây được coi là trường đại học đầu tiên của nước Đại Việt. Bằng nhiệt thành và uy tín của mình thầy đã lập nên kế hoạch kích thích vua mở mang hệ thống trường học trên khắp cả nước ta thời bấy giờ.

Trong quá trình dạy học, Chu Văn An đã soạn ra bộ Tứ thư thuyết ước. Theo tên sách ta có thể biết đây là tập giáo trình đầu tiên bàn về bốn quyển sách quy định trong chương trình giảng dạy: Đại học, Trung Dung, Luật Ngữ và Mạnh Tử. Tiếc thay tập giáo trình này đã bị nhà Minh lấy mất. Nếu còn bộ sách, chúng ta sẽ hiểu cụ thể quan điểm của thầy. Ở miếu thờ Chu Văn An ở làng Huỳnh Cung còn ghi lời của Bùi Huy Bích (1744 - 1802) có đoạn, tạm dịch: Kính nghĩ phu tử, tinh thông về lý học, khi ra đời (xuất thế) cũng vì Lễ, khi ở ẩn (thoái ẩn) cũng vì nghĩa. Những học trò của ngài đã đem bày tỏ rõ ràng được đạo Nho, chống lại tà thuyết, gạt bỏ mê tín. Phong thái và ảnh hưởng của ngài dù đến trăm năm sau cũng cảm thấy như chính mình đang ở gần ngài. Trong Kinh thi, chẳng đã có câu: Núi cao, ngửa trông thấy càng cao, đường lớn càng đi càng thấy xa...

Khác với thầy Chu Văn An, thầy Nguyễn Trãi (1380-1442) đến với nghề giáo khi đã hiến trọn tuổi xuân của mình để cứu dân, cứu nước. Vì khao khát đào tạo một thế hệ mới “chăn dân mựa nữa mất lòng dân” nên khi được vua giao trọng trách dạy vua trẻ, Nguyễn Trãi đã đem tất cả nhiệt huyết của một nhà tư tưởng kiệt xuất, tâm hồn rung động của một nhà thơ, nỗi lo dân của một người “ăn lộc” dân để khuyên răn, giáo huấn, thuyết phục vua trẻ phải biết lấy “dân làm gốc”, làm sao cho “trong thôn cùng ngoài ngõ vắng không có tiếng hờn giận oán sầu” để con dân được đến trường. Tư tưởng tiến bộ của thầy sẽ là một sự đóng góp, là tấm gương mẫu mực cho các nhà quản lý giáo dục.

Tấm gương cảm động hiếm thấy trong lịch sử làm nghề dạy học có lẽ là thầy Đồ Chiểu (1882-1888), là một nhà thơ lớn, một nhà giáo, và còn là một thầy thuốc. Cuộc đời của Đồ Chiểu là “tấm gương lớn về đạo làm người”(Trần Văn Giàu, Nguyễn Đình Chiểu – đạo làm người, Sở Văn hóa và Thông tin Long An xuất bản, 1983). Dù sinh ra trong cảnh loạn lạc, vào đời thân phận mù lòa nhưng thầy vẫn vượt qua số phận, cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Thầy khước từ vật chất và danh lợi của bọn Lang Sa, thầy sống trong cảnh túng thiếu để mở trường dạy học. Bài dạy của thầy mang đến cho lớp trẻ vừa có tri thức vừa có đạo lý “làm người ngay thẳng” vừa chất chứa cả lòng yêu nước, thương dân trước họa xâm lăng. Nghị lực phi thường của thầy Đồ Chiểu là bài học thật lớn cho hậu thế, chính là “thái độ sống có văn hóa, là nhân cách cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu” (Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Đình Chiểu, nhân cách của một nhà văn hóa lớn, http://vanchuongviet.org, 01.11.2005). 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người thầy lớn. Rời trường Quốc Học, đến trường Dục Đức đứng trên bục giảng trong hoàn cảnh mất nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành cảm nhận ở ánh mắt học trò không chỉ là sự khát khao tri thức mà còn là mơ ước một cuộc đời tự do của người dân nô lệ. Chính vì vậy Bác đã hy sinh cả cuộc đời, cả gia đình, cả hạnh phúc cá nhân để mang về tự do độc lập, cơm áo, mái trường cho các em. Mơ ước lớn nhất của Bác là làm sao cho “dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, nước ta sẽ “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Ước mơ vĩ đại ấy đã và đang được nền giáo dục Việt Nam phấn đấu với khát vọng hướng tới một xã hội văn minh, tiến bộ mà lớp lớp thế hệ tiếp nối có trách nhiệm kế thừa và phát triển sao cho ngày một xứng đáng hơn.

Thầy giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013): là nhà giáo dạy Sử học, là Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, là vị tướng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. Ông là võ tướng nhưng rất “Văn” như Bác Hồ thường gọi Đại tướng là “anh Văn”. Khi nói về nghề dạy học, Đại tướng đã nói: “Nếu không có chiến tranh, chắc bây giờ tôi vẫn làm nghề giáo”.

Điểm lại những người có nhiều đóng góp cho giáo dục xưa và nay, chúng ta nhớ câu nói của Nhà giáo dục học Usinxki: “Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được”.

 

                                                                                       N.V.T