Tinh thần lạc quan của Tiểu La Nguyễn Thành qua mấy vần thơ - Châu Yến Loan

05.04.2017

Tinh thần lạc quan của Tiểu La Nguyễn Thành qua mấy vần thơ - Châu Yến Loan

Tiểu La Nguyễn Thành, nhân vật kiệt xuất của đất Quảng Nam, người khai sáng Duy Tân Hội, nhà lãnh đạo xuất sắc đồng thời cũng là người tri âm, tri kỷ của chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu.

 

Nguyễn Thành trước có tên là Nguyễn Hàm, tự là Triết Phu, hiệu là Nam Thịnh, sau đổi thành Tiểu La, sinh năm Quý Hợi (1863) tại làng Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (nay là ấp Quý Thạnh, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam).

Năm Ất Dậu (1885) ông ra Huế thi Hương thì gặp vụ binh biến kinh thành Huế, ông đã tận mắt chứng kiến những hành động dã man, tàn ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta nên rất căm hận. Vì thế ông không tiếp tục con đường khoa cử mà quyết tâm đánh đuổi quân thù. Trở về quê nhà, ông đứng ra tập hợp các thanh niên trai tráng trong vùng Thăng Bình, Quế Sơn ngày đêm luyện tập võ thuật, binh pháp đợi ngày xông pha chiến trận.

Theo lời mời của Tiến sĩ Trần Văn Dư ông đã đem quân phối hợp đánh chiếm thành tỉnh Quảng Nam giành được thắng lợi lớn. Năm 1886, Nghĩa hội Nam - Nghĩa - Định thành lập, Nguyễn Duy Hiệu mời ông tham gia và cử ông giữ chức Tán tương quân vụ kiêm Tham biện tỉnh vụ. Ông rất có tài về quân sự và lập được nhiều chiến công khiến Nguyễn Thân phải kính nể.

Khi phong trào Cần Vương tan rã, ông về quê ẩn thân mười sáu năm tại Nam Thịnh sơn trang, sau đó cùng với Phan Bội Châu thành lập Duy Tân hội và trở thành nhà lãnh đạo tài ba, vị quân sư lỗi lạc của Hội.

Năm 1908 phong trào kháng thuế nổ ra ở Quảng Nam rồi nhanh chóng lan ra các tỉnh miền Trung, chính quyền Pháp thẳng tay đàn áp và truy bắt các sĩ phu yêu nước, ông bị đày ra Côn Đảo và mất tại đó ngày 11 tháng 11 năm 1911.

Mặc dù xuất thân trong một gia đình quan lại triều Nguyễn, thân phụ làm đến Bố Chánh, Kinh lược sứ, nhưng Nguyễn Thành bình sinh không hay làm thơ. Suốt đời bận bịu với những lo toan cứu nước, Nguyễn Thành chỉ lưu tâm thực học, không chú ý đến việc sáng tác văn chương, song với một tài năng vượt trội, một trí tuệ uyên bác, những khi có cảm xúc ông cũng làm đôi bài để bày tỏ tâm tư, tình cảm với bạn bè.

Mấy bài thơ của ông còn lưu lại đến nay, tuy rất ít, nhưng sáng ngời một tinh thần lạc quan, ý chí chiến đấu kiên cường của người chí sĩ cách mạng những năm đầu thế kỷ XX.

Trong Thi tù tùng thoại, Huỳnh Thúc Kháng có chép bài thơ “Vịnh Con cóc” của Nguyễn Thành, bài thơ chỉ vỏn vẹn có hai câu, mười bốn chữ mà chứa đựng một nội dung tư tưởng cao sâu. Tác giả dựa vào chuyện con cóc trong kho tàng Cổ tích dân tộc để nói chuyện con người, nói về thời cuộc, về chiến lược đấu tranh:

“Thiên địa bất bình nan bế khẩu.

Phong vân vị chí thả mai đầu”

(Trời đất bất bình khó ngậm miệng

Gió mây chưa đến hãy ẩn mình)

Trời làm hạn hán, khiến cây cối khô cằn, vạn vật giãy chết. Oán hờn đến mức khó mà ngậm miệng, cóc phải kêu, phải hỏi tội trời, bắt trời mưa xuống để cứu sống muôn loài. Từ chuyện con cóc, câu thơ đã khái quát được tình hình đen tối của xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Thực dân Pháp xâm lược đất nước ta, gieo rắc bao đau thương, tang tóc, tội ác tày trời do chúng gây ra khiến trời đất bất bình, lòng dân oán hận. Không thể ngậm miệng, bó tay được, phải kêu lên, phải chống lại bọn chúng:

Thiên địa bất bình nan bế khẩu

Đó chính là chân lý. Nhưng khi gió mưa chưa đến cóc phải giấu mình trong bụi rậm để sống. Còn người ta muốn làm việc lớn phải ẩn nhẫn đợi thời, phải cẩn trọng, hoạch định chu đáo thì khởi sự mới thành công. Có lẽ bài học này Nguyễn Thành đã rút được từ thất bại cay đắng của Nghĩa hội Cần Vương Quảng Nam. Sau cái chết oanh liệt của vị thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu, Nghĩa quân tan rã, Nguyễn Thành lui về quê cày ruộng ẩn thân mười sáu năm trời tại Nam Thịnh Sơn trang, bí mật tiếp xúc với đồng chí, nghiên cứu tân thư, suy ngẫm đại cuộc để tìm một đường lối chống Pháp thích hợp hơn. Đây chính là giai đoạn “Phong vân vị chí thả mai đầu” của Nguyễn Thành vậy.

Đến năm 1903 khi “binh giáp đã tàng hung trung”, “lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ”, thì cũng chính là lúc Phan Bội Châu lặn lội vào Thạnh Mỹ, Thăng Bình tìm Tiểu La. Thế là Nguyễn Thành đã gặp được người đồng tâm, đồng chí để mưu bàn đại sự. Vì thế ngay từ đầu mới gặp Phan Bội Châu mà ông vui thích như bạn thân đã lâu ngày, cùng nhau kể chuyện tâm phúc thường đến suốt đêm. Những kế hoạch Nguyễn Thành ấp ủ lâu nay, nói ra Phan Bội Châu đều “lấy làm phải lắm”. Kể từ lần hội ngộ này cho đến khi bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo năm 1908, Nguyễn Thành là quân sư của Sào Nam, là linh hồn của Duy Tân Hội, Phan Bội Châu rất kính nể ông, bất kỳ việc lớn nhỏ nào cũng báo cáo và thỉnh ý ông.

Bài thơ “Vịnh con cóc” của Nguyễn Thành không những Huỳnh Thúc Kháng khen hay mà còn nói rằng Phan Bội Châu rất tâm đắc, thường ngày ngâm đi ngâm lại mãi. Ngẫm lại những việc đã làm, Phan Bội Châu tìm thấy trong đó bài học về tinh thần lạc quan, không nản lòng trước những khó khăn cũng như thấy được ở những câu thơ tưởng chừng đơn giản đó, sách lược chiến đấu được trình bày một cách giản dị mà rất thiết thực, nên ông thường ngâm nga để tự nhắc nhở mình. Chẳng hạn như việc tổ chức Sĩ tử Cần Vương đội giúp vua Hàm Nghi năm 1885, mỗi khi nhớ lại, Phan Bội Châu không khỏi tự cười mình. Một đội quân quy tụ trên sáu mươi người mà vũ khí, lương thực thiếu thốn, tổ chức chưa hoàn chỉnh thì làm sao không tan rã khi quân Pháp kéo đến. May mà Phan Bội Châu kịp thiêu hủy danh sách, vụ Thí sinh quân không bị bại lộ và không gây hậu quả lớn lao, nhưng đó là một bài học Phan Bội Châu ghi nhớ suốt đời. Từ đó ông luôn luôn tâm niệm rằng:

“Hễ muốn làm anh hùng, tất phải tiềm dưỡng cho thiệt lâu, muốn gánh việc lớn, tất phải chứa mưu cho thiệt giàu. Hễ những tuồng táo tiến khinh động, qua sông bằng mình truồng, quyết không làm thành việc gì” (Tự phán tr 25). Thật đúng là “Phong vân vị chí thả mai đầu” như Nguyễn Thành đã nói.

Trong quốc nạn của dân tộc năm 1908, Nguyễn Thành cũng chịu chung số phận bị bắt bớ, giam cầm, bị kết án khổ sai đày đi Côn Đảo với các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Trương Bá Huy, Dương Phụ Thạch, Hương Cảnh và Hương Quần. Ra đảo tròn ba năm (15/8/1908 - 15/8/1911) những người bạn tù nhớ “cái ngày ấy” cùng nhau làm thơ kỷ niệm lấy bảy chữ “Tích niên kim nhật đáo Côn Lôn” (Ngày này năm ngoái đến Côn Lôn) làm câu mở đầu chung. Trong sinh hoạt đó, tuy sức khỏe đã suy yếu, Nguyễn Thành cũng sáng tác một bài thơ thất ngôn góp cùng các bạn:

“Tích niên kim nhật đáo Côn Lôn,

Thu vũ thu phong ám đoạn hồn.

Tợ ngã suy đồi tâm vị lão,

Thị thùy khẳng khái chí du tồn.

Phong vân biến huyển chân kham sá,

Thiên địa tuần hoàn bất đãi ngôn.

Mỗi ngộ tao đàn cao cải sí,

Tự tâm kích cổ quá lôi môn.”  

Bản dịch của Nguyễn Thiếu Dũng:             

Ngày này năm ngoái đến Côn Lôn

Mưa gió trời thu ảm đạm hồn

Thân dẫu suy mòn tâm vẫn trẻ

Nào ai khẳng khái chí đang còn

Gió mây biến đổi bao hình thái

Trời đất vần xoay khó tính khôn

Dựng lại đàn thơ, dương ngọn đuốc

Lòng son hứng dậy trống khua dồn      

Bài thơ mở đầu bằng khung cảnh gió mưa buồn bã nơi Côn Đảo:

“Thu vũ thu phong ám đoạn hồn”

để rồi từ trên nền u tối đó mà sáng lên cái “tâm vị lão” của người chí sĩ cách mạng .

Ba năm ra đảo, biết bao tai họa đã ập đến với Nguyễn Thành chẳng khác nào những trận mưa gió mùa thu làm ảm đạm lòng người: vợ mất, con gái qua đời, nhất là cái tin Nhật Bản cấu kết với thực dân Pháp trục xuất các du học sinh và cả Phan Bội Châu ra khỏi đất Nhật khiến ông vô cùng uất ức. Khổ đau chồng chất vì việc nước, việc nhà, làm ông mang bệnh thổ huyết, sức khỏe suy sụp như ông đã nói trong câu thơ thứ 3:

“Tợ ngã suy đồi tâm vị lão”

Câu thơ ngắt nhịp 4/3 chia ra 2 vế, vế đầu 4 chữ nêu lên thực tế đau đớn là cơ thể không thoát khỏi quy luật sinh thành, hủy diệt của vũ trụ, vế sau 3 chữ khẳng định một vấn đề quan trọng hơn, làm nổi bật ý chí bất khuất , kiên cường, tinh thần lạc quan của người chí sĩ đó là cái “Tâm vẫn trẻ” .

Trong hoàn cảnh lao tù, vũ khí hữu hiệu nhất để chiến thắng kẻ địch, chiến thắng gian khổ và chiến thắng bản thân chính là sức mạnh tinh thần. Nguyễn Thành khẳng định “Tâm vị lão” là khẳng định tấm lòng yêu nước vẫn chứa chan, nhiệt tình cứu nước vẫn tuôn trào trong huyết quản, ý chí chiến đấu chẳng lung lay. Khẳng định cái “Tâm vị lão” là chống lại quy luật nghiệt ngã của thời gian, của vật chất, giữ vững sức mạnh tinh thần để tự động viên mình và động viên đồng bạn, đồng chí:

“Tợ ngã suy đồi tâm vị lão,

Thị thùy khẳng khái chí du tồn”

Nguyễn Thành luôn tin tưởng: “Phong vân biến huyển, Thiên địa tuần hoàn” (gió mây biến đổi, trời đất tuần hoàn), đó là quy luật của tạo hóa, lẽ nào non sông đất nước ta chẳng có lúc đổi thay!

Bài thơ kết thúc bằng một hình ảnh tràn đầy lạc quan tin tưởng của người chí sĩ cách mạng trong chốn lao tù:

“Mỗi ngộ tao đàn cao cải sí,

Tự tâm kích cổ quá lôi môn.”                

Bệnh của Nguyễn Thành ngày càng nặng, biết mình không qua khỏi, ông gởi thư giã từ chiến hữu, với niềm tin vào sự thắng lợi của phong trào yêu nước để động viên anh em giữ vững ý chí đấu tranh, bền tâm chờ đợi vận hội mới:

“Thời cuộc nhất chuyển hảo cơ. Đông Á phong vân kim hậu chính kỳ giả, chư huynh đệ nỗ lực chi ngữ hựu phụ”

Cụ Huỳnh Thúc Kháng dịch:

(Thời cuộc xoay vần, cơ hội tốt sẽ đến, giông mây Đông Á sau này còn nhiều cuộc biến đổi, anh em gắng lên!) và làm bài thơ tuyệt mệnh, lời lẽ thật cảm động:

“Nhất sự vô thành mấn dĩ ban

Thử sanh hà diện kiến giang san

Bổ thiên vô lực đàm thiên dị

Tế thế phi tài tỵ thế nan

Thời cuộc bất kinh vân biến huyển

Nhân tình chỉ khủng thủy ba lan

Vô cùng thiên địa khai song nhãn

Tái thập niên lai thí nhất quan”

Bản dịch của Nguyễn Thiếu Dũng:

Việc lớn không thành tóc trắng bông,

 Mặt nào còn dám ngó non sông

Vá trời không sức, bàn suông - dễ

Cứu thế non tài, lẩn tránh - không

Thời cuộc chẳng màng mây sớm ảo

Nhân tình chỉ sợ sóng chiều giông

Đất trời vô tận giương to mắt

Sắp tới mười năm thử cứ trông                                                

Căn bệnh ngặt nghèo không cho ông được tiếp tục chiến đấu, ông đau đớn tự trách mình:

“Nhất sự vô thành mấn dĩ ban

Thử sanh hà diện kiến giang san”          

Lời thơ ngậm ngùi phát ra từ tâm trạng ray rứt của một người có chí, có tài đang ôm ấp một hoài bão lớn lao mà đành bất lực. Suốt cuộc đời dấn thân vào con đường cứu nước từ những năm bôn ba chiến đấu trong hàng ngũ Nghĩa quân, tuy lập được nhiều chiến công khiến Nguyễn Thân phải khâm phục tài quân sự xuất sắc của ông “Nam Ngãi dụng binh duy Hàm nhất nhơn” (Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi về tài quân sự chỉ Nguyễn Hàm (tức Nguyễn Thành) là số một), nhưng chỉ được có mấy năm thì Nghĩa hội tan rã, Nguyễn Duy Hiệu - thủ lĩnh của Nghĩa quân hy sinh, bản thân Nguyễn Thành cũng không thoát khỏi giam cầm. Nguyễn Thân tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc ông ra làm quan với Nam triều nhưng ông đã lấy cớ phụng dưỡng mẹ già mà khéo léo từ chối.

Rồi mười sáu năm trời quên ăn, bỏ ngủ, nung nấu tâm can để tìm ra những kế sách diệt thù, mong có ngày đem ra thi thố thì giờ đây đành chịu bó tay. Tình hình cách mạng không tiến triển tốt đẹp như Nguyễn Thành mong muốn, những người yêu nước trong Duy Tân Hội và phong trào Duy Tân bị Pháp bắt bớ, giam cầm đày đi Côn Lôn, Lao Bảo, còn Nhật Bản, nơi ông đặt niềm tin cứu nước, giờ đã bắt tay với Pháp, trở mặt đuổi người, chút hy vọng gởi gắm nơi những thanh niên xuất dương cầu học đã tan thành mây khói, đến tính mệnh cũng không giữ nổi, làm sao mà ông không buồn, không trách được. Những ngày cuối cùng ông đau đớn nhận ra sự bất lực của mình trước thời cuộc:

“Bổ thiên vô lực đàm thiên dị

Tế thế phi tài tỵ thế nan”

Dẫu biết mình “lực bất tòng tâm”, nhưng trốn đời để quên việc nước đối với Nguyễn Thành quả là không dễ “tỵ thế nan”. Biết không thành mà vẫn cưu mang, gánh vác, vẫn gắn mình với nước, với dân. Bi kịch tâm hồn của Nguyễn Thành chính là ở đó.

Tâm trạng của Nguyễn Thành lúc này cũng gần như tâm trạng của Đặng Dung thời hậu Trần:

“Quốc thù vị báo đầu tiên bạch

Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma “

(Thù nước chưa xong đầu đã bạc

Gươm mài vầng nguyệt trải

bao ngày)

Tuy sống cách nhau gần 500 năm nhưng hai ông đều là những trí thức có tài, có tấm lòng tận trung báo quốc mà chẳng gặp thời cơ. Nỗi đau của các ông là nỗi đau của một trái tim lớn, một hoài bão lớn. Đặng Dung không thực hiện được chí nguyện cứu nước của mình, khi bị giặc Minh bắt đã mượn dòng sông để bảo toàn khí phách anh hùng, còn Nguyễn Thành trong cơn đau giày xéo thể xác và tâm can, vẫn sáng suốt khẳng định một niềm tin, một ý chí chiến đấu không lay chuyển:

“Thời cuộc bất kinh vân biến huyển

Nhân tình chỉ khủng thủy ba lan” .

Lời cuối cùng của Nguyễn Thành trước lúc từ biệt bạn bè, đồng chí vẫn là lời khẳng định niềm tin sắt đá vào tiền đồ của đất nước, của dân tộc:

“Vô cùng thiên địa khai song nhãn,

Tái thập niên lai thí nhất quan”

Nguyễn Thành ra đi chỉ để lại có mấy bài thơ, nhưng bài nào cũng xuất phát từ những trải nghiệm xương máu trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù cướp nước, từ trái tim nồng nàn yêu thương dân tộc, từ tinh thần lạc quan, nên có tác dụng động viên, cổ vũ, mang lại niềm tin sáng ngời cho những người kế tục sự nghiệp cứu nước vô cùng gian khổ nhưng đầy vinh quang.

C.Y.L

Bài viết khác cùng số

Ba ngày cho một trận đánh lịch sử - Trung tướng Lê Văn Tri kể, Trịnh Duy Sơn ghiChuyến đi vẽ ở chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh - Mùa hè đỏ lửa 1972 - Giang Nguyên TháiĐất nước Hồi giáo và đảo quốc sư tử - Trương Văn KhoaAi sống ở hiệu sách Nica? - Phạm Thị Hải DươngHương cau ngọt lành - Nguyễn Thị Anh ĐàoMẹ và con - Đỗ Xuân ĐồngGiấc mơ của một gã say - Vũ Thị Huyền TrangHồn rơm rạ - Nguyễn Ngọc HưngNgõ cũ vườn cũ ngôi nhà cũ Đông An... - Nguyễn Kim HuyĐêm hè - Nguyễn Đông NhậtHạnh ngộ biển - Vô BiênNhững mắt thơ thao thức - Trần Vân ThiênDòng sông thao thức - Nguyễn Cát ChuyênSông - Kai HoàngTừ phía ấy ta nghe - Phan DuyGió - Phạm Thị Thúy NgaBản phác thảo đêm trắng - Phan NamCây sung già bên bờ hồ - Huỳnh Minh TâmMẹ biển - Nguyễn Thị Anh ĐàoMột ngày con chợt nhớ - Ngưng ThuLính biên phòng - Phan Thành MinhNam Trân, một khuôn mặt tài hoa của xứ Quảng - Huỳnh Văn HoaTri thức dân gian của ngư dân Đà Nẵng - Đinh TrangGiới thiệu tác phẩm âm nhạc - Văn Thu Bích Bài thơ của một nhà thơ Mỹ viết về nhà thơ Thu Bồn - Nguyễn Quang ThiềuCó một miền thơ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Ngô Thế LâmNgôi đền Ta Nang mới phát hiện ở vùng Đông Bắc Campuchia và những chứng cứ mới về con đường giao thương giữa các tiểu quốc Champa và đế chế Khmer - Trần Kỳ PhươngTinh thần lạc quan của Tiểu La Nguyễn Thành qua mấy vần thơ - Châu Yến LoanNguyễn Đình Thi - "Mỗi tâm hồn cần có tâm hồn khác" - Bùi Công Minh