Nguyễn Đình Thi - "Mỗi tâm hồn cần có tâm hồn khác" - Bùi Công Minh

05.04.2017

Nguyễn Đình Thi -

(Nhân kỷ niệm ngày mất của nhà văn -18/4/2003-18/4/2017)

Nguyễn Đình Thi ra đi đến nay đã 14 năm. Nhanh quá thật. Nhớ lại cái ngày nghe tin ông mất, tại một ngôi nhà nhỏ trên thành phố biển Đà Nẵng, chúng tôi cùng lặng đi, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ về ông. Có người đề xuất hay là ta gửi một điện hoa ra Hà Nội viếng ông. Nhưng rồi mọi người ngần ngại. Chúng tôi không thuộc những người được ông gần gũi thường ngày mà chủ yếu chỉ là những độc giả yêu mến, và thuở còn sinh viên, đôi lần được trực tiếp nghe ông nói chuyện văn chương, chuyện đời, chuyện tham gia cách mạng và kháng chiến. Cũng đôi lần được gặp chào ông với những câu chuyện ngắn ngủi trong một vài cuộc hội họp liên quan đến văn chương. Hồi ở Hà Nội, nhà tôi ở gần phố Cửa Bắc, thỉnh thoảng vẫn thường trông thấy ông từ xa, cái túi vải khổ rộng đeo vai, chậm rãi đạp xe trên đường Quán Thánh, rẽ qua đường Thanh Niên, chắc là ông đi về phía trại viết Quảng Bá. Chung quanh ông đông đúc ồn ào người và xe cộ, nhưng hình như ông không trông thấy ai. Ông đang nghĩ về một điều gì khác, đang trò chuyện với một người nào khác, ở một không gian khác, nơi những bến bờ xa...

Tôi không có ấn tượng về một Nguyễn Đình Thi già nua. Cũng không hình dung những khi ông bị ốm đau bệnh tật rồi qua đời. Vì lúc ấy tôi đã về công tác ở nơi xa Thủ đô hàng ngàn cây số. Nghĩ về ông, tôi chỉ có một hình ảnh Nguyễn Đình Thi trên diễn đàn nói chuyện văn chương, trẻ trung hơn nhiều so với tuổi của ông, một người hùng biện theo kiểu truyền đến người nghe sức nặng của suy nghĩ. Thỉnh thoảng ông cũng trở thành một người hô to gọi giật, tóc rũ rượi, đột ngột quát rất to, thậm chí nấc lên khi đọc một câu thơ xúc động nào đó. Nhớ lại một lần nói chuyện về văn học kháng chiến, ông kể lại chi tiết đêm Mười Chín tháng Mười Hai năm 1946, chứng kiến cảnh tượng hùng tráng của Hà Nội bước vào cuộc chiến đấu, ông quên cả mình đang trên bục diễn đàn mà tưởng như đang đứng trên trận địa Hà Nội ngày ấy, bèn hét to: “Diệt Pháp! Diệt Pháp...”. Rồi ông lặng đi vì xúc động... Sau những giây phút "xuất thần" như thế, ông trở về với một cái gì rất sâu lắng, điềm tĩnh, thậm chí có khi như là sự đau khổ, bị dằn vặt một điều gì. Chính đó là điều luôn ám ảnh tôi khi nghĩ về bức chân dung tinh thần của ông, nhất là khi ông thực sự không còn trên cõi đời này.

 

...Tôi quen biết với nhiều người từng sống cạnh Nguyễn Đình Thi, cả người yêu mến, si mê văn thơ ông lẫn những người nói về ông một cách hờ hững, kể cả những người không có cảm tình với thơ ông. Rồi cả những bài viết của một số người nổi tiếng, thời của ông, nói về ông với lời lẽ có vẻ khách quan nhưng ẩn bên trong ý trách móc, giận dỗi... Tôi đón nhận tất cả những cách nhìn ấy, nhưng riêng với tôi, Nguyễn Đình Thi có một điều gì đọng lại rất sâu. Điều đọng lại ấy thật khó nắm bắt. Mãi rồi tôi cũng nhận ra, hình như đó là cái mà tôi muốn gọi một cách rất nôm na, đó là những điều nghĩ của ông. Ai cũng nói ông là con người hào hoa, đa tình. Nhưng ẩn sau cái hào hoa, đa tình ấy là một Nguyễn Đình Thi luôn nghĩ ngợi. Từ những điều nghĩ ấy hình thành ra tứ thơ, lời thơ, bài thơ, và có thể nói là cả một đời thơ của ông. Một thứ thơ không vần. Hồi kháng chiến 9 năm người ta đã chẳng tranh luận mãi về thơ ông đó sao. Người ta nói thơ ông không vần, không quần chúng. Nhưng có điều không ai phản bác được rằng đó vẫn là một thứ thơ thật sự. Thơ của một người luôn nhọc-nhằn-nghĩ-ngợi. Chính sự nghĩ ngợi đã khai thông tâm hồn ông, khai thông con đường đi của ông. Trán cháy rực nghĩ trời đất mới/Lòng ta bát ngát ánh bình minh. Những câu thơ ấy ông dành để nói về Nhân Dân anh hùng của chúng ta trong bài thơ Đất nước, nhưng theo tôi nghĩ, đó cũng chính là bức chân dung tinh thần của ông. Buổi đầu kháng chiến, người ta chủ yếu viết về những tập thể anh hùng, về những đám đông dũng cảm xông pha trong chiến đấu. Nguyễn Đình Thi cũng không khác mọi người. Không ít lần trong thơ ông tràn ngập khí thế xung trận và những hình ảnh chiến đấu hy sinh dũng mãnh: Người ngã người lại ngã / Trên cánh đồng Mường Thanh/ Mắt quắc lên nảy lửa/ Chiến sĩ vút lao nhanh (“Bài ca Điện Biên Phủ”). Đặc biệt, ông cũng nổi tiếng với tiểu thuyết Xung kích - Giải thưởng văn nghệ 1951-1952. Người ta bắt gặp ở đấy hình ảnh những rừng lá ngụy trang, những đám đông bộ đội dân quân ồn ào náo nhiệt đi thâu đêm suốt sáng trên những con đường cheo leo đèo dốc, những cuộc khai hội, những mùa luyện quân, tổng kết chiến dịch v.v... Tất cả toát lên sức mạnh của tập thể nhân dân anh hùng. Và ông cũng đã từng khái quát sức mạnh ấy trong những dòng thơ mang tính hùng tráng sử thi: Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ... Nhưng rồi, hình như cái “tạng” của Nguyễn Đình Thi không phải như thế. Người ta lại nhận ra ông - một thi sĩ, đi trong đám đông, đi cùng đồng đội nhưng vẫn luôn có một khối tâm tư của riêng mình; trong những đêm dài hành quân nung nấu, vẫn có một không gian nghĩ ngợi  riêng:

Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh

Soi sáng đường chiến sĩ dưới

đèo mây

Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh

Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây

Và người ta vẫn hiểu người chiến sĩ ấy đang có một tình yêu riêng tư thật sự, mặc dù cái điều nghĩ về tình yêu ấy đang hòa vào tình yêu Tổ quốc một cách tự nhiên:

Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả đau thương, tươi thắm vô ngần

Anh nhớ em mỗi bước đường

anh bước

Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn                                                       

("Nhớ")

Có một bài thơ ít được nhắc đến, viết từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng tôi nghĩ rất đặc trưng cho phong cách Nguyễn Đình Thi: Bài thơ viết cạnh đồn Tây: Bài thơ này trải qua thời gian, có nhiều phiên bản khác nhau. Tôi thích nhất bản in đầu trong tập "Người chiến sĩ", với những câu thơ mang lối nghĩ, lối cảm đặc trưng phong cách Nguyễn Đình Thi:

Ánh đèn không ngủ đêm nay

Bóng tối ngọt ngào tiếng suối

Nhớ cái miệng hay cười

Nói chuyện những ngày mai sẽ tới

Nhớ đôi mắt em nghĩ ngợi

Lúc này em đang ở đâu

Đêm khuya em nhớ người bộ đội

Bâng khuâng bên bếp lửa nào

Hai người yêu xa cách, như hai ngôi sao giữa hai đầu chân trời lấp lánh, yêu thương nhau, nhớ về nhau nhưng không phải chỉ là cảm xúc bồng bột của tình yêu, mà là “nhớ đôi mắt em nghĩ ngợi”, nhớ về sự mãnh liệt bên trong tâm hồn.

Ngay cả trong những tác phẩm mang tính sử thi như Bài thơ Hắc Hải, kể về sự kiện người thủy thủ Tôn Đức Thắng của Việt Nam tham gia cuộc binh biến trên hạm đội Hắc Hải hưởng ứng Cách mạng Tháng Mười Nga, trong một khung cảnh ồn ào, náo nhiệt, dữ dội, nhà thơ đã để cho nhân vật trữ tình bất chợt thả hồn trong những suy nghĩ riêng tư về đất nước quê hương với những câu thơ thuộc về những dòng hay nhất viết về quê hương Việt Nam:

Việt Nam đất nước ta ơi / Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn/ Cánh cò bay lả rập rờn/ Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều/ Quê hương biết mấy thân yêu/ Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau/ Mặt người vất vả in sâu/ Gái trai cùng một áo nâu nhuộm bùn.

 

Phải kể thêm một tác phẩm xuất sắc khác của Nguyễn Đình Thi trong giai đoạn thơ chống Mỹ cứu nước trên chiến trường miền Bắc 1964 - 1973: bài thơ Chia tay trong đêm Hà Nội. Cả bài thơ dài 50 câu cho người đọc hình dung ra một Hà Nội thời chiến với đầy đủ những hình ảnh như “Từng đoàn xe cao xạ chạy rung đường”, với pháo cao xạ “Đạn đỏ lòe xa trong ánh trăng”, với “xưởng thợ lò than vẫn rực hồng”, với những vườn hoa ngổn ngang ụ súng... và cảnh “bao gia đình vội vã lúc ra đi” ... Nhưng tất cả những hình ảnh ấy không phải được diễn tả trực diện mà thông qua cảm xúc của hai người yêu đi bên nhau dưới một lưới lửa phòng không dày đặc, sẻ chia những nghĩ suy về nhân dân, về đất nước: Em đi với anh qua bến xe đông chật / Bao gia đình vội vã lúc ra đi/ Em nhìn những mái nhà cao thấp/ Đã bao lần thấy những cuộc chia ly... Em nhìn bên dãy tường sập đổ / Nhà máy vẫn rì rầm không ngủ / Lập lòe đèn hàn điện bên sông / Em đi với anh trên đê cao vắng / Một tiếng còi xe lửa huýt dài xa...

Nguyễn Đình Thi trong tôi là vậy. Luôn tự soi thấu vào đáy sâu tâm hồn mình và của nhân vật trữ tình, tìm trong đó cái sức nặng của suy nghĩ, của cảm xúc. Và không phải để dành lại cho riêng mình, mà luôn có nhu cầu sẻ chia, trao đổi, nói với nhau bằng lời, và không ít trường hợp nói bằng vô ngôn, đối diện đàm tâm, tương tư bất tương kiến. Hình như, triết lý sống, triết lý thơ Nguyễn Đình Thi còn lại là: Nhìn, nghĩ, yêu thương - Mỗi tâm hồn cần có một tâm hồn khác. Ông đã thể hiện điều ấy trong một bài thơ ngắn. Ngắn, nhưng không đơn giản, mà thật sâu sắc, nhan đề “Một niềm vui một nỗi buồn”, viết năm 1981, khi ông vừa qua tuổi Sáu Mươi. Tôi muốn trích trọn bài thơ để kết thúc cho bài viết của mình:

Một niềm vui một nỗi buồn

Nếu phải giữ một mình suốt đời

Bạn có thể chết vì nó

 

Một điều hiểu một ý nghĩ

Nếu phải giữ một mình suốt đời

Có thể làm bạn điên

 

Cái gánh nặng

Nhìn-nghĩ-yêu thương

 

Mối hy vọng

Mỗi tâm hồn cần có tâm hồn khác.

B.C.M

Bài viết khác cùng số

Ba ngày cho một trận đánh lịch sử - Trung tướng Lê Văn Tri kể, Trịnh Duy Sơn ghiChuyến đi vẽ ở chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh - Mùa hè đỏ lửa 1972 - Giang Nguyên TháiĐất nước Hồi giáo và đảo quốc sư tử - Trương Văn KhoaAi sống ở hiệu sách Nica? - Phạm Thị Hải DươngHương cau ngọt lành - Nguyễn Thị Anh ĐàoMẹ và con - Đỗ Xuân ĐồngGiấc mơ của một gã say - Vũ Thị Huyền TrangHồn rơm rạ - Nguyễn Ngọc HưngNgõ cũ vườn cũ ngôi nhà cũ Đông An... - Nguyễn Kim HuyĐêm hè - Nguyễn Đông NhậtHạnh ngộ biển - Vô BiênNhững mắt thơ thao thức - Trần Vân ThiênDòng sông thao thức - Nguyễn Cát ChuyênSông - Kai HoàngTừ phía ấy ta nghe - Phan DuyGió - Phạm Thị Thúy NgaBản phác thảo đêm trắng - Phan NamCây sung già bên bờ hồ - Huỳnh Minh TâmMẹ biển - Nguyễn Thị Anh ĐàoMột ngày con chợt nhớ - Ngưng ThuLính biên phòng - Phan Thành MinhNam Trân, một khuôn mặt tài hoa của xứ Quảng - Huỳnh Văn HoaTri thức dân gian của ngư dân Đà Nẵng - Đinh TrangGiới thiệu tác phẩm âm nhạc - Văn Thu Bích Bài thơ của một nhà thơ Mỹ viết về nhà thơ Thu Bồn - Nguyễn Quang ThiềuCó một miền thơ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Ngô Thế LâmNgôi đền Ta Nang mới phát hiện ở vùng Đông Bắc Campuchia và những chứng cứ mới về con đường giao thương giữa các tiểu quốc Champa và đế chế Khmer - Trần Kỳ PhươngTinh thần lạc quan của Tiểu La Nguyễn Thành qua mấy vần thơ - Châu Yến LoanNguyễn Đình Thi - "Mỗi tâm hồn cần có tâm hồn khác" - Bùi Công Minh