Mẹ và con - Đỗ Xuân Đồng

05.04.2017

Mẹ và con - Đỗ Xuân Đồng

(Trích tiểu thuyết) 

LTS: Nhà văn Đỗ Xuân Đồng viết truyện ngắn hay tiểu thuyết đều trung thành với đề tài chiến tranh cách mạng, đây là một thế mạnh của anh. Anh vừa hoàn thành bản thảo tiểu thuyết thứ 4 gồm 17 chương, với tựa đề Mẹ và con.

Nội dung tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện của hai mẹ con: Cô Nhiên - một nữ Thanh niên xung phong thời chiến tranh chống Mỹ và con trai Thiên Thạch - được sinh ra ngay sau cuộc chiến, kết quả của “mối tình vụng trộm” giữa cô Nhiên với chàng kỹ sư cầu đường (là học sinh miền Nam trên đất Bắc) vào làm công tác phóng tuyến, mở đường, sửa chữa cầu đường trên đường Trường Sơn một thời đạn bom vô cùng khốc liệt. Bằng lối kể chuyện mộc mạc, đa chiều, đan xen quá khứ, hiện tại với nhiều tình tiết thương tâm có thực trong đời sống, tác giả đã tạo được sự sinh động và xúc cảm cho người đọc.

Tạp chí Non Nước trích giới thiệu cùng bạn đọc Chương 9 trong tiểu thuyết sắp xuất bản của nhà văn Đỗ Xuân Đồng.

 

Thạch nhớ lại hôm chuẩn bị đi công tác trắc đạc trên dãy Trường Sơn. Lúc đó khoảng mười giờ trưa. Từ cơ quan, Thạch về nhà để chuẩn bị đồ đạc. Không thấy mẹ ở nhà. Chỉ thấy tờ giấy nhỏ vắt gọn trên ổ khóa cửa. Mẹ ghi: “ Con về, ăn cơm trước đi nhé. Mẹ đi chợ về muộn”. Anh biết mẹ sợ anh chờ lâu, đói bụng nên mới ghi vậy. Vào nhà, anh dọn cơm sẵn ra bàn, chờ mẹ về cùng ăn cho vui và luôn thể báo cho mẹ biết tin sốt dẻo này. Lát sau, thấy mẹ xách lỉnh kỉnh mấy túi bao lác, nào rau, củ, quả và các đồ gia vị. Một túi nặng đựng chân giò heo cho nồi bún chuẩn bị bán ngày mai. Anh vội chạy ra xách vào cho mẹ. Ngồi ăn cơm, anh nói với mẹ:

- Mẹ à, sáng nay Công ty con thông báo, ngày kia, con đi công tác với Đội khảo sát - trắc đạc địa hình. Mẹ biết ở đâu không?

Không đợi mẹ trả lời, Thạch hồ hởi nói tiếp:

- Trên tận dải Trường Sơn kia đấy, mẹ à. Con nghe phổ biến, chuyến đi công tác lần này của con cũng khá dài ngày. Nếu thời tiết thuận lợi, không mưa thì nhanh nhất cũng phải mất một tháng. Còn bị mưa thì chưa biết thế nào. Mẹ ở nhà đừng lo lắng gì về con nghe mẹ.   

Thạch không ngờ mẹ mình tỏ ra rất vui, rất phấn khởi, nói:

- Rứa hả con? Lên tận trên dải Trường Sơn kia à? Thế thì hay quá! 

- Dạ! Đợt này đi khảo sát, trắc đạc địa hình, phóng tuyến một đoạn gần năm, sáu chục cây số của tuyến đường Hồ Chí Minh ở Trường Sơn đông đấy mẹ ạ.

- Ừ, mẹ chúc chuyến đi của con đạt kết quả tốt nhất. Nhớ mang theo máy ảnh chụp thật nhiều nghe con. Một lần đi, một lần khó mà. Mình nên kết hợp vừa là công việc, vừa khám phá dải Trường Sơn một chuyến luôn thể. Con thấy thế nào?

- Dạ! Đúng đó mẹ. Con háo hức lắm. Không hiểu sao, cứ mỗi lần nhìn lên các đỉnh núi xa xôi ấy, trong lòng con lại cồn cộn lên bao suy nghĩ về ba con. Lên đó, chắc chắn con sẽ kết hợp khám phá, tìm hiểu Trường Sơn. Lâu nay đọc báo, xem ti vi con thấy nơi này thật thú vị, thật sự bí ẩn, mẹ à.

Nghe con trai nói về ba của nó, cô Nhiên lặng người đi, nước mắt chực chảy ra. Trước đây, đôi lần cô đã kể sơ qua cho con trai nghe về chuyện của mình với ba nó trên dãy Trường Sơn. Cô thầm nói với con: “Con à, bấy lâu nay mẹ đã cất giấu kỹ tận đáy sâu lòng mình mà chưa có dịp kể cho con nghe tường tận, cặn kẽ. Bây giờ, nhân chuyến đi lên Trường Sơn này của con, mẹ sẽ kể cho con trai nghe tất cả về cuộc đời của mẹ và của ba con”. Cô Nhiên nghĩ, đây là thời điểm thích hợp để con trai biết tất cả cuộc đời của ba mẹ và sự ra đời của nó. Hơn nữa, khi nó biết được cuộc đời của ba mẹ mình đã từng sống, chiến đấu trên núi rừng Trường Sơn này, nó sẽ có sự liên hệ với bản thân, sẽ tích cực hơn trong công việc của mình. Đó cũng là cách giáo dục con trai một cách kín đáo, tế nhị vậy. Cô Nhiên lo xa như vậy thôi, chứ cô biết Thạch là đứa con ngoan, biết điều hiếu nghĩa. Mỗi khi ra khỏi nhà hay đi đâu về, Thạch đều chào hỏi mẹ. Còn cô thì luôn ngóng chờ con. Khi thấy nó về ở ngoài sân khu tập thể là cô chạy ra mở cửa để được thấy nét mặt rạng rỡ của nó và nghe nó nói: “Con chào mẹ!”. Cô mỉm cười gật đầu. Niềm vui cỏn con của người mẹ mỗi ngày đơn giản chỉ có thế thôi, nhưng là nguồn vui thầm lặng, sâu kín. Và nó có sức mạnh vô cùng mãnh liệt, động viên, an ủi, giúp cô vượt qua mọi khó khăn, gian nan, vất vả. Sống vì con sống cho con. Cô luôn tâm nguyện một điều như vậy.

- Mẹ nè, hồi học phổ thông, con có làm bài tập làm văn: Hãy bình giảng hai câu thơ của Tố Hữu: “Trường Sơn Đông nắng Tây mưa. Ai chưa tới đó như chưa hiểu mình”. Bây giờ con lên đó, khi về, chắc con sẽ “hiểu” về mình, phải không mẹ? - Thạch tủm tỉm cười hỏi mẹ.

Cô Nhiên cười rất tươi khi nghe con trai hỏi ngồ ngộ như thế. Cô dư biết nó hỏi đùa cho vui cửa, vui nhà. Thường, khi rảnh rỗi, hai mẹ con hay chuyện trò, tâm sự, đôi lúc cũng tranh luận với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Cô dạy con rất tinh tế qua những câu chuyện trên trời, dưới đất ấy. Với cô, Thạch luôn là đứa con trai bé bỏng. Nhưng lần này, nó đâu biết, khi đọc hai câu thơ này, nó đã vô tình chạm vào đúng cái “huyệt đạo thương nhớ” của cô trên dải Trường Sơn mấy chục năm về trước... Trước đây, có lẽ, cũng vì một phần của câu thơ này mà hầu hết thanh niên, trong đó có cô đã đăng ký tòng quân, xông ra mặt trận, vào Trường Sơn chiến đấu để “tự khám phá bản thân mình”.

- Con à! Mẹ không biết con đã bình giảng như thế nào về hai câu thơ này. Nhưng từ thực tế cuộc đời của mẹ đã trải qua, mẹ nghĩ, thời đó, những người đã “tới” dải Trường Sơn rồi - nghĩa là họ đã sống, làm việc, chiến đấu ở trên đó - thì đa số họ đã tự khám phá, tự hiểu giá trị của cuộc đời mình và của đồng đội mình nữa. Đó là những con người tốt, biết sống vì đồng đội, vì cái chung, có lòng vị tha và tự trọng. Ví dụ như cậu Thành của con đó, nhỏ thua mẹ hai tuổi, như tuổi của con bây giờ, đã “tới” Trường Sơn tham gia chiến đấu, sống chết có thừa trong mưa bom, bão đạn. Và bây giờ, con biết rồi, nếu không có cậu ấy cưu mang, giúp đỡ thì mẹ con mình làm gì có được cuộc sống như ngày hôm nay... “Hiểu mình” còn ở chỗ đó nữa. Mẹ nghĩ, Trường Sơn là “trường đời lửa” của thế hệ ba mẹ đó con à.

- Dạ, mẹ nói rất chí lý, rất đúng với thực tế hồi đó. Con rất ngưỡng mộ những người như cậu Thành, mẹ ạ. Xã hội mình bây giờ mà có nhiều người như cậu Thành thì tuyệt vời biết mấy, phải không mẹ?

- Ừ, ừ… Những người biết sống vì tình, vì nghĩa như cậu Thành cũng rất hiếm. Hiếm lắm. Chú ấy vừa “hiểu mình”, vừa “hiểu” người khác nữa. Mẹ nghĩ, bây giờ con đi lên đó, nó có điểm giống với thế hệ của ba mẹ là: Từ thực tế công việc trên dải Trường Sơn hôm nay, con sẽ “hiểu mình” và hiểu hơn về mình để sống đẹp, sống có ý nghĩa. Câu thơ ấy vẫn còn giá trị, con à. Nên việc con được đi lên đó, mẹ rất mừng. Mừng thật sự đấy, dù biết rằng nó rất gian khổ, vô cùng hiểm nguy.

À, mẹ vui là vì thế. Mẹ muốn mình hiểu cuộc đời qua thực tế dấn thân vào nơi gian khổ. “Đi cho biết đó, biết đây. Ở nhà với mẹ, biết ngày nào khôn”. Thạch nhớ lại câu ca dao mà mẹ thường hay đọc cho nghe hồi còn bé.

- Mẹ à, thế hệ của con bây giờ, tất nhiên là nó khác xa một trời, một vực với thế hệ của ba mẹ rồi. Lớp trẻ như con, muốn tung cánh bay đi đâu cũng được. Vấn đề là trên đường bay đó, mình có hái lượm, cóp nhặt được những gì cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội hay không thôi. Phải không mẹ?

- Ừ! Đúng vậy! Nhưng đó là điều rất tế nhị. Nó như cạm bẫy, con à.

...

Cô Nhiên nói:

- Thạch à, ngày mai con đi công tác trên Trường Sơn. Mẹ nghĩ, chuyến đi này đối với con là chuyện bình thường. Nhưng con à, đối với mẹ, nó lại hết sức ấn tượng và hết sức quan trọng đấy.

- Dạ, con chưa hiểu lắm. Vì sao thế hả mẹ?

- Vì mẹ nghĩ, con đã thay mẹ lên trên đó để thăm lại chiến trường xưa của mẹ và ba con từng công tác. Mẹ vui lắm. Cảm thấy như chính mẹ được đi lên trên đó vậy. Mẹ cũng ước ao vào một ngày nào đó, mẹ con mình cùng đi lên trên đó thăm lại cái ngầm A Bia - nơi ba con đã hy sinh, để thắp cho ba con một nén hương, thăm lại những nơi đơn vị Thanh niên xung phong của mẹ từng trú quân như truông Y Lèng - nơi cậu Thành bị thương ấy, rồi ngầm Đak My, thung lũng Cô tang... Mẹ cứ nghĩ, làm sao và bằng cách nào để tìm được hài cốt của ba con đây?

Cô nghẹn ngào không nói được nữa. Nỗi đau, nỗi buồn này ngày đêm luôn day dứt, cào xé trong lòng cô không bao giờ nguôi ngoai. Không biết nơi nó lên công tác lần này có đúng nơi mình đã từng đóng quân? Nếu đúng vậy thì quá tuyệt vời. Thôi, tốt nhứt, mình sẽ kể cho nó nghe, nó biết những địa danh, địa điểm mà mình đã ở, đã đến để lên đó nó tìm vậy. Biết đâu nó tìm ra manh mối. Cô nói tiếp:

- Con à, bây giờ, mẹ sẽ kể cho con nghe về những năm tháng mẹ đã ở trên đó để con hiểu biết tường tận hơn thế nào là Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Từ đó, con cố gắng lần tìm lại dấu vết xưa của ba mẹ...

- Dạ, thế thì quá tuyệt vời! - Thạch nói như reo lên. - Lâu nay con muốn nghe mẹ kể lắm, nhưng lại sợ mẹ buồn. Bây giờ lên trên đó, con sẽ tìm hiểu tuyến đường mòn ngày xưa mà mẹ từng bám trụ và nếu đúng những địa điểm, những vị trí ấy, con sẽ đi tìm nơi ba con đã hy sinh...

- Ừ... Mẹ hy vọng lắm. Con nên cố gắng làm những việc mà con thấy có thể. Một lần đi, một lần khó. Rồi sau này có điều kiện, mẹ con mình tính tiếp, con à.

Cô Nhiên bắt đầu câu chuyện:

“Năm 1972. Mẹ tròn 19 tuổi, vừa tốt nghiệp lớp y sĩ. Thực ra mẹ không biết mẹ trẻ đẹp đến mức nào, nhưng được bạn bè ở lớp, ở trường mệnh danh là “hoa khôi” đấy. Hôm nhận bằng tốt nghiệp, nhiều người xung phong xin đi chiến đấu. Mẹ cũng xung phong đi chiến trường B. Khi về nhà, mẹ báo cho bà ngoại con biết. Bà ngoại can ngăn, không đồng ý để mẹ đi. Bà nói với mẹ trong nước mắt:

- Hai anh của con đã đi B rồi. Lâu nay không có tin tức gì về. Không biết sống chết ra sao. Bây giờ mẹ chỉ còn mình con...

Lúc đó, không hiểu sao, mẹ cứ nằng nặc đòi đi cho bằng được. Mẹ đã nói với bà con:

- Mẹ à! Đất nước mình đang có chiến tranh. Bọn Mỹ đã đem chiến tranh ra miền Bắc rồi. Chúng dội bom hằng ngày xuống miền Bắc, xuống quê mình. Bố và mấy anh, mấy chị dân quân đã bị bom Mỹ sát hại ngay trên cánh đồng trước nhà mình đó. Nếu hôm đó con không đi học, ở nhà và ra đồng cùng đào mương thủy lợi với bố và các anh chị, thì mẹ nghĩ sao?

Bà ngoại im lặng ngồi nghe mẹ giải bày. Mẹ lại sợ bà ngoại không xiêu lòng, nên mẹ tiếp tục thuyết phục về nghĩa vụ và nhiệm vụ của thanh niên trong thời chiến... Mẹ nêu ra nhiều tấm gương dũng cảm, anh hùng. Còn phân tích cho bà ngoại nghe nhiều chuyện về thời cuộc nữa. Bà ngoại con ngồi im suy nghĩ. Cuối cùng bà nói:

- Con đi, cố bằng chị, bằng em. Nhớ tranh  thủ viết thư về cho mẹ. Hai anh con đã vào trong ấy rồi. Không biết sao mà không thấy viết thư về. Mẹ lo quá. Con vào trong ấy, cố hỏi thăm đơn vị của hai anh, nghe con. Nói dại, nếu đứa nào đã hy sinh thì còn biết để hương khói cho nó chứ...

Bà ngoại con ôm mặt khóc. Mẹ cũng không sao cầm được nước mắt. Mẹ được phân công về phục vụ, chăm sóc y tế tại một Đội Thanh niên xung phong nữ mang tên Hồng Gấm trên tuyến đường 559. Đây là tuyến đường vận tải bằng xe cơ giới, chạy ngang dọc suốt dải Trường Sơn mà bọn địch và báo chí phương Tây gọi là “đường mòn Hồ Chí Minh” đó. Dọc tuyến đường này, bọn địch ngày đêm cho máy bay do thám và dội bom xuống như mưa, vô cùng khốc liệt nhằm ngăn chặn cho bằng được sự tiếp tế hậu cần, chuyển quân của ta từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Ngán nhất là những trận bom rải thảm hủy diệt của “pháo đài bay B52”. Ngoài các loại bom tấn, bom tạ, bom khoan, bom napal, bom chùm có tính hủy diệt, bọn Mỹ còn thả loại bom bi sát thương rất nguy hiểm. Nó nổ bung ra lưng chừng cách mặt đất chừng hai mét. Ai “dính” loại bom này, nếu không chết thì bị thương tật suốt đời và coi như bị loại khỏi vòng chiến đấu. Nó chưa nổ mà giẫm phải thì bị cụt giò như trường hợp của mẹ đây. Mẹ đã từng gặp nhiều ca thương binh như vậy rồi. Nếu không xử lý kịp thời thì chân bị hoại tử dần, phải cưa hoặc phải tháo khớp, nguy hiểm lắm. Hồi đó, Đội Thanh niên xung phong của mẹ được phân công phụ trách một cung đường dài chừng 20 cây số. Điểm đóng quân ở giữa cung đường, có cái ngầm độc đạo, huyết mạch của tuyến đường vận chuyển Bắc Nam, gọi là ngầm A Bia. Phía trên ngầm khoảng hơn hai trăm rưỡi mét là cái thác nước rất đẹp, hùng vĩ lắm. Gọi là ngầm vì con đường đi ngang qua dòng suối phía dưới thác nước này. Hai bên bờ suối là vách đá dựng đứng, cây cối um tùm. Con biết không? Mùa khô ở Trường Sơn từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch. Vào mùa này, nước ở ngầm chỉ lúp xúp ngang bàn chân hoặc ngang đầu gối. Còn vào mùa mưa, từ tháng 10 đến tháng 4 dương lịch, nước dâng cao trên bốn mét, chảy cuồn cuộn, ào ào, rất xiết, như thác. Xe ô-tô không thể qua lại được. Mỗi lần như vậy là mỗi lần đơn vị của mẹ lo sốt vó. Phải chặt cành cây để ngụy trang xe như rừng thật. Cứ đến mùa mưa, Đội của mẹ lại hì hục đắp con đập bằng đất đá. Chèn đá hộc, đá dăm hai bên mái ta-luy. Con đập rộng chừng ba mét. Đủ cho một làn xe. Phải luôn ngụy trang khéo léo. Trông như đất đá tự nhiên để máy bay trinh thám - những con mắt cú vọ của bọn địch không thể nào có thể phát hiện được. Tại ngầm này, Đội của mẹ cử người thay phiên nhau túc trực cả ngày lẫn đêm để hướng dẫn cho xe qua lại ngầm. Bất kể thời tiết nắng mưa, giông, bão, hễ nhận được tin sẽ có xe qua, chị em trong Đội sẵn sàng tư thế có mặt ngay ở cung đường. Tại những cung đường ngoắt ngoéo, khúc cua, đồi dốc hiểm trở, chị em mặc áo trắng đứng làm cọc tiêu và chạy trước đầu xe hướng dẫn cho các đoàn xe ra vào an toàn. Nếu có đoạn đường nào bị bom địch làm hư hỏng, xe không qua được thì phải kịp thời dùng xe rùa, cuốc, xẻng, xà beng, cây cào để san lấp hố bom. Dùng đầm sắt hoặc đầm gỗ để đầm chặt, khôi phục lại mặt đường. Hoặc khẩn trương mở tạm đường mới bên cạnh cho xe thông tuyến hay vào rừng ẩn nấp. Quyết không để ùn tắc giao thông quá vài tiếng đồng hồ. Khi có báo động máy bay địch đến ném bom, tức khắc phải cử người lên đỉnh núi cao để theo dõi, đếm số lượng bom rơi, bom nổ. Sau đó đi sục sạo, rà tìm những quả bom nổ chậm, rồi cắm cờ đánh dấu cảnh báo điểm nguy hiểm có bom nổ chậm. Đồng thời còn phải đi tìm kiếm những “cây nhiệt đới” - thiết bị do thám điện tử có hình thù giống như cành cây khô, bọn Mỹ thả xuống khắp núi rừng để phát hiện tiếng động do bộ đội ta hành quân hay xe pháo đang di chuyển. Bọn địch có trung tâm xử lý tín hiệu báo về. Lập tức chúng liền cho máy bay đến dội bom hủy diệt ngay khu vực đó. Nhiều đơn vị bộ đội, nhiều đoàn xe của ta đã bị những trận bom kinh hoàng như thế mà không biết vì sao. Sau này ta mới phát hiện ra cái “cây nhiệt đới” chết tiệt ấy. Công việc của Đội luôn bận rộn, tất bật suốt ngày, suốt đêm. Cái chết luôn thường trực rình rập trên đầu và dưới chân mình. Sự căng thẳng bưng bức trong đầu diễn ra liên tục trong từng giây, từng phút mỗi ngày đêm, ngay cả trong giấc ngủ. Mà có được ngủ yên đâu. Cứ chập chờn. Vừa thiu thiu đã nghe tiếng kẻng báo động có máy bay địch. Tưởng chừng không ai có thể chịu đựng nổi. Cuộc sống của chị em cứ thế diễn đi, diễn lại hết ngày này đến tháng nọ mà ăn uống lại vô cùng kham khổ, thiếu thốn đủ thứ, từ cây kim, sợi chỉ đến cái cúc áo. Hầu hết chị em đều bị bệnh phụ khoa, sốt rét, ghẻ lở, hắc lào, rụng tóc, da bủng xanh... Nhưng chị em rất thương yêu, đùm bọc, nhường nhịn nhau như người trong gia đình.

...

Khó khăn, ác liệt là thế, nhưng khi có đoàn xe tải chở bộ đội chạy qua, rung rinh lá ngụy trang, chị em lại vui như ngày hội vậy đó. Tiếng nói cười, hát hò, chọc ghẹo nhau vang cả núi rừng. Nào là: “Em yêu! Hôn em nhiều!”. Nào là: “Anh yêu! Vào trong mang chiến thắng và nhiều chiến lợi phẩm về cho em nhe!”… Và các lá thư của các anh gởi về hậu phương miền Bắc cũng được trao tay cho các chị em nhờ chuyển giùm ra Bắc. Có những anh chàng nghịch ngợm, mạnh bạo, tranh thủ lúc chị em với tay lên thành xe để nhận thư, đã chớp thời cơ cầm tay chị em hôn chùn chụt. Tiếng kêu “oái oái” chen tiếng cười rần rật. Thật hồn nhiên, vô tư. Vui như trong các cuộc liên hoan  vậy đó... Con có biết vì sao như vậy không?”

 Nghe mẹ hỏi, Thạch bừng tỉnh lại. Vì anh đang tập trung sự chú ý dõi theo những lời mẹ kể rồi tưởng tượng, hình dung ra như đang xem những thước phim thời sự hết sức sinh động. Cảnh người, xe chuyển động rầm rập trên đường Trường Sơn đang hiện lên trong đầu. Thấy mẹ đang vui, Thạch liền nói:

 - Dạ, con đang nghe. Mẹ ạ, nghe mẹ kể, con như thấy những cảnh ấy đang diễn ra trước mắt mình. Khủng khiếp quá! Con thấy ớn lạnh cả người. Nhưng cũng cảm thấy trong cái khủng khiếp đó mọi người vẫn tràn đầy sức sống…Con không thể hiểu và cũng không tưởng tượng nổi thời chiến tranh nó khủng khiếp đến thế. Không biết ở trên ấy, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, chết sống bất ngờ như trở bàn tay, vậy thanh niên nam nữ, họ có yêu nhau không hả mẹ?

 Nghe con hỏi, cô mỉm cười. Nó hỏi cũng rất thực tế. Cô kể tiếp:

“ - Bây giờ con đã khôn lớn rồi. Đã có người yêu rồi. Mẹ không giấu gì con. Các anh bộ đội còn trẻ măng. Các chị em trong Đội của mẹ cũng vậy. Mười tám, đôi mươi cả. Tuổi trẻ phơi phới, yêu đời, sung sức. Nhu cầu gần nhau để tâm tình là chuyện đương nhiên. Chỉ có điều là không có điều kiện thuận lợi để họ đến tỏ tình với nhau thôi. Lúc đó, mẹ cũng như nhiều chị em đã nghĩ rằng, biết sống chết thế nào đâu mà giữ với gìn. Tất nhiên, họ không sống buông thả. Bị kỷ luật nặng lắm đấy. Ai có “duyên” thì nhận được “nợ” vậy. Vả lại, công việc bận rộn suốt ngày đêm, nên không có thời gian rỗi rãi để tơ với tưởng, con à”.

 Cô chuyển qua kể các chuyện khác, giọng vui hơn:

“ - Thế nhưng cũng có chị em trong Đội của mẹ qua những lần gặp nhau chớp nhoáng ở ngầm như vậy mà cũng nhận được những lá thư rất tình tứ, rất cảm động của những anh lính trẻ viết từ trong Nam gởi ra đấy. Và những lá thư ấy được chị em nâng niu, lâu lâu lại đem ra đọc, coi như là tài sản chung của chị em trong Đội. Có một lá thư của một anh bộ đội người Hải Phòng từ chiến trường Đồng Tháp Mười gởi ra. Mẹ nhớ trong đó có mấy câu thơ mà ai trong Đội của mẹ cũng thuộc lòng, nó như thế này: “Qua ngầm càng thấy thương em/ Nắng, mưa, bom xối. Ngày đêm bám đường/ Cho anh gởi chút yêu thương/ Nụ hôn để lại. Chiến trường anh đi”.........”.

 Rồi nét mặt cô bỗng buồn buồn. Cô kể tiếp:

“- Khi về nhận công tác ở Đội Thanh niên xung phong này, mẹ là người thứ ba mươi mốt. Trẻ nhất Đội nên được các chị rất cưng chiều. Là y sĩ ngoài mặt trận, khi vừa ngớt tiếng bom, mẹ liền nhảy lên khỏi hầm trú ẩn, tất bật chạy đến ngay địa điểm, cung đường bị dội bom để cấp cứu anh chị em mình. Như trường hợp với cậu Thành ở đơn vị công binh C5 đó. Chuyện về chú ấy, có lần mẹ đã kể cho con nghe rồi. Mẹ không nhớ hết, không nhớ nổi, không biết bao nhiêu lần mẹ đã đi nhặt từng mẩu xương, miếng thịt của những chị em, những anh bộ đội bị trúng bom để chôn cất, dìu ôm họ ra khỏi vùng chết trong tình trạng bị trọng thương, máu ra đầm đìa. Và xót xa, nhói lòng nhìn họ ra đi trong vòng tay của mình. Thảm thương lắm. Những năm tháng đó, mẹ không còn nước mắt để mà khóc nữa, con à”.

 Cô Nhiên lấy khăn lau nước mắt. Sụt sùi khóc. Những hình ảnh, cảnh tượng đau lòng, thảm khốc ngày ấy như đang hiện ra, hiện ra rõ rành trước mắt cô.

...

Giọng cô bỗng chùng xuống:

“- Nhưng con biết không? Gian nan, vất vả, khổ cực, hiểm nguy bao nhiêu đi chăng nữa, mọi người cũng như mẹ cũng chịu đựng được. Thậm chí cái chết cũng chẳng sợ nữa là. Nhưng thiếu tình cảm thì không gì có thể bù đắp được. Và có lẽ, ông trời đã thấu sự thiếu thốn ấy nên vào khoảng gần cuối năm 1974, mẹ đã được gặp ba của con. Đó là nói cho vui vậy thôi. Thật ra, mẹ đã gặp ba con trong một trường hợp bất ngờ. Bất ngờ trong hoàn cảnh hết sức thương tâm. Và từ sự thương tâm, đau xót ấy đã dẫn đến những chuyện bất ngờ khác dễ thương đấy...”.

 Cô Nhiên nhìn con trai mỉm cười âu yếm như thấy hình ảnh của ba Thạch trước mắt mình.

...

Cô Nhiên kể tiếp. Lúc này như một điểm nút, cô tỏ ra vui hẳn lên:   

“ - Thạch à, mẹ không ngờ… Sau cái đêm ngồi tâm sự với ba con trên tấm phản đá đó... mẹ đã... có thằng cu Thạch này này. Mẹ sinh con tại Bệnh viện đa khoa trong thành phố biển đã được giải phóng này đó. Nhờ ơn trời đất, nhờ dì Phước Nguyện của con và nhờ cậu Thành nữa, mẹ con mình mới được như ngày hôm nay, con à”.

(Hèn chi mẹ bảo: Mình được tượng hình trên tấm phản đá và cái tên Thiên Thạch mẹ đặt cho mình là từ câu chuyện này mà ra).

...

Thạch ôm chầm lấy mẹ. Nghẹn ngào. Anh thầm nhủ: “Mẹ! Mẹ ơi! Con thương, con yêu mẹ lắm!”

Đ.X.Đ

Bài viết khác cùng số

Ba ngày cho một trận đánh lịch sử - Trung tướng Lê Văn Tri kể, Trịnh Duy Sơn ghiChuyến đi vẽ ở chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh - Mùa hè đỏ lửa 1972 - Giang Nguyên TháiĐất nước Hồi giáo và đảo quốc sư tử - Trương Văn KhoaAi sống ở hiệu sách Nica? - Phạm Thị Hải DươngHương cau ngọt lành - Nguyễn Thị Anh ĐàoMẹ và con - Đỗ Xuân ĐồngGiấc mơ của một gã say - Vũ Thị Huyền TrangHồn rơm rạ - Nguyễn Ngọc HưngNgõ cũ vườn cũ ngôi nhà cũ Đông An... - Nguyễn Kim HuyĐêm hè - Nguyễn Đông NhậtHạnh ngộ biển - Vô BiênNhững mắt thơ thao thức - Trần Vân ThiênDòng sông thao thức - Nguyễn Cát ChuyênSông - Kai HoàngTừ phía ấy ta nghe - Phan DuyGió - Phạm Thị Thúy NgaBản phác thảo đêm trắng - Phan NamCây sung già bên bờ hồ - Huỳnh Minh TâmMẹ biển - Nguyễn Thị Anh ĐàoMột ngày con chợt nhớ - Ngưng ThuLính biên phòng - Phan Thành MinhNam Trân, một khuôn mặt tài hoa của xứ Quảng - Huỳnh Văn HoaTri thức dân gian của ngư dân Đà Nẵng - Đinh TrangGiới thiệu tác phẩm âm nhạc - Văn Thu Bích Bài thơ của một nhà thơ Mỹ viết về nhà thơ Thu Bồn - Nguyễn Quang ThiềuCó một miền thơ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Ngô Thế LâmNgôi đền Ta Nang mới phát hiện ở vùng Đông Bắc Campuchia và những chứng cứ mới về con đường giao thương giữa các tiểu quốc Champa và đế chế Khmer - Trần Kỳ PhươngTinh thần lạc quan của Tiểu La Nguyễn Thành qua mấy vần thơ - Châu Yến LoanNguyễn Đình Thi - "Mỗi tâm hồn cần có tâm hồn khác" - Bùi Công Minh