Tìm lại tuổi thơ

06.06.2016

Tìm lại tuổi thơ

"Chiếc nhãn vở mong manh" - cuốn sách nhỏ mới được NXB Kim Đồng ra mắt dịp Tết thiếu nhi gồm 14 truyện ngắn chọn lựa từ những tác phẩm viết cho trẻ của nhà văn Lê Phương Liên trong nhiều năm qua. Như cơn gió nhẹ nâng trí tưởng tượng của các em bay lên, tác giả cũng nhắn gửi tới những người đã lớn, hãy tìm lại tuổi thơ qua "cặp kính" trong trẻo của mình.

Một vòng tròn rong chơi của cô bé ốc sên trong khu vườn nhỏ cũng mở ra cả một thế giới kỳ thú, lạ lẫm với những cuộc gặp gỡ anh bươm bướm, bà nhện… (Truyện Cô bé ốc sên). Một cây ngải quen thuộc đặt vào trang văn bỗng trở nên có sự tích, có lý do để hiện diện xuống trần gian (Truyện Cây báo bão). Ở câu chuyện khác, chiếc nhãn vở tự tạo bỗng là cái cớ cho tác giả thể hiện giấc mơ quá đỗi cảm động của em nhỏ miền núi: Được đến trường! Thương quá, khi em nhỏ ở trong túp lều nghèo của ông ngoại, tự vẽ cho mình một cái nhãn vở hình chiếc lá. Trên đó em vẽ: "Trường của Non là trường Mây Hồng. Mây bay mênh mang màu hồng. Lớp của Non là tổ chim, nhiều chim nhỏ đang há miệng. Non là một chú lớn hơn, to gần bằng cô giáo. Non chưa bao giờ trông thấy cô giáo nên nó vẽ một người cao bằng cây ngô"…


Bìa cuốn “Chiếc nhãn vở mong manh”

Trong tập truyện nhỏ này, mỗi sự vật bình dị, nhỏ nhắn xung quanh ta, trong vườn nhà ta, trên đường đi học, ở một con đường quê đâu đó…, lại chứa bao nhiêu bí mật, bao nhiêu câu chuyện đằng sau. Chỉ cần để tâm chút thôi, và lắng nghe, nhìn ngắm là những điều lung linh mà gần gũi biết chừng nào ấy sẽ hiện ra, sẽ dắt ta đi vào cuộc khám phá bất tận. Nào cây chanh con tách khỏi cây mẹ, nào những bông phượng đầu mùa, hay một ngôi nhà truyền thống ở Huế, hay Đài Nghiên - Tháp Bút bên Hồ Gươm…

Bên cạnh chùm truyện đồng thoại, đặt hẳn không gian chuyện vào thế giới cỏ cây, ở loạt truyện sau, ngòi bút Lê Phương Liên lại khéo léo đan cài những hình dung bảng lảng màu cổ tích hoặc những tưởng tượng xa xôi của các bạn nhỏ với những chi tiết đời thực xung quanh (các truyện Cây chanh, Én nhỏ, Chim hải âu ở Hòn Dấu, Giấc mơ xuân ở ngôi nhà Huế…). Ở đó có trường học, có bạn cùng lớp, có người mẹ với nỗi nhớ người chồng nằm lại nơi xa, có bà giáo nâng giữ hồi ức buồn về cậu học trò giỏi đã ra đi…, phong phú biết bao nhiêu. Tác giả vừa gợi chút xa xăm trong ký ức rồi lại đưa về gần gũi, thêm chút ảo mờ mà lại chân thực đời thường khiến cho trời mây, ánh sáng, biển cả, tâm sự của cây lá bên những người mẹ, người bà, người ông… như song hành, hòa nhập. Cứ thế, cuốn sách đưa ta chảy trôi về những tháng ngày thơ trẻ, khiến đôi chân ta đang đi trên mặt đất, nhưng tâm hồn có thể bay qua khắp những khung trời.

Có cảm giác rằng, từng câu chuyện, từng trang sách này như cho ta mượn một đôi kính riêng của các bạn nhỏ vậy. Chúng mở lại đôi mắt trẻ thơ trong mỗi con người bao năm qua đã bị che lấp, để ta nhìn đời sống và nhập cuộc trong một tư thế khác, một tâm hồn mới, trẻ trung, hay là một tâm hồn được làm cho tươi non trở lại. Và khi đó, phép màu sẽ đến, giống câu chuyện cuối sách "Chim Lạc Việt trở về", trong đêm Giao thừa, hai ông cháu tình cờ ra Hồ Gươm, bỗng thấy con chim lớn về đậu trên cành. Đó chính là chim Lạc, đã sải cánh khắp những trời xa, nay về Thăng Long để rồi sẽ sải cánh về núi rừng Yên Tử.

Chim Lạc có thật không? Tiếng nói của những bông hoa trong khu vườn Huế có vang lên không? Và cây ngải có phải con thần Gió?... Những điều ấy không phải chứng minh nữa. Bởi cuốn sách nhỏ với những câu chuyện xinh xắn của nhà văn Lê Phương Liên đã vẽ nên và gợi cho chúng ta niềm tin. Niềm tin ấy được thắp sáng từ vẻ đẹp của những đôi mắt thơ nhỏ. 

Tú Nhi

(hanoimoi.com)