Tiếp biến văn hóa tại miền Trung qua địa danh Phan Rang

06.08.2024
Võ Văn Thắng
Phan Rang - Tháp Chàm” là tên của thành phố thủ phủ của tỉnh Ninh Thuận, đôi khi được diễn giải hóm hỉnh là “Gió như phan(g), nắng như rang”. Thật ra, đây là một địa danh có tuổi đời hàng ngàn năm, ẩn chứa trong đó những thăng trầm của lịch sử. Danh xưng được phát âm và được ghi thành chữ một cách khác nhau qua các thời kỳ, nhưng vẫn không mất đi yếu tố giúp tìm ra manh mối và sức sống hơn một thiên niên kỷ.

Tiếp biến văn hóa tại miền Trung qua địa danh Phan Rang

Khi chưa có chữ quốc ngữ, địa danh Phan Rang được ghi bằng chữ Hán, chữ Phạn hoặc chữ Chăm cổ. Vào cuối thế kỷ 17, các tác giả biên soạn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi tên vùng đất này là 藩 籠 (âm: Phiên Lung). Đó là sự kiện năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tôn đánh chiếm kinh đô Chà Bàn, bắt vua Chiêm; tướng của Chiêm Thành là Bố Trì Trì chạy vào Phiên Lung chiếm giữ đất này để xưng chúa (其將布持持走庢藩籠據其其地稱占城主: kỳ tướng Bố Trì Trì tẩu chí Phiên Lung, cứ kỳ địa xưng Chiêm Thành chủ). Đến cuối thế kỷ 18, Lê Quý Đôn viết Phủ Biên Tạp Lục và sang thế kỷ 19, Quốc sử quán triều Nguyễn soạn Đại Nam Thực Lục và Đại Nam Nhất Thống Chí, thì viết là 潘郎 (âm: Phan Lang). Năm 1697, chúa Nguyễn lập Bình Thuận dinh và đặt các đạo Phan Lang, Phan Thiết, Ma Li, Phố Hài trực thuộc (置平順营設潘郞潘切厤離浦諧諸道: trí Bình Thuận dinh, thiết Phan Lang, Phan Thiết, Ma Li, Phố Hài chư đạo). Hai cách viết 藩 籠 (Phiên Lung) hay 潘郎 (Phan Lang) đều là dùng chữ Hán để ghi địa danh phỏng theo phát âm của người địa phương. Trong tiếng Hán không có phụ âm đầu /r/ (đầu lưỡi cong-vòm cứng), cho nên khi cần ghi âm /r/, người viết chữ Hán phải dùng một chữ phát âm /l/ (đầu lưỡi-chân răng) để thay thế. Chẳng hạn để ghi địa danh “Paris” (thủ đô nước Pháp), chữ Hán ghi là 巴黎 (âm Hán: Ba-Li; âm Hán Việt: Ba Lê). Địa danh Phan Rang được ghi thành Phiên Lung 藩 籠 hay Phan Lang 潘郎 cũng nằm trong cách thức đó.

Tra cứu xưa hơn, chúng ta bắt gặp địa danh Phan Rang đã được ghi lại khá sớm trong các bộ sử của Trung Hoa. Sách Tân Đường Thư chép ở phía nam nước Hoàn Vương (tiền thân của Chiêm Thành) có châu 奔陀浪 (âm Hán Việt: Bôn Đà Lãng; âm Hán: Ben-Tuo-Lang). Tống Sử ghi tên xứ ấy là 賓陀羅 (âm Hán-Việt: Tân Đà La; âm Hán: Bin-Tuo-Luo), và sách Chư Phiên Chí thì dùng tự dạng 賓瞳龍 (âm Hán-Việt: Tân Đồng Long; âm Hán: Bin-Tong-Long). Có thể nhận ra âm tiết cuối của địa danh này trong sử liệu Trung Hoa đều có phụ âm đầu /l/ (Lang/Luo/Long), cũng tương tự như sử Đại Việt ghi “Phiên Lung” hay “Phan Lang”. Chỗ khác trong sử Trung Hoa là đã ghi địa danh này với ba âm tiết chứ không phải chỉ với hai âm tiết như trong sử Đại Việt.

Tìm hiểu trên văn khắc chữ Ấn Độ cổ (chữ Phạn) chúng ta nhận biết nguồn gốc của việc sử gia Trung Hoa dùng ba âm tiết để ghi địa danh này. Ở một số văn khắc trên đá còn lại tại vùng Ninh Thuận, các nhà nghiên cứu đọc thấy địa danh này khắc bằng chữ Phạn, phiên âm theo ký tự la tinh là /Pāṇḍuraṅga/. Đây là danh xưng của một vùng đất thiêng trong sử thi Ấn Độ, hiện nay còn nhiều di tích đền thờ ở bang Maharashtra (Ấn Độ), nổi tiếng nhất là ngôi đền thờ thần Panduranga (với một tên gọi khác là Vithoba, 500 km về phía nam của thành phố Mumbai). Tên gọi vùng đất thiêng có thể tra cứu trên mạng Google với biến âm hiện đại là Pandharpur.  Như vậy, tầng lớp thượng lưu am hiểu văn hóa Ấn Độ cổ đã lấy tên gọi vùng đất thiêng Panduranga trong sử thi Ấn Độ để đặt tên cho vùng đất Ninh Thuận xưa từ những thế kỷ đầu công nguyên. Địa danh này xuất hiện sớm trên văn khắc năm 778, tìm thấy ở tháp Hòa Lai (Ninh Thuận), và văn khắc năm 817 trên trụ cửa tháp Po Nagar (Nha Trang). Đặc biệt, trên văn khắc năm 1050 ở tháp Po Klong Grai (Ninh Thuận) đã xuất hiện dạng rút gọn của /Pāṇḍuraṅga/ thành /Panrāṅ/; và dạng rút gọn này được tiếp tục dùng trên các văn khắc thời kỳ sau. Như vậy, các sử gia Trung Hoa khi tiếp xúc với địa danh Panduranga ở vùng đất phía nam của nước Chiêm Thành, đã dùng các chữ Hán có âm tương tự để ghi, tạo ra các dị bản Bôn Đà Lãng, Tân Đà La, hoặc Tân Đồng Long. Các sử gia Đại Việt đã gặp dạng phát âm rút gọn của người địa phương (Panrāṅ) và ghi lại bằng chữ Hán, thành ra Phiên Lung hoặc Phan Lang; và các văn bản quốc ngữ gần đây đã dịch là Phan Rang theo đúng cách phát âm hiện nay.

Mặc dù trải qua nhiều biến thể, được ghi nhận một cách khác nhau ở các thời kỳ, nhưng danh xưng Phan Rang vẫn lưu giữ dấu ấn của dòng chảy lịch sử và sự tiếp biến văn hóa lâu đời tại miền Trung Việt Nam, từ văn hóa Ấn, Hoa đến Champa và Đại Việt.

(Tạp chí Non Nước số 318)