Thiếu vắng ca khúc dành cho thiếu nhi

10.04.2023
Thùy Trang
Ca khúc thiếu nhi mới khan hiếm, khán giả thiếu nhi buộc lòng phải nghe, phải hát những giai điệu yêu đương nồng cháy, thậm chí là não tình của người lớn.

Thiếu vắng ca khúc dành cho thiếu nhi

Ca sĩ Hồng Nhung gần như là ca sĩ tiên phong phát hành album nhạc thiếu nhi. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp).

Người trong giới trăn trở kho tàng âm nhạc thiếu nhi ngày càng thiếu hụt những giai điệu tươi vui, trong sáng, song dường như sân chơi âm nhạc dành cho trẻ em hiện vẫn bỏ ngỏ.

Trẻ em hát nhạc người lớn

Không khó để bắt gặp một giọng ca nhí, song ca, tam ca hay tốp ca biểu diễn ở các sự kiện với một ca khúc của người lớn. Từ "Đất nước trọn niềm vui" đến "Quê hương tình yêu và tuổi trẻ" hay "Quả phụ tướng", thậm chí là "Ai chung tình được mãi"… Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã từng phát biểu: "Đừng bắt thiếu nhi phải hát nhạc của người lớn!", song theo những người trong cuộc, hiện nay số lượng nhạc sĩ quan tâm sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi không nhiều, dẫn đến hiện tượng thiếu nhi luôn phải "gồng gánh" những ca khúc người lớn một cách mệt nhọc.

Trong guồng phát triển của thế giới phẳng, cũng không có nhiều sản phẩm nhạc thiếu nhi trên mạng xã hội hoặc biểu diễn thu hút khán giả, giải thưởng cho nhạc thiếu nhi cũng hiếm hoi. Hiện nay chỉ có TP Đà Nẵng tổ chức giải 5 năm/lần, Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải định kỳ hằng năm, còn lại thỉnh thoảng mới có một vài nơi tổ chức trao giải cho nhạc thiếu nhi.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận quyền tác giả 300 ca khúc thiếu nhi. Với văn bản pháp lý này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã trở thành người giữ kỷ lục mới về sáng tác âm nhạc cho tuổi thơ hiện nay. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết cách đây 7 năm, anh quyết định thử thách mình trong những ca khúc về gia đình với album "Thương con thương cả cuộc đời", đồng thời chuyên tâm viết nhạc thiếu nhi với album "Gia đình nhỏ hạnh phúc to", trong đó có các bài: "Nhật ký của mẹ", "Thư của mẹ", "Bé mừng sinh nhật", "Mẹ ơi có biết", "Cảm ơn thiên thần"... Những ca khúc này hiện là những bài hát quen thuộc với thiếu nhi.

"Nhạc thiếu nhi không mang lại lợi nhuận, danh tiếng nhưng tôi viết vì muốn được cống hiến, muốn được làm điều ý nghĩa, thiết thực cho cuộc sống" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tâm huyết.

Sự chung tay của nhiều người

Trước những bức xúc về hiện tượng thiếu vắng ca khúc tốt cho thiếu nhi, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (2021), Hội đồng Đội Trung ương phát động cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi, với trên 500 bài hát của gần 400 tác giả tham dự.

Trại sáng tác ca khúc thiếu nhi do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học - nghệ thuật (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức năm 2021 đã trình làng 77 tác phẩm. Kết quả này cho thấy số người viết không ít, bài hát không thiếu mà cái thiếu hiện nay là nơi tổ chức dàn dựng và phát sóng các bài hát thiếu nhi.

Không chỉ là mối bận tâm của các sở, ban ngành, nhạc thiếu nhi giờ đây có sự chung tay của nhiều người trẻ tâm huyết. Ca sĩ Phan Đinh Tùng thực hiện MV (video ca nhạc) "Nào mình cùng đánh răng", khởi đầu cho dự án âm nhạc thiếu nhi dài hạn. Các ca khúc đều hướng đến việc dạy con trẻ những kỹ năng sống cơ bản, cách ứng xử lễ phép qua ca từ dễ hiểu, giai điệu vui tươi, nhẹ nhàng.

"Khi có con, làm cha, tôi có những cảm xúc rất mãnh liệt. Từ những câu hát đơn giản ban đầu, tôi phát triển thêm thành bài hát. Thị trường âm nhạc đang thiếu sản phẩm dành cho thiếu nhi. Vì thế, tôi rất lưu tâm vấn đề này" - Phan Đinh Tùng bộc bạch.

Hồng Nhung gần như là ca sĩ tiên phong trong việc phát hành album nhạc thiếu nhi. Album nhạc thiếu nhi "Cháu vẽ ông mặt trời" của chị đã tạo nên những hiệu ứng tích cực từ khán giả yêu nhạc. Sau "Cháu vẽ ông mặt trời", ca sĩ Hồng Nhung làm thêm album "Tuổi thơ tôi" gồm 10 bài hát thiếu nhi quen thuộc với bao thế hệ như: "Ngày đầu tiên đi học", "Chú ếch con", "Đếm sao"…

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, cho biết: "Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ quan trọng là phát triển âm nhạc thiếu nhi. Bên cạnh khuyến khích và vận động hội viên sáng tác, cổ vũ các lực lượng trong xã hội tham gia phát triển mảng âm nhạc này, sắp tới hội sẽ khôi phục Ban Âm nhạc thiếu nhi, tổ chức giải thưởng âm nhạc thiếu nhi, tổ chức các liên hoan, festival âm nhạc thiếu nhi, tạo sân chơi cho các nhạc sĩ đưa sáng tác mới đến với công chúng, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng tài năng âm nhạc nhỏ tuổi…".

(nld.com.vn)