Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha: Đam mê sáng tạo tranh lụa - Huỳnh Thạch Hà

13.05.2019
<span>Trong nghệ thuật tạo hình, tranh lụa là một loại tranh đã xuất hiện từ rất lâu tại các quốc gia ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản,... nhưng xét về yếu tố thời gian thì tranh lụa Việt Nam còn khá non trẻ, nhưng lại có bản sắc riêng. Đã một thời tranh lụa là niềm tự hào của nền mỹ thuật Việt Nam với những tên tuổi như Nguyễn Phan Chánh, Mộng Bích, Lê Kim Bạch, Nguyễn Thụ...<span> </span></span>

Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha: Đam mê sáng tạo tranh lụa - Huỳnh Thạch Hà

Hiện nay, còn rất ít họa sĩ trẻ theo đuổi nghệ thuật vẽ tranh trên lụa, liệu phải chăng tranh lụa là một loại hình nghệ thuật khó? hay thị trường tranh lụa đang gặp khó khăn? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với họa sĩ Hồ Đình Nam Kha - một họa sĩ chuyên về tranh lụa và hiện đang là Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng về vấn đề này.

Huỳnh Thạch Hà (HTH): Anh có thể cho biết kỹ thuật khó nhất trong vẽ tranh lụa là gì?

Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha (HĐNK): Theo tôi trong tranh lụa khâu nào cũng khó, từ khâu phác thảo đến khi hoàn thiện tác phẩm, nếu bồi không khéo cũng hư tranh lụa. Do đó, tranh lụa hiện nay gần như ít họa sĩ vẽ. Đặc biệt với tranh lụa đòi hỏi người họa sĩ phải vững Annantomy, kỹ thuật tốt, chắc tay nghề, phối màu sắc uyển chuyển nhẹ nhàng. Việc vẽ màu pha nước cũng đòi hỏi rất công phu, mỗi họa sĩ sẽ có cách thể hiện riêng. Màu sắc là một trong những yếu tố thị giác cực kỳ quan trọng, là ngôn ngữ hữu hình nhưng có sức mạnh vô hình. Việc tìm tòi màu sắc cho tranh lụa rất rộng và khả năng của lụa cũng rất lớn, sẵn sàng chờ đợi những sáng tạo mới của họa sĩ. Quá trình người họa sĩ tìm tòi sáng tạo là quá trình họ đi tìm chính mình. Nếu họa sĩ muốn sáng tạo với tranh lụa thì thường tập trung vào việc thể hiện màu sắc hay chủ đề. Có thể có tác phẩm thì không dùng gam màu chủ đạo nào nhưng cũng có tác phẩm lại sử dụng một gam màu chủ đạo. Như tác phẩm “Hồn quê”, tôi dùng nhiều màu sắc nhưng không lấy một gam màu nào chủ đạo, hòa quyện chúng với nhau, với nhiều tổ hợp hòa sắc, dùng nhiều hình ảnh nhân vật, mỗi nhân vật thể hiện tính cách riêng, với nhiều thế dáng, hành động và nhiều thế hệ, già, trẻ, lớn, bé, nam, nữ nhiều thành phần. Ngoài ra, nhờ đường nét đơn giản uyển chuyển tạo sự rung động cho từng nhân vật, mỗi nhân vật mang một sắc thái riêng tạo nên bức tranh sống động. Ngắm “Hồn quê” ta như được hòa mình vào cuộc sống, vào tâm hồn của những người dân quê chân chất nhưng yêu cuộc sống, yêu công việc và những thành quả mà họ đạt được trong cuộc sống đời thường. Trong tác phẩm “Nhộn nhịp mùa vàng” tôi lại lấy tông vàng làm chủ đạo. Màu vàng được trải đều khắp mặt tranh làm cho trước mắt người xem xuất hiện một thế giới bao la của đồng quê Việt Nam mùa lúa chín. Kết hợp với việc dùng bút pháp riêng (marcher) ở lụa và đường nét phóng khoáng đỉnh đạt như đưa người xem vào một thế giới riêng, thế giới nội tâm, sinh động của mỗi nhân vật.

Và việc khó nữa là bố cục trên tranh lụa cũng rất đa dạng, mỗi họa sĩ lại có cảm xúc và cách nhìn riêng, tạo ra những cách bố cục đặc trưng. Bản thân chất lụa đã rất mong manh và mịn màng nên các họa sĩ ít dùng những khối nổi không gian của tự nhiên, ít sử dụng đến ánh sáng như cách vẽ của sơn dầu. Người nghệ sĩ tự do sáng tạo theo một không gian của mình, chỉ dùng những bộ phận của phối cảnh, có khi không nhờ đến một phối cảnh nào. Trong tương quan giữa người và phối cảnh, có khi họa sĩ dùng sắc độ mạnh để nhấn vào người, còn cảnh vẫn để ở sắc độ trung bình hoặc làm nhẹ đi để tôn các nhân vật nhưng vẫn tạo ra sự thống nhất. Những nét vẽ chuyển động theo chiều từ thấp đến cao, từ lớn đến bé, màu sắc hài hoà, vui nhộn, mỗi nhân vật có những cách thể hiện riêng có thể ngây ngô, ngộ nghĩnh, hay sâu sắc theo từng tính cách nhân vật sẽ tạo nên những nét riêng cho mỗi tác phẩm nghệ thuật.

HTH: Theo anh, nét đặc sắc nhất của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam là gì?

HĐNK: Lụa Việt Nam có 2 dòng: dòng truyền thống lâu đời vẽ khô (bồi lụa lên giấy và vẽ trực tiếp), dòng hiện đại ra đời khoảng 1930 đơn giản màu sắc, mảng khối vẽ màu nước nhiều lần để thẩm thấu sớ. Nét nổi bật của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam là đã tìm được một bảng màu riêng cho lụa, rất kiệm màu mà vẫn tạo nên sự phong phú của sắc, các sợi tơ óng mịn được nhuộm màu nhuần nhị như có hương, có sắc. Cũng như sơn mài, lụa hạn chế trong việc diễn tả ánh sáng, tả chất, vờn khối, không gian và thậm chí cả màu sắc. Tranh lụa thường sử dụng mảng và nét để thể hiện thế giới khách quan. Sự thay đổi phong phú đa dạng các mảng hình trong tranh lụa chỉ đơn thuần là các mảng phẳng thì sẽ rất đơn điệu, vì vậy các họa sĩ đã tìm tòi đưa các chi tiết, họa tiết vào trong các mảng hình ấy để tạo sự sinh động, hấp dẫn và cuốn hút người xem. Việc sử dụng mảng và nét như vậy đã mang đậm tính trang trí của tranh lụa.

HTH: Anh suy nghĩ như thế nào về thị trường tranh lụa hiện nay?

HĐNK: Nói về thị trường tranh thì hiện nay các loại tranh đều lắng đọng chứ không riêng gì tranh lụa. Người mua kén chọn tranh không đại trà như giai đoạn 2012 - 2013 trở về trước. Tuy nhiên, vừa qua cũng có rất nhiều cuộc đấu giá tranh, mà tranh Việt, trong đó có tranh lụa cũng được bán với giá rất cao. Điều đó cho thấy rằng nếu họa sĩ sáng tạo ra tác phẩm tốt, thị hiếu thẩm mỹ cao thì tác phẩm đó không lo gì không bán được, chỉ có họa sĩ muốn bán hay không mà thôi. Nếu như tranh lụa truyền thống chỉ thể hiện các chủ đề như: phong cảnh, tĩnh vật, thiếu nữ áo dài, thiếu nữ miền núi, sinh hoạt miền núi, làng chài một cách đơn giản... Thì ngày nay, tranh lụa hiện đại lại còn thể hiện sự mới mẻ ở các mảng đề tài đa dạng hơn. Người nghệ sĩ phải không ngừng tìm tòi sáng tạo, thử nghiệm nhiều đề tài, chất liệu, tự tạo marcher mới , tìm ra những màu sắc riêng không theo lụa truyền thống (Vì vẽ những khổ lụa truyền thống quá lớn khó quán xuyến, dàn trải màu sắc, thiếu độ đậm nhạt hài hòa và thẩm thấu của màu sắc) nên mỗi họa sĩ nên tạo cách vẽ riêng, cách điệu hình thể và màu nước công nghiệp nhưng màu sắc vẫn uyển chuyển nhẹ nhàng tạo được độ mịn màng như lụa truyền thống. Trong tương lai, song song với việc sáng tạo ra những tác phẩm tốt đồng thời làm tốt việc quảng bá, giới thiệu tác phẩm đến công chúng, làm sao các tác phẩm có chất lượng được biết đến thì thị trường tranh lụa chắc chắn sẽ có nhiều khởi sắc.

Cảm ơn anh. Chúc anh ngày càng thành công hơn nữa.

Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha sinh ngày 11-3-1966 tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế năm 1993. Hiện là Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng. Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha đã tham gia nhiều triển lãm tranh trong các cuộc triển lãm khu vực và quốc gia và đạt nhiều giải thưởng lớn của thành phố, của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Hiện nay anh vừa giảng dạy bộ môn hội họa và tiếp tiếp niềm đam mê sáng tác tranh lụa của mình.


H.T.H